Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 14 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BỔ SUNG CỤC BỘ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2011-2020 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025, CÁC DỰ ÁN CHẾ BIẾN TINH BỘT SẮN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê chuẩn, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương về việc ban hành quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày 17/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Công văn số 10886/BCT-CNĐP ngày 03/11/2014 của Bộ Công Thương về việc bổ sung quy hoạch, đầu tư máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Căn cứ Thông báo số 7411/TB-BNN-VP ngày 15/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông báo kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk;

Căn cứ Công văn số 395/HĐND-VP ngày 19/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh, về việc bổ sung quy hoạch các dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn;

Xét Báo cáo thẩm định số 08/BC-HĐTD ngày 25/4/2014 của Hội đồng thẩm định các quy hoạch, đề án phát triển ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015; ý kiến của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại Công văn số 3316/BCH-PTM ngày 31/12/2014; đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 79/TTr-SCT ngày 31/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt bổ sung cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2025, các dự án chế biến tinh bột sắn, với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển sản xuất tinh bột sắn gắn kết với vùng nguyên liệu, quy hoạch tập trung đất, thâm canh tăng năng suất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; không tăng thêm diện tích đất trồng sắn, tránh làm bạc màu đất và phải đảm bảo môi trường;

- Phát triển sản xuất tinh bột sắn phải huy động, phát huy được các nguồn lực sản xuất, nguồn lực xã hội, sử dụng chủ yếu lao động tại địa phương, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu chung:

Phát triển sản xuất tinh bột sắn theo hướng hiện đại, bền vững, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tỷ trọng cao trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu ở địa phương; quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, năng suất cao, cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân trồng sắn.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Thời kỳ đến năm 2020:

- Tổng công suất thiết kế sản xuất 162 ngàn tấn tinh bột sắn/năm;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2015-2020 bình quân đạt 11,1 %/năm;

- Kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn đạt trên 67 triệu USD.

* Tầm nhìn đến năm 2025:

- Tổng công suất thiết kế sản xuất hơn 200 ngàn tấn tinh bột sắn/năm;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân bình quân giai đoạn 2015 - 2025 đạt 8,3 %/năm; riêng giai đoạn 2020-2025 đạt 5%/năm;

- Kim ngạch xuất khẩu riêng tinh bột sắn đạt gần 86 triệu USD.

3. Quy hoạch phát triển:

a) Định hướng phát triển:

- Đầu tư các nhà máy chế biến tinh bột sắn mỗi nhà máy có công suất khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm/năm tại các huyện nghèo, kinh tế khó khăn, có diện tích vùng nguyên liệu sắn đảm bảo, theo lộ trình phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

- Các dự án đầu tư phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; xử lý môi trường đảm bảo, tránh gây ô nhiễm; sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

b) Phương án phát triển sản phẩm:

Phát triển sản phẩm tinh bột sắn gắn với vùng nguyên liệu. Phát triển nguyên liệu theo hướng chủ yếu là quy hoạch theo vùng, thâm canh tăng năng suất, trên cơ sở đất đai hiện trạng, không tăng thêm diện tích đất trồng sắn.

c) Danh mục các dự án quy hoạch đầu tư:

Trên cơ sở diện tích đất hiện trạng đang trồng sắn, việc rà soát địa điểm dự kiến đầu tư, diện tích vùng nguyên liệu tại các huyện, trước mắt quy hoạch đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020 các dự án chế biến tinh bột sắn, như sau:

Danh mục các dự án chế biến tinh bột sắn quy hoạch đầu tư đến năm 2020

STT

Địa điểm quy hoạch dự án chế biến tinh bột sắn

Dự án quy hoạch

Công suất (ngàn tấn sản phẩm/năm)

Vốn đầu tư
(Tỷ đồng)

1

Xã Krông Á, huyện M'D rắk

20

60

2

Xã Krông Jing, huyện M'Drắk

20

60

3

Xã Cư Pui, huyện Krông Bông

0,85

12

4

Xã Ea Pal, huyện Ea Kar

20

60

5

Cụm Công nghiệp Ea Dăh, huyện Krông Năng

15

50

 

Tổng cộng

75,85

242

4. Các giải pháp chủ yếu:

- Giải pháp về đảm bảo nguồn nguyên liệu: Tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhà máy, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nguyên liệu, thâm canh tăng năng suất cây sắn theo hướng tuyển chọn giống mới, tăng tỷ lệ cơ giới hóa đảm bảo cung cấp nguyên liệu với chất lượng cao, giá hạ đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và không tăng thêm diện tích trồng sắn.

- Giải pháp về thị trường: Cần tiếp thị các thị trường mới tiềm năng mà Việt Nam vẫn chưa khai thác hết như EU, Nhật Bản nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống.

- Giải pháp huy động vốn: Xác định nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp, kết hợp với nguồn vốn đầu tư từ nông dân sản xuất nguyên liệu và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: Căn cứ nhu cầu, trình độ năng lực, chuyên ngành lao động tại các nhà máy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương có kế hoạch hỗ trợ đào tạo cho lao động địa phương, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số, để đáp ứng yêu cầu.

- Giải pháp về công nghệ, thiết bị: Dự án đầu tư mới phải đầu tư thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến.

- Giải pháp về môi trường: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết xử lý môi trường theo quy trình, công nghệ tiên tiến, đảm bảo ngay từ bước lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy.

- Tổ chức thực hiện việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức công bố và triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.

- Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và cá nhân liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: NN&PTNT, CT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Cục Công nghiệp địa phương - Bộ CT;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh;
- Như điều 3;
- Các Sở: KH&CN, GTVT, NV;
- Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Các Phòng: NNMT, TH;
- Lưu: VT, CN (Tr.55)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl