THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98/2008/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2008 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 07 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng -Quảng Ninh đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
a) Hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc chủ yếu như sau:
- Đảo bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sự hợp tác và quan hệ của mỗi nước với nước thứ ba. Đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương của mỗi nước. Hai bên cùng tìm cách phát triển trên cơ sở điều kiện đặc thù và trình độ phát triển của mỗi nước; đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội – an ninh – môi trường phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Đối với từng vấn đề hợp tác, hai bên cùng lấy hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển và cùng đứng trên góc độ toàn cục của quan hệ kinh tế thương mại hai nước để tiến hành các cuộc đối thoại nhằm cùng nhau xây dựng môi trường hợp tác lành mạnh;
- Quá trình hợp tác tiến hành từng bước vững chắc, vấn đề nào cần thiết, chín muồi, có hiệu quả thiết thực sẽ làm trước, sau đó mở rộng dần ra các lĩnh vực khác; tiến hành trong khuôn khổ chung, có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Các vấn đề hợp tác trong Đề án được tính toán, tiến hành trong khuôn khổ các hợp tác tổng thể chung giữa hai nước; các ngành, các tỉnh hữu quan của hai nước căn cứ vào đặc thù của mình mà đề ra các vấn đề hợp tác một cách có thứ tự, trong khuôn khổ sự bố trí chung của Chính phủ hai nước. Tiến hành hợp tác qua nhiều kênh (Chính phủ, doanh nghiệp và tư nhân); đảm bảo vấn đề nào dễ và cấp bách thì tiến hành hợp tác trước, tiến dần từng bước từ các điểm phát triển thành tuyến và từ các tuyến đến diện;
- Đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của mỗi nước. Vùng biên giới hai nước là khu vực sinh sống của các dân tộc ít người, nơi còn rất nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội. Hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế” sẽ góp phần cải thiện mức sống người dân, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức hưởng thụ các dịch vụ y tế và giáo dục, góp phần giảm thiểu tội phạm và tệ nạn xã hội như buôn người qua biên giới, buôn bán ma túy.
b) Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh:
- Hợp tác phát triển Hành lang kinh tế được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại hai nước Trung – Việt và trong cơ chế hợp tác khu vực ASEAN +1, ASEAN + 3, GMS và khuôn khổ WTO, là sự hợp tác loại hình mở cửa. Hai bên cùng tuân thủ quy tắc của khuôn khổ hợp tác tổng thể hai nước và cơ chế hợp tác song phương, đa phương để xây dựng chiến lược phát triển và hợp tác phát triển kinh tế lâu dài, ổn định;
- Đi đầu trong chương trình phát triển hai hành lang, một vành đai và tính tới phát triển toàn tuyến đi châu Âu và đi các nước khác trong khu vực ASEAN;
- Hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững phải được coi trọng ngay từ đầu. Tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ Vùng, đồng thời thúc đẩy giao lưu giữa các địa phương trong tuyến hành lang với xung quanh trong quá trình phát triển của mỗi nước, nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả trên từng ngành, từng tỉnh của khu vực;
- Tiến hành từng bước dễ làm trước, khó làm sau. Giai đoạn đầu tập trung vào các lĩnh vực như: thương mại và đầu tư, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, du lịch, xây dựng cơ bản, khai thác nguồn tài nguyên. Giai đoạn sau, mở rộng dần ra các lĩnh vực khác.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu phát triển Hành lang Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
a) Mục tiêu tổng quát: xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, môi trường đầu tư cạnh tranh, thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại và hợp tác phát triển giữa các tỉnh khu vực biên giới hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên và doanh nghiệp nước thứ ba triển khai hợp tác, để Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành điểm tăng trưởng mới của hợp tác kinh tế thương mại hai nước và phát huy vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc – Asean và là bộ phận quan trọng của toàn tuyến Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
b) Mục tiêu cụ thể phát triển và hợp tác của tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh:
- Đưa mức tăng trưởng GDP toàn tuyến lên gấp 1,2 – 1,4 lần mức trung bình cả nước;
- Nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua tuyến Hành lang kinh tế đạt bình quân trên 20%/năm, đến năm 2010 đạt khoảng 2 tỷ USD và năm 2015 đạt 4,5 – 5 tỷ USD và năm 2020 đạt trên 10 tỷ USD;
- Hoàn thành tuyến trục chính và khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế giữa hai nước trên tuyến hành lang này;
Đến năm 2015, hai bên sẽ phối hợp với kế hoạch giảm thuế của Khu thương mại tự do Trung Quốc – Asean. Trước hết triển khai hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, chế biến tài nguyên, sản xuất điện, xây dựng cửa khẩu, thuận lợi hóa đầu tư thương mại, ưu tiên thực hiện những dự án có điều kiện chín muồi, lôi kéo các lĩnh vực khác cùng phát triển;
Hoàn thành đường cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh 6 làn đường để thông tuyến với đường cao tốc Nam Định – Bằng Tường. Hai bên nghiên cứu xem xét sớm khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Nam Ninh – Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc tế khổ 1435 mm;
Xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường và một số trung tâm thương mại, du lịch trên tuyến hành lang và khu kho vận tại Bắc Giang.
Sau năm 2015, hợp tác hành lang kinh tế sẽ được triển khai toàn diện, hợp tác hai bên trong các lĩnh vực từng bước đi vào nề nếp, xây dựng cơ chế hợp tác đa phương đa dạng. Đồng thời, sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp của các nước khác trong Asean tham gia hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc – Asean.
a) Phương hướng phát triển thương mại và hợp tác phát triển thương mại
- Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh phía Việt Nam tăng bình quân trên 20%/năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm.
- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mà trước hết là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; đẩy mạnh và ứng dụng rộng rãi các biện pháp quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ như các tiêu chuẩn ISO, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc;
- Hợp tác phát triển mậu dịch chính ngạch. Gắn kết phát triển thương mại với hoạt động sản xuất, hoạt động đầu tư trong và ngoài dịch vụ hành lang. Khuyến khích các doanh nghiệp trong các tỉnh tiến hành hợp tác đầu tư sản xuất, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, bao thầu công trình … Tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu nông sản, thủy sản và khoáng sản.
Xây dựng các cơ chế thuận lợi nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước theo các hành lang về thuế xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa, thủ tục đi lại của các phương tiện vận tải. Ngăn chặn và khắc phục nạn buôn lậu và gian lận thương mại thông qua sự phát triển lưu thông hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng cả về số lượng, chủng loại và chất lượng;
- Hợp tác phát triển mậu dịch biên giới, hợp tác duy trì tính ổn định và tính liên tục của chính sách mậu dịch biên giới hiện hành, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại cửa khẩu để phát triển mạnh giao lưu kinh tế thương mại và du lịch. Thiết lập cơ chế làm việc định kỳ, gặp gỡ trao đổi thường xuyên nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong mậu dịch biên giới, tạo môi trường thông thoáng và bình đẳng cho mậu dịch biên giới phát triển liên tục, lành mạnh và ổn định;
- Hợp tác cùng tiện lợi hóa thông quan trên tuyến biên giới Trung - Việt thuộc tuyến Hành lang Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có 3 cặp cửa khẩu quốc tế, 4 cặp cửa khẩu chính và 13 cặp chợ biên giới. Hai bên bàn bạc thực hiện kiểm tra một lần đối với hàng hóa xuất nhập khẩu áp dụng cơ chế này cho tất cả các cửa khẩu của tuyến hành lang.
- Hợp tác phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại và các chợ biên giới. Hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong việc tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới các chợ vùng biên. Bên cạnh đó, cần xem xét khả năng hình thành các trung tâm thương mại lớn là đầu mối cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo bước đột phá tích cực cho hoạt động thương mại hai nước.
Xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường là khu hợp tác kinh tế tổng hợp nhất thể hóa về gia công xuất khẩu, lưu thông hàng hóa và giao thương quốc tế.
- Hợp tác về phát triển hệ thống kho vận. Hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các biện pháp rút ngắn thời gian thông quan và hình thành một hệ thống kho bảo quản hàng hóa chờ thông quan hiện đại (kho lạnh) nhằm giúp kéo dài thời gian bảo quản hàng hóa.
b) Phương hướng phát triển và hợp tác phát triển về du lịch:
Phương hướng phát triển du lịch “mở” của Hành lang kinh tế quốc tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh cho phép tổ chức hệ thống tuyến, điểm du lịch với nhiều loại hình du lịch và các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tương xứng với tầm vóc phát triển và vị trí du lịch của lãnh thổ trong chiến lược phát triển du lịch chung của cả nước;
- Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: tham quan nghiên cứu nền văn hóa các dân tộc Việt Nam (các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống cội nguồn của cộng đồng người Việt và nhiều dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, các lễ hội và sinh hoạt tâm linh thuộc các nền văn minh, văn hóa các dân tộc thiểu số; các làng nghề truyền thống); tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học; thể thao – mạo hiểm qua các lát cắt địa hình tiêu biểu, dọc các dòng sông lớn; tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan;
- Xây dựng các tuyến du lịch liên quốc gia: hai bên cùng nhau xây dựng các tuyến du lịch liên quốc gia và quốc tế và các điểm du lịch trong phạm vi Hành lang kinh tế như thành phố Hồ Chí Minh – Huế - Hà Nội – Lạng Sơn – Nam Ninh – Quảng Châu – Thẩm Quyến; thành phố Hồ Chí Minh – Huế - Hà Nội – Nam Ninh – Quế Lâm – Bắc Kinh; tour du lịch theo bước chân Bác; tuyến du lịch đường mòn Hồ Chí Minh giữa Trung – Việt; tour du lịch trên biển Vịnh Bắc Bộ bằng tàu chuyên dụng cao cấp…; tour du lịch Lạng Sơn – Hà Nội – các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội – các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, còn có các tuyến du lịch trong các tiểu vùng như: Thái Nguyên – Ba Bể - Cao Bằng – Bản Giốc – Lạng Sơn; Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang;
- Xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc: hai bên hợp tác nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc độc đáo. Các sản phẩm du lịch phải có các đặc điểm là chứa đựng những giá trị văn hóa riêng biệt có tác dụng quảng bá văn hóa của mỗi địa phương và góp phần nâng cao thu nhập của nhóm dân cư có thu nhập thấp. Theo định hướng đó, hai bên có thể hợp tác phát triển các mặt hàng thủ công truyền thống của các địa phương.
Đẩy mạnh hợp tác về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch và công nghệ khoa học kỹ thuật du lịch.
c) Phương hướng phát triển và hợp tác phát triển công nghiệp:
- Huy động mọi nguồn lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch – dịch vụ, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở các huyện nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp kỹ thuật cao (sinh học, vật liệu mới…);
- Công nghiệp khai thác; tỉnh Cao Bằng có Liên hợp thiếc Tĩnh Túc, mỏ mangan tương đối lớn và khai thác quặng sắt ở quy mô nhỏ. Khai thác than phục vụ Nhà máy nhiệt điện, khai thác quặng Set, cát sỏi phục vụ xây dựng, khai thác quặng Brit, quặng sắt…. Công tác đầu tư cho thăm dò phải đi trước một bước và ưu tiên cho các khoáng sản có tiềm năng. Đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Đa dạng hóa quy mô sản xuất trên cơ sở bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái để phát triển bền vững và có hiệu quả cao. Có chính sách thích hợp để lôi cuốn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế (đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong những ngành công nghệ - thiết bị cao);
Khai thác đi đôi với chế biến sâu các khoáng sản khai thác được để tạo công ăn việc làm cho vùng dân cư nơi khai thác;
- Công nghệ hóa chất – phân bón: mở rộng nhà máy phân đạm và hóa chất; thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất nhựa gia dụng, khuôn ép nhựa, bao bì và vật liệu PVC, composit, chất tẩy rửa công nghiệp, hóa mỹ phẩm và dược phẩm;
- Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí: tập trung đầu tư phát triển ở các đô thị có thế mạnh, đặc biệt là những nơi có cơ sở hạ tầng tốt, có mặt bằng dân trí cao như khu vực Bắc Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh). Các sản phẩm cơ khí chính xác, điện tử, công nghiệp thông tin, tự động hóa, công nghiệp ô tô, xe máy, các sản phẩm máy móc thiết bị phức tạp, độ chính xác cao … thu hút vào các khu công nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, dọc theo tuyến trục hành lang kinh tế Bắc Ninh – Bắc Giang. Cơ khí nặng, siêu trường, siêu trọng cần phát triển ở các địa điểm giao thông thuận lợi của khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
Khu vực các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp phần mềm, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất hàng điện tử dân dụng công nghệ cao như màn hình platsma, tinh thể lỏng và các thiết bị nghe nhìn, máy tính, điện thoại di động và các thiết bị viễn thông, dây cáp điện, các loại máy điện gia dụng như máy giặt, lò vi sóng, máy đá, máy lạnh, máy hút bụi….
- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản: tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm sản thực phẩm vào những ngành có lợi thế cạnh tranh và nguồn nguyên liệu dồi dào như chế biến thực phẩm, hoa quả, rượu, bia, đồ gỗ gia dụng, ván ép…. Đa dạng hóa các sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm để tiêu thụ trong và ngoài nước. Có chính sách thích hợp để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chế biến, bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là rừng đầu nguồn;
- Công nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giầy: đầu tư phát triển cơ giới hóa và gìn giữ phát huy ngành dệt may truyền thống theo làng nghề của từng địa phương, gắn với bảo vệ môi trường. Tổ chức lại hệ thống quản lý chất lượng và thương mại, tạo thương hiệu cho sản phẩm dệt may truyền thống theo làng nghề, dân tộc và địa phương phục vụ ngành du lịch và hướng tới xuất khẩu. Thu hút đầu tư các nhà máy dệt kim, kéo sợi, sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho ngành may mặc, thuộc da, giầy vải…;
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: phát triển một số nhà máy xi măng tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Phát triển các nhà máy gạch tuynel ở các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng… Thu hút đầu tư sản xuất đá xây dựng, vật liệu chịu lửa, gạch samot, sản xuất gốm sứ mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu;
- Khu vực Hải Phòng có thể hợp tác các lĩnh vực công nghiệp nặng như đóng tàu và sản xuất các thiết bị phụ trợ công nghiệp đóng tàu;
- Khu vực từ cầu Như Nguyệt (tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang) về phía Bắc có nhiều lợi thế hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị máy móc, sản xuất đồ điện gia dụng, sản xuất thức ăn gia súc, may mặc và sản xuất dược phẩm…;
- Các tỉnh thành khác trong phạm vi Hành lang kinh tế hợp tác với đối tác Trung Quốc trong các lĩnh vực đường mía, sản xuất giấy, sản xuất máy nông nghiệp, sản xuất ván nhân tạo, thuốc trừ sâu, phân bón, khai thác và chế biến sâu khoáng sản, phát triển thủy điện…;
- Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng nhà máy luyện gang, thép, kim loại màu sử dụng quặng tại vùng ; hợp tác khai thác và làm giàu quặng, cơ khí chế tạo, đặc biệt là công nghiệp ô tô tải nhẹ, chế tạo phụ tùng các loại, kim khí tiêu dùng, đồ điện gia dụng, nghiên cứu mẫu mã…; hợp tác sản xuất và cung cấp máy móc thiết bị và sản xuất phụ tùng thay thế cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng; hợp tác sản xuất nguyên liệu và phụ kiện cho ngành dệt may.
d) Hợp tác về phát triển vận tải hàng hóa và hành khách:
Cần chú trọng cải thiện các điều kiện hạ tầng phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách. Với vận tải hành khách có thể xem xét ý tưởng hai bên cùng hình thành các tuyến xe buýt (bus) xuyên biên giới nhằm giảm chi phí đi lại, lấy sự phát triển của du lịch và thương mại để bù đắp chi phí; phát triển các tuyến tàu cao tốc nhằm rút ngắn thời gian đi lại của hành khách.
Hiện đại hóa các dịch vụ vận tải tại các cảng biển Việt Nam nhằm giảm chi phí dịch vụ/1 tấn hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh dịch vụ vận chuyển hàng hóa của các tuyến trục giao thông.
đ) Phương hướng phát triển và hợp tác phát triển nông, lâm nghiệp:
Điều kiện thiên nhiên của các tỉnh biên giới hai nước giống nhau, khí hậu gió mùa Á nhiệt đới, lượng mưa đầy đủ, tài nguyên đất đai dồi dào, điều kiện nông nghiệp ưu việt, có các loại cây trồng chính như lúa, lúa mì, mía, ngô, chè, sắn, lạc. Điều kiện tự nhiên là cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Các lĩnh vực hợp tác cơ bản giữa hai bên là:
- Hoàn chỉnh khung pháp lý; xây dựng tiêu chuẩn kiểm dịch động vật, thực vật và ký hiệp định về kiểm dịch động, thực vật giữa hai nước; xác định xuất xứ nguồn gốc động, thực vật, phòng chống dịch liên quan đến nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng biên giới, khai thác, bảo vệ lưu vực sông chảy qua hai nước;
- Hợp tác phát triển các hoạt động và lĩnh vực trong nông nghiệp mà hai nước có tiềm năng, thế mạnh và bổ sung cho nhau như: Nghiên cứu, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao (chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, cung cấp giống bố mẹ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh sản xuất giống tại Việt Nam); dược phẩm có nguồn gốc từ động thực vật, chế tạo vắc xin phòng bệnh;
- Hợp tác phát triển hệ thống thủy lợi và các thủy điện quy mô nhỏ;
- Hợp tác trồng rừng kinh tế và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Tăng cường hợp tác về khai thác và bảo vệ các con sông chung như: sông Hồng và các con sông biên giới giữa hai nước;
- Hợp tác phát triển thương mại nông sản như: rau hoa quả nhiệt đới, ôn đới; cao su, cà phê, điều, chè, hạt tiêu …; sản phẩm gỗ, thủy sản. Xây dựng các hiệp định về xuất nhập khẩu chính ngạch; mở rộng các hoạt động biên mậu về hàng nông, lâm, thủy sản;
- Hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về nghiên cứu và quản lý ngành. Hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học nông nghiệp, trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.
e) Phương hướng hợp tác phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và khoa học – công nghệ:
- Bên cạnh hợp tác về phát triển kinh tế, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và khoa học – công nghệ;
- Hợp tác về đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo cán bộ y tế cơ sở; hợp tác đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo, cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam;
- Hợp tác giao lưu văn hóa các địa phương trên tuyến hành lang nhằm tăng cường hiểu biết về phong tục tập quán và góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai quốc gia;
- Hợp tác biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, triển lãm, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình;
- Hợp tác về thể thao;
- Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học – công nghệ.
g) Phương hướng hợp tác bảo vệ môi trường và cảnh báo hiểm họa, thiên tai:
- Hai bên cần thường xuyên trao đổi thông tin về sự thay đổi của môi trường. Hợp tác chặt chẽ trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân; xây dựng các khung pháp lý chung nhằm điều tiết và xử lý các hành vi xâm hại đến môi trường. Các lĩnh vực hợp tác cụ thể là: địa chính và đo đạc bản đồ: quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông; khí tượng thủy văn trong đất liền và trên biển;
- Hợp tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng môi trường toàn Vùng xanh, sạch, đẹp, văn minh, phấn đấu đạt cấp độ trung bình của khu vực;
- Xử lý ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là các dòng sông bị ô nhiễm trong Vùng;
- Đối với khu vực đô thị: quản lý và xây dựng hiện đại các cơ sở xử lý nước và chất thải; các đô thị mới, phải được đầu tư thích đáng để bảo vệ môi trường bền vững;
- Đối với các Khu công nghiệp tập trung: Nhà nước có chính sách hỗ trợ và các doanh nghiệp phải có phương án bảo vệ môi trường, đầu tư thích đáng trong việc xử lý nước, chất thải; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong các ngành sản xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
- Đối với khu vực nông thôn phải lập quy hoạch các cụm dân cư gắn với bảo vệ môi trường. Cần bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt nông thôn, tập trung xử lý môi trường ở các làng nghề;
- Phát triển bền vững môi trường sinh thái có mối quan hệ chặt chẽ với việc tổ chức khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên trong phát triển nông, lâm nghiệp.
h) Phương hướng củng cố quốc phòng, an ninh biên giới và dọc tuyến hành lang:
- Tiến hành quy hoạch đất cho quốc phòng, an ninh gắn với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, an ninh, chủ yếu là điểm cao và vị trí xung yếu trên tinh thần hợp tác, hữu nghị và đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia;
- Xây dựng hệ thống các công trình phòng thủ đảm bảo vai trò tiền đồn dọc tuyến biên giới của Tổ quốc và đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế có hiệu quả. Bố trí phù hợp các lực lượng quốc phòng, an ninh để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
- Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế an ninh nhân dân dọc tuyến hành lang biên giới;
- Hợp tác xây dựng các phương án đảm bảo quốc phòng và an ninh, trật tự tuyến biên giới;
- Các Bộ, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ với quốc phòng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không phá vỡ những quy hoạch quốc phòng lớn đã có trên địa bàn tuyến hành lang;
- Về an ninh, quốc phòng làm rõ khả năng kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, đặc biệt ở dải biên giới. Trước hết tiến hành quy hoạch cụ thể, đồng bộ để nhanh chóng đưa dân ra sát biên giới, làm hậu phương cho các đơn vị biên phòng.
- Phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ an ninh, ngăn ngừa các tội phạm, tệ nạn xã hội núp bóng hoạt động du lịch như mại dâm, buôn người, trộm cắp, cướp giật…
i) Phương hướng phát triển các trung tâm kinh tế dọc tuyến hành lang:
- Xây dựng Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng thành các trung tâm kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, có tính tới mối quan hệ với thành phố Nam Định, Côn Minh trong Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt – Trung;
- Xây dựng Hà Nội thành Thành phố quốc tế với chức năng là Thủ đô của nước Việt Nam với 100 triệu dân và là Trung tâm kinh tế lớn của tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng; Trung tâm thương mại và lưu thông hàng hóa; Trung tâm tài chính, ngân hàng; Trung tâm du lịch, xuất nhập khẩu; Trung tâm công nghiệp và là đầu mối giao thông; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao; Trung tâm thông tin liên lạc nối liền Việt Nam với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng Hà Nội thành cực tăng trưởng kinh tế, có cơ cấu kinh tế hiện đại trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh;
- Xây dựng Hải Phòng là thành phố cảng cửa ngõ quan trọng của Hai hành lang kinh tế và của cả vùng Bắc Bộ, một trung tâm công nghiệp hiện đại; một đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng; một cực tăng trưởng quan trọng của tuyến Hành lang kinh tế; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm thương mại lớn của tuyến Hành lang kinh tế và cả nước….Hải Phòng là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và là địa bàn hợp tác phát triển của Hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt – Trung; một Trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của tuyến hành lang và của cả Việt Nam;
- Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng là điểm khởi đầu cho sự hợp tác phát triển của tuyến Hành lang kinh tế và khu, cụm công nghiệp ở Lạng Sơn. Đồng thời, là nơi xúc tiến thương mại trực tiếp giữa bên bán và bên mua hàng, là khu kinh tế mở xuyên biên giới. Trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng có đầy đủ cơ sở hạ tầng về đường, điện, thông tin, cấp và thoát nước; khu phi thuế quan, khu công nghiệp chế biến gia công hàng hóa gắn với các cửa khẩu … giữ vai trò chủ đạo kết hợp với phát triển dịch vụ thương mại, du lịch gắn với các cửa khẩu đường bộ và đường sắt của tuyến Hành lang;
- Cụm đô thị Đồng Đăng – thành phố Lạng Sơn với việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng là khu vực có nền kinh tế năng động, thành Trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch, điểm trung chuyển hàng hóa và giao thương lớn của tuyến Hành lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và khu vực Trung Quốc + Asean.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với các điểm đô thị: Khu công nghiệp Đồng Bành (207 ha) trên cơ sở lấy Nhà máy xi măng Đồng Bành công suất 1,4 triệu tấn/năm là hạt nhân gắn với đô thị Đồng Bành; cụm công nghiệp Lạng Sơn – Cao Bằng – Đồng Đăng (100ha) gắn với phát triển đô thị; Cụm công nghiệp và đô thị Lộc Bình - Na Dương (560 ha); Cụm công nghiệp và đô thị Bình gia – Bắc Sơn (50ha); Cụm công nghiệp và đô thị Văn Lãng – Tràng Định (30ha);
- Phát triển thành phố Bắc Giang và chùm đô thị trung tâm tỉnh Bắc Giang sẽ được phát triển dọc theo quốc lộ 1A cũ từ Nếnh (Việt Yên) đến Kép (Lạng Giang). Xây dựng thành Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật; Trung tâm đào tạo, dịch vụ và du lịch của Tỉnh. Là động lực tăng trưởng phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực chuyên ngành cấp vùng. Dân số thành phố Bắc Giang đến năm 2020 là 263.000 người, trong đó nội thành có 210.000 người, ngoại thành có 53.000 người. Thành phố Bắc Giang sẽ lấy sông Thương làm trọng tâm và hướng phát triển chủ yếu về phía Bắc, phía Nam và một phần phía Tây. Phấn đấu sau năm 2010, thành phố Bắc Giang trở thành đô thị loại II với quy mô diện tích 65 km2;
+ Phân bố Khu công nghiệp và đô thị theo trục Nam – Bắc dọc theo tuyến hành lang kinh tế (quốc lộ 1A) từ đầu cầu Như Nguyệt đến cầu Lường dài 37,5 km có 3 Khu công nghiệp: Khu công nghiệp Đình Trám (101 ha); Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng (40 ha); Khu công nghiệp Quang Châu giai đoạn I và II (615 ha) đang giải phóng mặt bằng; Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng (210 ha) đang hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng; Khu công nghiệp công nghệ cao; Khu đô thị dịch vụ Vân Trung – Nội Hoàng (khoảng 1.000 ha);
Các đô thị công nghiệp, vệ tinh như Đình Trám (Việt Yên), Song Khê – Nội Hoàng (Yên Dũng), Kép, Vôi, Bích Động, Nếnh, Quế Nham nâng cấp thành đô thị loại IV;
Nâng cấp một số thị tứ trở thành thị trấn: Tân Dân (Tân An – Yên Dũng), Mỏ Trạng (Yên Thế), Thanh Sơn (Sơn Động);
Quy hoạch, xây dựng tuyến 1A mới, từ cầu Như Nguyệt đến cụm công nghiệp Lạng Giang đến năm 2020 gồm: Khu công nghiệp Đình Trám, Đồng Vàng Việt Yên, Khu công nghiệp Vân Trung, Khu công nghiệp Quang Châu, cụm công nghiệp Song Khê Nội Hoàng, Cụm công nghiệp phố Cốc, Cụm công nghiệp Lạng Giang và Cụm công nghiệp Đông Bắc, thành phố Bắc Giang;
+ Phân bố Khu công nghiệp và đô thị theo trục Đông – Tây dọc quốc lộ 37 nối từ Khu công nghiệp Đình Trám đến thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), tỉnh lộ 296 nối với quốc lộ 3, Khu công nghiệp Hiệp Hòa diện tích 500 ha; 2 cụm công nghiệp nhỏ diện tích 10 – 15 ha;
+ Phân bố Khu công nghiệp và đô thị theo trục Tây Bắc – Đông Nam dọc tỉnh lộ 398 nối với đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long; cụm công nghiệp Yên Dũng (30 ha); Cụm công nghiệp Tàu Thủy (100 ha); các cụm công nghiệp; Tân Yên (25ha); Nhã Nam (15ha); Yên Thế (15ha); Mỏ Trạng (15ha);
+ Phân bố khu công nghiệp và đô thị theo trục Tây Nam – Đông Bắc dọc quốc lộ 31 nối với Khu công nghiệp Điện – Than; Khu công nghiệp Cầu Lồ - Lục Nam (100ha); Khu công nghiệp Thanh Sơn gắn với nhiệt điện Sơn Động (100 ha); Cụm công nghiệp Đồi Ngô (20ha);
- Xây dựng thành phố Bắc Ninh thành Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh. Quy mô dân số Thị xã đến năm 2010 khoảng 10 – 15 vạn dân, đến năm 2020 khoảng 20 – 25 vạn dân. Mở rộng thành phố Bắc Ninh về phía Đông; xây dựng mới trục giao thông chính của đô thị đi song song với quốc lộ 1, cách đường khoảng 800m. Các khu trung tâm không tập trung hình thành theo các cụm có cùng chức năng mà được phân bố xung quanh các nút giao thông quan trọng, tạo thành một hệ trục xuyên suốt đô thị. Thành phố Bắc Ninh sẽ có tổ hợp Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Đại Kim, diện tích 1000ha;
- Đô thị mới Tiên Sơn: xây dựng đô thị mới Tiên Sơn cùng với việc hình thành Khu công nghiệp Tiên Sơn diện tích 500ha và sẽ mở rộng giai đoạn III thêm 100ha; Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn diện tích 300 ha. Dự kiến phát triển không gian đô thị về phía Đông và Tây của khu công nghiệp ven đường quốc lộ 1 cũ và mới. Quy mô diện tích khoảng 500 ha kể cả khu công nghiệp;
- Thị xã Từ Sơn là đô thị loại IV, đang xây dựng khu đô thị mới Nam Từ Sơn trở thành trung tâm đô thị lớn phía Nam tỉnh Bắc Ninh gắn với khu công nghiệp đô thị dịch vụ VSIP Việt Nam – Singapore diện tích 700ha. Trong đó, Khu công nghiệp 500ha, khu đô thị 200 ha;
- Thị trấn Phố Mới gắn với các Khu công nghiệp Quế Võ diện tích 770 ha, Khu công nghiệp – đô thị Quế Võ II diện tích 640 ha. Trong đó Khu công nghiệp 570 ha và khu đô thị 70 ha;
- Khu công nghiệp – đô thị Yên Phong diện tích 300ha;
- Khu công nghiệp – đô thị Yên Phong II diện tích 1.000 ha do Tập đoàn Orix Nhật Bản làm chủ đầu tư;
- Khu công nghiệp – đô thị Nam Sơn – Hạp Lĩnh diện tích 800 – 1000 ha. Trong đó, Khu công nghiệp 600 – 700 ha, khu đô thị 200 – 300 ha do Tập đoàn IGS Hàn Quốc làm chủ đầu tư;
- Khu công nghiệp Thuận Thành diện tích 200ha;
- Các Khu công nghiệp Thuận Thành 2, 3 và Khu công nghiệp Lương Tài, Gia Bình quy mô diện tích 200 – 300ha/khu đang được quy hoạch.
1. Đẩy nhanh kế hoạch hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng
a) Về phát triển mạng đường bộ:
- Xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội – Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 triệu USD theo hình thức hợp đồng BOT;
- Xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, kéo dài đến cảng Lạch Huyện với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 19.610 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2008 và hoàn thành vào năm 2010;
- Xây dựng tuyến cao tốc Nội Bài – Hạ Long bắt đầu từ đường Thăng Long – Nội Bài, tới thành phố Hạ Long có chiều dài 144km theo hình thức hợp đồng BOT;
- Nhanh chóng thực hiện các dự án xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ nối liền quốc gia và nối với cảng Hải phòng. Nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ dẫn đến các cửa khẩu chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh biên giới đến các trung tâm kinh tế tại thị trường nội địa như: Hà Nội, Hải Phòng… Tạo điều kiện hơn nữa cho hàng quá cảnh tiếp cận nhanh chóng với hệ thống cảng biển Hải Phòng;
- Quốc lộ 4A và 4B Cao Bằng – Lạng Sơn – Quảng Ninh sẽ nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III nối Cao Bằng – Lạng Sơn với Quảng Ninh ra khu vực cảng biển Hải Hà;
- Nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 31 theo tiêu chuẩn cấp IV, từ thành phố Bắc Giang qua thị trấn Đồi Ngô (Lục Ngạn), thị trấn An Châu (Sơn Động), thị trấn Đình Lập nối với cửa khẩu Nà Lầm;
- Nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 279 theo tiêu chuẩn cấp IV, từ đoạn giao tiếp với quốc lộ 3 qua Na Rì (Bắc Kạn) về Bình Gia nối với quốc lộ 1B về Đồng Mỏ qua An Châu (Sơn Động) về Trới (Hoành Bồ - Quảng Ninh) nối với đường 18;
- Nâng cấp và đầu tư mới toàn tuyến quốc lộ 3B theo tiêu chuẩn cấp IV, từ ngã ba Xuất Hóa (quốc lộ 3) qua Yên Lạc (Na Rì) về Thất Khê (Tràng Định) nối với cửa khẩu Bản Rảo;
- Nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 37 theo tiêu chuẩn cấp IV, từ Thái Nguyên qua Đức Thắng (Hiệp Hòa), qua Bích Động (Việt Yên) nối với quốc lộ 1A và từ Kép qua Lục Ngạn nối với quốc lộ 18 tại Sao Đỏ (Hải Dương);
- Xây dựng đường quốc lộ 3 nối Hà Nội – Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2011 theo tiêu chuẩn đường cao tốc;
- Xây dựng cầu Nhật Tân, đường 2 từ cầu Nhật Tân – Sân bay Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài – Thăng Long;
- Nâng cấp quốc lộ 38 theo tiêu chuẩn đường cấp IV, nối quốc lộ 5 qua trị trấn Hồ về thành phố Bắc Ninh;
- Nâng cấp tỉnh lộ 282 thành quốc lộ nối quốc lộ 5 với quốc lộ 18 theo tiêu chuẩn đường cấp IV, qua phía Đông – Nam của tỉnh Bắc Ninh.
b) Về phát triển tuyến đường sắt:
Trước mắt, cần tập trung nguồn vốn phát triển tuyến đường sắt này đạt khổ tiêu chuẩn quốc tế 1435 mm và điện khí hóa, tiến tới hòa mạng vào các trục đường sắt của hai nước. Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế có lợi cho Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh;
Nâng cấp đường sắt Kép – Hạ Long dài khoảng 134 km, đoạn Chí Linh – Hạ Long khổ 1435 mm dài 69km, sau đó hiện đại hệ thống tin liên lạc;
Hiện đại hóa tuyến từ Đông Anh đến Thái Nguyên. Xây dựng mới đoạn Yên Viên – Phả Lại và đoạn nối vào cảng Cái Lân để tăng cường năng lực vận tải hàng từ cảng Cái Lân về Hà Nội. Tuyến này dài 42 km, dự kiến xây dựng vào giai đoạn 2010 – 2020.
c) Hướng phát triển giao thông đường thủy trên tuyến hành lang:
Tập trung khai thác các tuyến giao thông đường thủy từ các cảng biển về thành phố Hà Nội. Xây dựng cảng Phả Lại thành cảng đầu mối quan trọng trong tuyến đường thủy của tuyến Hành lang.
- Về luồng tuyến, hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật, đảm bảo chạy tàu 24/24h: Lạch Giang – Hà Nội đạt cấp I; Hải Phòng – Hà Nội (qua sông Đuống) đạt cấp II; cảng sông, tập trung đầu tư chiều sâu nâng cấp một số cảng chính và xây dựng một số cảng địa phương;
Mở rộng cảng sông và cải tạo các tuyến đường sông nối liền Hà Nội – Quảng Ninh:
- Cảng sông: tập trung đầu tư chiều sâu nâng cấp một số cảng chính và xây dựng một số cảng địa phương. Trang bị thiết bị và kho bãi cho một số cảng địa phương đã có như Hồng Châu, Sơn Tây … Xây dựng mới các cảng Thụy Lôi (Hưng Yên). Công suất các cảng này dự kiến khoảng 300.000 tấn/năm;
- Các cảng chuyên dùng: xi măng Hoàng Thạch, điện Phả Lai, Điền Công cần được phát triển phù hợp với quy mô của các nhà máy và phù hợp chung với quy hoạch, không gây ách tắc do lấn chiếm luồng lạch;
Xây dựng bến khách Hà Nội (Cụm cảng Hà Nội, Cảng Khuyến Lương), để thu hút luồng khách ven sông kết hợp với du lịch. Khi di dời cụm cảng Hà Nội, cảng Khuyến Lương về Phù Đổng, Chèm. Đặc biệt là thiết bị xếp dỡ container để đường sông có thể san sẻ được việc vận tải container từ Hải Phòng về Hà Nội. Kho bãi chứa container phù hợp năng lực vận tải và xếp dỡ của Cảng.
d) Hướng phát triển hệ thống cảng biển phục vụ cho tuyến hành lang:
- Cụm cảng Hải phòng: mở rộng nâng cấp cảng Hải Phòng, xây dựng các bến container, các bãi container nội địa; đồng thời, phát triển vận tải đa phương thức chủ yếu là đường bộ và đường sắt. Năm 2008 khởi công xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện (bao gồm cả cầu Đình Vũ), đảm bảo công suất 25 triệu tấn/năm vào năm 2010 và 40 triệu tấn/năm vào năm 2020;
- Cảng Cái Lân: đã được xây dựng thành thương cảng nước sâu ở phía Bắc cho cỡ tàu tới 50.000 DWT vào làm hàng. Cái Lân sẽ đóng vai trò là cảng trung tâm, cửa ngõ chính cho Hành lang Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến còn lại của cảng Cái Lân, tiếp nhận tàu tới 5 – 8 vạn DWT, nâng công suất của cảng lên 10 triệu tấn/ năm vào năm 2010 và đạt 20 triệu tấn/năm vào năm 2020;
- Cảng Cẩm Phả: là cảng chuyên xuất khẩu than sẽ được nâng cấp và mở rộng cảng để tiếp nhận tàu 3 – 5 vạn DWT, công suất 3 triệu tấn/năm vào năm 2010 và 5 triệu tấn/ năm vào năm 2020. Tại Cẩm Phả, năm 2010 ngoài công nghiệp than truyền thống còn có khả năng xây dựng công nghiệp luyện thép; phát triển cảng chuyên dùng cho Nhà máy thép đạt công suất 4 triệu tấn/năm, cho tàu 3 – 5 vạn DWT vào năm 2010. Giai đoạn sau, sẽ mở rộng theo công suất của Nhà máy;
- Cảng Cầu Trắng: cảng than Cầu Trắng sẽ được xây dựng thay thế Cảng than Hòn Gai để tránh ô nhiễm môi trường khu vực. Cảng nằm ở phía Bắc, cách vịnh Bãi Cháy khoảng 10 km có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 DWT, công suất 2 triệu tấn/năm vào năm 2010 và nâng lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2020;
- Cảng dầu B12 (Quảng Ninh): là cảng chuyên dùng xăng dầu sẽ được chuyển về Hòn Gạc hoặc Hòn Ác, được xây dựng mới để tiếp nhận tàu 3 vạn DWT, công suất 3 – 3,5 triệu tấn/năm vào năm 2010 và nâng lên 7 triệu tấn/năm vào năm 2020.
đ) Hướng phát triển đường hàng không:
- Phát triển sân bay quốc tế Nội Bài thành điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa có sức cạnh tranh trong khu vực, đạt tiêu chuẩn quốc tế với năng lực thông quan 15 triệu hành khách/năm. Xây dựng ga quốc tế mới, chuyển đổi ga khách quốc tế hiện tại thành ga khách nội địa sau khi hoàn thành ga khách quốc tế mới. Nâng cấp và xây dựng các sân bay nội địa Cát Bi đạt tiêu chuẩn quốc tế;
- Phối hợp chặt chẽ trong việc phát triển hệ thống quản lý bay của 2 nước, hoạch định hệ thống đường bay, tổ chức vùng trời bên biển Đông và vịnh Bắc Bộ, giải quyết các vấn đề khác như việc mở đường bay qua lại giữa Hải Phòng – Hải Nam.
- Thực hiện tự do hóa thương mại: để thúc đẩy hợp tác thương mại của Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hai bên thực hiện sớm thỏa thuận Quy chế khu thương mại tự do trên hành lang Kinh tế này. Thực hiện ổn định mục tiêu đã xác định của Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – Asean. Hai bên sớm thống nhất các chính sách cụ thể khuyến khích thương mại tự do cho Hành lang kinh tế. Trước mắt, cần sớm thỏa thuận Quy chế khu thương mại tự do cho Khu hợp tác thương mại biên giới Đồng Đăng – Bằng Tường, sau đó mở rộng Quy chế thương mại tự do cho toàn bộ tuyến Hành lang kinh tế;
- Nâng cao hiệu suất thông quan: hai bên sớm xem xét cải tiến, tiện lợi hóa thông quan trên toàn bộ các cặp cửa khẩu của tuyến Hành lang kinh tế;
- Thực hiện mô hình thông quan “kiểm tra một lần”: hai bên sẽ thực hiện thí điểm mô hình thông quan “kiểm tra một lần” tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Đây là một biện pháp quan trọng thúc đẩy tiện lợi hóa vận chuyển xuyên quốc gia trong cơ chế hợp tác kinh tế phát huy vai trò thúc đẩy tích cực cho hợp tác hành lang kinh tế. Các cơ quan hai nước căn cứ theo những thỏa thuận có liên quan, thúc đẩy tiến trình đàm phán, cố gắng đi đến nhất trí về nội dung và hình thức hợp tác, tích lũy kinh nghiệp rồi từng bước thực hiện tại các cửa khẩu biên giới chủ yếu hai nước;
- Tiện lợi hóa xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho khách du lịch và các nhà kinh doanh, hai bên nên kết hợp xây dựng Khung chiến lược hành động tiện lợi hóa thương mại và đầu tư trên toàn tuyến hành lang kinh tế; xây dựng Chương trình hành động của mỗi nước hợp tác với nhau trong các lĩnh vực để tạo thuận lợi cho các doanh nhân đi lại, tạo môi trường thương mại, đầu tư tốt hơn giữa hai nước Trung – Việt.
Hai bên từng bước thúc đẩy, tạo điều kiện để doanh nhân và du khách có thể đi lại tự do, thời gian ở lại hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh hình thức hợp tác trong lĩnh vực kho vận và lưu thông phân phối. Hai bên áp dụng biện pháp thiết thực và xem xét xây dựng hệ thống kho tàng hiện đại hóa, kéo dài thời gian bảo quản hàng hóa; xây dựng trung tâm kho vận tại tỉnh Bắc Giang để tiện lợi hóa thương mại, đầu tư của các thành viên ASEAN.
3. Giải pháp huy động vốn đầu tư:
Cho phép đa dạng các hình thức đầu tư; áp dụng các chính sách khuyến khích, thu hút, động viên mọi thành phần kinh tế; huy động mọi nguồn vốn bằng những biện pháp thích hợp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, các trung tâm thương mại, kho ngoại quan, các cụm thương mại, siêu thị, chợ.
Chính phủ sẽ tích cực vận động sự ủng hộ các khoản vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Trung Quốc và từ Chính phủ các nước khác cũng như các tổ chức tài chính quốc tế. Hai bên sẽ lập tiến độ quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu vực “Hành lang kinh tế”, để tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng “Hành lang kinh tế”, sẽ kêu gọi các công ty Trung Quốc có năng lực tích cực tham gia đầu tư theo các hình thức BOT, BT…
4. Xây dựng cơ chế, chính sách chung cho hoạt động của tuyến hành lang kinh tế:
Hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi trên cơ sở cơ chế, chính sách hiện có. Đối với những nội dung chưa được thảo luận, hai bên nên cùng nhau nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hợp tác thiết thực, khả thi, trao đổi lẫn nhau một cách đầy đủ.
Chính phủ hai nước tạo cơ sở pháp lý thông qua việc ký kết hiệp định thực hiện các dự án hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa các tỉnh trong tuyến hành lang; ban hành cơ chế khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh trong tuyến Hành lang trao đổi giảng viên, sinh viên để nâng cao năng lực chuyên môn.
- Hợp tác xây dựng Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh phải được đặt dưới sự quản lý chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Chính phủ hai nước.
- Hai bên thành lập tổ chuyên gia chuyên ngành ở cấp Bộ và chính quyền cấp địa phương để tổ chức hợp tác thực hiện quy hoạch và những vấn đề hai bên đã thỏa thuận.
- Hai bên lập chương trình hoạt động có liên quan đến lĩnh vực của mình và phối hợp để cùng hành động. Các tỉnh trong Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng tiến hành xây dựng “Chương trình phối hợp hành động của địa phương mình với các địa phương khác để xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”.
Cấp Trung ương phải thường xuyên quan tâm, đôn đốc chỉ đạo để xây dựng “Chương trình phối hợp hành động chung” trình cấp có thẩm quyền của hai bên thông qua và thành lập các nhóm công tác chuyên ngành các lĩnh vực: giao thông vận tải: thủy điện và mạng lưới điện, thương mại, du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, nguồn nhân lực và các vấn đề xã hội, công nghệ và môi trường.
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng “Chương trình phối hợp hành động chung để xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”; giao cho Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung triển khai cụ thể và tổ chức thực hiện.
2. Giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai thực hiện “Chương trình phối hợp hành động chung” thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, có thể thành lập tổ chuyên gia chuyên ngành luận chứng các dự án, theo nguyên tắc thực hiện dự án dễ trước, khó sau để tổ chức thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phù hợp với định hướng chung về phát triển và hợp tác phát triển hành lang và xây dựng “Chương trình phối hợp hành động” của địa phương mình với các địa phương khác để xây dựng hành lang kinh tế.
4. Trong quá trình thực hiện Quy hoạch phải trên cơ sở tôn trọng các cam kết giữa Chính phủ hai nước về biên giới lãnh thổ nói chung và phân giới cắm mốc nói riêng, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ nói chung và công tác phân giới cắm mốc nói riêng.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |