Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 971/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH IA

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 1064/NQ-UBTVQH12 ngày 29 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thêm 04 Kiểm toán Nhà nước khu vực, 01 Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và giao biên chế đến năm 2012 cho Kiểm toán Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kiểm toán theo quy trình riêng đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

Căn cứ Quyết định số 970/QĐ-KTNN ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có chức năng giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng thuộc phạm vi, thẩm quyền kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và theo nội dung kiểm toán được quy định tại Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30/3/2006 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khoá XI về kiểm toán theo quy trình riêng đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nắm tình hình quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị theo quy định của pháp luật phục vụ cho hoạt động kiểm toán; xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm của đơn vị theo phạm vi kiểm toán được phân công của đơn vị và theo nội dung kiểm toán được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 trình Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định và tổ chức thực hiện theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Thực hiện kiểm toán theo các nội dung kiểm toán quy định tại Điểm e, g Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11.

3. Nghiên cứu sử dụng kết quả kiểm toán nội bộ của cơ quan, tổ chức nơi có hệ thống kiểm toán nội bộ và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc sử dụng kết quả kiểm toán nội bộ đó.

4. Xét duyệt và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật về biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán do các Đoàn kiểm toán của đơn vị thực hiện trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước.

5. Lập báo cáo kiểm toán một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xét duyệt trước khi gửi cho các cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11.

6. Tổng hợp kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán hàng năm thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước; đối với kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng tổng hợp riêng trình Tổng Kiểm toán Nhà nước trước khi gửi cho các cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11.

7. Thực hiện kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị theo kế hoạch được duyệt và Tổng Kiểm toán Nhà nước giao.

8. Tham gia với Vụ Tổng hợp và các đơn vị có liên quan chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm để Tổng Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội.

9. Khi tổ chức và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia có quyền:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán; đề nghị cơ quan hữu quan phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao; đề nghị cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội và công dân giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ;

b) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; kiến nghị thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị được kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị;

c) Kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị;

d) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các trường hợp sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; đề nghị xử lý theo pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

đ) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán;

e) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên;

g) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước trưng cầu giám định về chuyên môn khi cần thiết;

h) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước uỷ thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị;

i) Thông qua hoạt động kiểm toán, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật cho phù hợp.

10. Tham gia với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán xây dựng chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ đối với lĩnh vực kiểm toán được phân công; đề xuất ý kiến với Tổng Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ thuộc các lĩnh vực kiểm toán do đơn vị thực hiện.

11. Quản lý hồ sơ kiểm toán do đơn vị thực hiện; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Tổng Kiểm toán Nhà nước; đảm bảo tính bí mật về tình hình, kết quả kiểm toán, hồ sơ và báo cáo kiểm toán do đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 8, Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11.

12. Quản lý tổ chức bộ máy, công chức và người lao động theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, văn thư, lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước và của Tổng Kiểm toán Nhà nước; định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước kết quả công tác của đơn vị; quản lý, sử dụng tài sản và các trang thiết bị của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

13. Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao hoặc uỷ quyền.

Điều 3. Tổ chức và chế độ làm việc

1. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia gồm: Kiểm toán trưởng và các Phó Kiểm toán trưởng do Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Tổ chức của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia gồm: Phòng Tổng hợp và không quá 05 phòng nghiệp vụ. Các phòng cụ thể như sau:

a) Phòng Tổng hợp;

b) Phòng Nghiệp vụ 1;

c) Phòng Nghiệp vụ 2;

d) Phòng Nghiệp vụ 3;

đ) Phòng Nghiệp vụ 4;

e) Phòng Nghiệp vụ 5.

Phòng có Trưởng phòng và các Phó trưởng phòng giúp việc Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức công chức lãnh đạo cấp phòng thực hiện theo quy định phân cấp quản lý cán bộ của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các phòng thuộc đơn vị do Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định theo đề nghị của Kiểm toán trưởng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng phòng do Kiểm toán trưởng quy định sau khi có ý kiến thẩm định của Vụ Tổ chức cán bộ.

3. Chế độ làm việc:

a) Kiểm toán trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia. Kiểm toán trưởng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tổ chức xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 1Điều 2 của Quyết định này; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Kiểm toán trưởng, lãnh đạo các phòng; đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Đoàn kiểm toán; kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán của đơn vị; triệu tập họp Đoàn kiểm toán của đơn vị nếu xét thấy cần thiết; tổ chức, chỉ đạo họp tổng kết công tác kiểm toán khi Đoàn kiểm toán kết thúc kiểm toán; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán do đơn vị thực hiện;

- Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và các biện pháp nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công chức và người lao động thuộc đơn vị;

- Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của đơn vị; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trong trường hợp kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ thì đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật;

- Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan theo đề nghị của Trưởng Đoàn kiểm toán;

- Xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu của Trưởng Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

- Chịu trách nhiệm cùng với Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét giải quyết và trả lời các ý kiến khiếu nại hoặc kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về báo cáo kiểm toán do đơn vị thực hiện;

- Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước thay thế thành viên Đoàn kiểm toán nếu có trường hợp quy định tại Điều 31 Luật Kiểm toán nhà nước hoặc có bằng chứng cho thấy thành viên Đoàn kiểm toán không vô tư trong khi làm nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 64 Luật Kiểm toán nhà nước hoặc vi phạm các quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán Nhà nước nếu xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động của đơn vị;

- Đại diện đơn vị trong quan hệ với các đơn vị, tổ chức và cá nhân khi giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

- Xây dựng Quy chế làm việc trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành; tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật và các quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị; đề xuất Tổng Kiểm toán Nhà nước giải quyết các nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền;

- Thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Nhà nước và theo phân công, phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước; thông tin đến công chức và người lao động về những vấn đề chuyên môn có liên quan đến hoạt động của đơn vị, các chế độ, chính sách đối với công chức và người lao động; thực hiện quy chế dân chủ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị;

- Ký báo cáo kiểm toán do đơn vị thực hiện; ký một số văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị khi được uỷ quyền.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao.

b) Các Phó Kiểm toán trưởng giúp Kiểm toán trưởng thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng về nhiệm vụ do Kiểm toán trưởng phân công hoặc uỷ quyền.

c) Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng về toàn bộ công tác của phòng; các Phó trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được giao.

d) Công chức và người lao động thuộc đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của lãnh đạo phòng và lãnh đạo đơn vị phù hợp với ngạch công chức và năng lực của từng người; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo phòng và lãnh đạo đơn vị về nhiệm vụ được phân công. Khi tham gia hoạt động kiểm toán, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 597/QĐ-KTNN ngày 02/8/2006 của Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành I.

Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định này do Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định theo đề nghị của Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành Ia, Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lãnh đạo KTNN;
- Văn phòng Đảng - Đoàn thể KTNN;
- Lưu: VT, TCCB (04).

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Vương Đình Huệ