ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 925/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI TRỰC THUỘC UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRÊN CƠ SỞ KIỆN TOÀN LẠI BAN DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng; Luật Đường sắt; Luật Đất đai; Luật Đấu thầu;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 12/2009/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Giám đốc sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trên cơ sở kiện toàn lại Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
- Tên giao dịch tiếng Việt Nam: Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội.
- Tên giao dịch tiếng Anh: HANOI METOPOLITAN RAILWAY MANAGENMENT BOARD
- Tên viết tắt tiếng Anh: MRB.
- Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân Thành phố; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
- Trụ sở được đặt tại: số 8 phố Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy:
1. Chức năng:
- Trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, xây dựng phát triển, quản lý vận hành, khai thác hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội;
- Giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (cơ quan chủ quản) trong công tác triển khai thực hiện dự án (từ bước chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng) đúng quy trình, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả của dự án;
- Làm chủ đầu tư và quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội;
2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố về kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng phát triển, quản lý, vận hành và khai thác các tuyến đường sắt đô thị của Thành phố;
b) Thực hiện vai trò và chức năng làm đối tác trực tiếp với các nhà tài trợ nước ngoài trong quan hệ giao dịch có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị;
c) Chuẩn bị các văn kiện, tài liệu, nội dung đàm phán và cùng các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân Thành phố tham gia đàm phán các điều ước và các văn bản thỏa thuận khác với nhà tài trợ có liên quan đến các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội;
d) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn làm chủ đầu tư và quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và Thành phố về quản lý các dự án đầu tư xây dựng;
đ) Chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật của Nhà nước trong quá trình quản lý điều hành dự án và những vấn đề có liên quan theo thông lệ quốc tế;
e) Xây dựng chương trình, kế hoạch và tiến độ thực hiện các dự án thành phần; tổ chức quản lý điều hành, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của dự án và xử lý các phát sinh khi thực hiện;
g) Phối hợp với các Sở, ngành đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập tổ chức quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội;
h) Tổ chức xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân cho xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác hệ thống tuyến đường sắt đô thị Hà Nội; hoặc thuê chuyên gia có kinh nghiệm nhằm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực chuyên ngành về quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị;
i) Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội được phép thành lập các Ban quản lý dự án và các đơn vị trực thuộc để quản lý, vận hành và khai thác các tuyến đường sắt đô thị sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng;
k) Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, viên chức và người lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố;
l) Thực hiện chế độ thông tin, lưu trữ, bảo mật và báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của Thành phố và Nhà nước;
m) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân Thành phố giao và ủy quyền.
3. Tổ chức bộ máy và biên chế:
Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội có Trưởng ban và một số Phó Trưởng ban (Phó Trưởng ban kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án).
- Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chính sách khác theo quy định của nhà nước và Thành phố.
- Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chính sách khác theo đề nghị của Trưởng ban và theo quy trình của Nhà nước và Thành phố.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
+ Văn phòng;
+ Phòng Tổ chức Đào tạo;
+ Phòng Kế hoạch - đầu tư
+ Phòng Kỹ thuật;
+ Phòng Tài chính kế toán;
+ Phòng Chuẩn bị mặt bằng;
+ Phòng Dự án hỗ trợ kỹ thuật - Chuẩn bị đầu tư;
+ Ban quản lý dự án 1;
+ Ban quản lý dự án 2;
Giao Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, chủ trì phối hợp Sở Nội vụ xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các phòng chuyên môn; căn cứ vào đặc điểm, tình hình nhiệm vụ xây dựng cơ cấu, chức năng tiêu chuẩn cán bộ, viên chức để tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, viên chức theo đúng các quy định của Nhà nước và Thành phố.
Giao cho Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
Biên chế: Số lượng biên chế Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội là 90 người, do Ủy ban nhân dân Thành phố giao hàng năm.
Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cho phép Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội được ký hợp đồng, thuê chuyên gia làm việc theo hình thức hợp đồng lao động để triển khai công việc.
Điều 3. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội là cơ quan có trách nhiệm kế thừa và nghĩa vụ đối với các hoạt động của Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quyết định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Đường sắt đô thị do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Nghị định 83/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 3 Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 4 Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
- 5 Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 6 Luật Đấu thầu 2005
- 7 Luật Đường sắt 2005
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 9 Luật xây dựng 2003