Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/QĐ-BNN-XD

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ ĐỀ XUẤT LÀM ĐƯỜNG VẬN XUẤT, ĐƯỜNG BẢO VỆ VÀ ĐƯỜNG BĂNG CẢN LỬA THUỘC DỰ ÁN "PHỤC HỒI VÀ QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG TẠI CÁC TỈNH BẮC GIANG, QUẢNG NINH VÀ LẠNG SƠN - KFW3 PHA 3"

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 và số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Hiệp định tài chính và thỏa thuận riêng đã được ký ngày 11/12/2006 giữa Ngân hàng tái thiết Đức (Kfw) và chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 3042/QĐ-BNN-HTQT ngày 18/10/2006 của Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn (Kfw3 pha 3) và tiêu chuẩn thiết kế đường ôtô TCVN 4054:2005;
Căn cứ Quyết định số 3569/QĐ-BNN-KH ngày 13/11/2008 của Bộ NN&PTNT phê duyệt kế hoạch tổng thể dự án "Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn".
Căn cứ các Văn bản ngày 26 và 29 tháng 11 năm 2010 của Kfw về việc sử dụng kinh phí còn lại của dự án Kfw3-pha 3;
Xét tờ trình số 2504/TT-DALN-Kfw3-3 ngày 13/12/2010 của Trưởng ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và hồ sơ kèm theo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn lập hồ sơ đề xuất làm đường vận xuất, đường bảo vệ và đường băng cản lửa thuộc dự án Kfw3 pha 3.

Điều 2. Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn các chủ rừng thuộc dự án Kfw3 - pha 3 thực hiện các nội dung tại Quyết định này và các quy định hiện hành khác có liên quan đảm bảo đúng mục tiêu và nhiệm vụ của Dự án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các vụ: Kế hoạch, Tài chính, Hợp tác quốc tế; Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình, Trưởng ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&ĐT; Bộ TC;
- Kho bạc nhà nước TW;
- Kho bạc nhà nước các tỉnh vùng DA;
- Vụ HTQT; Vụ KH, Vụ TC;
- Lưu: VT, XD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

 

HƯỚNG DẪN

LẬP HỒ SƠ ĐỂ ĐƯỢC KFW3-3 HỖ TRỢ
(Kèm theo Quyết định số 96/QĐ-BNN-XD ngày 18/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phần 1.

HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ ĐỀ XUẤT ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ LÀM ĐƯỜNG VẬN XUẤT VÀ ĐƯỜNG BẢO VỆ RỪNG

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ, TIÊU CHUẨN VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Luật xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003.

2. Hiệp định tài chính đã ký ngày 11/12/2006 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng tái thiết Đức.

3. Các Văn bản ngày 26 và 29 tháng 11 năm 2010 của Kfw về việc sử dụng kinh phí còn lại của dự án Kfw3 - pha 3.

4. Tiêu chuẩn thiết kế đường ôtô số TCVN 4054:2005.

5. Tiêu chuẩn thiết kế đường giao thông nông thôn số 22-TCN-210-92.

6. Hướng dẫn này áp dụng cho các chủ rừng thuộc dự án "Phục hồi và quản lý rừng bền rững tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn - Kfw3 pha 3".

II. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA VIỆC LÀM ĐƯỜNG VẬN XUẤT VÀ ĐƯỜNG BẢO VỆ RỪNG

1. Đường vận xuất và đường bảo vệ rừng được hình thành trên cơ sở san gạt (có bù chênh đào-đắp), gia cố địa hình tự nhiên (hoặc đường mòn đã có) nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện và người sử dụng. Không thiết kế áo đường.

2. Tạo cơ hội cho chủ rừng quản lý và bảo vệ rừng được thuận lợi và hiệu quả hơn thông qua công tác hỗ trợ đầu tư đường vận xuất và đường bảo vệ rừng;

3. Có thể sử dụng các đường này để vận chuyển gỗ nhỏ trong quá trình tỉa thưa và các lâm sản ngoài gỗ trong quá trình khai thác;

4. Khi có điều kiện có thể nâng cấp làm đường vận chuyển gỗ lớn hơn thu được từ khai thác;

5. Đảm bảo điều kiện để khai thác, sử dụng lâu dài (ít nhất tương đương thời gian khai thác của 1 chu kỳ rừng trồng);

6. Đảm bảo cho xe trọng tải ≤ 5 tấn (đối với đường vận xuất) và xe máy (đối với đường bảo vệ rừng) lưu thông được an toàn.

III. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ LÀM ĐƯỜNG VẬN XUẤT VÀ ĐƯỜNG BẢO VỆ RỪNG

1. Chủ rừng có nhu cầu đầu tư, có nguyện vọng được hỗ trợ và có trong danh sách dự kiến được Kfw đồng ý hỗ trợ (tại phụ lục 04 và 05 Văn bản ngày 4/10/2010 của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp gửi Kfw);

2. Rừng trồng có giá trị sử dụng cao về kinh tế và môi trường;

3. Cơ sở giao thông hiện có và trong tương lai phù hợp quy hoạch rừng đã, đang hoặc sẽ phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm từ rừng cũng như hỗ trợ đầy đủ cho công tác quản lý các khu rừng trồng;

4. Công trình phải thiết thực phục vụ cho nhu cầu quản lý bảo vệ rừng trước mắt và lâu dài;

5. Công trình có tiềm năng tạo thu nhập hợp pháp khác cho dân cư địa phương nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đất rừng, tránh hiện tượng tự cung tự cấp;

6. Trong khu vực không xuất hiện nguy cơ đe dọa đến các vùng rừng trồng như hiện tượng du canh du cư, chăn thả tự do …;

7. Hồ sơ đề xuất (bao gồm thuyết minh, bản vẽ thi công và dự toán) phải do cá nhân (hoặc tổ chức) có trình độ chuyên môn phù hợp lập, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa phương phê duyệt và được Ban quản lý các dự án lâm nghiệp chấp thuận.

8. Cam kết của chủ rừng về nguồn kinh phí để hoàn chỉnh công trình nếu sự hỗ trợ của Kfw3 pha 3 không đủ;

9. Chủ rừng khẳng định dùng nguồn kinh phí tự có để lập Hồ sơ đề xuất và duy tu bảo dưỡng sau khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

IV. HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ ĐỀ XUẤT

IV.1. Thuyết minh gồm các nội dung chính sau:

1. Tên chủ rừng, địa chỉ khu rừng cần hỗ trợ và giải trình rõ các nội dung được nêu tại mục III;

2. Căn cứ xác định dự toán (theo các quy định của nhà nước hoặc theo giá trị thực tế thị trường), giá trị dự toán (bao gồm: chi phí tư vấn, xây lắp, chi khác, quản lý, giải phóng mặt bằng, dự phòng), nội dung và giá trị đề xuất Kfw3 pha 3 hỗ trợ. Nguồn kinh phí ngoài khoản hỗ trợ từ Kfw3 (nếu cần);

3. Thời gian hoàn thành công trình (kể từ khi nhận được hỗ trợ của Kfw3 pha 3);

IV.2. Thiết kế Bản vẽ thi công đường vận xuất.

1. Yêu cầu:

a. Khi thiết kế phải nghiên cứu toàn diện để có một hướng tuyến đường an toàn, hiệu quả và có định hướng phát triển bền vững lâu dài;

b. Phối hợp tốt giữa các yếu tố: bình đồ êm thuận, cắt dọc, cắt ngang và tận dụng địa hình tự nhiên để tạo nên tuyến đường đều đặn đảm bảo tầm nhìn, ổn định nền đường và đảm bảo an toàn cho phương tiện và người sử dụng đường.

2. Cấp đường: Tương đương đường cấp VI miền núi, vận tốc thiết kế ≤ 20km/h.

3. Mặt cắt ngang: 01 làn xe chạy tối thiểu rộng 3m, lề đường 1,25m không có đường bên dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Bố trí các điểm tránh xe hợp lý. Cần nghiên cứu kỹ quy hoạch sử dụng đất của khu rừng và lưu lý đến hành quỹ đất cho việc mở rộng nâng cấp đường trong tương lai.

4. Độ dốc ngang mặt: từ 3%-4% (đoạn đường thẳng). Độ dốc ngang lề từ 4%-5%. Dốc ngang trên đoạn đường cong phải tuân thủ quy định về siêu cao song không quá 6%.

5. Bình đồ và mặt cắt dọc:

a. Tầm nhìn: Bảo đảm tầm nhìn tối thiểu hai chiều khi chạy xe là 20m;

b. Trong đường cong nằm yêu cầu phải mở rộng phần xe chạy cho phù hợp với bán kính cong;

c. Độ dốc dọc: thông thường không quá 11% nơi địa hình khó khăn phức tạp châm chước không quá 12%;

6. Nền đường.

a. Phải đảm bảo nền đường ổn định, duy trì được kích thước hình học, có đủ cường độ để chịu được các tác động của tải trọng xe và của các yếu tố thiên nhiên trong suốt quá trình khai thác sử dụng;

b. Phải bảo đảm việc xây dựng nền đường ít phá hoại sự cân bằng tự nhiên vốn có và không tác động xấu đến môi trường;

c. Nền đường chủ yếu được hình thành trên cơ sở san gạt địa hình tự nhiên. Trường hợp phải đắp thì lấy đất tự nhiên ở khu vực lân cận. Không được đắp hỗn độn mà phải đắp thành từng lớp. Trước khi đắp phải xử lý hết lớp đất phong hóa. Nền đường phải có độ chặt k ≥ 0,90 (nếu nền tự nhiên không đủ độ chặt thì phải đào bỏ phần không đạt rồi đầm nén lại cho đến khi đạt yêu cầu);

d. Mái đường đắp (tùy theo địa chất, đất bụi, cát nhỏ) có ta luy 1:1,75 ÷ 1:2,00;

e. Mái đường đào (tùy theo địa chất, đất rời) có ta luy 1:1,5 ÷ 1:1,75.

7. Độ phẳng mặt đường (theo chỉ số IRI). Chỉ số độ gồ ghề ≤ 6 theo tiêu chuẩn độ bằng phẳng của mặt đường cấp thấp.

8. Các công trình thoát nước.

a. Thoát nước dọc (rãnh biên): Có tiết diện hình thang (rãnh đất) hoặc tam giác (rãnh đá), chiều sâu tính từ mặt nền tối thiểu 0,3m, độ dốc lòng rãnh ≥ 0,5%. Tận dụng địa hình để tìm cách tháo nước dọc ra chỗ trũng (sông, suối …) gần đường. Đoạn có dốc dọc từ 8% ÷ 12% thì rãnh phải xây hoặc có giải pháp gia cố;

b. Rãnh đỉnh: Khi cần thiết thì phải làm rãnh đỉnh để cắt nước không cho đổ trực tiếp vào nền rãnh biên. Rãnh dẫn nước: Chỉ áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết để đảm bảo an toàn cho đoạn đường trong khu rừng có giá trị cao cần phải bảo vệ;

9. Công trình vượt qua dòng chảy. Tại các lý trình cần vượt qua dòng chảy thì có thể áp dụng phương án cống (khẩu độ ≥ 0,75m, độ dốc 2-3% để tránh lắng đọng bùn đất), đường ngầm hoặc đường tràn.

IV.3. Thiết kế Bản vẽ thi công đường bảo vệ rừng. Có nội dung tương tự phần đường vận xuất nhưng mặt cắt ngang nền đường tối đa chỉ rộng 2,0m và độ đầm chặt k ≥ 0,80.

IV.4. Dự toán. Phải tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết (Tư vấn, vật liệu, nhân công, máy …) trong đó Kfw3 pha 3 hỗ trợ trung bình 50.000.000 đ/km đối với đường vận xuất và 20.000.000 đ/km đối với đường bảo vệ. Kinh phí còn lại các chủ rừng phải khẳng định dùng nguồn lực tự có để hoàn thành công trình đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng.

V. QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT

1. Chủ rừng tổ chức lập hồ sơ đề xuất theo hướng dẫn tại mục IV;

2. Đại diện cho chủ rừng kiểm tra và trình sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định và phê duyệt;

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định và phê duyệt;

4. Ban quản lý dự án Tỉnh tổng hợp trình Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp;

5. Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp thẩm tra và quyết định hỗ trợ (với 2 nội dung chính là: chủ rừng và mức được hỗ trợ).

VI. CÁC THỦ TỤC THANH TOÁN

1. Đối với đường vận xuất

a. Điều kiện tạm ứng: Chủ rừng sẽ nhận được một phần tạm ứng là 30% tổng số tiền được hỗ trợ (tương đương 15.000.000 VNĐ/km) nếu hồ sơ kèm theo gồm:

- Đơn xin hỗ trợ;

- Hồ sơ đề xuất được Sở NN&PTNT thẩm định và phê duyệt;

- Quyết định hỗ trợ của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp.

b. Điều kiện tất toán: Chủ rừng sẽ nhận được phần còn lại là 70% tổng số tiền được hỗ trợ (tương đương 35.000.000 VNĐ/km) khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu.

Sau khi công trình hoàn thành, Chủ rừng đề nghị Dự án kiểm ra nghiệm thu. Để được nghiệm thu, chủ rừng cần đưa ra các tài liệu sau để được thanh toán:

- Đề nghị thanh toán;

- Báo cáo nghiệm thu được ký giữa các đại diện của dự án các cấp;

- Hồ sơ hoàn công của công trình.

2. Đối với đường bảo vệ rừng.

a. Điều kiện tạm ứng: Chủ rừng sẽ nhận được một phần tạm ứng là 30% tổng số tiền được hỗ trợ (tương đương 6.000.000 VNĐ/km) nếu hồ sơ kèm theo gồm:

- Đơn xin hỗ trợ;

- Hồ sơ đề xuất được Sở NN&PTNT thẩm định và phê duyệt;

- Quyết định hỗ trợ của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp.

b. Điều kiện tất toán: Chủ rừng sẽ nhận được phần còn lại là 70% tổng số tiền được hỗ trợ (tương đương 14.000.000 VNĐ/km) khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu.

Sau khi công trình hoàn thành, chủ rừng đề nghị Dự án kiểm tra nghiệm thu. Để được nghiệm thu, chủ rừng cần đưa ra các tài liệu sau để được thanh toán:

- Đề nghị thanh toán;

- Báo cáo nghiệm thu được ký giữa các đại diện của dự án các cấp;

- Hồ sơ hoàn công của công trình.

VII. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

1. Công trình chỉ có thể được tạm ứng (tối đa 30% mức hỗ trợ) và khởi công khi hồ sơ đề xuất được Kfw3 chấp thuận hỗ trợ bằng văn bản;

2. Chủ rừng có thể tự tổ chức thực hiện bằng nguồn lực tự có hoặc của cộng đồng;

3. Cấp huyện có thể triển khai thí điểm tại 2-3 chủ rừng trước khi triển khai đồng loạt;

4. Hồ sơ hoàn công (do chủ rừng lập) gồm: Bản vẽ (nếu có sự sai khác với hồ sơ đề xuất), biên bản nghiệm thu với sự tham gia của chủ rừng, xã và Ban quản lý dự án huyện (hoặc tương đương). Đại diện cho chủ rừng (xã) và Ban quản lý dự án huyện chịu trách nhiệm về sự chính xác giữa bản vẽ hoàn công với thực tế thi công.

5. Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp sẽ kiểm tra toàn bộ các chủ rừng được hỗ trợ trước khi cấp hết phần hỗ trợ.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các chủ rừng cần phản ánh để ban quản lý dự án tỉnh tổng hợp, báo cáo ban quản lý dự án Trung ương tháo dỡ được kịp thời.

Phần 2.

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT XÂY DỰNG ĐƯỢC BĂNG TRẮNG CẢN LỬA

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng rừng phải xây dựng đường băng trắng cản lửa

Rừng phải xây dựng đường băng trắng cản lửa là rừng trồng tập trung của dự án với các loài cây dễ cháy như Thông các loại, Thông xen Keo … không kể tuổi cây và nơi có vật liệu dễ cháy với diện tích rừng tập trung từ 30 ha trở lên.

2. Loại đường băng

Đường băng trắng là những dải trống đã được chặt trắng thu dọn hết vật liệu cháy nhằm ngăn lửa cháy lan trên mặt đất rừng. Đây là loại đường băng cản lửa tạm thời được xây dựng cho một khu rừng dễ cháy, bao quanh nhiều lô, khoảnh đi qua nhiều dạng địa hình khác nhau để ngăn lửa rừng và phục vụ việc đi lại, kiểm tra bảo vệ, vận chuyển dụng cụ khi chữa cháy rừng.

3. Kỹ thuật xây dựng

Tùy theo điều kiện địa hình mà bố trí đường băng và hướng đường băng cho phù hợp;

- Đối với địa hình có độ dốc trên 250 phải làm băng xanh để chống xói mòn, không được làm băng trắng.

- Cần lợi dụng triệt để những chướng ngại vật tự nhiên như sông, suối, hồ nước, đai cây xanh và những công trình như: đường sắt, đường ô tô, đường vận xuất … để kết hợp với đường băng cản lửa tạo thành một hệ thống liên hoàn trong phòng chống cháy rừng.

- Hướng đường băng cản lửa

+ Đối với địa hình bằng phẳng độ dốc dưới 150 đường băng phải vuông góc với hướng gió chính trong mùa cháy.

+ Đối với địa hình phức tạp dốc trên 150 đường băng bố trí trùng với đường đồng mức.

- Bề rộng đường băng

+ Chiều rộng đường băng là 10m

+ Đối với rừng sào chiều rộng của đường băng phải lớn hơn chiều cao cây rừng.

- Phát dọn thực bì và rẫy sạch cỏ trên đường băng, dọn vật liệu cháy bằng cách thu gom vào giữa đường băng rồi đốt (đốt có kiểm soát và không làm ảnh hưởng đến cây trồng) hoặc vận chuyển vật liệu cháy ra khỏi đường băng; không chặt những cây thường xanh trên đường băng như Thẩu tấu, Vối thuốc, Sầm sì, Me rừng …

- Đường băng cản lửa phải được thiết kế trên bản đồ địa hình (khu vực trồng rừng) tỷ lệ 1/10.000 đối với cấp xã và 1/5.000 đối với cấp thôn.

- Bảo dưỡng đường băng: Hàng năm vào trước mùa khô phải bảo dưỡng và dọn sạch vật liệu cháy trên đường băng.

4. Mức hỗ trợ

Dự án chỉ hỗ trợ một phần tiền nhân công làm đường băng trắng cản lửa với mức hỗ trợ tối đa không quá 10.000.000 VNĐ cho 1km đường băng có bề rộng 10m (tương đương 10.000m2). Đơn giá trên không phụ thuộc vào các hệ số như cự ly đi làm, loại thực bì, nhóm đất, địa hình, mùa vụ …

II. THIẾT KẾ ĐƯỜNG BĂNG TRẮNG CẢN LỬA

2.1. Công tác chuẩn bị

Đây là công trình do Ban quản lý rừng thôn thiết kế và tổ chức thi công vì vậy Ban quản lý dự án huyện, tỉnh (đối với những huyện không còn Ban quản lý dự án) cần hỗ trợ họ:

- Chuẩn bị bản đồ địa hình khu vực thiết kế theo tỷ lệ quy định;

- Căn cứ vào địa hình để thiết kế sơ bộ đường băng cản lửa chính trên bản đồ;

- Chuẩn bị văn phòng phẩm, dụng cụ kỹ thuật, bố trí nhân lực và kế hoạch thực hiện;

- Hỗ trợ xây dựng dự toán và hoàn thiện hồ sơ sau khi đã tiến hành thiết kế ngoại nghiệp.

2.2. Thiết kế ngoại nghiệp

Dựa vào bản đồ thiết kế sơ bộ ra thực địa xác định vị trí điểm đầu tuyến và tiến hành thiết kế chính thức tuyến đường băng cản lửa ngoài hiện trường.

Sử dụng thước dây để đo chiều dài và chiều rộng đường băng. Đo đạc đường băng phải đạt các yêu cầu sau:

+ Xác định cụ thể tuyến đường băng ngoài thực địa bằng các cọc mốc hoặc đánh dấu sơn vào gốc cây hoặc tảng đá to nằm trên tuyến;

+ Tại các vị trí điểm đầu, các cự ly 100m, điểm chuyển hướng, điểm cuối tuyến phải đóng cọc mốc và xác định bề rộng đường băng;

+ Xác định chiều dài tuyến đường băng;

Hoàn thiện bản đồ thiết kế đường băng cản lửa cho phù hợp với hiện trường.

III. HỒ SƠ THIẾT KẾ

Để nhận được tiền hỗ trợ từ dự án cho hạng mục làm đường băng trắng cản lửa yêu cầu Ban quản lý rừng thôn bản phải có 04 bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ bao gồm các tài liệu sau:

- Đơn xin hỗ trợ;

- Tờ trình, bản thuyết minh, dự toán và bản đồ thiết kế đường băng cản lửa theo tỷ lệ quy định;

- Phê duyệt của các Ban quản lý dự án;

- Hồ sơ thiết kế được đóng thành quyển để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát và quản lý sau này.

IV. ĐƠN VỊ TRÌNH DUYỆT

Ban quản lý dự án huyện (trường hợp ban QLDA huyện không còn hoạt động thì Ban QLDA tỉnh sẽ thực hiện phần việc này) sau khi nhận được hồ sơ thiết kế đường băng cản lửa của Ban quản lý rừng thôn bản sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ nội, ngoại nghiệp và có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án tỉnh và trung ương xem xét đầu tư.

Ban quản lý dự án tỉnh tổng hợp, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ và có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án trung ương xem xét phê duyệt.

Ban quản lý dự án trung ương kết hợp với Ban QLDA tỉnh đi hiện trường kiểm tra hồ sơ thiết kế trước khi trình Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp phê duyệt.

V. THỦ TỤC NGHIỆM THU VÀ THANH TOÁN:

5.1. Tỷ lệ thanh toán:

- Nếu chiều dài đường băng cản lửa thi công đạt 100% kế hoạch và chất lượng đạt bằng hoặc > 90% được thanh toán 100% số tiền hỗ trợ.

- Nếu chiều dài đường băng cản lửa và chất lượng đạt < 90% phải thi công lại mới được nghiệm thu thanh toán.

- Nếu tạm ứng tiền mà không tổ chức thi công hoặc không thi công lại theo yêu cầu của đoàn nghiệm thu, Ban quản lý rừng thôn bản sẽ phải hoàn trả lại số tiền đã tạm ứng và sẽ không được xem xét đầu tư bất kỳ một hoạt động nào từ dự án.

5.2. Tạm ứng và tất toán công trình

5.2.1. Tạm ứng

Sau khi hồ sơ thiết kế đường băng cản lửa được phê duyệt, Ban QLDA tỉnh sẽ tạm ứng cho Ban quản lý rừng thôn bản 30% tổng số tiền được hỗ trợ (tương đương 3.000.000 VNĐ/km) để tổ chức thi công.

5.2.2. Tất toán công trình

Ban quản lý rừng thôn bản sẽ nhận được phần tiền còn lại là 70% tổng số tiền được hỗ trợ (tương đương 7.000.000 VNĐ/km) nếu các hạng mục công trình làm đường băng cản lửa đã kết thúc và được nghiệm thu.