Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 92/2009/QĐ-UBND

Vinh, ngày 06 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TĂNG CƯỜNG CÁN BỘ Y TẾ CÔNG TÁC TUYẾN HUYỆN VÀ TUYẾN XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001- 2010;
Căn cứ Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến d­ưới” nhằm nâng cao chất l­ượng khám chữa bệnh;
Căn cứ ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tại Công văn số 247/ TT.HĐND ngày 29/9/2009 về việc phúc đáp Tờ trình số 6238/TTr-UBND.VX ngày 24/9/2009 của UBND tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1624/TTr-SYT ngày 17 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về tăng cường cán bộ y tế công tác tuyến huyện và tuyến xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 10/2004/QĐ-UB ngày 12/02/2004 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề án “Tăng cư­ờng bác sỹ công tác tuyến y tế cơ sở đến năm 2005 và những năm tiếp theo” và Quyết định 1188/QĐ.UBND -VX ngày 07/4/2006 về việc giảm thời gian công tác cho các bác sỹ về tăng cường ở tuyến y tế cơ sở.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc: Sở Y tế, Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường

 

QUY ĐỊNH

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁN BỘ Y TẾ CÔNG TÁC TUYẾN HUYỆN VÀ TUYẾN XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 92/2009/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2009 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Bản quy định này quy định việc tăng cường cán bộ y tế công tác tuyến huyện và tuyến xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

1. Đối tượng tăng cường luân phiên:

a) Từ tỉnh xuống huyện và xã: Là cán bộ chuyên môn y tế có trình độ kỹ thuật (Chuyên môn hoặc kíp chuyên môn).

b) Từ tuyến tỉnh, huyện, thành phố, thị xã xuống xã chưa có Bác sỹ: Là Bác sỹ.

2. Bác sỹ nghỉ hưu hợp đồng làm việc tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Các trường hợp được miễn tăng cường luân phiên:

Các đối tượng thuộc diện ưu tiên được miễn tăng cường luân phiên thời gian 03 tháng liên tục tại các huyện miền núi gồm: Phụ nữ đang thời kỳ mang thai; Phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (Con độc nhất hiện có bố, mẹ ốm đau thường xuyên hoặc tàn tật,...).

Điều 4. Các hình thức tăng cường cán bộ y tế:

a) Cán bộ được tăng cường luân phiên từ tuyến tỉnh xuống Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã và từ huyện về Trạm y tế xã luân phiên theo từng đợt (Điều 6 quyết định này).

b) Ký hợp đồng bác sỹ nghỉ hưu mỗi năm một lần.

Chương II

NỘI DUNG VỀ LUÂN PHIÊN CÁN BỘ Y TẾ

Điều 5. Nguyên tắc tăng cường luân phiên

Các đơn vị xây dựng kế hoạch cán bộ có nhu cầu về tăng cường luân phiên hàng năm (kế hoạch gửi về Phòng TCCB Sở Y tế trong tháng 1 hàng năm). Kế hoạch được ngành phê duyệt phải đảm bảo cân đối cán bộ tuyến trên và tuyến dưới, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ tăng cường luân phiên và sự bình đẳng giữa các cán bộ được tăng cường luân phiên.

Điều 6. Thời gian tăng cường luân phiên:

a) Từ tỉnh xuống huyện và xã: Mỗi đợt tăng cư­ờng luân phiên 3 tháng.

b) Huyện xuống xã: Mỗi đợt tăng cư­ờng luân phiên 3 tháng.

- Huyện miền núi: Những xã cách trung tâm huyện trên 7 km mỗi đợt tăng cường luân phiên 3 tháng (Không phân biệt Nam, Nữ và độ tuổi).

- Huyện đồng bằng, thành phố, thị xã xuống xã và huyện miền núi xuống xã cách trung tâm huyện dưới hoặc bằng 7 km mỗi tuần đi 2 buổi: Chiều thứ 2, thứ 5 hoặc chiều thứ 4, thứ 6, thời gian còn lại làm việc tại đơn vị (Không phân biệt Nam, Nữ, độ tuổi và không có diện ưu tiên).

Điều 7. Thẩm quyền ra Quyết định tăng cường luân phiên:

Hằng năm vào cuối quý I, Giám đốc Sở Y tế căn cứ vào kế hoạch nhu cầu tăng cường luân phiên của các đơn vị đã được phê duyệt và danh sách các đơn vị cử cán bộ đi tăng cường luân phiên để ra quyết định.

Điều 8. Chế độ hỗ trợ cán bộ y tế được tăng cường luân phiên:

Trong thời gian tăng cường luân phiên được giữ nguyên lương, phụ cấp, các chế độ khác (nếu có) như đang công tác tại đơn vị và biên chế tại đơn vị, ngoài ra được hỗ trợ thêm kinh phí khi đi tăng cường luân phiên như sau:

1. Cán bộ y tế được điều động luân phiên từ tỉnh về Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện và Trạm y tế xã:

- Khu vực núi cao đ­ược hỗ trợ thêm: 700.000đ/tháng/ng­ười;

- Khu vực núi thấp đ­ược hỗ trợ thêm: 500.000đ/tháng/ng­ười;

- Khu vực đồng bằng đ­ược hỗ trợ thêm: 300.000đ/tháng/ng­ười;

- Đối với các đơn vị trực thuộc tỉnh đóng trên địa bàn các huyện áp dụng theo mức quy đổi đối với cán bộ từ huyện về xã.

- Đư­ợc hỗ trợ tiền tàu xe 1 lần đi và 1 lần về cho một đợt đi tăng c­ường.

2. Bác sỹ tăng cư­ờng luân phiên từ huyện (Bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện) về xã (Trạm y tế xã):

- Khu vực núi cao đ­ược hỗ trợ thêm: 600.000đ/tháng/ngư­ời;

- Khu vực núi thấp đ­ược hỗ trợ thêm: 400.000đ/tháng/ng­ười;

- Đối với các xã, thị trấn đồng bằng cách Trung tâm huyện trên 7 km và các xã, thị trấn miền núi cách Trung tâm huyện dưới hoặc bằng 7 km đ­ược hỗ trợ thêm: 200.000đ/tháng/người;

- Đối với các xã, thị trấn đồng bằng cách trung tâm huyện dưới hoặc bằng 7 km hỗ trợ thêm 150.000đ/tháng/ng­ười;

- Đối với các xã thuộc thành phố, thị xã hỗ trợ thêm 100.000đ/tháng/ngư­ời.

Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ được tăng cường luân phiên

Thông suốt về tư tưởng, tự nguyện, tự giác và có kế hoạch hành động cụ thể như: Thực hành kỹ thuật, hướng dẫn thực hành, đào tạo cán bộ tại chỗ theo phương châm cầm tay chỉ việc. Chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định điều động luân phiên của cấp có thẩm quyền. Phục tùng sự phân công công tác của Thủ trưởng đơn vị đến tăng cường luân phiên. Thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế chuyên môn được Bộ Y tế ban hành. Sau đợt tăng cường có báo cáo kết quả công việc và nhận xét của đơn vị đến tăng cường. Được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch khi đủ điều kiện và xét khen thưởng nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị cử cán bộ tăng cường luân phiên:

Làm tốt công tác tư tưởng đến từng cán bộ trước lúc triển khai tăng cường luân phiên đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời chỉ tiêu điều động khi được giao. Chi trả lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác (nếu có) khi cán bộ tăng cường có nhận xét (bảng chấm công) hàng tháng của đơn vị cán bộ đến tăng cường luân phiên. Bố trí, sắp xếp và thực hiện các chế độ cho cán bộ sau khi hoàn thành đợt tăng cường.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ tăng cường luân phiên:

Bố trí công việc, chỗ ở và thực hiện quản lý nhà nước đối với cán bộ đến tăng cường. Hàng tháng hoặc hết đợt tăng cường có nhận xét (bảng chấm công) kết quả công tác của cán bộ đến tăng cường.

Chương III

HỢP ĐỒNG BÁC SỸ ĐÃ NGHỈ HƯU LÀM VIỆC TẠI CÁC TRẠM Y TẾ CẤP XÃ

Điều 12. Điều kiện đối với Bác sỹ đã nghỉ hưu hợp đồng làm việc tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn:

Đối với Bác sỹ sống trên địa bàn có đủ sức khoẻ, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được nhân dân tín nhiệm, có đơn xin hợp đồng làm việc.

Điều 13. Chế độ hỗ trợ:

Mức hỗ trợ 1.500.000đ/tháng /người (tính tất cả thành phố, thị xã, đồng bằng và miền núi).

Điều 14. Trách nhiệm, quyền hạn đối với Bác sỹ đã nghỉ hưu hợp đồng làm việc tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn:

Phục tùng sự phân công công tác của Trưởng trạm y tế nơi mình đến hợp đồng làm việc. Thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế chuyên môn của đơn vị, của ngành cũng như của Bộ Y tế ban hành.

Điều 15. Trách nhiệm của Trạm y tế xã, phường, thị trấn:

Bố trí công việc và thực hiện quản lý nhà nước đối với bác sỹ nghỉ hưu đến hợp đồng làm việc. Hàng tháng có nhận xét (bảng chấm công) kết quả công tác của bác sỹ hợp đồng trình Trung tâm y tế chi trả tiền hỗ trợ. Tuỳ điều kiện địa phương đề xuất Trung tâm y tế trình UBND huyện, thành, thị hỗ trợ thêm kinh phí ngoài mức hỗ trợ của tỉnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Nguồn kinh phí thực hiện:

Kinh phí để thực hiện công tác tăng cường luân phiên cán bộ y tế cho tuyến dưới được lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp ngành y tế, được UBND tỉnh cấp hàng năm qua Sở Y tế. Hàng quý, Sở Y tế chuyển kinh phí đến các đơn vị để chi trả các cá nhân theo đúng chế độ được quy định tại Quyết định này.

Điều 17. Phân công trách nhiệm:

Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Bệnh viện và Trung tâm tuyến tỉnh; Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc tăng cường luân phiên cán bộ y tế về tuyến dưới. Hàng năm tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, khen thưởng các cá nhân, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sở Nội vụ hàng năm có trách nhiệm cùng Sở Y tế xây dựng kế hoạch biên chế và giải quyết chế độ chính sách liên quan.

Sở Tài chính hàng năm có trách nhiệm cùng Sở Y tế, Sở Nội vụ cân đối ngân sách cho việc tăng cường cán bộ y tế công tác tuyến y tế dưới.

UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm phối hợp Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc tăng cường luân phiên cán bộ y tế tuyến trên về và cử cán bộ về tuyến dưới./.