Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 958/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 21 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “NGHIÊN CỨU, LỰA CHỌN GIỐNG LÚA CÓ NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG BỔ SUNG VÀO CƠ CẤU GIỐNG LÚA CỦA TỈNH, PHỤC VỤ XÂY DỰNG VÙNG SẢN XUẤT LÚA HÀNG HÓA CỦA TỈNH BẮC GIANG”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000; Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 55/TTr-KHCN ngày 20 tháng 6 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án “Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Cơ quan chủ trì: Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội.

2. Chủ nhiệm dự án: TS. Nguyễn Mai Thơm.

3. Thời gian thực hiện: 24 tháng (từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2015).

4. Mục tiêu của dự án:

4.1. Mục tiêu chung

Lựa chọn được một số giống lúa thuần có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.

4.2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng mô hình trình diễn tại 02 huyện Yên Dũng và Việt Yên.

+ Năm thứ nhất: Thử nghiệm 05 giống lúa mới từ bộ giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức, có năng suất trên 60 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng phù hợp ở vụ Xuân và vụ Mùa, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi, với quy mô 20 ha.

+ Năm thứ hai: Qua thử nghiệm lựa chọn được 3/5 giống có ưu thế xây dựng mô hình trình diễn, với quy mô 120 ha.

- Hoàn thiện quy trình cho 3 giống được lựa chọn.

- Tổ chức 08 hội nghị tập huấn cho cán bộ và người dân tham gia mô hình.

- Tổ chức 04 hội nghị đầu bờ nhân rộng mô hình.

5. Nội dung dự án:

5.1. Lựa chọn 05 giống lúa mới.

a) Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất lúa, lựa chọn điểm thử nghiệm và xây dựng mô hình trình diễn của huyện Yên Dũng và Việt Yên:

- Điều tra điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng làm căn cứ để lựa chọn điểm triển khai dự án.

- Xây dựng phiếu điều tra và điều tra tại 2 huyện Yên Dũng và Việt Yên, mỗi huyện điều tra khảo sát 4 xã điển hình, mỗi xã thực hiện 50 hộ. Tổng cộng 400 phiếu điều tra.

b) Lựa chọn được 05 giống lúa mới từ bộ giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức, có năng suất trên 60 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng phù hợp ở vụ Xuân và vụ Mùa, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

5.2. Xây dựng mô hình trình diễn tại huyện Yên Dũng và Việt Yên

a) Năm thứ nhất: 05 giống lúa mới thử nghiệm trong 2 vụ (vụ Mùa năm 2013 và vụ Xuân năm 2014) tại 2 huyện với diện tích là 01ha/vụ/giống/huyện, tổng diện tích là 20ha.

- Thử nghiệm 5 giống lúa thuần HĐT8, ĐS1, QR1, RVT, VS1.

- Địa điểm thử nghiệm:

+ 4 xã của huyện Việt Yên: Quảng Ninh, Bích Sơn, Vân Trung, Ninh Sơn.

+ 5 xã của huyện Yên Dũng: Nham Sơn, Xuân Phú, Lãng Sơn, Tư Mại, Cảnh Thụy.

- Theo dõi các chỉ tiêu: Tình hình sinh trưởng, phát triển của giống; Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất; Khả năng chống chịu của giống; Chất lượng gạo thương phẩm (dài/rộng, độ bạc bụng, hàm lượng protein, mùi thơm,...); đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình so với các giống lúa khác.

- Xác định 03 giống điển hình phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của địa phương để đưa vào thực hiện năm thứ hai.

b) Năm thứ hai: chọn 03 giống lúa có ưu thế từ 05 giống theo dõi mô hình năm thứ nhất, trồng trong 2 vụ (vụ Mùa năm 2014 và vụ Xuân năm 2015) tại 2 huyện với diện tích là 10ha/vụ/giống/huyện, tổng diện tích là 120ha.

- Địa điểm triển khai:

+ 4 xã của huyện Việt Yên: Quảng Ninh, Bích Sơn, Vân Trung, Ninh Sơn.

+ 5 xã của huyện Yên Dũng: Nham Sơn, Xuân Phú, Lãng Sơn, Tư Mại, Cảnh Thụy.

- Theo dõi các chỉ tiêu: Tình hình sinh trưởng, phát triển; tình hình sâu bệnh, năng suất, chất lượng của các giống lúa; đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình so với các giống lúa khác.

- Xây dựng phương án phòng chống rủi ro: Thiên tai, dịch hại, trình độ thâm canh...

5.3. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác của 03 giống lúa phù hợp với điều kiện của địa phương

Bố trí các thí nghiệm về thời vụ, mật độ, phân bón, sâu bệnh để hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng triển khai dự án.

a) Thí nghiệm 1: Nghiên cứu xác định thời vụ cho 3 giống lúa năng suất chất lượng được lựa chọn.

- Đối tượng: 3 giống lúa được lựa chọn.

- Phương pháp làm mạ: Mạ nền.

- Phương pháp bố trí: Mô hình được bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 công thức với 3 lần nhắc lại trên thửa ruộng của 3 hộ nông dân, mỗi thửa ruộng được chia làm 3 phần để trồng 3 giống. Diện tích mỗi thửa ruộng 300 m2.

- Công thức thí nghiệm: gồm 10 công thức (10 thời vụ), 5 ngày/1 thời vụ.

b) Thí nghiệm 2: Nghiên cứu xác định mật độ cấy 3 giống lúa năng suất chất lượng được lựa chọn.

- Đối tượng: 3 giống lúa được lựa chọn.

- Phương pháp bố trí: Mô hình được bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 công thức với 3 lần nhắc lại trên thửa ruộng của 3 hộ nông dân, mỗi thửa ruộng được chia làm 3 phần để trồng 3 giống. Diện tích mỗi thửa ruộng 300 m2.

- Công thức thí nghiệm: gồm 5 công thức: M1: 35 khóm/m2; M2: 40 khóm/m2; M3: 45 khóm/m2; M4: 50 khóm/m2; M5: 55 khóm/m2.

c) Thí nghiệm 3: Ảnh hưởng của Lân, Đạm, Kali đến sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và năng suất lúa cho 3 giống lúa được lựa chọn.

- Đối tượng: 3 giống lúa được lựa chọn.

- Phương pháp bố trí: Mô hình được bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 công thức với 3 lần nhắc lại trên thửa ruộng của 3 hộ nông dân, mỗi thửa ruộng được chia làm 3 phần để trồng 3 giống. Diện tích mỗi thửa ruộng 300 m2.

- Công thức thí nghiệm:

+ Phân lân: 6 lượng lân: P1: 15 kg/sào Bắc bộ (BB); P2: 16 kg/sào BB; P3: 17 kg/sào BB; P4: 18 kg/sào BB; P5: 19 kg/sào BB; P6: 20 kg/sào BB.

+ Phân đạm: 5 lượng đạm: N1: 6 kg/sào BB; N2: 6,5 kg/sào BB; N3: 7 kg/sào BB; N4: 7,5 kg/sào BB; N5: 8 kg/sào BB.

+ Phân Kali: 4 lượng kali: K1: 5 kg/sào BB; K2: 6 kg/sào BB; K3: 7 kg/sào BB; K4: 8 kg/sào BB;

d) Thí nghiệm 4: Ảnh hưởng của phân bón viên nén chậm tan đến khả năng sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và năng suất lúa cho 3 giống lúa được lựa chọn.

- Đối tượng: 3 giống lúa được lựa chọn.

- Phương pháp bố trí: Mô hình được bố trí kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ, 3 công thức với 3 lần nhắc lại trên thửa ruộng của 3 hộ nông dân, cứ 1 thửa ruộng được chia làm 3 phần, 1/3 thửa ruộng trồng 1 giống. Diện tích mỗi thửa ruộng 150m2.

- Công thức thí nghiệm: gồm 5 công thức: Phân bón theo quy trình giống đối chứng (đ/c), 0N (đ/c 2), 60N phân viên nén (PVN), 90N (PVN), 120N (PVN); Trên nền thí nghiệm 90P2O5 + 90K2O/ha.

5.4. Tổ chức hội nghị đầu bờ và tập huấn kỹ thuật

a) Tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất các giống lúa năng suất, chất lượng cao cho cán bộ và nông dân.

- Lựa chọn các cán bộ chủ chốt tại địa phương gắn với dự án để đào tạo trở thành kỹ thuật viên cho dự án.

- Đào tạo thông qua các mô hình nghiên cứu, trình diễn, phổ biến những tiến bộ kỹ thuật cho người dân tham gia và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cơ sở.

- Tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ thuật cho 400 lượt người dân tham gia trồng lúa thuộc dự án về kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa hàng hóa, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại.

b) Hội nghị đầu bờ, thông tin tuyên truyền mở rộng mô hình.

Tổ chức 4 hội nghị đầu bờ đánh giá năng suất lúa thực thu và nhân rộng mô hình cho 120 lượt người tham dự.

6. Sản phẩm của dự án:

- Mô hình lúa hàng hóa năng suất, chất lượng tại 2 huyện Yên Dũng và Việt Yên trong 02 vụ Xuân và 02 vụ Mùa với tổng diện tích là 140ha.

- Tối thiểu 02 giống lúa có năng suất ổn định trên 60 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng phù hợp ở vụ Xuân, vụ Mùa, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh.

- 02 chuyên đề:

+ Thử nghiệm một số giống lúa năng suất, chất lượng tại huyện Việt Yên.

+ Thử nghiệm một số giống lúa năng suất, chất lượng tại huyện Yên Dũng.

- 06 quy trình chăm sóc các giống lúa thuần năng suất, chất lượng trên địa bàn huyện Yên Dũng và Việt Yên.

- Hồ sơ tập huấn, hội nghị đầu bờ: 8 lớp tập huấn kỹ thuật, 04 hội nghị đầu bờ.

- Báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo quyết toán dự án (kèm theo chứng từ hợp lệ).

7. Kinh phí thực hiện dự án:

Tổng kinh phí thực hiện: 3.148.074.000 đồng (Ba tỷ, một trăm bốn mươi tám triệu, không trăm bảy mươi bốn nghìn đồng chẵn).

Trong đó:

- Kinh phí đề nghị hỗ trợ từ ngân sách SNKH tỉnh: 689.226.000 đồng (Sáu trăm tám mươi chín triệu, hai trăm hai mươi sáu nghìn đồng chẵn).

- Kinh phí đối ứng của người dân: 2.458.848.000 đồng (Hai tỷ, bốn trăm năm mươi tám triệu, tám trăm bốn mươi tám nghìn đồng chẵn).

Điều 2. Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ và nội dung đã được phê duyệt.

Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và nghiệm thu dự án theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội; chủ nhiệm dự án và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Sở KH&CN (2);
- VP UBND tỉnh: LĐVP, TKCT, TH, PKT, KT4.
- Lưu: KT3, VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh