Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 935/QĐ-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG THỰC HIỆN NĂM 2013
NHIỆM VỤ: XÂY DỰNG MÔ HÌNH CANH TÁC LÚA GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH BẰNG KỸ THUẬT TƯỚI TIẾT KIỆM NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 và số 75/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2010/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 15/3/2010 hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2009-2015;

Căn cứ Quyết định số 2066/QĐ-BNN-KHCN ngày 29/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt đề cương, tổng dự toán thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước";

Căn cứ Quyết định số 262/QĐ-BNN-KHCN ngày 07/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Phê duyệt Kế hoạch năm 2013 thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Xét Tờ trình số 203/TTr-ĐHTL ngày 7/3/2013 và Đề cương chi tiết thực hiện năm 2013 của Đại học Thủy lợi lập;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương thực hiện năm 2013, nhiệm vụ "Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước", giao cho Trường Đại học thủy lợi thực hiện, chi tiết như sau:

I. Nội dung thực hiện:

1. Xây dựng và theo dõi mô hình canh tác tại 02 vùng lựa chọn (lồng ghép với “Cánh đồng mẫu lớn” tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội thuộc Đồng bằng sông Hồng) và với “Cánh đồng mẫu lớn ” tại tỉnh Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long:

a. Tập huấn cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương tham gia thực hiện mô hình:

b. Tập huấn người dân tham gia thực hiện canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính;

c. Theo dõi các quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa, năng suất và các chỉ tiêu sinh lý sinh thái cây trồng: thực hiện tại 2 vùng, 3 mô hình/vùng, mỗi mô hình theo dõi 3 điểm lặp lại;

d. Theo dõi chế độ nước mặt ruộng: thực hiện tại 2 vùng, 3 mô hình/vùng, mỗi mô hình theo dõi 3 điểm lặp lại, mực nước được theo dõi hàng ngày, các đợt tưới hay rút nước đều được kiểm soát;

e. Lấy mẫu, phân tích mẫu khí mêtan (CH4) phát thải từ các mô hình: thực hiện tại 2 vùng, 3 mô hình/vùng, mỗi mô hình đo 1 điểm, lặp lại 4 mẫu/điểm đo; mỗi vụ lấy 15 đợt;

g. Theo dõi chi phí đầu tư của người nông dân tham gia mô hình: phát sổ, tập huấn ghi sổ theo dõi chi phí SX...;

h. Phân tích số liệu, báo cáo đánh giá từng vụ;

2. Đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước:

a. Tuyên truyền, huấn luyện nông dân tham gia dự án, cán bộ kỹ thuật, nhà thầu về kỹ thuật canh tác giảm phát thải, tiếp cận thị trường carbon.

- Xây dựng chương trình tập huấn nông dân tham gia dự án, cán bộ kỹ thuật, nhà thầu về kỹ thuật canh tác giảm phát thải, tiếp cận thị trường carbon:

+ Xây dựng chương trình tập huấn;

+ Xây dựng nội dung tập huấn;

- Tổ chức hội thảo (cho công tác xây dựng chương trình);

b. Nâng cao năng lực nhóm nông dân ứng dụng qui trình kỹ thuật, quản lý hoạt động dự án và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong cộng đồng

c. Tổ chức sự kiện, thông tin, báo-đài quảng bá hoạt động

d. Tổ chức hội nghị đánh giá dự án: Phân tích xử lý số liệu, viết báo cáo tổng kết đánh giá;

e. Đề xuất giải pháp về cơ chế chính sách, kỹ thuật, tuyên truyền nhân rộng mô hình.

II. Phương pháp, kỹ thuật thực hiện:

- Phương pháp thống kê phân tích hệ thống tài liệu đã có

Phương pháp này nhằm đảm bảo cập nhật, kế thừa tối đa và tổng hợp tốt nhất những kết quả đã có về lĩnh vực nghiên cứu trên thế giới và trong nước. Kỹ thuật sử dụng cho phương pháp này là kỹ thuật khai thác thông tin từ các dịch vụ cung cấp thông tin, trên internet từ các cơ quan nghiên cứu.

- Phương pháp phân tích tương quan hồi quy: nhằm tìm ra quan hệ giữa các yếu tố.

- Phương pháp hội thảo tham vấn đầu bờ để chuyển giao các kỹ thuật cho người nông dân, cán bộ địa phương.

- Tập huấn, tuyên truyền, xây dựng pano quảng cáo cho khu trình diễn mô hình để thu hút sự quan tâm của người dân

- Kỹ thuật lấy mẫu và phân tích mẫu

+ Kỹ thuật quan trắc, đo đạc, lấy mẫu và xử lý mẫu nghiên cứu: các kỹ thuật này rất cần thiết để thu nhận các kết quả thí nghiệm trong phòng cũng như thí nghiệm đồng ruộng, thực hiện kỹ thuật này phải tuân thủ theo các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn ngành.

+ Kỹ thuật quan trắc đo đạc các thành phần cân bằng nước: mực nước được đo bằng thước nhựa, thước móc câu và hệ thống cọc gắn cố định tại các điểm đo. Độ ẩm đất được xác định bằng thiết bị đo độ ẩm nhanh tại hiện trường của hãng Eijkelkamp (Hà Lan). Gắn cố định thước đo chiều sâu mực nước trên mặt ruộng và đầu đo độ ẩm đất (soil moisture meter) tại các độ sâu 15cm, 45cm so với mặt đất trong bể. Theo dõi số liệu về mực nước (hoặc độ ẩm đất) định kỳ vào 8 giờ, 17 giờ hàng ngày và trước, sau các đợt tưới và mưa lớn từ khi cấy đến thu hoạch.

+ Kỹ thuật lấy mẫu khí mê tan theo phương pháp “Bình thông nhau”, mẫu khí được lấy theo định kỳ 7 ngày/lần, tổng số mỗi vụ khoảng 12 đợt lấy mẫu. Thời gian bắt đầu lấy mẫu là 9 giờ sáng và cứ cách 15 phút lại lấy mẫu một lần cho một hòm khí, các thời điểm để lấy các mẫu tiếp theo kể từ mẫu đầu tiên là 15, 30, 45 phút (mỗi lần đo lấy mẫu tại mỗi ô ruộng thí nghiệm). Lượng chênh lệch dòng khí giữa 2 lần đo tại mỗi điểm chính là lượng phát thải mê tan trong khoảng thời gian 15 phút.

+ Phân tích mẫu khí mê tan bằng máy sắc ký khí GC - 14BP, có trang bị FID và cột Cacbôxen - 1000. Máy GC-14 BP được kiểm định trước và sau mỗi lần phân tích, sử dụng khí mêtan chuẩn có nồng độ 9,37 ppm làm chuẩn máy.

- Phương pháp thí nghiệm đồng ruộng:

- Thực hiện tại 2 vùng: đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng bố trí 3 mô hình: đối chứng; tưới tiết kiệm nước; canh tác cải tiến kết hợp tưới tiết kiệm nước. Kết hợp theo dõi các chi phí sản xuất từ các mô hình để xác định hiệu quả mỗi mô hình mang lại.

III. Thời gian và tiến độ thực hiện 2013:

TT

Nội dung

Thời gian

Kết quả/ Chủ trì

1

Xây dựng và theo dõi mô hình canh tác tại 02 vùng lựa chọn xây dựng mô hình

11/2012 - 11/2013

- Theo dõi các mô hình trên 2 vụ: (1) Lượng nước tưới, (2) Sinh trưởng, năng suất, (3) Chi phí-lợi nhuận thu được và (4) Lượng phát thải

TS. Nguyễn Việt Anh - ĐH Thủy Lợi

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thành - ĐH Nông nghiệp

TS. Huỳnh Quang Tín - ĐH Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Sóc Trăng.

2

Các giải pháp nhân rộng mô hình canh tác lúa ít phát thải

2/2013 - 11/2013

+ Xây dựng Chương trình; Nội dung Chương trình; Tập huấn cho nông dân, cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương về kỹ thuật canh tác giảm phát thải, tiếp cận thị trường carbon

+ Hội thảo đầu bờ;

+ Nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ địa phương, người dân về biến đổi khí hậu.

+ Chuyển giao công nghệ canh tác giảm phát thải KNK bằng tưới tiết kiệm nước

PGS. TS. Lê Thị Nguyên - ĐH Thủy lợi

KS. Nguyễn Thị Cúc - ĐH Cần Thơ

Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Sóc Trăng.

IV. Sản phẩm năm 2013:

TT

Tên sản phẩm

Yêu cầu

Sản phẩm chính:

1

Báo cáo kết quả theo dõi các mô hình giảm phát thải KNK bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước năm 2013

Các kết quả về lượng nước tưới, năng suất, chi phí và lượng phát thải KNK của 2 vụ xuân và hè tại 2 mô hình trình diễn

Sản phẩm trung gian:

Yêu cầu

1

- Báo cáo phân tích đánh giá lượng nước tưới: vụ xuân và vụ hè năm 2013 của 2 mô hình;

Các sản phẩm trung gian phải đủ cơ sở để xây dựng các sản phẩm chính của nhiệm vụ. Đối với Hội thảo, tập huấn phải có ý kiến góp ý/xác nhận của địa phương (chính quyền, cán bộ kỹ thuật, nông dân

2

- Báo cáo phân tích đánh giá quá trình sinh trưởng, năng suất lúa: vụ xuân và vụ hè năm 2013 của 2 mô hình;

3

- Báo cáo phân tích đánh giá lượng phát thải: vụ xuân và vụ hè năm 2013 của 2 mô hình;

4

- Báo cáo phân tích đánh giá chi phí sản xuất: vụ xuân và vụ hè năm 2013 của 2 mô hình;

5

- Báo cáo Xây dựng Chương trình tập huấn và nội dung tập huấn cho cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật và nông dân

6

- Hội thảo tham vấn góp ý cho Chương trình tập huấn; Nội dung tập huấn;

7

- Báo cáo tổ chức tập huấn cho: chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật và nông dân;

V. Kinh phí thực hiện: 1.500.000.000 đồng (một tỷ, năm trăm triệu đồng)

Điều 2. Căn cứ quyết định này Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ kết quả thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Thủ trưởng đơn vị và cá nhân được giao tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- TT Hoàng Văn Thắng (để b/cáo);
- Lưu: VT, KHCN.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Đinh Vũ Thanh