Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 925/QĐ-CTUBND

Quy Nhơn, ngày 24 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 08/2006/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ, ĐỐT RỪNG, KHAI THÁC RỪNG TRÁI PHÉP

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Chỉ thị 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

(có Kế hoạch cụ thể kèm theo)

Điều 2. Giao Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch để ngăn chặn có hiệu quả tình hình chặt phá, đốt rừng và khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thiện

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08/2006/CT-TTG, NGÀY 08/3/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ, ĐỐT RỪNG, KHAI THÁC RỪNG TRÁI PHÉP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 925/QĐ-CTUBND ngày 24/4/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Thực hiện Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg, ngày 08/3/2006, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép và Công điện số 10/BNN-KL ngày 23/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg, ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản nêu trên, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tác dụng và tầm quan trọng của rừng; giúp mọi người nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ rừng cũng như đấu tranh và hỗ trợ các cơ quan chức năng ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; kết hợp tuyên truyền, giải đáp pháp luật và giải quyết kịp thời dứt điểm mọi khiếu nại, tố cáo, đồng thời tư vấn cho người dân về pháp luật lâm nghiệp.

2. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chống đối lực lượng thi hành công vụ hoặc tái phạm thì phải xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự, tăng tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe.

3. Đánh giá đúng mức thực trạng về tình hình quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh; tìm ra nguyên nhân của việc phá rừng, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về lĩnh vực quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng; đề ra các biện pháp, giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững, có hiệu quả phù hợp với tình hình hiện nay.

II NỘI DUNG

1. Chi cục kiểm lâm:

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, xác định cụ thể diện tích nương rẫy, diện tích trồng rừng của các hộ gia đình trên địa bàn từng địa phương để xác định các khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng, phá rừng, có kế hoạch hướng dẫn đồng bào đốt nương làm rẫy đúng quy định, phòng ngừa cháy lan vào rừng; tổ chức giám sát và ngăn chặn việc phá rừng làm rẫy, đốt rẫy và xử lý thực bì gây cháy rừng trong những tháng cao điểm mùa khô.

- Phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nắm chắc số đối tượng phá rừng lấy gỗ, đốt than, làm rẫy trái phép, phân loại đối tượng để có biện pháp giáo dục. Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho số đối tượng này và làm việc với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tạo điều kiện giải quyết công ăn việc, giúp họ có việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống.

- Chủ trì, đề xuất UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra, truy quét, giải quyết dứt điểm tận gốc tệ phá rừng, đốt rừng làm rẫy trái phép, kiểm tra truy quét các điểm nóng về phá rừng, xóa bỏ các tụ điểm mua, bán, cất giữ trái phép gỗ, động vật rừng; điều tra, lập danh sách và xử lý kiên quyết đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, những đối tượng “chuyên nghiệp” phá rừng, vận chuyển, mua, bán trái phép lâm sản; kiểm tra những cơ sở chế biến gỗ, các nhà hàng… để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

2. UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg, ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ; các cấp chính quyền cơ sở (xã, huyện) phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tài nguyên rừng trên địa bàn, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng lâm tặc khai thác rừng, phá rừng, đốt rừng trái phép thì Chủ tịch UBND huyện, xã đó phải kiểm điểm trước cấp ủy Đảng và bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện quy hoạch diện tích canh tác nương rẫy ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với việc triển khai chính sách giải quyết đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất. Không quy hoạch nương rẫy vào các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất xung yếu và rừng sản xuất là rừng tự nhiên giàu và trung bình.

- Phối hợp với Ban Dân tộc, chỉ đạo, vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi phương thức canh tác nương rẫy du canh sang các hình thức định canh phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương như làm ruộng bậc thang, nương rẫy cố định, trồng cây lâu năm, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, nhận khoán bảo vệ rừng, trồng cỏ cho chăn nuôi… vừa bảo vệ đất vừa nâng cao thu nhập.

- Phối hợp UBND các huyện, thành phố hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 03 loại rừng, phân cấp rừng theo chức năng và triển khai việc rà soát, cắm mốc xác định địa giới 03 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg, ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 03 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất).

- Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh, chỉ đạo các lâm trường sau khi chuyển đổi thành các Công ty lâm nghiệp xây dựng Phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các dự án có sử dụng đất lâm nghiệp ở địa phương đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị chặt phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép kể từ sau khi có Chỉ thị 12/2003/CT-TTg, lưu ý giải quyết các nhu cầu về đời sống của nhân dân các địa phương theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

5. Ban Dân tộc phối hợp các Hội đoàn thể, UBND các huyện miền núi tổ chức vận động, tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tập quán du canh, du cư hoặc đã định cư nhưng vẫn còn tình trạng du canh đốt, phá rừng làm rẫy, chuyển sang làm nương rẫy cố định và định cư để ổn định cuộc sống.

6. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm cử lực lượng tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành và hỗ trợ với lực lượng kiểm lâm thực hiện truy quét các đối tượng phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Công an tỉnh ngừng cấp giấy phép sử dụng súng săn và có kế hoạch thu hồi số giấy phép sử dụng trước đây đã cấp.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thương mại, Sở Văn hoá – Thông tin không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, quảng cáo việc mua, bán các mặt hàng động vật hoang dã, quý hiếm và có kế hoạch thu hồi các giấy phép đã cấp.

8. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bình Định, các Hội đoàn thể… tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định Nhà nước về bảo vệ rừng để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức đúng và chấp hành nghiêm túc.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trưởng ban Ban chỉ huy PCCCR và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg, Chỉ thị 08/2006/CT-TTg; các thành viên Ban Chỉ huy căn cứ nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.

2. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách, đảm bảo kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch. UBND huyện, thành phố đảm bảo kinh phí cho việc triển khai Kế hoạch tại địa phương theo quy định phân cấp ngân sách.

3. Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đài phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Định, UBND các huyện, các hội, đoàn thể theo nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Giao Ủy viên thường trực Ban Chỉ huy (Chi cục Kiểm lâm) có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch; thường xuyên báo cáo (vào ngày thứ năm hàng tuần) cho Trưởng ban, Phó Trưởng ban để theo dõi, chỉ đạo giải quyết kịp thời./.