Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 957/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN ngày 09/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Điều lệ mẫu về Tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 272/SKHCN-QLCN ngày 10/3/2022; của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 200/STP-XDVB ngày 21/02/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ về Tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2266/QĐ-UBND ngày 20/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Điều lệ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang

 

ĐIỀU LỆ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Địa vị pháp lý

1. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa là Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu riêng, được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa (sau đây viết tắt là Quỹ) hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, không vì mục tiêu lợi nhuận.

2. Tên gọi của Quỹ:

- Tên đầy đủ: Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa.

- Tên viết tắt: Tiếng Anh: THANHFOSTED. Tiếng Việt: Quỹ Phát triển KH&CN Thanh Hóa.

- Tên giao dịch Quốc tế: Thanh Hoa Foundation for Science and Technology Development.

3. Trụ sở của Quỹ: Tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa.

4. Người đại diện theo pháp luật của Quỹ: Giám đốc Quỹ.

Điều 2. Tính chất và mục đích hoạt động

Quỹ hoạt động nhằm mục đích tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 3. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ

Vốn hoạt động của Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:

1. Vốn được cấp ban đầu tối thiểu là 06 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách nhà nước để bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ từ ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ và các nguồn ngân sách khác.

2. Quỹ được huy động các nguồn vốn khác:

a) Các khoản thu từ kết quả hoạt động của Quỹ.

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến tặng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

c) Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Nhiệm vụ của Quỹ

1. Tiếp nhận và nhận ủy thác các nguồn vốn của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; huy động các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; quản lý và sử dụng đúng mục đích có hiệu quả nguồn vốn của Quỹ.

2. Tổ chức thực hiện tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

3. Xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hoạt động trung và dài hạn của Quỹ.

4. Tổ chức xét chọn, thẩm định kinh phí các hồ sơ đề nghị Quỹ tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.

5. Kiểm tra đánh giá hoạt động, tình hình sử dụng vốn hỗ trợ của các dự án được Quỹ tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.

6. Tổng kết đánh giá hiệu quả của các dự án được Quỹ tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.

7. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước giao và các nguồn lực khác theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và quy định hiện hành của pháp luật.

8. Ban hành quy chế hoạt động và các quy định khác phục vụ cho hoạt động của Quỹ.

9. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.

10. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.

11. Chấp hành các quy định của Điều lệ Tổ chức và hoạt động Quỹ, các quy định khác của pháp luật có liên quan.

12. Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước để vận động, tài trợ cho Quỹ hoặc ủy thác cho Quỹ.

Điều 5. Quyền hạn của Quỹ

1. Được huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn theo quy định tại Điều lệ này và các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Được quyền lựa chọn các dự án, phương án để tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.

3. Được yêu cầu các đơn vị có dự án, phương án đang được Quỹ xem xét hoặc đã được Quỹ tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cung cấp thông tin có liên quan về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, tín dụng.

4. Đình chỉ việc tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, hoặc thu hồi vốn, phát mại tài sản đảm bảo tiền vay để thu hồi nợ; khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị cá nhân vi phạm các cam kết với Quỹ hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước liên quan đến hoạt động của Quỹ.

5. Tổ chức nghiên cứu học tập khảo sát mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong và ngoài nước theo quy định hiện hành của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA QUỸ

Điều 6. Cơ cấu tổ chức của Quỹ

1. Bộ máy quản lý và điều hành Quỹ gồm: Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ và Cơ quan điều hành Quỹ.

2. Bộ máy quản lý và điều hành Quỹ hoạt động theo quy định tại Điều lệ này và các quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 7. Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ.

2. Hội đồng quản lý Quỹ có 05 đến 07 thành viên, gồm: Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực Khoa học và Công nghệ; Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; các thành viên khác là đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, ngân hàng được ủy thác và các nhà khoa học. Hội đồng quản lý Quỹ Hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

a) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ là 05 năm; các thành viên tham gia Hội đồng quản lý Quỹ không quá 02 nhiệm kỳ liên tục. Trường hợp vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà Hội đồng quản lý Quỹ mới chưa được bổ nhiệm thì Hội đồng quản lý Quỹ của nhiệm kỳ hiện tại tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Hội đồng quản lý Quỹ mới được bổ nhiệm và nhận nhiệm vụ.

3. Thành viên Hội đồng quản lý Quỹ bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:

a) Bị Toà án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

b) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Không trung thực khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc người khác;

d) Vi phạm quy định của pháp luật hoặc Điều lệ này.

4. Thành viên Hội đồng quản lý được thay thế trong những trường hợp sau:

a) Xin từ chức.

b) Không đảm bảo sức khoẻ đảm nhận công việc.

c) Bị miễn nhiệm theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

d) Thuyên chuyển công tác hoặc bố trí công việc khác.

5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Quyết định phương hướng và kế hoạch hoạt động của Quỹ trên cơ sở các định hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh.

b) Phê duyệt kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.

c) Trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Giám đốc Quỹ, Phó Giám đốc Quỹ.

d) Ban hành các văn bản quy định về hoạt động của Quỹ đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

đ) Giám sát, kiểm tra hoạt động của Cơ quan điều hành Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ trong việc thực hiện quy định của Nhà nước, Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ và các Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ.

e) Phê duyệt kế hoạch hoạt động của Ban Kiểm soát, các báo cáo kết quả kiểm soát và báo cáo thẩm định quyết toán tài chính của Ban Kiểm soát Quỹ.

f) Thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.

g) Quyết định tài trợ, cho vay và bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ theo các quy định tại Điều lệ này.

h) Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.

i) Hội đồng quản lý Quỹ sử dụng bộ máy và con dấu của Quỹ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ và các quy định hiện hành của pháp luật.

k) Các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ được hưởng chế độ và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

l) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

6. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ: Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ 01 lần/năm và họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách trong trường hợp cần thiết. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng tham dự.

7. Chi phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 8. Ban kiểm soát Quỹ

1. Tổ chức của Ban Kiểm soát Quỹ:

a) Ban Kiểm soát Quỹ có 03 thành viên: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và 01 thành viên. Thành viên Ban kiểm soát là các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực tài chính, tín dụng, đầu tư, khoa học và công nghệ, pháp luật, không có tiền án, tiền sự về các tội danh liên quan đến hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật.

b) Ban Kiểm soát Quỹ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm soát Quỹ là 05 năm.

c) Thành viên của Ban Kiểm soát không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ, Phó Giám đốc Quỹ và Kế toán Quỹ.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm soát Quỹ:

a) Giúp Hội đồng quản lý Quỹ giám sát hoạt động của bộ máy điều hành Quỹ.

b) Kiểm tra và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ việc cơ quan điều hành Quỹ chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ.

c) Kiểm tra hoạt động tài chính, giám sát việc chấp hành chế độ kế toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm soát nội bộ; thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ. Định kỳ hàng tháng, quý, năm và theo vụ việc, Ban Kiểm soát có trách nhiệm báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ (bằng văn bản) kết quả kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của Quỹ.

d) Tiến hành công việc một cách độc lập theo chương trình đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua; có quyền sử dụng tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao; được sử dụng hệ thống kiểm tra và kiểm soát nội bộ của Quỹ.

đ) Xem xét, trình Hội đồng quản lý Quỹ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ.

e) Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác do Hội đồng quản lý Quỹ giao.

3. Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ hoặc thành viên của Ban Kiểm soát Quỹ được Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ ủy quyền tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ, được quyền phát biểu ý kiến về các nội dung mà Hội đồng quản lý Quỹ thảo luận, nhưng không được quyền biểu quyết.

4. Ban Kiểm soát Quỹ hoạt động theo quy chế do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành. Các thành viên Ban Kiểm soát Quỹ thực hiện nhiệm vụ được giao một cách độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban Kiểm soát, Hội đồng quản lý Quỹ và pháp luật về nhiệm vụ được giao.

5. Các thành viên của Ban Kiểm soát Quỹ được hưởng chế độ và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

6. Kinh phí hoạt động của Ban Kiểm soát Quỹ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 9. Cơ quan điều hành Quỹ

1. Cơ quan điều hành Quỹ bao gồm: Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, Kế toán Quỹ và bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, trong đó:

a) Giám đốc Quỹ là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiêm nhiệm.

b) 02 Phó Giám đốc, trong đó: 01 Phó Giám đốc Quỹ là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiêm nhiệm; 01 Phó Giám đốc Quỹ là Phó Giám đốc Sở Tài Chính kiêm nhiệm.

c) Kế toán Quỹ làm việc theo chế độ chuyên trách, do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ điều động, bố trí và bổ nhiệm trong tổng số biên chế được giao của Sở Khoa học và Công nghệ.

d) Bộ phận chuyên môn nghiệp vụ: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ sử dụng công chức của các phòng chuyên môn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc Quỹ:

Giám đốc Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ là người đại diện pháp nhân của Quỹ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Xây dựng phương hướng hoạt động, kế hoạch hoạt động dài hạn và hằng năm của Quỹ, trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.

b) Tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ theo quy định tại Điều lệ của Quỹ, các chương trình, kế hoạch và quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

c) Quyết định và chịu trách nhiệm về việc tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều lệ này.

d) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của Quỹ với Hội đồng quản lý Quỹ.

đ) Trình Hội đồng quản lý Quỹ ban hành các văn bản quy định về hoạt động của Quỹ đảm bảo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

e) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực khác của Quỹ theo quy định tại Điều lệ, quy chế quản lý, sử dụng của Quỹ và các quy định của pháp luật.

f) Ban hành quy định về thủ tục xét duyệt, thẩm định, quyết định về việc tài trợ; cho vay và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ. Chủ trì tổ chức thẩm định các hồ sơ đề nghị tài trợ, cho vay, hỗ trợ.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Giám đốc Quỹ:

Phó Giám đốc Quỹ do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ; giúp việc cho Giám đốc Quỹ quản lý, điều hành một số lĩnh vực của Quỹ theo sự phân công và ủy nhiệm vủa Giám đốc Quỹ, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Kế toán Quỹ:

a) Quản lý các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán của Quỹ. Thực hiện các chế độ báo cáo thống kê, kế toán, báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành.

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kế toán, tài chính của Quỹ.

5. Bộ phận chuyên môn nghiệp vụ:

Giúp việc trong các hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ và Cơ quan điều hành Quỹ: Tiếp nhận hồ sơ, tham mưu thành lập hội đồng thẩm định, thành lập đoàn kiểm tra, tham mưu tổ chức đánh giá hiệu quả của các dự án được Quỹ hỗ trợ, tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và các nhiệm vụ khác được giao.

6. Các thành viên của Cơ quan điều hành Quỹ được hưởng chế độ và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

7. Kinh phí hoạt động của Cơ quan điều hành Quỹ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 10. Hội đồng thẩm định hồ sơ

1. Hội đồng thẩm định hồ sơ có 05 thành viên, do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ. Các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo các phòng chức năng của các đơn vị: Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Ngân hàng được ủy thác, đại diện địa phương (đối với tổ chức) hoặc tổ chức, cơ quan nơi cá nhân công tác.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ thẩm định, đánh giá tính hợp pháp, đối tượng, điều kiện của hồ sơ đề nghị tài trợ; vay vốn và bảo lãnh vốn vay; hỗ trợ.

Đối với các dự án vay vốn: Hội đồng tiến hành kiểm tra thực tế các điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo tính khả thi của dự án vay vốn (nếu cần thiết); thẩm định mục đích sử dụng vốn vay; mức vốn đề nghị cho vay; thẩm định dự án đầu tư và kế hoạch trả nợ vốn vay; thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay.

2. Hội đồng thẩm định hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực theo quy định hiện hành của pháp luật và quy định do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành.

3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định thuộc kinh phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Chương IV

CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

Điều 11. Hoạt động tài trợ của Quỹ

Quỹ tài trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất mới phát sinh cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn kinh phí cho hoạt động tài trợ được trích từ các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến tặng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Tổng kinh phí tài trợ hàng năm không quá 05% tổng vốn Điều lệ của Quỹ.

Điều 12. Hoạt động cho vay và bảo lãnh vốn vay của Quỹ

1. Trường hợp cho vay có lãi suất:

a) Quỹ cho vay có lãi suất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khi đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

- Đầu tư máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hoặc triển khai ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Có phương án đầu tư sản xuất kinh doanh đảm bảo tính khả thi.

- Có tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ dự án, tài sản hình thành từ vốn vay hoặc hình thức đảm bảo tiền vay bằng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản hợp pháp của bên thứ ba hoặc dùng các giấy tờ có giá trị.

b) Mức vốn cho vay: Tùy từng dự án do Chủ tịch Hội đồng Quỹ hoặc Giám đốc Quỹ quyết định trên cơ sở tư vấn của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn, tối đa không quá 1.000 triệu đồng/1 dự án. Tổng kinh phí cho vay hàng năm không quá 50% tổng vốn Điều lệ của Quỹ.

c) Lãi suất cho vay:

- Lãi suất cho vay được tính bằng 60% lãi suất cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bằng đồng Việt Nam.

- Lãi suất cho vay vốn của một dự án được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và cố định trong suốt thời hạn vay.

- Trường hợp chủ dự án vay vốn vi phạm hợp đồng tín dụng hoặc quá hạn thì phải chịu lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng. Đối với trường hợp quá hạn từ 01 năm trở lên thì phải chịu lãi vay và phạt quá hạn theo ngân hàng thương mại tại thời điểm quá hạn.

d) Thời hạn cho vay: Do Giám đốc Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với đặc điểm của từng dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá 03 năm và áp dụng phương thức phân kỳ vốn vay.

đ) Bảo đảm tiền vay:

- Bên vay phải dùng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, tài sản hình thành từ vốn vay hoặc đảm bảo tiền vay bằng các hình thức cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tài sản hợp pháp của bên thứ ba hoặc dùng các giấy tờ có giá trị như: sổ tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của các ngân hàng thương mại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để đảm bảo cho số tiền vay. Tài sản đảm bảo tiền vay phải có giá trị lớn hơn hoặc bằng 120% số tiền vay.

- Tài sản đảm bảo tiền vay, trình tự, thủ tục bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản đảm bảo tiền vay: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đảm bảo tiền vay và quy định của Quỹ do Hội đồng Quỹ ban hành.

- Trường hợp việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản phải được Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Giám đốc Quỹ.

e) Tổ chức cho vay:

- Thẩm quyền cho vay:

Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định cho vay và chịu trách nhiệm đối với các dự án vay vốn từ 500 triệu đồng trở lên.

Giám đốc Quỹ quyết định cho vay và chịu trách nhiệm đối với các dự án vay vốn dưới 500 triệu đồng.

f) Nội dung thẩm định dự án vay vốn:

- Thẩm định hồ sơ: Thẩm định, đánh giá hồ sơ đề nghị vay vốn theo quy định tại Điều lệ Quỹ, gồm: Tính hợp pháp của hồ sơ, đối tượng, điều kiện vay vốn. Tiến hành kiểm tra thực tế các điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo tính khả thi của dự án vay vốn (nếu cần thiết).

- Thẩm định mục đích sử dụng vốn vay; mức vốn đề nghị cho vay.

- Thẩm định dự án đầu tư và kế hoạch trả nợ vốn vay.

- Thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay.

g) Xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro

- Đối với những dự án gặp rủi ro do sự kiện bất khả kháng (được quy định tại Khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015) dẫn đến không hoàn trả được một phần hoặc toàn bộ vốn vay thì được xem xét xử lý rủi ro theo quy định hiện hành.

- Trường hợp chủ dự án chưa đủ khả năng trả nợ (cả gốc và lãi do khách quan bất khả kháng) có văn bản xin gia hạn nợ được Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc hoặc gia hạn nợ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Thời hạn gia hạn nợ tối đa là 12 tháng kể từ ngày có quyết định gia hạn.

- Trường hợp chủ dự án không trả hết nợ gốc trong thời hạn cho vay theo Hợp đồng và không được điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc hoặc gia hạn nợ, quá 10 ngày kể từ ngày đáo hạn, Quỹ sẽ chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn. Chủ dự án chịu phạt mức lãi suất 150% mức lãi suất trong hợp đồng trên số nợ gốc chậm trả.

- Trường hợp chủ dự án có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ thì Quỹ chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật khởi kiện chủ dự án ra tòa án để xử lý nợ theo quy định của pháp luật.

- Việc xóa nợ lãi do Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.

- Việc xóa nợ gốc do Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ. Hình thức này áp dụng cho các trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 12 của Điều lệ này nhưng chủ đầu tư của dự án không còn khả năng trả nợ sau khi đã tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán.

2. Trường hợp cho vay không lãi suất:

a) Quỹ cho vay không lãi suất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường khi đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

- Có công trình khoa học không sử dụng ngân sách nhà nước nhằm nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường được cấp có thẩm quyền xác nhận.

- Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

b) Mức vốn cho vay:

Tùy từng dự án do Giám đốc Quỹ quyết định trên cơ sở tư vấn của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn, tối đa không quá 100 triệu đồng/1 dự án.

c) Kinh phí cho vay:

Nguồn kinh phí cho hoạt động cho vay không lãi suất được trích từ các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến tặng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Tổng kinh phí hỗ trợ hằng năm cho các hoạt động hỗ trợ không quá 05% tổng vốn Điều lệ của Quỹ.

d) Thời hạn cho vay: Do Giám đốc Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với đặc điểm của từng dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư, nhưng tối đa không quá 03 năm.

đ) Tổ chức cho vay: Giám đốc Quỹ quyết định cho vay và chịu trách nhiệm đối với các dự án được vay vốn.

e) Nội dung thẩm định dự án vay vốn:

Thẩm định, đánh giá hồ sơ đề nghị vay vốn theo quy định tại Điều lệ Quỹ, gồm: Tính hợp pháp của hồ sơ, đối tượng, điều kiện vay vốn. Tiến hành kiểm tra thực tế các điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo tính khả thi của dự án vay vốn (nếu cần thiết).

f) Xử lý rủi ro và thẩm quyền xử lý rủi ro

- Đối với những dự án gặp rủi ro do sự kiện bất khả kháng (được quy định tại Khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015) dẫn đến không hoàn trả được một phần hoặc toàn bộ vốn vay thì được xem xét xử lý rủi ro theo các hình thức: khoanh nợ, xóa nợ.

- Việc khoanh nợ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Thời hạn khoanh nợ tối đa là 02 năm. Hết hạn khoanh nợ, đơn vị được khoanh nợ có trách nhiệm hoàn trả Quỹ đầy đủ số vốn gốc được khoanh nợ.

Hết hạn khoanh nợ, nếu đơn vị được cho vay có điều kiện được trả nợ nhưng cố tình không trả nợ thì Quỹ chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật, khởi kiện ra toàn án để xử lý nợ theo quy định của pháp luật; nếu đơn vị được cho vay thực sự không còn khả năng trả nợ (sau khi đã tận thu mọi nguồn có khả năng thanh toán) thì Quỹ xem xét xóa nợ theo quy định. Việc xoán nợ do Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ.

Điều 13. Hoạt động hỗ trợ

1. Quỹ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bao gồm:

a) Các tổ chức, cá nhân tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức ở nước ngoài khi có thư mời tham dự và trình bày báo cáo khoa học trực tiếp tại hội nghị, hội thảo.

b) Các nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học công nghệ công lập được sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia để thực hiện các công trình nghiên cứu cấp quốc gia.

2. Kinh phí hỗ trợ:

Nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ được trích từ các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến tặng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Tổng kinh phí hỗ trợ hằng năm cho các hoạt động hỗ trợ không quá 05% tổng vốn Điều lệ của Quỹ.

Điều 14. Cơ quan nhận ủy thác về quản lý cho vay, thu hồi vốn

1. Cơ quan nhận ủy thác về quản lý, cho vay, thu hồi vốn phải là tổ chức tín dụng đảm bảo đồng thời các tiêu chí sau:

a) Có đầy đủ các điều kiện để được nhận ủy thác thực hiện quản lý, cho vay, thu hồi vốn theo ngân hàng nhà nước Việt Nam, pháp luật về hoạt động cho vay và quy định của pháp luật khác có liên quan.

b) Có kinh nghiệm trong việc quản lý, cho vay, thu hồi vốn vay.

c) Có mạng lưới đến các cơ sở, nhân sự và bộ máy tổ chức để thực hiện việc quản lý, cho vay và thu hồi vốn theo hợp đồng ủy thác, đảm bảo hoạt động cho vay được an toàn, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn và tỷ lệ giá trị lãi suất được hưởng của cơ quan nhận ủy thác về quản lý cho vay, thu hồi vốn được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác theo quy định hiện hành.

Điều 15. Chế độ tài chính, kế toán, báo cáo

1. Quỹ thực hiện chế độ tài chính, kế toán, quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về ngân sách, kế toán và các văn bản có liên quan.

2. Quỹ được phép chuyển vốn dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp.

3. Hàng năm, Hội đồng quản lý Quỹ xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

4. Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện chế độ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (định kỳ hoặc đột xuất) về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính và kết quả hoạt động của Quỹ.

5. Chi hoạt động quản lý Quỹ được sử dụng cho hoạt động của bộ máy quản lý và điều hành Quỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

6. Quỹ chịu sự kiểm tra, giám sát về tài chính của Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Thi hành, sửa đổi, bổ sung và thay thế Điều lệ

1. Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và thay thế Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định số 2266/QĐ-UBND ngày 20/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, cá nhân được Quỹ tài trợ, cho vay và bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy định của Điều lệ này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có vấn đề phát sinh, các ngành, các cấp có liên quan phản ánh kịp thời về cơ quan điều hành Quỹ để tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật./.