Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 970/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ LẬP QUỸ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ TRỢ GIÚP NGƯỜI NGHÈO

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
- Xét đề nghị của Ban chỉ đạo giúp người nghèo thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành quy chế về lập quỹ, quản lý và sử dụng quỹ trợ giúp người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố.

Điều 2: Giao cho ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thành phố. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Chi cục Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở lao động thương binh xã hội hướng dẫn thực hiện quy định này.

Điều 3: Các đồng chí: Chánh văn phòng UBND thành phố, Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thành phố, các ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện phường, xã và các đơn vị cơ sở. Căn cứ Quyết định này thi hành./.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
  K/T CHỦ TỊCH
  PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Triệu Hải

 

QUY CHẾ

VỀ VỀ LẬP QUỸ, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ TRỢ GIÚP NGƯỜI NGHÈO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 970 QĐ-UB ngày 21/4/1995 của UBND thành phố)

I/ MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC LẬP VÀ TIẾP NHẬN QUỸ

Điều 1: Quỹ trợ giúp người nghèo (TGNN) lập ra nhằm mục đích trợ giúp thêm một phần vốn cho những hộ nghèo thuộc chương trình để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành nghề khác, là một trong những biện pháp thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố đề ra về chương trình trợ giúp người nghèo.

Điều 2: Quỹ trợ giúp người nghèo được lập ở 3 cấp: thành phố, huyện, quận và xã phường do ban chỉ đạo cùng cấp quản lý, có hệ thống sổ sách kế toán, được mở tài khoản chuyên mục ở Kho bạc Nhà nước do trưởng ban trợ giúp người nghèo làm chủ tài khoản. Riêng cấp xã phường định kỳ chuyển tiền về Ban chỉ đạo huyện quận để có căn cứ chuyển vốn cho vay.

Điều 3: Nguồn lập quỹ bao gồm:

1. Nguồn huy động trên cơ sở tự nguyện đóng góp của các tổ chức, đơn vị cá nhân trong thành phố, trong nước và nước ngoài.

2. Nguồn ngân sách Trung ương, thành phố, Huyện, Quận, Xã, Phường.

Điều 4: Tổ chức xây dựng quỹ:

A/ Nguồn vốn vận động:

1. Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thành phố, Huyện, Quận, Xã phường tổ chức huy động vốn quyên góp quỹ. Khi vận động phải có ít nhất 3 - 5 thành viên trong Ban chỉ đạo tham gia và có giấy giới thiệu của trưởng Ban chỉ đạo TGNN cùng cấp. Tổ vận động có sổ sách cần thiết như sổ vàng ủng hộ quỹ trợ giúp người nghèo, phiếu thu do Sở Tài chính Vật giá phát hành để ghi chép quản lý vốn đóng góp của tổ chức và cá nhân.

2. Địa bàn, đối tượng vận động:

- Ban chỉ đạo thành phố chịu trách nhiệm vận động các cơ quan, đơn vị kinh tế Nhà nước thuộc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

- Ban chỉ đạo huyện, quận chịu trách nhiệm vận động các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý đóng trên địa bàn huyện, quận.

- Ban chỉ đạo xã phường vận động các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh các đơn vị thuộc huyện quận, xã phường quản lý và các hộ dân cư thuộc địa bàn xã phường.

3. Mức huy động:

- Các tổ chức kinh tế - xã hội ủng hộ quỹ trợ giúp người nghèo tuỳ theo khả năng và chủ yếu trích từ quỹ phúc lợi để ủng hộ.

- Đối với các hộ gia đình, Ban chỉ đạo xã phường căn cứ tình hình thực tế của từng khu vực dân cư để huy động mức đóng góp tuỳ tâm.

B/ Nguồn vốn ngân sách:

Hằng năm căn cứ vào mục tiêu đã xác định và tiến độ thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo thành phố, huyện, quận lập kế hoạch cho quỹ trợ giúp người nghèo trong đó có nguồn ngân sách đề nghị UBND thành phố, UBND quận, huyện căn cứ tình hình ngân sách để xét duyệt. Khi được thông báo chính thức về phân bổ ngân sách cho Quỹ trợ giúp người nghèo, Ban chỉ đạo thành phố, huyện quận làm thủ tục tiếp nhận vào quỹ và phân bổ, sử dụng quỹ theo đúng quy định .

II/ QUẢN LÝ VỐN

Điều 5: Mọi hoạt động thu chi của Quỹ trợ giúp người nghèo đều phải được quản lý chặt chẽ theo hệ thống sổ sách, hoá đơn, chứng từ... do Sở Tài chính Vật giá phát hành thống nhất.

Quỹ trợ giúp người nghèo do các cấp huy động được và do ngân sách thành phố phân bổ đều phải đều được quản lý tại kho bạc Nhà nước bằng một tài khoản riêng do Ban chỉ đạo cấp đó mở. Trưởng ban chỉ đạo là chủ tài khoản, cơ quan tài chính giúp Ban chỉ đạo cùng cấp quản lý trực tiếp nguồn vốn này ở từng cấp.

Điều 6: Hàng quí, Ban chỉ đạo xã phường báo cáo Ban chỉ đạo quận huyện tình hình thu chi quỹ. Sáu tháng 1 lần Ban chỉ đạo huyện quận báo cáo Ban chỉ đạo thành phố thông qua Sở Lao động Thương binh Xã hội và Sở Tài chính Vật giá.

Hàng năm Ban chỉ đạo cấp dưới thực hiện chế độ quyết toán tài chính với ban chỉ đạo cấp trên theo nguyên tắc quản lý tài chính hiện hành.

Điều 7: Vốn quỹ do cấp cơ sở huy động được sử dụng để thực hiện chương trình trợ giúp người nghèo tại địa phương. Quỹ trợ giúp người nghèo bằng hiện vật huy động được phải có biên bản kiểm kê số lượng, chủng loại, chất lượng, giá trị... và tổ chức bảo quản chặt chẽ, đồng thời tiến hành phân phối sử dụng công khai, công bằng, hợp lý, đúng mục đích và có hiệu quả.

III/ SỬ DỤNG QUỸ

Điều 8: Nguồn vốn do ngân sách cấp quỹ được sử dụng cho các hộ nghèo vay để phát triển kinh tế. Mức vay, số hộ được vay do Ban chỉ đạo thành phố duyệt trình UBND thành phố quyết định.

Nguồn vốn huy động được về quỹ dùng chủ yếu cho việc:

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo.

- Hỗ trợ thêm với nguồn ngân sách Nhà nước để thanh toán một phần để viện phí khám chữa bệnh cho người nghèo và chính sách.

- Hỗ trợ thêm cùng ngân sách để thanh toán một phần học phí cho học sinh nghèo.

Không sử dụng nguồn vốn để chi phí và chi thưởng trong quá trình huy động vốn.

Điều 9: Quỹ từ ngân sách trích ra được cân đối phân bổ cho các địa phương trên cơ sở tỷ lệ hộ nghèo, điều kiện kinh tế xã hội và khả năng vận động, quyên góp của mỗi địa phương. Ban chỉ đạo các cấp thông báo công khai rộng rãi số vốn quỹ phân bổ cho các địa phương và cơ sở, hộ gia đình.

Điều 10: Ban chỉ đạo xã phường lập hệ thống sổ sách theo dõi diễn biến đời sống của các hộ nghèo bao gồm:

- Danh sách các hộ nghèo.

- Danh sách người được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- Danh sách người được hỗ trợ học nghề.

- Danh sách các hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế.

- Danh sách học sinh nghèo được giảm học phí.

- Danh sách người thuộc diện 202.

Hàng năm Ban chỉ đạo tổ chức đánh giá lại đời sống của các hộ nghèo, điều chỉnh kịp thời số lượng cho sát thực tế.

IV. VAY VỐN

Điều 11: Quỹ trợ giúp người nghèo dùng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ đối với hộ nghèo đã được trưởng Ban chỉ đạo xã phường xác nhận trong danh sách điều tra hộ nghèo của xã phường.

Nếu cho vay sai đối tượng đơn vị cho vay phải thu hồi vốn và chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Điều 12: Thủ tục vay vốn:

- Hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất phải làm đơn xin vay gửi Ban chỉ đạo xã phường. Đơn xin vay ghi rõ mục đích, thời hạn vay và cam kết sử dụng đúng mục đích, đồng thời hoàn trả vốn đúng thời hạn.

- Ban chỉ đạo xã phường căn cứ đơn xin vay vốn của các hộ xem xét quyết định mức vốn vay cho từng hộ và tổng hợp danh sách trình Ban chỉ đạo huyện quận phê duyệt số vốn vay của toàn xã phường.

Danh sách các hộ vay vốn sau khi được Ban chỉ đạo huyện quận phê duyệt, Ban chỉ đạo huyện quận trình Ban chỉ đạo thành phố để báo cáo UBND thành phố quyết định tổng mức vay chung của từng quận huyện, sau đó chuyển Chi cục Kho bạc thành phố thực hiện việc cấp cho vay tới từng hộ và đôn đốc thu hồi vốn vay đúng thời hạn trả lại vào quỹ trợ giúp người nghèo.

Việc xét duyệt và quyết định cho các hộ nghèo vay để phát triển kinh tế từ xã phường, quận huyện tới thành phố được tiến hành 6 tháng 1 lần.

- Mức vay tuỳ thuộc mục đích sử dụng vốn của từng hộ và được Ban chỉ đạo xã phường xét duyệt, mức vay tối đa 1 lần không quá 1 triệu đồng/hộ.

- Thời hạn vay vốn được xác định theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ của hộ sử dụng vốn nhưng tối đa không quá 12 tháng. Trường hợp cần thiết hộ vay phải làm đơn để được vay tiếp chu kỳ sau.

Điều 13: Kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn:

Ban chỉ đạo xã phường, huyện quận có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của các hộ vay, nếu sử dụng không đúng mục đích thì phải kịp thời thu hồi lại số vốn vay đó.

Hộ vay vốn trả hết vốn vay, có tích luỹ và mức thu nhập bình quân nhân khẩu đã vượt qua mức chuẩn nghèo do thành phố quy định và ổn định được cuộc sống thì được cộng nhận là hộ vượt khỏi ngưỡng nghèo và được Ban chỉ đạo xoá tên trong danh sách hộ nghèo.

Hộ vay vốn trả được vốn nhưng chưa đảm bảo có tích luỹ thì Ban chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, phương pháp làm ăn của họ, rút kinh nghiệm trước khi giải quyết cho họ vay vốn tiếp.

Điều 14: Trường hợp hộ vay vốn bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ... không thu hồi được vốn vay đúng thời hạn thì Ban chỉ đạo xã phường cùng Kho bạc kiểm tra lập biên bản và báo cáo Ban chỉ đạo huyện quận quyết định cho gia nợ. Trường hợp rủi ro mà hộ vay không có khả năng trả nợ vốn thì Ban chỉ đạo xã phường lập biên bản trình Ban chỉ đạo huyện quận, thành phố xem xét và tìm biện pháp giúp đỡ các hộ vượt khó khăn do các rủi ro gây nên.

V. LÃI SUẤT VÀ VIỆC SỬ DỤNG LÃI SUẤT THU ĐƯỢC

Điều 15: Mức thu lãi cho vay vốn quỹ trợ giúp người nghèo là 0,3% tháng, được thu vào cuối kỳ vay.

Điều 16: Sử dụng tiền lãi.

a. Tiền lãi thu được từ vốn ngân sách cấp được nộp vào kho bạc Nhà nước thực hiện như sau:

- 50% dành bù đắp chi phí quản lý cho vay và thu hồi vốn vay của kho bạc Nhà nước.

- 20% hỗ trợ công tác hướng dẫn, chi phí hoạt động của ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thành phố.

- 30% chuyển cho các quận huyện, xã phường để chi cho hoạt động quản lý của Ban chỉ đạo cùng cấp.

b. Tiền lãi thu được từ vốn huy động:

- 50% dành cho hoạt động của Ban chỉ đạo cùng cấp.

- 50% bổ sung vào nguồn vốn trợ cấp giúp người nghèo.

c. Hàng tháng, quý Ban chỉ đạo xã phường báo cáo đầy đủ số vốn vay được tính lãi về Ban chỉ đạo huyện quận, Ban chỉ đạo huyện quận tổng hợp báo cáo thành phố.

- Hàng quý, 6 tháng 1 năm Ban chỉ đạo huyện quận và thành phố thực hiện chế độ kiểm tra việc cho vay thu lãi và chi phí tiền lãi thu được ở cấp dưới.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17: Căn cứ số hộ nghèo, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng ngân sách, Ban chỉ đạo thành phố thống nhất với uỷ ban kế hoạch thành phố và Sở Tài chính Vật giá trình UBND thành phố bổ sung thêm vốn cho quỹ trợ giúp người nghèo đồng thời đề xuất kế hoạch phân bổ hạn mức vốn vay cho các huyện.

Điều 18: Uỷ ban nhân dân thành phố giao cho Chi cục Kho bạc Nhà nước thành phố quản lý và cấp phát, kiểm tra các thủ tục xin vay vốn của các hộ. Đồng thời phối hợp với ban chỉ đạo huyện quận, Sở Tài chính Vật giá giải quyết những trường hợp rủi ro hoặc vi phạm thất thoát vốn.

Điều 19: Sở Tài chính Vật giá có trách nhiệm hướng dẫn các quận huyện, xã phường thực hiện chế độ ghi chép sổ sách kế toán, theo đúng cơ chế hoạt động của quỹ trợ giúp người nghèo.

Điều 20: Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo các cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy chế về lập quỹ, quản lý và sử dụng quỹ trợ giúp người nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo việc cho vay vốn theo đúng quy định và đạt hiệu quả, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời.

Điều 21: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Chi cục trưởng Chi cục Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Lao động TBXH, Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo các cấp và các hộ nghèo được vay vốn, Thủ trưởng các ban ngành, Sở có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy chế này./.