Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 937/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ, ngày 30 tháng 07 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 09/12/2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số: 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Quyết định số: 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;

Căn cứ Quyết định số: 5076/QĐ-BYT, ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone;

Căn cứ thông báo Kết luận số: 730-TB/TU, ngày 09/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên về Đề án triển khai thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số: 875/TTr-SYT-AIDS, ngày 12/7/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Điện Biên với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Chương trình: Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Điện Biên

2. Mục tiêu của Chương trình:

2. 1. Mục tiêu chung

Góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

2. 2. Mục tiêu cụ thể:

- Triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại điểm trên địa bàn một số huyện, thị xã, thành phố.

- Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho khoảng 2.750 người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

- Giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.

- Giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.

3. Đối tượng và địa điểm triển khai Chương trình

3. 1. Đối tượng tác động của Chương trình :

Chương trình tác động đến các đối tượng là người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, số lượng tương đối lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội.

Chương trình huy động toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tham gia, tạo ra sức mạnh tổng thể giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan đến ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.

3. 2. Địa điểm triển khai:

Chương trình được triển khai trên 7 huyện/thị xã/thành phố gồm:

Thành phố Điện Biên phủ; huyện Điện Biên; huyện Tuần Giáo; huyện Mường Ảng; huyện Mường Chà; huyện Điện Biên Đông và thị xã Mường Lay.

4. Nguyên tắc triển khai Chương trình:

4.1. Việc tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình phải phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương; đồng thời phải có sự đồng thuận trong lãnh đạo chỉ đạo và cộng đồng dân cư.

4.2. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được thực hiện trên cơ sở người bệnh tự nguyện tham gia và có cam kết tuân thủ điều trị. Trong cùng một thời điểm, người bệnh chỉ được đăng ký điều trị bằng thuốc Methadone tại một cơ sở.

4.3. Việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone chỉ được triển khai tại các cơ sở y tế Nhà nước đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

4.4. Điều trị và quản lý thuốc Methadone phải được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

4.5. Điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải được lồng ghép với hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và các hoạt động tâm lý, xã hội để việc điều trị đạt hiệu quả.

4.6. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Y tế, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành, đoàn thể khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc triển khai Chương trình. Đặc biệt phải có sự cam kết của ngành Công an về đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương triển khai Chương trình.

4.7. Trong quá trình triển khai Chương trình, nghiêm cấm các hành vi ngăn cản hoặc lợi dụng các hoạt động của Chương trình để tiếp tay cho hoạt động mua bán và sử dụng ma túy.

5. Các hoạt động cụ thể

5. 1. Cơ sở điều trị Methadone

Được lồng ghép vào cơ sở y tế hiện có tại các huyện/thị xã/thành phố để triển khai Chương trình. Việc bố trí các phòng chuyên môn tại cơ sở điều trị Methadone phải đảm bảo khoa học và thuận tiện cho việc tiếp nhận và điều trị người bệnh (bố trí 1 chiều), đủ rộng, thoáng, vệ sinh, an ninh để thực hiện tốt các chức năng

5. 2. Trang thiết bị:

Trang thiết bị thiết yếu phục vụ việc khám, theo dõi và cấp phát thuốc hàng ngày cho người bệnh như: ống nghe, cân sức khỏe, máy đo huyết áp, giường bệnh, bơm thuốc Methadone v.v…

5. 3. Nhân lực:

Số lượng: Tối thiểu là 14 người làm việc tại mỗi cơ sở điều trị Methadone, gồm: 02 bác sĩ trong đó có 01 bác sỹ Trưởng cơ sở điều trị Methadone; 02 dược sĩ đại học hoặc trung cấp tham gia quản lý thuốc Methadone; 02 tư vấn viên; 02 Y tá điều dưỡng, chịu trách nhiệm hỗ trợ bác sỹ trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm và làm xét nghiệm nước tiểu, hỗ trợ dược sỹ trong việc cấp phát và giám sát người bệnh uống thuốc khi cần thiết; 02 nhân viên hành chính, quản lý số liệu; 03 bảo vệ; 01 nhân viên vệ sinh.

5. 4. Quy trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone:

Việc điều trị được thực hiện đúng theo quy định tại “Hướng dẫn Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.

5. 5. Thời gian làm việc:

Cơ sở điều trị Methadone bố trí đủ số lượng nhân viên và đủ thời gian làm việc để thực hiện việc điều trị cho bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế.

Cơ sở điều trị hoạt động tất cả các ngày trong tuần để đảm bảo cấp phát thuốc liên tục cho bệnh nhân. Trong ngày nghỉ và ngày lễ, tết, ít nhất phòng khám phải có 01 cán bộ hành chính, 01 dược sỹ đại học hoặc trung cấp và 01 Y tá làm việc để cấp phát thuốc cho bệnh nhân, hoạt động khám bệnh và tư vấn sẽ được tiến hành 5 ngày/tuần. Thời gian làm việc trong ngày: 8 giờ/ngày, giờ mở cửa và đóng cửa hàng ngày tùy theo nhu cầu của người bệnh và do cơ sở điều trị Methadone quy định.

5. 6. Quy trình tiếp nhận, bảo quản và phân phối thuốc:

a/. Nhu cầu thuốc hàng tháng cho mỗi cơ sở điều trị Methadone:

* Ước lượng số lượng người bệnh và nhu cầu thuốc Methadone

+ Số lượng người bệnh ước tính trong tháng thứ 1: 15 người bệnh/01cơ sở điều trị Methadone.

+ Số lượng người bệnh ước tính trong tháng thứ 2: 30 người bệnh/01cơ sở điều trị Methadone.

+ Sau tháng thứ 2, sẽ tăng dần từ 15 đến 30 người bệnh/tháng và đạt 250 người bệnh vào tháng thứ 12 tại một cơ sở điều trị Methadone.

* Ước lượng liều điều trị Methadone trung bình: 100mg/ngày/người bệnh.

* Ước lượng số ngày trung bình/tháng: 30,5 ngày/tháng.

Tháng

Số lượng người bệnh

Lượng thuốc dung dịch 10mg/ml (mg)

Lượng thuốc dung dịch 10mg/ml (ml)

Lượng thuốc dung dịch 10mg/ml  (lít)

1

15

45.750

4.575

4,575

2

30

91.500

9.150

9,15

3

45

137.250

13.725

13,725

4

60

183.500

18.350

18,35

5

75

228.750

22.875

22,875

6

90

274.500

27.450

27,45

7

110

335.500

33.550

33,55

8

130

396.500

39.650

39,65

9

160

488.000

48.800

48,8

10

190

579.500

57.950

57,95

11

220

671.000

67.100

67,1

12

250

762.500

76.250

76,25

b. Tiếp nhận thuốc Methadone:

- Các cơ sở điều trị Methadone gửi dự trù nhu cầu sử dụng Methadone hàng tháng về Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để tổng hợp và gửi dự trù Methadone hàng tháng về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).

- Công ty nhập khẩu và phân phối thuốc sẽ vận chuyển Methadone đến các cơ sở điều trị Methadone hàng tháng theo Công văn điều thuốc của Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) dựa trên Quyết định phê duyệt thuốc Methadone của Sở Y tế.

c/. Bảo quản thuốc Methadone:

- Cơ sở điều trị Methadone phải đảm bảo điều kiện bảo quản Methadone. Methadone phải được bảo quản trong tủ có khoá đặt trong phòng riêng có cửa và khoá chắc chắn, đảm bảo điều kiện nhiệt độ, độ ẩm như quy định của nhà sản xuất in trên bao bì, ít người qua lại. Tủ bảo quản Methadone của cơ sở điều trị gọi là tủ chính, tủ bảo quản Methadone cho ca làm việc trong ngày gọi là tủ lẻ.

- Tủ chính phải chắc chắn, có 2 khoá độc lập (chỉ mở được tủ khi mở hai khoá đồng thời do 2 người khác nhau cùng mở), dung tích chứa được ít nhất 50 bình Methadone 1 lít. Người giữ chìa khoá thứ nhất của tủ chính phải là dược sĩ đại học hoặc dược sĩ trung cấp được uỷ quyền, và người giữ chìa khoá thứ hai do phụ trách cơ sở điều trị giữ hoặc phân công người có trách nhiệm giữ.

- Lượng Methadone sử dụng trong ngày được giữ trong tủ lẻ có một khóa chắc chắn. Người giữ chìa khoá tủ lẻ là dược sĩ đại học hoặc trung học trực tiếp phụ trách cấp phát thuốc cho người bệnh.

- Dược sỹ được uỷ quyền giữ tủ Methadone là người chịu trách nhiệm về chế độ bảo quản Methadone, chế độ ghi chép sổ xuất nhập, xuất nhập tồn hàng ngày, hàng tháng, theo dõi hạn dùng, theo dõi chất lượng thuốc (đánh giá cảm quan, nếu có bất thường phải lập biên bản, gửi thông báo cho nhà phân phối).

d/.Phân phát thuốc Methadone:

- Người cấp phát chịu trách nhiệm cấp phát đúng thuốc, đúng liều, đúng quy định cho đúng bệnh nhân theo chỉ định của bác sỹ. Người cấp phát thuốc phải theo dõi để đảm bảo rằng người bệnh đã uống hết lượng Methadone được cấp phát trước khi rời phòng phát thuốc và phải thực hiện ghi chép theo quy định.

- Trong thời gian tạm ngừng cấp phát Methadone (nghỉ giải lao, họp đột xuất, trao đổi chuyên môn, giải quyết tình huống đặc biệt...), lượng Methadone chưa cấp phát phải được bảo quản trong tủ lẻ có khoá. Ca làm việc chịu trách nhiệm bảo quản lượng Methadone của ca đó.

- Bàn giao ca: Người cấp phát của ca trước phải chịu trách nhiệm vào sổ quản lý thuốc Methadone và bàn giao lại cho người cấp phát của ca sau.

- Cuối ngày làm việc, người cấp phát tính tổng lượng Methadone đã cấp cho người bệnh, kiểm tra lượng Methadone còn tồn, vào sổ và ký. Lượng Methadone tồn phải nhập lại vào tủ chính của cơ sở điều trị để bảo quản.

6. Theo dõi và đánh giá hoạt động của Chương trình

6.1. Chế độ báo cáo

a) Hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi và biểu mẫu báo cáo

Hồ sơ bệnh án và đơn xin điều trị của người bệnh thực hiện theo quy định tại “Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện” do Bộ Y tế ban hành.

Mỗi điểm điều trị phải có sổ theo dõi số người bệnh tham gia điều trị và một số thông tin cơ bản liên quan đến việc điều trị bằng Methadone.

Biểu mẫu báo cáo: Thực hiện theo đúng các biểu mẫu báo cáo do Bộ Y tế quy định.

b) Chế độ báo cáo: Thực hiện báo cáo định kỳ (tháng/quý/năm) và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

6.2. Kiểm tra, giám sát hoạt động

Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất khi cần thiết của Ban chỉ đạo tỉnh để tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình theo đúng các mục tiêu và tiến độ đề ra.

6.3. Đánh giá hiệu quả triển khai Chương trình:

Ban chỉ đạo tỉnh phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiến hành đánh giá trước, trong và sau khi kết thúc Chương trình. Lượng giá kết quả của chương trình Methadone thông qua các chỉ số:

- Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị.

- Tình hình điều trị: liều điều trị, thời gian dò liều...

- Theo dõi trong quá trình điều trị: tỷ lệ bệnh nhân gặp các tác dụng phụ của thuốc, tỷ lệ bệnh nhân quá liều trong thời gian điều trị.

- Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm người bệnh tham gia chương trình.

- Tần suất sử dụng các chất ma túy dạng thuốc phiện của người bệnh tham gia chương trình trước, trong và sau khi điều trị thay thế bằng Methadone.

- Hành vi nguy cơ nhiễm HIV của người bệnh tham gia chương trình.

- Đối tượng tham gia chương trình có việc làm.

- Hành vi tội phạm hình sự của các đối tượng tham gia chương trình.

- Mối quan hệ của các đối tượng tham gia chương trình với gia đình.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình.

7. Kế hoạch triển khai

7.1. Năm 2010: Triển khai Chương trình tại 4 huyện: Điện Điên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Ảng; thành lập 04 cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, xã Thanh Xương huyện Điện Biên, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng.

7.2. Năm 2011: Triển khai Chương trình tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; thành lập mới 03 cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên (thuộc xã Thanh An, huyện Điện Biên), xã Thanh Chăn huyện Điện Biên.

7.3. Năm 2012: Thành lập mới 04 cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên Đông, 02 xã Nà Tấu và Mường Pồn, huyện Điện Biên.

7.4. Giai đoạn từ năm 2013 trở đi tiếp tục duy trì các điểm điều trị đã thành lập. Nghiên cứu mở rộng các điểm điều trị Methadone tại các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa và mở rộng thêm các điểm Methadone tại địa bàn các huyện.

8. Nội dung đầu tư và Kinh phí hoạt động:   

8.1. Nội dung đầu tư:

a/. Xây dựng mới các cơ sở điều trị Methadone: Xây dựng mới 04 cơ sở điều trị Methadone gồm: huyện Điện Biên 03 điểm (xã Thanh Chăn, xã Mường Pồn, xã Nà Tấu) và thị xã Mường Lay.

b/. Sửa chữa và nâng cấp 7 cơ sở điều trị Methadone tại huyện Mường Ảng, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Chà, huyện Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên, xã Thanh Xương, xã Thanh An huyện Điện Biên.

c/. Mua sắm trang thiết bị chuyên môn Y tế, thiết bị văn phòng, vật tư tiêu hao, xét nghiệm, chi phí mua thuốc Methadone.

8.2. Kinh phí: Kinh phí cho 01 cơ sở điều trị Methadone mới thành lập: 1.956.934.000 đồng/năm.

Đơn vị tính: VN đồng

Thiết lập cơ sở điều trị Methadone

95.000.000

Trang thiết bị văn phòng, Y tế

225.430.000

Vật tư tiêu hao duy trì hoạt động 1 năm

78.420.000

Lương cho cán bộ, nhân viên tại 1 cơ sở điều trị trong 1 năm

473.280.000

Chi phí xét nghiệm máu và nước tiểu trong 1 năm

73.650.000

Chi phí mua thuốc Methadone

745.104.000

Chi phí hội thảo, tập huấn, đào tạo cho 1 cơ sở/ 1 năm

226.050.000

Tổng cộng

1.956.934.000

- Tổng cộng kinh phí năm 2010 cho 04 cơ sở điều trị: 7.287.736.000 đồng.

- Năm 2011 thiết lập thêm 03 cơ sở điều trị mới và duy trì 04 cơ sở điều trị cũ, kinh phí cho 07 cơ sở điều trị: 11.352.602. 000 đồng;

- Năm 2012 thiết lập thêm 04 cơ sở điều trị mới và duy trì 07 cơ sở điều trị cũ, kinh phí cho 11 cơ sở điều trị: 17.420.914.000 đồng;

- Năm 2013 kinh phí duy trì mỗi năm: 1.370.454.000 đồng /1 cơ sở điều trị.

Tổng kinh phí điều trị bằng thuốc Methadone giai đoạn 2010 - 2015 là: 83.312.030.000 đồng

8. 3. Nguồn vốn đầu tư:

* Ngân sách Trung ương: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ

* Ngân sách địa phương

* Các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, huy động đóng góp của cộng đồng.

* Nguồn huy động các nguồn vốn hợp pháp khác

Các cơ sở điều trị Methadone do các Tổ chức Quốc tế tài trợ. Khi hết tài trợ, kinh phí cho hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone tỉnh Điện Biên sẽ bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn mục tiêu Chương trình phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ cho tỉnh Điện Biên.

9. Lộ trình thực hiện

9.1. Từ 4 - 6/2010: Chuẩn bị bước 1.

- Khảo sát, lựa chọn các cơ sở điều trị Methadone để triển khai Chương trình.

- Xây dựng Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Điện Biên.

9.2. Từ 7 - 11/2010: Chuẩn bị bước 2.

- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone các cấp. Phân công trách nhiệm các sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia Chương trình. Thành lập Ban Xét chọn người bệnh điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone các cấp. Trình Bộ Y tế và UBND tỉnh phê duyệt Chương trình.

- Sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở điều trị Methadone. Chuẩn bị trang thiết bị cho cơ sở điều trị Methadone.

- Tập huấn chuyên môn cho cán bộ và nhân viên công tác tại các cơ sở điều trị Methadone; thăm quan cơ sở điều trị Methadone tại thành phố Hải Phòng.

- Tuyên truyền, vận động chính sách tạo sự đồng thụân cho Chương trình. Vận động các nhà tổ chức Quốc tế cam kết tài trợ cho Chương trình.

- Xét chọn chuẩn bị người bệnh tham gia chương trình điều trị Methadone.

- Phối hợp Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam và nhà tài trợ chuẩn bị thuốc Methadone cho các cơ sở điều trị.

9.3. Từ 11 -12/2010:

- Triển khai hoạt động 04 cơ sở điều trị Methadone có đủ điều kiện theo quy định Bộ Y tế (tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên; huyện Tuần Giáo; huyện Mường Ảng và huyện Mường Chà).

- Xây dựng kế hoạch triển khai năm 2011.

9.4. Từ 1 - 6/2011:

- Triển khai hoạt động 03 cơ sở điều trị Methadone tại huyện Điện Biên (Xã Thanh Chăn, xã Thanh An) và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Duy trì 04 cơ sở điều trị Methadone đã triển khai.

- Kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone.

9.5. Từ 7 - 12/2011: Duy trì hoạt động và đánh giá hiệu quả.

- Duy trì hoạt động 07 cơ sở điều trị Methadone.

- Đánh giá hiệu quả của Chương trình so với mục tiêu.

9.6. Từ 1 - 6/2012:

- Tiếp tục triển khai hoạt động 04 cơ sở điều trị Methadone tại huyện Điện Biên 2 điểm gồm: (Xã Nà Tấu và xã Mường Pồn); thị xã Mường Lay; huyện Điện Biên Đông). Duy trì 07 cơ sở điều trị Methadone đã triển khai.

- Kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone

9.7. Giai đoạn sau năm 2013:

Tiếp tục duy trì hoạt động 11 cơ sở điều trị Methadone; nghiên cứu mở rộng các điểm điều trị Methadone tại các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa và mở rộng thêm các điểm Methadone tại địa bàn các huyện. Thực hiện các nội dung khác của Chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone theo chỉ đạo của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh Điện Biên.

Điều 2: Tổ chức thực hiện:

1. UBND tỉnh:

1. 1. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Điện Biên (Trưởng Ban chỉ đạo: Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phụ trách khối Văn - Xã; Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Giám đốc

Sở Y tế; Uỷ viên Ban chỉ đạo là một số Sở, ban, ngành tỉnh); phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo.

* Ban chỉ đạo Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh thành lập Nhóm hỗ trợ kỹ thuật (Trưởng nhóm: Đại diện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; thành viên: Đại diện các phòng chuyên môn Sở Y tế; Đại diện phòng chuyên môn Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Đại diện phòng chuyên môn Công an tỉnh Điện Biên); nhiệm vụ của Nhóm hỗ trợ kỹ thuật là giúp Ban chỉ đạo tỉnh Điện Biên xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình.

1.2. Thành lập cơ sở điều trị Methadone: Cơ sở điều trị Methadone là một tổ chức điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; trựcthuộc Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố, chịu sự quản lý toàn diện của Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố và chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế. Cơ sở có con dấu riêng để giao dịch công tác.

1. 3. Thành lập Ban Xét chọn bệnh nhân tuyến tỉnh:

* Thành phần: Trưởng Ban: Phó Giám đốc Sở Y tế; Phó Trưởng ban Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; thành viên: Phó Giám Đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Phó Giám đốc Công an tỉnh; Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Đại diện Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế. Đại diện Nhóm hỗ trợ kỹ thuật).

* Nhiệm vụ: Xét duyệt danh sách người bệnh tham gia chương trình từ Ban Xét chọn người bệnh của huyện/thị xã/thành phố gửi lên; xét chọn những trường hợp đặc biệt từ Ban Xét chọn người bệnh của thành phố/huyện gửi lên; xem xét và quyết định điều chuyển người bệnh từ cơ sở điều trị Methadone này sang cơ sở điều trị Methadone khác khi người bệnh có đơn xin đổi cơ sở điều trị Methadone; Phối hợp với các đơn vị liên quan để quản lý người bệnh tham gia chương trình, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn thuốc Methadone.

2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh:

2. 1. Sở Y tế

a) Thành lập Ban chỉ đạo Ngành Y tế để giúp Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức triển khai tốt các hoạt động của Chương trình.

b) Chỉ đạo việc tổ chức hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone theo đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế.

c) Chỉ đạo việc phối kết hợp giữa các đơn vị y tế địa phương để hỗ trợ chuyên môn y tế cho cơ sở điều trị Methadone.

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều trị cho người bệnh tại cơ sở điều trị Methadone.

e) Phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận, bảo quản, cấp phát và sử dụng thuốc Methadone theo quy định của Bộ Y tế.

* Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS:

- Là đơn vị thường trực, làm đầu mối để triển khai các hoạt động của Chương trình theo đúng kế hoạch và lộ trình thực hiện.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn và đánh giá hiệu quả của Chương trình.

- Tham gia huy động, quản lý và điều phối các nguồn kinh phí cho Chương trình.

- Làm Trưởng Nhóm, trực tiếp điều hành các hoạt động của Nhóm.

- Làm đầu mối tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động của Chương trình.

2. 2. Công an tỉnh Điện Biên:

a) Phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể khác trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình.

b) Có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên toàn tỉnh khi triển khai Chương trình, đặc biệt tại các địa phương triển khai Chương trình và các cơ sở điều trị Methadone.

c) Chỉ đạo Công an huyện/thị xã/thành phố nơi triển khai Chương trình phối hợp chặt chẽ với công an huyện/thị xã/thành phố, các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế và hỗ trợ lực lượng để bảo vệ các cơ sở triển khai Chương trình, bảo vệ kho thuốc, giữ gìn an ninh trật tự và quản lý người bệnh tham gia điều trị bằng thuốc Methadone.

2. 3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a/. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Y tế và các ban ngành khác trong việc triển khai Chương trình tại các cơ sở điều trị Methadone như: Tham gia công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ đào tạo dạy nghề và tạo công ăn việc làm để giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

b/. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan trong công tác thông tin giáo dục truyền thông về việc triển khai điều trị bằng thuốc Methadone.

2. 4. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Điện Biên Phủ

Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc triển khai Chương trình tại địa phương góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân nơi triển khai Chương trình.

2. 5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng mức kinh phí Chương trình phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm hàng năm được tỉnh Điện Biên quyết định, tham mưu kế hoạch phân bổ kinh phí cho hoạt động của Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn các đơn vị sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đúng Luật Ngân sách.

2. 6. Sở Nội vụ:

Có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh quyết định về biên chế, tổ chức, bố trí nhân lực, chế độ lương, phụ cấp và các chế độ chính sách có liên quan cho các cơ sở điều trị Methadone.

2. 7. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh:

Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên:

a) Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan trong công tác thông tin giáo dục truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội về việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

b) Tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình và tái hòa nhập cộng đồng.

2. 8. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể:

Các ban, ngành, đoàn thể khác có liên quan phối hợp để triển khai tốt Chương trình theo sự phân công của Ban chỉ đạo tỉnh.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

3. 1. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone Methadone huyện/thị xã/ thành phố (Trưởng Ban chỉ đạo: Phó chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố - Phụ trách khối Văn xã; Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Giám đốc Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố; Uỷ viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo một số phòng ban); phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đảm bảo thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ của Chương trình.

3. 2. Thành lập Ban Xét chọn người bệnh huyện/thị xã/thành phố

Thành phần: Trưởng Ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố; Phó Trưởng Ban là đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố; Thành viên thường trực: Bác sĩ điều trị Methadone; Thành viên: Đại diện Lãnh đạo Phòng Lao động - TB&XH; đại diện Lãnh đạo Công an huyện/thị xã/thành phố; Tư vấn viên cơ sở điều trị Methadone).

* Nhiệm vụ:Xét chọn người bệnh (hồ sơ) đủ tiêu chuẩn được tham gia điều trị tại cơ sở điều trị Methadone của huyện/thị xã/thành phố theo đúng các quy định của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo tỉnh Điện Biên; gửi danh sách người bệnh được xét chọn tham gia điều trị Methadone đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; xem xét và đề xuất với Ban Xét chọn người bệnh tỉnh điều chuyển khi người bệnh có đơn xin đổi cơ sở điều trị Methadone; phối hợp với các đơn vị liên quan để quản lý người bệnh tham gia vào chương trình, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn thuốc Methadone.

3. 3. Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết tại huyện/thị xã/thành phố:

Trên cơ sở Chương trình của tỉnh, UBND huyện/thị xã/thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai cho phù hợp với thực tế tại địa phương.

4. Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố

Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố tham gia Chương trình phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cụ thế như sau:

a) Chuẩn bị cơ sở vật chất của cơ sở điều trị Methadone theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo tỉnh; tuyển chọn, bố trí nhân sự cho cơ sở điều trị Methadone và cử người tham dự các khóa tập huấn về điều trị Methadone; trực tiếp chỉ đạo triển khai, giám sát và kiểm tra cơ sở điều trị Methadone theo quy định của Bộ Y tế.

b) Tạo điều kiện cho người bệnh được nhận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ khác; phối hợp chặt chẽ với Công an xã/phường/thị trấn để có phương án hỗ trợ về an ninh, trật tự tại cơ sở điều trị Methadone.

c) Phối hợp với Phòng Lao động - TB&XH để hỗ trợ về vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan ở huyện/thị xã/thành phố và xã/phường/thị trấn để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Chương trình.

5. UBND xã, phường, thị trấn

UBND xã/phường/thị trấn nơi triển khai Chương trình thành lập Ban chỉ đạo điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại xã/ phường/thị trấn để tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình tại địa phương.

* Thành phần: Trưởng Ban chỉ đạo: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn; Phó Trưởng Ban chỉ đạo là Trạm trưởng Trạm Y tế xã/phường/thị trấn; Uỷ viên Ban chỉ đạo gồm: Trưởng Công an xã/phường/thị trấn; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã/phường/thị trấn; Chủ tịch Hội Phụ nữ xã/phường/thị trấn; Bí thư Đoàn TNCSHCM xã/phường/thị trấn; Cán bộ Lao động - TB&XH xã/phường/thị trấn; Các thành viên khác tùy vào sự lựa chọn của UBND xã/phường/thị trấn.

* Nhiệm vụ: Ban chỉ đạo giúp UBND xã/phường/thị trấn thực hiện các nhiệm vụ:

a) Thông tin, truyền thông tạo môi trường đồng thuận cho việc triển khai Chương trình; xét giới thiệu người nghiện tham gia Chương trình.

b) Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và cơ sở điều trị Methadone; Quản lý, giáo dục và hỗ trợ người nghiện tham gia chương trình.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch các UBND huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đinh Tiến Dũng