Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/2009/QĐ-UBND

Vinh, ngày 09 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004; Luật Ngân sách Nhà nước ngày 27/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15/11/2007 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Nghị quyết số 276/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của HĐND tỉnh về quy định sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1067/TTr-STP ngày 25/8/2009, Công văn số 1251/STP.VB ngày 07/10/2009 và Sở Tài chính tại Công văn số 2861/STC-HCVX ngày 20/8/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quyết định này quy định việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phân công soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra, lập hồ sơ trình ký ban hành văn bản QPPL được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện.

3. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL được áp dụng đối với các loại văn bản sau:

a) Nghị quyết QPPL của HĐND các cấp;

b) Quyết định, chỉ thị QPPL của UBND các cấp;

c) Chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND; quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Ngân sách nhà nước các cấp (tỉnh, huyện, xã) bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL tại Quyết định này chỉ thực hiện đối với văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ký ban hành. Trong trường hợp có nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung (nghị quyết, quyết định) thì chỉ được bảo đảm cho 01 văn bản với mức cao nhất quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Quyết định này.

2. Kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL chỉ được sử dụng cho các hoạt động trực tiếp liên quan đến việc xây dựng văn bản QPPL.

Điều 3. Mức kinh phí và thẩm quyền quyết định

Mức kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL hàng năm do UBND các cấp quyết định trên cơ sở dự toán kinh phí đã được HĐND cùng cấp phê duyệt. Tổng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL hàng năm được quyết định trên cơ sở số lượng văn bản QPPL được ban hành trong năm, quy mô, tính chất của từng văn bản và khả năng cân đối của ngân sách các cấp.

Điều 4. Nội dung chi

Kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL được sử dụng để chi cho các nội dung cụ thể sau:

1. Công tác soạn thảo chương trình ban hành nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện: Chi tổ chức các cuộc họp xét duyệt chương trình ban hành văn bản QPPL hàng năm.

2. Công tác soạn thảo văn bản QPPL:

a) Chi điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL để đánh giá, tổng kết tình hình thi hành pháp luật; nghiên cứu thông tin tư liệu có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản QPPL;

b) Chi xây dựng đề cương;

c) Chi nghiên cứu, soạn thảo (kể cả chi phí hợp đồng nghiên cứu, soạn thảo văn bản nếu có);

d) Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo trong quá trình soạn thảo;

đ) Chi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự thảo;

e) Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp hoạt động nghiên cứu, soạn thảo văn bản (nếu có).

3. Chi cho công tác thẩm định của cơ quan Tư pháp đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND cùng cấp trình và quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh, cấp huyện; góp ý của cơ quan Tư pháp đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện; góp ý của UBND cấp tỉnh đối với nghị quyết của HĐND cùng cấp không do UBND trình.

4. Chi cho công tác xây dựng văn bản góp ý kiến của Công chức Tư pháp - Hộ tịch vào dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định, chỉ thị của UBND cấp xã.

5. Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản của Văn phòng UBND tỉnh đối với dự thảo nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh; Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã đối với dự thảo nghị quyết của HĐND và quyết định, chỉ thị của UBND cấp huyện, cấp xã.

Điều 5. Mức chi cụ thể đối với văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành

1. Đối với nghị quyết, quyết định soạn thảo mới hoặc thay thế và nghị quyết, quyết định sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành: Mức chi tối đa không quá 4.000.000 đồng/01 văn bản, trong đó mức chi tối đa cho một số nội dung như sau:

a) Tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế;

b) Chi phí điều tra, khảo sát: thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ;

c) Chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương: 400.000 đồng/01 văn bản;

d) Chi cho công tác soạn thảo chi tiết văn bản: 1.500.000 đồng/01 văn bản;

đ) Chi cho cá nhân tham gia hội thảo phục vụ công tác soạn thảo, chỉnh lý dự thảo, thẩm định dự thảo: 50.000 đồng/người/buổi;

e) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý; báo cáo góp ý vào dự thảo văn bản; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản: 100.000 đồng/01 báo cáo;

g) Chi soạn thảo báo cáo thẩm định: 200.000 đồng/01 báo cáo;

h) Chi cho công tác tổ chức lấy ý kiến rộng rãi:

- Lấy ý kiến theo phiếu điều tra, phiếu lấy ý kiến được duyệt (về số phiếu và diện đối tượng điều tra, lấy ý kiến): 20.000đồng/01 phiếu;

- Công tác tổng hợp và xây dựng bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo: 100.000 đồng/01 bản tổng hợp;

i) Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: 150.000đồng/01 văn bản;

k) Các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm: thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Đối với nghị quyết, quyết định có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: nội dung chi và mức chi áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng tổng mức chi tối đa không quá 6.000.000 đồng/01 văn bản.

3. Đối với chỉ thị: Mức chi tối đa không quá 1.500.000 đồng/01 văn bản, trong đó mức chi tối đa cho một số nội dung như sau:

a) Tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế;

b) Mức chi cho công tác soạn thảo văn bản: 400.000 đồng/01 văn bản;

c) Chi cho cá nhân tham dự hội thảo phục vụ công tác soạn thảo, chỉnh lý dự thảo, thẩm định dự thảo: 50.000 đồng/người/buổi;

d) Chi soạn thảo báo cáo góp ý: 100.000 đồng/01 báo cáo;

đ) Chi soạn thảo báo cáo thẩm định: 100.000 đồng/01 báo cáo;

e) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý: 100.000 đồng/01 báo cáo;

g) Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: 100.000đồng/01 văn bản;

h) Các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm: thực hiện theo chế độ hiện hành.

Điều 6. Mức chi cụ thể đối với văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành

1. Đối với nghị quyết, quyết định soạn thảo mới hoặc thay thế và nghị quyết, quyết định sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành: Mức chi tối đa không quá 2.500.000 đồng/01văn bản, trong đó mức chi tối đa cho một số nội dung như sau:

a) Tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế;

b) Chi phí điều tra, khảo sát: mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ;

c) Chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương: 250.000 đồng/01 văn bản;

d) Chi cho công tác soạn thảo chi tiết văn bản: 800.000 đồng/01 văn bản;

đ) Chi cho cá nhân tham gia hội thảo phục vụ công tác soạn thảo, chỉnh lý dự thảo, thẩm định dự thảo: 40.000 đồng/người/buổi;

e) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý; báo cáo góp ý vào dự thảo văn bản; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản: 70.000 đồng/01 báo cáo;

g) Chi soạn thảo báo cáo thẩm định: 150.000 đồng/ 01 báo cáo;

h) Chi cho công tác tổ chức lấy ý kiến rộng rãi:

- Lấy ý kiến theo phiếu điều tra, phiếu lấy ý kiến được duyệt (về số phiếu và diện đối tượng điều tra, lấy ý kiến): 15.000 đồng/01 phiếu;

- Công tác tổng hợp và xây dựng bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo: 70.000 đồng/01 bản tổng hợp;

i) Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: 100.000 đồng/01 văn bản;

k) Các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm: thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Đối với nghị quyết, quyết định có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: nội dung chi và mức chi áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng tổng mức chi tối đa không quá 4.000.000 đồng/01 văn bản.

3. Đối với chỉ thị:

Mức chi tối đa không quá 700.000 đồng/01 văn bản, trong đó mức chi tối đa cho một số nội dung như sau:

a) Tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế;

b) Chi cho công tác soạn thảo văn bản: 150.000 đồng/01 văn bản;

c) Chi cho cá nhân tham gia hội thảo phục vụ công tác soạn thảo, chỉnh lý dự thảo, thẩm định dự thảo: 40.000 đồng/người/buổi;

d) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý: 70.000 đồng/01 báo cáo;

đ) Chi soạn thảo báo cáo góp ý dự thảo: 70.000 đồng/01 báo cáo;

e) Chi cho soạn thảo báo cáo thẩm định: 70.000đồng/01 báo cáo;

g) Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: 70.000đồng/01 văn bản;

h) Các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm: thực hiện theo chế độ hiện hành.

Điều 7. Mức chi cụ thể đối với văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp xã ban hành

1. Đối với nghị quyết, quyết định soạn thảo mới hoặc thay thế và nghị quyết, quyết định sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành: Mức chi tối đa không quá 700.000 đồng/01 văn bản, trong đó mức chi tối đa cho một số nội dung như sau:

a) Tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế;

b) Chi cho công tác soạn thảo văn bản: 150.000 đồng/01 văn bản;

c) Chi cho cá nhân tham gia hội thảo phục vụ công tác soạn thảo, chỉnh lý dự thảo, thẩm định dự thảo: 30.000 đồng/người/buổi;

d) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý; báo cáo góp ý vào dự thảo văn bản; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản: 50.000 đồng/01 báo cáo;

đ) Chi soạn thảo báo cáo góp ý của công chức Tư pháp - Hộ tịch: 50.000 đồng/01 báo cáo;

e) Chi cho công tác tổ chức lấy ý kiến rộng rãi:

- Lấy ý kiến theo phiếu điều tra, phiếu lấy ý kiến được duyệt (về số phiếu và diện đối tượng điều tra, lấy ý kiến): 10.000đồng/01 phiếu;

- Công tác tổng hợp và xây dựng bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo: 50.000 đồng/01 bản tổng hợp;

g) Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: 50.000đồng/01 văn bản;

h) Các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm: thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Đối với nghị quyết, quyết định có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực: nội dung chi và mức chi áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng tối đa không quá 1.000.000 đồng/01 văn bản.

3. Đối với chỉ thị: Mức chi tối đa không quá 300.000 đồng/01 văn bản, trong đó mức chi tối đa cho một số nội dung như sau:

a) Tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến công tác xây dựng văn bản: chi theo thực tế;

b) Chi cho công tác soạn thảo văn bản: 70.000 đồng/01 văn bản;

c) Chi soạn thảo báo cáo góp ý dự thảo văn bản của công chức Tư pháp - Hộ tịch: 30.000 đồng/01 báo cáo;

d) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý dự thảo: 30.000 đồng/01 báo cáo;

đ) Chi cho công tác thẩm tra, lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: 30.000 đồng/01 văn bản;

e) Các khoản chi khác như làm thêm giờ, chi phí in ấn, văn phòng phẩm: thực hiện theo chế độ hiện hành.

Điều 8. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL

1. Hàng năm, cơ quan Tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính, Văn phòng UBND lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL của cấp mình, báo cáo UBND trình HĐND cùng cấp phê duyệt; UBND cấp xã lập dự toán ngân sách chi cho công tác xây dựng văn bản QPPL của cấp mình trình HĐND cùng cấp phê duyệt.

2. Trên cơ sở số lượng văn bản QPPL của cơ quan có thẩm quyền cùng cấp đã ban hành, cơ quan Tư pháp tổng hợp, phối hợp với cơ quan Tài chính thẩm định trình UBND quyết định việc chi ngân sách trong dự toán ngân sách hàng năm cho từng văn bản cụ thể.

3. Sử dụng và thanh quyết toán kinh phí:

a) Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc cấp phát, thanh toán kinh phí theo chế độ quản lý tài chính hiện hành;

b) Cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì xây dựng các văn bản QPPL có trách nhiệm sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, nội dung, chế độ; chứng từ thanh toán phải đảm bảo hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành.

Điều 9. Hiệu lực của văn bản

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 18/7/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ công tác nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

1. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán, hồ sơ, thủ tục cấp phát và thanh toán nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL.

2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tư pháp, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng