Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 935/QĐ-CT/UBND

Quảng Bình, ngày 25 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP THPT, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THCS NĂM HỌC 2011 - 2012 VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC, TRUNG HỌC NĂM HỌC 2012 - 2013

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông;

Căn cứ Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 697/TT-SGDĐT ngày 09 tháng 4 năm 2012 về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2011 - 2012 và tuyển sinh vào các trường tiểu học, trung học năm học 2012 - 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch số 696/KH-SGDĐT ngày 09 tháng 4 năm 2012 về tổ chức thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2011 - 2012 và tuyển sinh vào các trường tiểu học, trung học năm học 2012 - 2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Tiến Dũng

 

UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 696/KH-SGDĐT

Quảng Bình, ngày 09 tháng 4 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (THPT), XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC CƠ SỞ (THCS) NĂM 2012 VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC (TH), TRUNG HỌC NĂM HỌC 2012 - 2013

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC THI TN THPT VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC CẤP HỌC NĂM 2011

1.1. Ưu điểm

- Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ giáo viên ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT), sự phối hợp có hiệu quả của các ban ngành liên quan và các cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành phố, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các cấp học năm 2011 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ, đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện kỷ cương, nền nếp trong thi cử, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập quán triệt quy chế thi được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân trong việc thực hiện quy chế thi. Công tác thanh tra, chỉ đạo các kỳ thi được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong thi cử, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào các cấp học.

 - Các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đã được tổ chức chặt chẽ, an toàn, khách quan, đúng quy chế. Các khâu trong quy trình tổ chức thi và tuyển sinh: Ra đề, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, xét tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, thanh tra thi… từng bước được cải tiến, đảm bảo đúng quy trình, lịch trình và kế hoạch đề ra, góp phần đánh giá đúng thực chất chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng và đưa công tác thi cử vào kỷ cương, nền nếp.

1.2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

1.2.1. Những tồn tại, hạn chế

- Cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ thi tại một số hội đồng thi chưa đáp ứng yêu cầu. Tại một vài điểm thi, vẫn còn tình trạng hàng rào bảo vệ chưa chắc chắn, bàn ghế không đúng kích cỡ, một số phòng thi không đủ ánh sáng…

- Việc đánh giá kết quả học tập và xếp loại học sinh tại một vài đơn vị chưa thật chính xác; công tác hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục trong việc tuyển sinh vào Trường PT DTNT tỉnh có nơi làm chưa tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh. Tại một số trường, chất lượng đầu vào thấp nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở bậc THPT, đặc biệt là kết quả thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

- Một bộ phận giáo viên chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia công tác thi nên còn ngại khó, trốn tránh, tìm cách để được nghỉ coi thi, chấm thi.

1.2.1. Những nguyên nhân

- Mặc dù các địa phương, nhà trường đã cố gắng lựa chọn các địa điểm có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc tổ chức các kỳ thi, song do điều kiện kinh phí đầu tư xây dựng CSVC còn hạn hẹp, nên cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ thi tại một số hội đồng thi còn hạn chế.

- Công tác học tập, quán triệt quy định về chuyên môn, quy chế thi tại một vài đơn vị chưa tốt, còn nể nang trong việc đánh giá kết quả học tập và xếp loại học sinh. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn chỉ đạo tuyển sinh vào lớp 10 THPT, PT DTNT tỉnh còn có đơn vị thực hiện chưa thấu đáo.

- Một số đơn vị, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ thi, cắt cử chưa sát đối tượng làm công tác thi… nên còn để xảy ra các sai sót trong quá trình tổ chức và thực thi nhiệm vụ thi.

2. PHƯƠNG ÁN VÀ KẾ HOẠCH THI TN THPT NĂM 2012

2.1. Mục đích, yêu cầu

2.1.1. Mục đích

- Thi tốt nghiệp THPT, GDTX (gọi chung là THPT) nhằm đánh giá, xác nhận trình độ người học theo mục tiêu giáo dục sau khi học hết chương trình THPT, làm cơ sở để đánh giá công tác tổ chức dạy và học ở các nhà trường phổ thông và đánh giá công tác quản lý chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

2.1.2. Yêu cầu

- Kỳ thi phải đảm bảo các yêu cầu: Nghiêm túc, an toàn, khách quan, công bằng, chính xác, đánh giá được trình độ người học, phản ánh được chất lượng dạy và học của nhà trường phổ thông.

2.2. Lịch thi

Ngày 02, 03, 04 tháng 6 năm 2012

2.3. Công tác sao in đề thi

Thành lập 01 Hội đồng in sao đề thi. Hội đồng làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để từ khi mở niêm phong đề thi (do Bộ GDĐT gửi đến) đến khi thi xong môn thi cuối cùng của kỳ thi.

2.4. Công tác coi thi

Tổ chức các hội đồng coi thi theo Quy chế hiện hành và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đảm bảo coi thi nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, đánh giá đúng thực chất chất lượng học sinh.

2.5. Chấm thi

- Thành lập bộ phận làm phách bài thi tự luận độc lập, Hội đồng chấm bài thi tự luận, tổ chấm thi trắc nghiệm, tổ chuyển giao bài thi đến Hội đồng chấm thi theo quy chế và các hướng dẫn của Bộ GDĐT.

3. KẾ HOẠCH XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THCS NĂM 2012

- Đối với học sinh THCS, xét công nhận tốt nghiệp một lần, từ ngày 04 tháng 6 đến ngày 07 tháng 6 năm 2012.

- Đối với học viên học theo chương trình BT THCS xét công nhận tốt nghiệp hai lần:

+ Lần I, từ ngày 04 tháng 6 đến ngày 07 tháng 6 năm 2012.

+ Lần II, từ ngày 03 tháng 12 đến ngày 07 tháng 12 năm 2012 (cho cả học sinh THCS chưa được công nhận tốt nghiệp và đã học lại chương trình lớp 9 BT THCS).

4. KẾ HOẠCH TUYỂN SINH VÀO LỚP 1, LỚP 6 THCS NĂM HỌC 2012 - 2013

4.1. Tuyển sinh vào lớp 1

- Các phòng GDĐT cần xác định địa bàn tuyển sinh hợp lý cho các trường TH trên địa bàn quản lý. Thực hiện các biện pháp tích cực để huy động 100% số trẻ trong độ tuổi (sinh năm 2006) được đến trường, tạo mọi điều kiện để các trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, dân tộc ít người... được đi học.

- Không nhận những học sinh thiếu tuổi vào lớp 1 (thực hiện việc đối chiếu giấy khai sinh và hộ khẩu khi tiếp nhận hồ sơ).

- Thời gian thực hiện: Việc tuyển sinh vào lớp 1 hoàn thành trước 25 tháng 7 năm 2012. Từ 26 tháng 7 đến 27 tháng 7 năm 2012: Các phòng GDĐT báo cáo về Sở số liệu tuyển sinh (qua Phòng Giáo dục Tiểu học).

4.2. Tuyển sinh vào lớp 6 THCS

- Mọi học sinh đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học phải được vào học lớp 6 ở các trường THCS hoặc các trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp THCS.

- Việc tuyển sinh vào lớp 6 THCS thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 (Chương II), Điều 5, Điều 6, Điều 7 (Chương III) Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Quyết định số 24/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT ban hành theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

- Tuổi dự tuyển của người học vào lớp 6 THCS từ 11 đến 13 tuổi.

Các trường hợp sau đây được vào cấp học ở tuổi cao hơn tuổi quy định:

+ Được cao hơn 1 tuổi với người học là nữ, người học từ nước ngoài về nước.

+ Được cao hơn 2 tuổi với người học là người dân tộc thiểu số, người học ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người học bị khuyết tật, tàn tật, kém phát triển thể lực và trí tuệ, người học mồ côi không nơi nương tựa, người học trong diện hộ đói nghèo theo quy định Nhà nước.

Nếu học sinh thuộc nhiều trường hợp quy định tại các điểm trên thì chỉ được áp dụng 1 quy định cho 1 trong các trường hợp đó.

- Người học được cấp có thẩm quyền cho phép vào học trước tuổi, học vượt lớp theo quy định của Bộ GDĐT thì tuổi dự tuyển được giảm theo số năm đã được cho phép.

- Thực hiện việc chuyển giao chất lượng theo hướng dẫn của Sở GDĐT.

- Tuyển sinh vào lớp 6 Trường PT DTNT THCS thực hiện theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 8 năm 2008 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường PT DTNT, Phòng GDĐT tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng đơn vị báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định chỉ tiêu trên cơ sở quy hoạch đào tạo cán bộ của địa phương và tổ chức tuyển sinh theo quy định.

- Thời gian thực hiện: Trước ngày 03 tháng 8 năm 2012, các trường tiếp nhận toàn bộ hồ sơ thí sinh, kiểm tra điều kiện và sự chính xác của hồ sơ. Từ ngày 06 tháng 8 đến 07 tháng 8 năm 2012: Các trường tổ chức xét tuyển, lập danh sách người học được tuyển và báo cáo kết quả tuyển sinh với Phòng GDĐT.

Từ ngày 08 tháng 8 đến 10 tháng 8 năm 2012: Các phòng GDĐT báo cáo về Sở số liệu tuyển sinh (qua Phòng KT & KĐCLGD).

5. KẾ HOẠCH TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2012 - 2013

5.1. Mục đích, yêu cầu

5.1.1 Mục đích

- Đảm bảo kế hoạch phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

- Góp phần đánh giá chất lượng dạy - học của các nhà trường, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cơ sở giáo dục, thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS.

5.1.2. Yêu cầu

- Đảm bảo công tác tuyển sinh được thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan, công bằng, an toàn, đúng quy chế.

5.2. Phân vùng tuyển sinh

- Việc tuyển sinh được thực hiện theo nguyên tắc phân vùng vào các trường THPT trên cùng địa bàn tuyển sinh huyện, thành phố (trừ Trường THPT Chuyên và Trường PT DTNT tỉnh).

- Đối với các trường THPT được chuyển đổi từ hệ bán công sang công lập (Trường THPT số 4 Quảng Trạch, Trường THPT số 5 Quảng Trạch, Trường THPT số 5 Bố Trạch, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Trường THPT Phan Đình Phùng), việc tuyển sinh được thực hiện cùng vùng tuyển sinh với các trường trên cùng địa bàn.

5.3. Phương thức tuyển sinh

Căn cứ Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và từ thực tế công tác tuyển sinh của năm học 2011 - 2012, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2012 - 2013 được thực hiện theo 2 phương thức: Thi tuyển và xét tuyển.

5.3.1. Phương thức thi tuyển

5.3.1.1. Tuyển sinh vào các trường THPT, THCS và THPT (trừ Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy, THPT Chuyên Quảng Bình và PT DTNT tỉnh).

- Tuyển sinh theo phương thức thi tuyển được thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Mục 3 Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT sẽ thi 3 môn: Toán, Ngữ Văn và môn thi thứ 3. Giám đốc Sở GDĐT sẽ quyết định và công bố môn thi thứ 3 sớm nhất 15 (mười lăm) ngày trước ngày kết thúc năm học.

- Học sinh dự tuyển được đăng ký nguyện vọng (NV) theo thứ tự ưu tiên 1, 2 (NV1, NV2) để tuyển vào các trường THPT trên cùng một địa bàn tuyển sinh huyện, thành phố. Khi xét tuyển thí sinh thuộc NV2, điểm NV2 cao hơn NV1 ít nhất là 2,0 điểm. Thí sinh đã trúng tuyển NV2 không được chuyển đến trường khác trên cùng địa bàn đã đăng ký NV1 trong suốt 3 năm học THPT (trừ trường hợp đặc biệt được Lãnh đạo Sở cho phép).

- Đối với học sinh dự thi vào các trường thuộc huyện Minh Hóa và huyện Tuyên Hóa, nếu không đủ điểm tuyển vào các trường đã đăng ký dự tuyển, có thể làm đơn dự tuyển vào các trường khác trên địa bàn. Tùy thực tế kết quả tuyển sinh của từng trường, Sở sẽ xem xét cho phép các trường thuộc địa bàn 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa tuyển bổ sung đối với các đối tượng nói trên với tỷ lệ không quá 25% số chỉ tiêu được giao (nếu học sinh có đơn đăng ký dự tuyển). Thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức này không được chuyển đến trường nào khác trong suốt 3 năm học THPT.

5.3.1.2. Tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Quảng Bình.

- Thực hiện theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

- Học sinh dự thi 4 môn chung: 3 môn như đối với thi vào THPT không chuyên và môn tiếng Anh (trong trường hợp, nếu môn thi thứ 3 thi vào lớp 10 THPT là môn tiếng Anh, thì thí sinh chỉ thi 3 môn chung như thi vào lớp 10 THPT không chuyên).

- Đối với môn chuyên: Thí sinh chọn từ 01 đến 02 môn chuyên trong 2 nhóm bộ môn sau:

+ Nhóm 1: Ngữ Văn, Toán;

+ Nhóm 2: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, tiếng Anh, Tin học.

Hai nhóm bộ môn này thi vào hai buổi khác nhau. Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên thực hiện theo hình thức lấy kết quả thi tuyển của các môn thi không chuyên (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) hệ số 1, điểm bài thi môn chuyên hệ số 2 và điểm khuyến khích (nếu có).

- Học sinh dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Quảng Bình, ngoài nguyện vọng tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên (NV C) được đăng ký nguyện vọng vào 02 trường THPT khác trên cùng một địa bàn tuyển sinh (NV1, NV2) (như những thí sinh đã nêu ở mục 5.3.1.1).

- Học sinh dự tuyển vào Trường THPT Chuyên phải đảm bảo điều kiện: Hạnh kiểm xếp loại tốt và học lực xếp loại từ loại khá trở lên vào cuối năm học lớp 9 và xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên, có điểm trung bình cả năm của năm học lớp 9 của môn chuyên từ 8,0 điểm trở lên đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học; 7,0 điểm trở lên đối với các môn Văn, Sử, Địa, tiếng Anh. Nếu học sinh chưa hoàn thành chương trình môn Tin học ở cấp THCS thì môn chuyên này lấy điểm môn Toán thay thế.

- Trường hợp nếu thí sinh không trúng tuyển vào Trường THPT Chuyên thì được dự tuyển vào các trường công lập có đăng ký NV1, NV2 (được xét tuyển NV1 và NV2 như những nội dung đã nêu ở mục 5.3.1.1).

5.3.1.3. Tuyển sinh vào Trường PT DTNT tỉnh.

- Thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

- Học sinh dự tuyển vào Trường PT DTNT tỉnh, ngoài nguyện vọng tuyển sinh vào PT DTNT tỉnh (NV N), được đăng ký nguyện vọng vào 02 trường THPT khác trên cùng một địa bàn tuyển sinh (NV1, NV2) (như những thí sinh đã nêu ở mục 5.3.1.1).

- Trường hợp nếu thí sinh không trúng tuyển vào Trường PT DTNT tỉnh thì được dự tuyển vào các trường công lập có đăng ký NV1, NV2 (được xét tuyển NV1 và NV2 như những nội dung đã nêu ở mục 5.3.1.1.).

5.3.1.4. Tuyển sinh vào Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy

Tuyển sinh vào Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy thực hiện theo hình thức lấy kết quả thi tuyển của học sinh thi vào các trường trên địa bàn để xét tuyển (căn cứ khung điểm sàn, Sở GDĐT quy định cụ thể, phù hợp thực tế kết quả thi). Thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức này không được chuyển đến trường nào khác trên địa bàn tỉnh trong suốt 3 năm học THPT.

5.3.2. Phương thức xét tuyển.

Áp dụng đối với học sinh dự tuyển vào các Trung tâm GDTX các huyện, thành phố và Trung tâm KTTH - HN Đồng Hới.

5.3.3. Phương án duyệt tuyển sinh

Sở ưu tiên duyệt tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Quảng Bình và Trường PT DTNT tỉnh trước các trường THPT khác (Sở sẽ thông báo kế hoạch cụ thể sau).

5.4. Thủ tục đăng ký tuyển sinh

5.4.1. Đăng ký dự tuyển vào các trường THPT, THCS và THPT (trừ học sinh đăng ký dự tuyển vào THPT Chuyên, Trường PT DTNT tỉnh, Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy).

Học sinh có nguyện vọng vào học trường THPT nào thì làm hồ sơ đăng ký tuyển sinh nộp vào trường đó. Mỗi thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng (NV1, NV2) dự tuyển sinh vào 2 trường THPT trên cùng một địa bàn tuyển sinh (huyện, thành phố). Nếu không trúng tuyển vào trường đã đăng ký dự tuyển (NV1) thì được sử dụng kết quả thi tuyển để xin dự tuyển vào trường khác đã đăng ký (NV2). Sau khi có kết quả tuyển sinh, học sinh không trúng tuyển NV1 phải đến trường có đăng ký NV1 rút hồ sơ dự tuyển nộp cho trường có NV2 mới được trường có NV2 xét tuyển.

5.4.2. Đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Quảng Bình

- Học sinh dự tuyển vào Trường THPT Chuyên nộp 01 bộ bản sao hồ sơ và dự thi tại HĐCT Trường THPT Chuyên. Mỗi thí sinh được đăng ký không quá 02 môn chuyên (nếu không trùng lịch thi). Sau khi có kết quả tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Quảng Bình, học sinh không trúng tuyển vào Trường THPT Chuyên QB sẽ được Sở gửi kết quả thi tuyển về trường mà học sinh đã đăng ký NV1 để trường xét tuyển (học sinh phải nộp bộ hồ sơ gốc cho trường có NV1 để dự tuyển), nếu học sinh không trúng tuyển NV1 thì nộp hồ sơ gốc cho trường có NV2 để được dự tuyển.

5.4.3. Đăng ký dự tuyển vào Trường PT DTNT tỉnh

- Những học sinh thuộc đối tượng, đủ điều kiện và có nguyện vọng dự tuyển vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh nộp 01 bộ bản sao hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Trường PT DTNT tỉnh, 01 bộ hồ sơ gốc nộp tại trường đăng ký dự tuyển NV1 và dự thi tại trường đã đăng ký NV1. Sau khi có kết quả tuyển sinh vào Trường PT DTNT tỉnh, học sinh không trúng tuyển vào Trường PT DTNT tỉnh sẽ được Sở gửi kết quả thi tuyển về trường có NV1 để trường có NV1 xét tuyển, nếu học sinh không trúng tuyển NV1 phải đến trường có đăng ký NV1 rút học bạ và nộp cho trường có NV2 để được dự tuyển.

5.4.4. Đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy

Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 nếu có nguyện vọng vào học tại THPT Kỹ thuật Lệ Thủy, phải đến trường có đăng ký nguyện vọng rút hồ sơ nộp cho Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy để được dự tuyển.

5.4.5. Đăng ký dự tuyển vào TT GDTX, TT KTTH - HN các huyện, thành phố

- Các thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 BT THPT nộp hồ sơ vào các Trung tâm GDTX và TT KTTH - HN các huyện, thành phố.

5.5. Môn thi, lịch thi tuyển sinh

5.5.1. Thi tuyển vào lớp 10 THPT

- Môn thi: Toán, Ngữ Văn và môn thứ 3.

- Lịch thi: 04, 05 tháng 7 năm 2012.

- Thời gian thi:

* Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút

* Môn thứ 3: 60 phút

5.5.2. Tuyển vào lớp 10 THPT Chuyên Quảng Bình

- Môn thi: Toán, Ngữ văn, môn thứ 3, tiếng Anh và môn chuyên.

- Lịch thi: Ngày 04, 05 tháng 7 năm 2012: Thi các môn Toán, Ngữ văn, môn thứ 3, tiếng Anh; ngày 06 tháng 7 năm 2012 thi các môn chuyên (nếu trường hợp môn thi thứ 3 thi vào lớp 10 THPT là môn tiếng Anh thì chỉ thi 3 môn chung như thi vào lớp 10 THPT không chuyên và môn chuyên)

- Thời gian làm bài thi:

* Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút,

* Môn thứ 3: 60 phút

* Tiếng Anh: Tối thiểu là 60 phút

* Các môn chuyên: Môn Hóa học và môn Ngoại ngữ tối thiểu là 120 phút, các môn khác là 150 phút.

6. KINH PHÍ

Kinh phí xét tuyển, thi tuyển thực hiện theo Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh, lấy từ kinh phí chi thường xuyên đã được bố trí dự toán từ đầu năm của các đơn vị.

7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

7.1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh

Các ban ngành cấp tỉnh: Công an, Điện lực, Thông tin - Truyền thông, Tài chính, Y tế, Đài PT - TH Quảng Bình, Báo Quảng Bình… có trách nhiệm phối hợp với Sở GDĐT tuyên truyền, tổ chức, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT, xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh trên địa bàn tỉnh đảm bảo nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế.

7.2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phê duyệt “Phương án và kế hoạch tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THCS năm 2012 và tuyển sinh năm học 2012 - 2013” do Phòng GDĐT xây dựng.

- Ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xét công nhận tốt nghiệp THCS và tuyển sinh các lớp đầu cấp của huyện, thành phố.

- Ra quyết định thành lập các Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS đối với các trường THCS, TT GDTX thuộc địa bàn.

- Ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra xét công nhận tốt nghiệp THCS trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ GDĐT và hướng dẫn của Sở.

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn ở địa phương tạo mọi điều kiện để tổ chức tốt và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS, Hội đồng tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trên địa bàn.

- Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Sở GDĐT tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh lớp 10 THPT thuộc địa bàn.

7.3. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Phương án và kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tốt nghiệp THCS năm 2012 và tuyển sinh vào trường tiểu học, trung học năm học 2012 - 2013”.

- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch phát triển lớp, học sinh các đơn vị THPT, THCS và THPT, các Trung tâm GDTX, KTTH - HN năm học 2012 - 2013.

- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo các kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 và tuyển sinh năm học 2012 - 2013.

- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.

- Sở GDĐT ra các quyết định thành lập Hội đồng: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, duyệt kết quả tốt nghiệp THPT; ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thành lập các đoàn thanh tra các kỳ thi.

- Sở GDĐT phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành chức năng của tỉnh tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THCS năm 2012; thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và xét tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2012 - 2013.

- Hướng dẫn chỉ đạo các Phòng GDĐT việc hoàn thành chương trình, tổ chức tốt công tác ôn tập cho học sinh thực hiện tốt công tác kiểm tra đánh giá xếp loại; công tác xét tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và quản lý cấp phát bằng tốt nghiệp THCS.

- Hướng dẫn chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX, TT KTTH - HN Đồng Hới tổ chức tốt công tác ôn tập cho học sinh thực hiện tốt công tác kiểm tra đánh giá xếp loại; công tác thi tốt nghiệp THPT; công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT; quản lý cấp phát bằng tốt nghiệp THPT.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra về việc: Thực hiện ôn tập; đánh giá xếp loại; hồ sơ học sinh; thi tốt nghiệp; xét công nhận tốt nghiệp; tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học; cấp phát bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

- Báo cáo về Bộ GDĐT: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT, cấp phát, quản lý bằng tốt nghiệp các cấp.

- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi tổng kết đánh giá kết quả tổ chức các kỳ thi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh ở địa phương, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ GDĐT.

- Bổ sung, nâng cấp phần mềm chương trình quản lý công tác tuyển sinh vào THPT.

- Lưu trữ hồ sơ tốt nghiệp và tuyển sinh theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

7.4. Trách nhiệm của các Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt “Phương án xét công nhận tốt nghiệp THCS năm 2012 và tuyển sinh vào các trường tiểu học, THCS năm học 2012 - 2013”.

- Trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xét công nhận tốt nghiệp THCS cấp huyện, thành phố và quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS đối với các trường THCS, trung tâm GDTX thuộc địa bàn; quyết định thành lập các Đoàn thanh tra xét công nhận tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6.

- Triển khai hướng dẫn các trường THCS, các Trung tâm GDTX thực hiện xét tốt nghiệp THCS; chỉ đạo các trường Tiểu học, THCS, Trung tâm GDTX thành lập Hội đồng tuyển sinh vào lớp 1 TH, lớp 6 THCS.

- Chỉ đạo, kiểm tra về việc: Thực hiện nhiệm vụ dạy và học; hoàn thành chương trình; kiểm tra cho điểm và đánh giá xếp loại; hồ sơ học sinh, học viên theo các quy chế hiện hành.

- Nhận hồ sơ, danh sách đề nghị xét công nhận tốt nghiệp của các Hội đồng; Trưởng phòng GDĐT phê duyệt danh sách tốt nghiệp THCS và ký cấp bằng tốt nghiệp THCS.

- Báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THCS về Sở GDĐT.

- Quán triệt nội dung Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT đến cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Đặc biệt là học sinh ở các đơn vị vùng khó khăn, người dân tộc có đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào Trường PT DTNT tỉnh.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai phổ biến đến tận các xã, phường, thị trấn và nhân dân trên địa bàn về chủ trương, kế hoạch tổ chức tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10, phối hợp với Sở GDĐT để thực hiện tuyển sinh đảm bảo yêu cầu, có chất lượng.

- Tăng cường chỉ đạo dạy học của các trường THCS, TH & THCS đảm bảo chương trình, chất lượng, không học lệch, học tủ, đánh giá đúng chất lượng của học sinh.

7.5. Trách nhiệm của các trường THPT, THCS & THPT, TT GDTX

7.5.1. Kỳ thi tốt nghiệp THPT

- Hoàn thành chương trình dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức tốt việc ôn tập cho người học.

- Tổ chức kiểm tra trình độ kiến thức văn hóa, xếp loại học lực cho những người tự học khi được Sở Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm.

- Tổ chức cho cán bộ, giáo viên và người học học tập Quy chế thi.

- Kiểm tra, hoàn chỉnh việc đăng ký dự thi, hồ sơ dự thi của người học tại nhà trường theo quy định; hướng dẫn lập hồ sơ xin dự thi, tiếp nhận hồ sơ xin dự thi của thí sinh tự do.

- Tham gia tập huấn và sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý thi theo yêu cầu của kỳ thi.

- Kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ;

- Lập danh sách thí sinh theo từng môn thi ngoại ngữ (hoặc môn thi thay thế) và thí sinh GDTX (nếu có) bàn giao đĩa mềm chứa danh sách đó cho Sở Giáo dục và Đào tạo để xếp phòng thi;

- Bảo quản đầy đủ hồ sơ dự thi và danh sách thí sinh đăng ký thi theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo; xuất trình kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu sửa chữa (nếu có);

- Làm thẻ dự thi cho thí sinh đăng ký dự thi tại trường và bàn giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Tiếp nhận đơn, lập danh sách xin phúc khảo bài thi và chuyển đến Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn cho Hội đồng coi thi nếu được chọn làm địa điểm thi.

- Thông báo kết quả thi, kết quả xét tốt nghiệp, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, phát bằng tốt nghiệp cho học sinh, lưu trữ hồ sơ thi theo quy định.

7.5.2. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT

- Triển khai kế hoạch tuyển sinh năm học 2012 - 2013, lập phương án tuyển sinh trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh của trường; giới thiệu cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ tiêu chuẩn, số lượng tham gia hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi.

- Tiếp nhận hồ sơ của học sinh để giao cho hội đồng tuyển sinh; công bố kết quả tuyển sinh sau khi đã được Giám đốc Sở phê duyệt.

- Tiếp nhận khiếu nại; giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

- Chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất, lực lượng bảo vệ, phục vụ công tác thi và tuyển sinh.

- Đề nghị khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích; đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

- Quán triệt trong cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn về tuyển sinh THPT có liên quan./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Đoàn Đức Liêm