Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 966/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHUNG BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LÝ CHO NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật giám định tư pháp năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 85/2005/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 3862/QĐ-BTP ngày 13/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người giám định tư pháp kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, Cục BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thúy Hiền

 

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG

BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LÝ CHO NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 966/QĐ-BTP ngày 25 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Xây dựng, ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp lý cơ bản cho đội ngũ người giám định tư pháp làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức việc bồi dưỡng kiến thức pháp lý thường xuyên cho đội ngũ người giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Mục tiêu cụ thể:

Đội ngũ người giám định tư pháp nắm bắt đầy đủ, hệ thống các quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm người giám định tư pháp hiểu và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động giám định tư pháp. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của hoạt động tố tụng cũng như nhu cầu của xã hội về giám định tư pháp.

2. Yêu cầu

Nội dung Chương trình khung bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, hệ thống kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp theo quy định của pháp luật và một số kỹ năng pháp lý cơ bản cần thiết trong hoạt động giám định tư pháp.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG

1. Đối tượng

a) Người giám định tư pháp bao gồm: giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc;

b) Người có nhu cầu tìm hiểu kiến thức pháp lý trong công tác giám định tư pháp, được cơ quan, đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng chấp nhận.

2. Thời gian bồi dưỡng kiến thức pháp lý

Tổng thời gian Khóa bồi dưỡng kiến thức pháp lý là 2,5 ngày, với tổng số tiết học là 23, trong đó có 15 tiết giảng lý thuyết, 05 tiết thảo luận và 03 tiết viết thu hoạch về nội dung bồi dưỡng. Trường hợp cơ quan, đơn vị lồng ghép nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp lý vào thời gian khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì vẫn phải bảo đảm thời gian cũng như nội dung được quy định của Chương trình khung này.

Tùy từng điều kiện thực tế hoặc do yêu cầu bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng có thể tăng thời gian, thời lượng kiến thức pháp lý chuyên ngành cho phù hợp nhưng phải đảm bảo học viên có đủ tài liệu về nội dung mở rộng này.

3. Hình thức tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, học tập, nghiên cứu tập trung tại Hội trường.

4. Phương pháp thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp lý

Báo cáo viên truyền đạt nội dung tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp lý trên lớp, kết hợp gợi mở thông qua các tình huống pháp luật cụ thể để học viên nghiên cứu và thảo luận.

III. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG

Các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định tư pháp ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, nhưng phải đáp ứng một số yêu cầu như sau:

1. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị

a) Có hội trường, bàn ghế và các yếu tố phụ trí khác bảo đảm môi trường thoải mái cho người giảng và học viên;

b) Có phương tiện, thiết bị phục vụ việc giảng lý thuyết và thuyết trình tình huống.

2. Về Báo cáo viên

Báo cáo viên phải là người có trình độ cử nhân luật và có kinh nghiệm thực tiễn công tác pháp lý từ 10 năm trở lên.

3. Về tài liệu

Học viên được cung cấp tài liệu phù hợp với nội dung Chương trình khung và các tài liệu pháp luật chuyên ngành phù hợp với đối tượng được bồi dưỡng.

IV. KHUNG CHƯƠNG TRÌNH

TT

Chuyên đề

Số tiết

Lý thuyết

Thảo luận

1.

Những vấn đề pháp lý chung về giám định tư pháp:

10

02

1.1. Khái niệm, vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng

 

 

1.2. Khái niệm, vai trò và giá trị của Kết luận giám định tư pháp

 

 

1.3. Khái niệm, vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của người giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp

 

 

1.4. Vấn đề trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp

 

 

1.5. Hệ thống tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp ở Việt Nam

 

 

1.6. Các hình thức giám định tư pháp

 

 

1.7. Vấn đề quản lý nhà nước về giám định tư pháp

 

 

2.

Một số kỹ năng pháp lý cơ bản cần thiết cho người giám định tư pháp:

05

03

2.1. Tiếp nhận và tổ chức thực hiện việc giám định tư pháp

 

 

2.2. Kỹ năng làm biên bản giám định tư pháp

 

 

2.3. Kỹ năng lập bản kết luận giám định tư pháp

 

 

2.4. Kỹ năng lập hồ sơ, quản lý, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp

 

 

2.5. Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng theo yêu cầu của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác

 

 

3.

Viết bản thu hoạch nội dung khóa bồi dưỡng

 

03

 

TỔNG SỐ:

15

08

V. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ KHÓA BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LÝ

Học viên không vi phạm nội quy, quy chế, tham gia đủ thời gian bồi dưỡng và có bản thu hoạch đạt yêu cầu thì được Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức khóa bồi dưỡng cấp giấy Chứng nhận đã qua khóa bồi dưỡng kiến thức pháp lý.