Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/2006/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 07 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIẢI THƯỞNG ĐÀO TẤN - XUÂN DIỆU DÀNH CHO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2005;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện quy định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 97/2001/QĐ-UB ngày 26/9/2001 của UBND tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Văn hóa - Thông tin, Tài chính, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

QUY ĐỊNH

GIẢI THƯỞNG ĐÀO TẤN - XUÂN DIỆU DÀNH CHO VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 95/2006/QĐ-UBND ngày 07/9/2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định (gọi tắt là giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu) là phần thưởng cao quý dành cho các tài năng có thành tích xuất sắc trong tham gia sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Đối tượng có tác phẩm tham dự giải thưởng là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Bình Định.

Điều 3. Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu được xét 5 năm một lần, không hạn chế số lượng giải thưởng, bao gồm các lĩnh vực:

1. Giải thưởng Xuân Diệu dành cho văn học.

2. Giải thưởng Đào Tấn dành cho nghệ thuật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Thể loại tác phẩm tham dự giải thưởng

1. Văn học gồm có: Thơ, văn xuôi, nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật văn học, lý luận phê bình văn học.

2. Nghệ thuật gồm có:

- Sân khấu: Kịch bản sân khấu, nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu, vở diễn sân khấu chuyên nghiệp;

- Mỹ thuật: Tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc; công trình nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật;

- Âm nhạc: Ca khúc, giao hưởng; công trình nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc;

- Kiến trúc: Bản thiết kế công trình kiến trúc; công trình nghiên cứu lý luận phê bình kiến trúc;

- Nhiếp ảnh: Tác phẩm ảnh, tập ảnh giới thiệu về con người, quê hương Bình Định; công trình nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh;

- Điện ảnh: Kịch bản phim truyện viết về con người, quê hương Bình Định; công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh;

- Văn nghệ dân gian: Công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, lý luận phê bình văn học nghệ thuật dân gian.

Điều 5. Tiêu chí xét thưởng

- Các tác phẩm văn học nghệ thuật tham dự giải thưởng phải là những tác phẩm tiêu biểu có nội dung tư tưởng tốt, chất lượng nghệ thuật cao, phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tính khoa học hiện đại và đáp ứng yêu cầu xây dựng quê hương, đất nước theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

- Nhóm tác giả quy định gồm: tối đa không quá 03 tác giả.

1. Đối với văn học: Chỉ xét tác phẩm do cá nhân hoặc nhóm tác giả xuất bản chung, không xét tuyển tập nhiều tác giả.

2. Đối với nghệ thuật:

- Sân khấu: Chỉ xét kịch bản sân khấu đã được xuất bản hoặc vở diễn được dàn dựng và công diễn.

- Mỹ thuật: Chỉ xét cuộc triển lãm hoặc 01 vựng tập của cá nhân hoặc nhóm tác giả đã được xuất bản (không xét triển lãm hoặc vựng tập mang tính chất tập thể rộng).

- Âm nhạc: Chỉ xét chương trình nhạc có hệ thống hoặc 01 tập nhạc đã được xuất bản.

- Kiến trúc: Chỉ xét công trình được Hội Kiến trúc sư của tỉnh hoặc Bộ Xây dựng cấp chứng nhận chất lượng công trình.

- Nhiếp ảnh: Chỉ xét cuộc triển lãm ảnh hoặc 01 tập ảnh của cá nhân hoặc nhóm tác giả đã được xuất bản (không xét triển lãm hoặc tập ảnh mang tính chất tập thể rộng)

- Điện ảnh: Chỉ xét bộ phim truyện được chiếu rộng rãi trong xã hội, hoặc kịch bản phim truyện đã được xuất bản và dàn dựng thành phim hoàn chỉnh mà nội dung nghệ thuật đạt đỉnh cao, đóng góp cho bước phát triển mới của xã hội, được Hội chuyên ngành Trung ương và công chúng đánh giá cao.

- Văn nghệ dân gian: Chỉ xét những công trình, tác phẩm của cá nhân hoặc nhóm tác giả (không xét công trình nhiều tác giả), hoặc chương trình nghệ thuật được dàn dựng và biểu diễn ít nhất là 01 buổi.

Điều 6. Điều kiện xét thưởng đối với từng loại tác phẩm

Tác phẩm được xét thưởng là tác phẩm đã được công bố theo đặc trưng từng thể loại và được quy định như sau:

- Về văn học, công trình hoặc tác phẩm phải được xuất bản thành sách, ít nhất phải là 01 tập thơ trong đó có từ 20 bài trở lên; 01 tập truyện ngắn, bút ký có từ 10 truyện, bài trở lên; hoặc 01 tiểu thuyết, trường ca.

- Về sân khấu, công trình hoặc tác phẩm phải được xuất bản thành sách hoặc một vở diễn dài được một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng có thời gian từ

01 buổi biểu diễn trở lên.

- Về mỹ thuật, công trình hoặc tác phẩm phải được giới thiệu rộng rãi, ít nhất là một phòng triển lãm tranh có từ 20 tranh trở lên hoặc 01 vựng tập (tập tranh) được xuất bản gồm ít nhất là 20 bức tranh.

- Về âm nhạc, công trình hoặc tác phẩm phải được xuất bản thành tập gồm ít nhất là 20 bài nhạc, hoặc một chương trình công diễn ít nhất là 30 phút.

- Về kiến trúc, công trình kiến trúc đã được xây dựng xong, có ý tưởng sáng tạo, có tính xã hội sâu sắc, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, có chất lượng cao về kỹ, mỹ thuật, để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng.

- Về nhiếp ảnh, công trình hoặc tác phẩm phải được giới thiệu rộng rãi, ít nhất là một cuộc triển lãm ảnh, hoặc 01 tập ảnh được xuất bản gồm ít nhất là 30 bức ảnh.

- Về điện ảnh, bộ phim truyện phải được dựng hoàn chỉnh, hoặc kịch bản phim đã được xuất bản có độ dài 30 phút trở lên.

- Về văn nghệ dân gian, công trình hoặc tác phẩm phải được xuất bản thành sách, hoặc được phục hồi hoàn chỉnh.

Điều 7. Các quy định khác

1. Giải thưởng được trao căn cứ theo chất lượng tác phẩm, không nhất thiết phải cơ cấu đủ các bộ môn văn học, nghệ thuật, nếu bộ môn ấy không có tác phẩm đạt các tiêu chuẩn giải thưởng, ngoài ra có xem xét quá trình hoạt động văn học nghệ thuật của tác giả, sự tác động tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng.

2. Mỗi tác giả có thể được xét nhiều giải khác nhau (nếu có nhiều thể loại).

Ngoài đơn vị tác phẩm bắt buộc phải có, sẽ xét bổ sung toàn bộ tác phẩm của cùng tác giả đã công bố lẻ trên sách báo hoặc các phương tiện khác theo đặc trưng loại hình trong thời gian quy định của giải thưởng.

3. Những tác phẩm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng giải thưởng thì Hội đồng xét giải tỉnh xét tặng thưởng ngang giải thưởng Trung ương đối với giải nhất, bằng hoặc cao hơn đối với giải nhì, ba và khuyến khích.

4. Những tác phẩm được các tạp chí, tuần báo Bộ Văn hóa - Thông tin, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Tạp chí Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị tặng thưởng thì được xét ưu tiên hơn những tác phẩm không có giải.

Điều 8. Mức thưởng và nguồn kinh phí cho giải thưởng

1. Mức thưởng cho từng giải:

- Giải A: Mỗi giải thưởng 12.000.000 đ (mười hai triệu đồng).

- Giải B: Mỗi giải thưởng 8.000.000 đ (tám triệu đồng).

- Giải khuyến khích: Mỗi giải thưởng 3.000.000 đ (ba triệu đồng).

(Trong đó tác phẩm dịch thuật được hưởng 80%, tác phẩm sưu tầm được hưởng

60% theo giá trị mỗi giải thưởng).

2. Nguồn kinh phí cho giải thưởng: Do ngân sách tỉnh cấp trên cơ sở dựa theo kết quả xét duyệt của Hội đồng xét tặng giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu và đề nghị của Sở Văn hóa - Thông tin.

Điều 9. Cơ cấu Hội đồng xét tặng giải thưởng và quy trình xét thưởng

1. Hội đồng xét tặng giải thưởng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật Sở Văn hóa - Thông tin làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh làm Phó Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và một số văn nghệ sĩ có uy tín trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật làm thành viên Hội đồng. Thành viên trong Hội đồng xét tặng giải có tác phẩm tham dự xét giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu không được quyền bỏ phiếu cho tác phẩm của mình.

2. Sở Văn hóa - Thông tin là cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng giải có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung, thể lệ cuộc xét giải đồng thời hướng dẫn, tổng hợp danh sách các tác phẩm tham dự giải thưởng theo từng thể loại, báo cáo Hội đồng xét tặng giải để xét duyệt và thực hiện chế độ khen thưởng cho các tác giả đạt giải.

3. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là cơ quan Thường trực Ban Tư vấn giúp Hội đồng xét tặng giải về mặt chuyên môn nghiệp vụ.

4. Thành viên Ban Tư vấn do Thường trực Hội đồng xét tặng giải thưởng và Thường trực Ban Tư vấn thống nhất đề xuất Chủ tịch Hội đồng xét tặng giải quyết định.

5. Các văn nghệ sĩ có tác phẩm tham dự giải thưởng phải gửi hồ sơ và tác phẩm kể cả các ý kiến đề đạt, giải trình có liên quan cho cơ quan Thường trực Hội đồng xét tặng giải trong quý II của năm đầu tiên thuộc giai đoạn 5 năm sau liền kề.

6. Thời điểm xét thưởng tiến hành trong quý III của năm đầu tiên thuộc giai đoạn 5 năm sau liền kề. Trong quá trình xét thưởng, Thường trực Hội đồng xét tặng giải phải triệu tập ít nhất 2/3 thành viên trong Hội đồng xét tặng giải để thực hiện nhiệm vụ xét thưởng các tác phẩm.

7. Kết quả xét thưởng phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mọi khiếu nại đều phải được xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố công khai kết quả xét thưởng.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Các lĩnh vực khen thưởng không nêu trong Quy định này, được áp dụng theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh Bình Định.

Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Quy định này và kịp thời đề xuất UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi (nếu cần).

Điều 11. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các văn nghệ sĩ của tỉnh có trách nhiệm thi hành Quy định này./.