- 1 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025
- 2 Quyết định 08/2022/QĐ-UBND quy định về thi đua, khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022-2026
- 3 Kế hoạch 5584/KH-UBND năm 2022 thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và những năm tiếp theo
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 976/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 26 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÂY DỰNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH, ĐIỂN HÌNH “DÂN VẬN KHÉO” TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Chương trình phối hợp số 05-CTr/BDVTU-BCSĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2022 giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026;
Căn cứ Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ ngày 11 tháng 3 năm 2022 của Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Trà Vinh về tiêu chí xây dựng, bình xét, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tỉnh Trà Vinh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 270/TTr-SNV ngày 05 tháng 6 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí xây dựng và phương pháp đánh giá mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 457/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định các tiêu chí xây dựng và phương pháp đánh giá mô hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ XÂY DỰNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH, ĐIỂN HÌNH “DÂN VẬN KHÉO” TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Kèm theo Quyết định số: 976/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định các tiêu chí xây dựng và phương pháp đánh giá mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
2. Đối tượng áp dụng:
Các tập thể, cá nhân đang công tác trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Trà vinh, gồm:
a) Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).
Điều 2. Mục đích xây dựng và đánh giá mô hình, điển hình
1. Tạo động lực thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân, ý thức xây dựng văn minh công sở, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề liên quan trong công vụ, phục vụ Nhân dân.
2. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại mô hình, điển hình
Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Lĩnh vực xây dựng mô hình, điển hình
Mô hình “Dân vận khéo” được hình thành từ các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống, lao động, học tập, công tác. Căn cứ vào tình hình thực tế và chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực:
1. Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế: Mô hình phải thể hiện rõ việc khéo vận động Nhân dân thi đua sản xuất, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, kinh doanh, liên kết các hình thức sản xuất, tích cực hưởng ứng tham gia các loại hình tổ chức kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ,... có hiệu quả, thúc đẩy tăng năng suất lao động, thu nhập cho người lao động. Tận dụng các nguồn lực và khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để đưa tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là phát triển kinh tế biển.
2. Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Mô hình phải thể hiện rõ việc khéo vận động Nhân dân đoàn kết, tự nguyện, tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, lễ hội, quy ước, hương ước, tham gia với vai trò là chủ thể xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị, cơ quan văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công sở; tham gia xây dựng xã hội học tập; công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết việc làm, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; vận động các nhà hảo tâm tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề khó khăn, bức xúc mà Nhân dân quan tâm,...
3. Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Mô hình phải thể hiện rõ việc vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân; làm tốt công tác hòa giải, tái hòa nhập cộng đồng; giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm từ cơ sở; xây dựng lực lượng cốt cán và người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo,...
4. Nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Mô hình phải thể hiện rõ việc vận động thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đổi mới lề lối làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; cán bộ, công chức, viên chức nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân, ý thức xây dựng văn minh công sở, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm giải quyết kịp thời và đúng quy định thủ tục hành chính, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, thực hiện đúng quy trình tiếp xúc, hướng dẫn thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Điều 5. Tiêu chí xây dựng mô hình, điển hình
1. Đối với tập thể điển hình “Dân vận khéo”
a) Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải có tên, địa chỉ, nội dung thuộc các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị;
b) Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đăng ký và được cấp ủy, chính quyền trực tiếp phê duyệt; điển hình có tính xã hội hóa phải gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trực tiếp quản lý; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp và huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia, có sức lan tỏa lớn, có tính kế thừa, phát triển mang lại hiệu quả thiết thực, tránh hình thức (nhân rộng được ở cơ quan, đơn vị, địa phương);
c) Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải hợp lòng dân, được Nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng, tham gia, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của một bộ phận nhân dân, người lao động hoặc những việc mới, việc khó khăn, cấp bách hoặc những nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy, chính quyền đã có chủ trương và đang tập trung tổ chức thực hiện;
d) Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cần đạt được và hài hòa 3 lợi ích: Cá nhân, tập thể và xã hội. Kết quả hoạt động của mô hình có đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, củng cố quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương;
đ) Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực có liên quan đến văn minh đô thị, an sinh xã hội...
2. Đối với cá nhân điển hình “Dân vận khéo”
a) Có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống lành mạnh; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vận động Nhân dân làm theo, tạo được niềm tin của Nhân dân;
b) Nắm được tình hình trong Nhân dân, phản ánh kịp thời cho cấp ủy đảng, chính quyền những vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Thực hiện “trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”;
c) Có ý tưởng hay, cách làm sáng tạo, tham mưu được những giải pháp đúng đắn cho cấp ủy đảng, chính quyền để giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân kịp thời, hiệu quả;
d) Phải có tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân tận tình, giải quyết công việc đúng hoặc sớm hơn thời gian quy định, biết lắng nghe dân, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những điều người dân cần biết trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền; có phong cách gần dân, học dân và lắng nghe ý kiến của dân; vui vẻ khi tiếp xúc, phục vụ dân, biết xin lỗi dân khi thiếu sót trong công việc, nên cảm ơn khi dân góp ý, phê bình; vận động dân cùng lo và cùng làm việc chung của xã hội; không có biểu hiện vụ lợi, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, không vô cảm trước bức xúc, khó khăn của dân, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với dân.
Điều 6. Quy trình xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
1. Khảo sát, lựa chọn nội dung xây dựng mô hình
Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; những vấn đề khó khăn có liên quan đến đời sống xã hội, vấn đề có nhiều bức xúc tại cơ quan, đơn vị, địa phương đang được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân quan tâm... cần tập trung giải quyết. Các tập thể, cá nhân tiến hành khảo sát, xác định những thuận lợi, khó khăn, lựa chọn nội dung và xây dựng tiêu chí cho mô hình; đồng thời, xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng mô hình.
2. Đăng ký thực hiện mô hình
Trên cơ sở khảo sát, xác định nội dung xây dựng mô hình, các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện (theo mẫu đăng ký kèm theo Quy định này) để báo cáo Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ và phong trào thi đua Dân vận khéo của cơ quan, đơn vị xác nhận, phê duyệt.
3. Tổ chức thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
Theo Bảng đăng ký đã được phê duyệt, các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, phương tiện, kinh phí để xây dựng và thực hiện mô hình, điển hình đã đăng ký.
Trong quá trình thực hiện, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhằm đạt mục tiêu mà mô hình đề ra.
4. Kiểm tra hoạt động của mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
Trong quá trình xây dựng và thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình đã đăng ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Điều 7. Đánh giá, công nhận, khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
1. Đánh giá mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện mô hình, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xem xét, đánh giá trực tiếp vào các yếu tố liên quan đến việc xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện các mô hình, cụ thể như sau:
a) Xác định lĩnh vực triển khai thực hiện có phù hợp với ngành, lĩnh vực phụ trách và sự cần thiết;
b) Việc triển khai thực hiện có đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, sáng tạo;
c) Kết quả thực hiện đảm bảo được mục đích và yêu cầu như đã đề ra;
d) Có sức lan tỏa và có thể nhân rộng để tiếp tục thực hiện;
đ) Có đạt được sự đồng thuận cao từ tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Xét công nhận, khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
Sau khi xác định rõ các vấn đề nêu trên, cơ quan, đơn vị tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” cùng cấp xem xét công nhận mô hình và thực hiện quy trình đề nghị khen thưởng theo quy định (Ban Chỉ đạo cấp xã, Ban Chỉ đạo cấp huyện đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp; Ban Chỉ đạo các sở; ban, ngành tỉnh đề nghị Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh).
3. Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng
Cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, làm rõ kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn trong tổ chức thực hiện để rút kinh nghiệm, phát triển và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Tổng hợp, lập danh sách những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có sức lan tỏa, nhân rộng và đạt liên tiếp 02 năm trở lên đề nghị khen thưởng cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định và gửi đến Sở Nội vụ để tổng hợp, tham mưu việc khen thưởng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương dựa trên điều kiện thực tế và Quy định này để lựa chọn lĩnh vực, xây dựng, thực hiện các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Định kỳ (trong tháng 02 hàng năm) tổng hợp về số lượng mô hình đăng ký gửi đến Sở Nội vụ để theo dõi, tổng hợp; kết quả xét công nhận mô hình và đề nghị khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gửi đến Sở Nội vụ (trong tháng 10 hàng năm) để tổng hợp.
Điều 9. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc, theo dõi quá trình thực hiện Quy định này. Tổng hợp danh sách đề nghị khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất biểu dương, khen thưởng theo quy định./.
ĐƠN VỊ…………………………
BẢNG ĐĂNG KÝ MÔ HÌNH, ĐIỂN HÌNH DÂN VẬN KHÉO
(Kèm theo Quyết định số: 976/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
TT | Tên tập thể/ cá nhân thực hiện | Tên mô hình | Lĩnh vực Thời gian thực hiện | Kết quả ước đạt | Ghi chú | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Xác nhận, duyệt của lãnh đạo cơ quan, đơn vị | Xác nhận, duyệt của BCĐ QCDC và phong trào thi đua “Dân vận khéo” | Tập thể/cá nhân đăng ký |
1 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025