Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97 /2004/QĐ-UB

Quy Nhơn, ngày 08 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU CHI PHÁT SINH TỪ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh vi phạm hành chính năm 2002;

- Căn cứ Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1571/TC ngày 27/8/2004 và ý kiến tham gia của Sở Tư pháp tại Công văn số 1222/TP ngày 05/10/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý và sử dụng các khoản thu chi phát sinh từ việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 196/1999/QĐ-UB ngày 28/12/1999 của UBND tỉnh.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế)
- TT Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Sở Tư pháp
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ chống buôn lậu
- Lưu VP, K7.  Vũ Hoàng Hà

TM- ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU CHI PHÁT SINH TỪ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 97/2004/QĐ-UB ngày 08/10/2004 của UBND tỉnh Bình Định)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước phải được quản lý và tổ chức xử lý theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính. Các khoản thu chi phát sinh từ việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước được thực hiện thống nhất trên đia bàn tỉnh theo quy định hiện hành của nhà nước và theo quy chế này.

Điều 2: Các cơ quan: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Quản lý thị trường, Kiểm lâm (gọi chung là cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước) và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nuớc để theo dõi số tiền trích chi phí cho các vụ việc.

Điều 3: Các khoản thu phát sinh trong quá trình xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước đều phải được quản lý chặt chẽ và nộp đầy đủ vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính mở tại Kho bạc nhà nước cùng cấp để thực hiện việc trích trả chi phí trong quá trình xử lý còn lại nộp vào ngân sách địa phương theo quy định.

CHƯƠNG II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Các khoản chi tại cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước

Thủ trưởng các cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước quy định tại Điều 2 của Quy chế này được quyền duyệt chi các khoản chi để xử lý, được thanh toán và quyết toán chung vào vụ việc các khoản chi sau đây:

 

1- Chi phí điều tra, xác minh, mua tin bắt giữ. Trong khoản chi này nếu có trường hợp đặc biệt do nhu cầu công tác xử lý tài sản phải phát sinh chi phí mua tin thì thủ trưởng cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước duyệt mua tin theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2- Chi phí bảo quản, vận chuyển từ nơi bắt giữ đến kho bãi của cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước.

3- Chi phí kiểm định, giám định (nếu có).

4- Chi bồi dưỡng công tác kiêm nhiệm cho cá nhân tham gia và các thành viên phối hợp điều tra, bắt giữ, quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước theo mức 30.000 đồng/ngày/người. Nếu làm việc trong các ngày nghỉ (lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật) thì mức bồi dưỡng là 50.000 đồng/ngày/người. Mức bồi dưỡng làm thêm giờ thì thực hiện chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư 18/LĐTBXH ngày 02/6/1993 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm.

5- Chi phí tổ chức dán tem hàng nhập khẩu đối với loại hàng hoá phải dán tem theo quy định hịên hành.

6- Chi phí kiểm kê, phân loại, tổ chức khảo sát giá thị trường và định giá tài sản.

7- Chi phí giao, nhận trong quá trình xử lý tài sản.

8- Chi bồi dưỡng các thành viên tham gia định giá theo ngày làm việc là 30.000 đồng/ngày/người. Nếu làm việc trong các ngày nghỉ (lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật) thì mức bồi dưỡng là 50.000 đồng/ngày/người.

9- Chi thuê nhân viên chuyên môn kỹ thuật để giúp xác định chất lượng tài sản cần định giá theo mức:

- Nếu đang công tác tại cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì được bồi dưỡng như thành viên tham gia định giá.

- Nếu thuê ngoài thì trả theo khối lượng công việc phù hợp với giá trị ngày công kỹ thuật tại thị trường nhưng không quá 50.000 đồng/ngày/người.

10- Chi in ấn, sao chụp hồ sơ tài liệu và các chi phí khác liên quan đến việc xử lý tài sản.

Điều 5: Chi phí và thanh toán chung trong vụ việc

1- Khi xét duyệt chi phí, cơ quan Tài chính căn cứ vào tính hợp lý, hợp lệ của các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước do Thủ trưởng cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước đề nghị để chi trả, thanh toán chung trong vụ việc.

2- Số tiền thu được từ bán tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước (đối với tài sản tịch thu của một vụ việc vi phạm hành chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên), Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cấp tỉnh phải nộp 100% vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, sau khi trừ đi khoản phí đấu giá được hưởng và các chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản tài sản trong trường hợp được uỷ quyền thực hiện các công việc này. Sở Tài chính trích trả các chi phí xử lý tài sản theo chế độ quy định tại Điều 4, số còn lại nộp vào ngân sách Nhà nuớc cùng cấp để quản lý, sử dụng theo quy định của Pháp luật. Trong trường hợp việc xử lý tài sản không có nguồn thu (tài sản phải tiêu huỷ, tài sản bán thu không đủ bù chi,.... ) thì chi phí do ngân sách địa phương cấp bổ sung theo đúng chế độ phân cấp ngân sách hiện hành.

Điều 6: Chế độ báo cáo quyết toán và thẩm định quyết toán

1- Sau mỗi vụ việc xử lý, cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước phải lập hồ sơ thanh toán các khoản thu chi theo vụ việc báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, duyệt chi phí.

2- Cơ quan Tài chính các cấp hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy chế này và thực hiện chế độ báo cáo 6 tháng và hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 7: Xử lý vi phạm

1- Thủ trưởng cơ quan tham gia quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước chịu trách nhiệm trước Pháp luật Nhà nước về các khoản chi phí trong công tác quản lý, xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước ở cơ quan mình đúng theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định của Quy chế này.

2- Mọi tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ được giao mà cố ý làm trái, tạo điều kiện cho người khác làm trái, làm thất thoát tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước, quản lý và sử dụng các khoản thu chi từ bán tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước không đúng các nội dung quy định trong Quy chế này phải chịu trách nhiệm vật chất và bị xử lý theo quy định pháp luật.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8: Sở Tài chính có trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý và sử dụng các khoản thu chi từ bán tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước phát sinh trên địa bàn tỉnh theo đúng chế độ Nhà nước đã ban hành và các quy định tại Quy chế này.

Điều 9: Những vấn đề khác có liên quan đến việc xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước không quy định trong quy chế này, thực hiện theo các văn bản quy định hiện hành của nhà nước./.