BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2017 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔNG CỤC HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng Khoa học Tổng cục Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học Tổng cục Hải quan”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 689/TCHQ/QĐ/NCHQ ngày 02/06/2003.
Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải quan, Thường trực Hội đồng khoa học Tổng cục Hải quan, các thành viên Hội đồng khoa học Tổng cục Hải quan, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔNG CỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 98/QĐ-TCHQ ngày 17/01/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 1. Chức năng của Hội đồng
Hội đồng Khoa học Tổng cục Hải quan (gọi tắt là Hội đồng) do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) quyết định thành lập là tổ chức tư vấn cho Tổng cục trưởng về khoa học và công nghệ của Hải quan.
Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng là 3 năm, trường hợp cần thiết, Tổng cục trưởng TCHQ quyết định việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động nhưng không quá 1/2 thời gian quy định của nhiệm kỳ.
Điều 2. Nhiệm vụ của Hội đồng
Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Tổng cục trưởng về các vấn đề sau đây:
1. Xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) dài hạn và kế hoạch trọng tâm hàng năm của Tổng cục Hải quan.
2. Góp ý và đề xuất ý kiến về các nhiệm vụ khoa học công nghệ, định hướng nghiên cứu hàng năm của Tổng cục Hải quan.
3. Tư vấn tuyển chọn, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Tổng cục hàng năm trình Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt và đề xuất thành lập các Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu của các đề tài NCKH.
4. Tư vấn cho Tổng cục trưởng chỉ đạo ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào hoạt động của Hải quan Việt Nam.
5. Tổ chức đánh giá hiệu quả, chất lượng về mặt khoa học của các đề tài NCKH cấp Tổng cục đã được nghiệm thu, công nhận và hoạt động nghiên cứu khoa học trong Hải quan.
6. Hợp tác khoa học và công nghệ với các Bộ, Ngành khác và với Hải quan quốc tế.
7. Đề nghị khen thưởng những công trình khoa học xuất sắc, những sáng chế, phát minh có giá trị thuộc phạm vi của cơ quan Hải quan.
8. Tư vấn, đề xuất, xây dựng, phát triển, bồi dưỡng nâng cao trình độ và khai thác sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của Hải quan.
9. Khi hết nhiệm kỳ, Hội đồng phải xây dựng báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Hội đồng cũ và đưa ra phương hướng hoạt động cho Hội đồng mới.
Điều 3. Quyền hạn của Hội đồng
1. Được Lãnh đạo Tổng cục, các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ cung cấp thông tin cần thiết, đầy đủ, kịp thời về các hoạt động nghiệp vụ phục vụ cho công tác khoa học công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Kiến nghị với Tổng cục trưởng về việc đưa ra Hội đồng thảo luận, đóng góp ý kiến những vấn đề khoa học và công nghệ theo chức năng tư vấn của Hội đồng nêu trong Điều 2.
3. Tham gia các đoàn khảo sát do Tổng cục Hải quan tổ chức có liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.
4. Được sử dụng con dấu của Tổng cục Hải quan, của Viện Nghiên cứu Hải quan trong các văn bản hành chính liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Thành phần Hội đồng khoa học Tổng cục Hải quan
1. Tổng số thành viên Hội đồng từ 19 đến 25 người. Tổng cục trưởng quyết định số lượng cụ thể và tỷ lệ cơ cấu giữa các đơn vị tham gia Hội đồng.
2. Hội đồng bao gồm các chức danh sau:
- Chủ tịch Hội đồng
- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng
- Phó Chủ tịch Hội đồng
- Các Ủy viên Hội đồng
- Thư ký Hội đồng.
3. Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Tổng cục phụ trách công tác nghiên cứu khoa học của Tổng cục.
4. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quan; Thư ký Hội đồng được cử trong số cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu Hải quan.
5. Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ có trình độ thạc sĩ trở lên hoặc là chuyên viên phải có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư hoặc Giáo sư có kinh nghiệm công tác chuyên môn, nhiệt tình với công tác khoa học kỹ thuật, có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng.
Viện Nghiên cứu Hải quan phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng cục trưởng phê duyệt các thành viên Hội đồng.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng
1. Chủ tịch Hội đồng
a. Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về nội dung và hiệu quả hoạt động của Hội đồng;
b. Lãnh đạo Hội đồng hoạt động phù hợp quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quy chế này và tổ chức thực hiện chương trình công tác của Hội đồng;
c. Triệu tập và chủ trì các kỳ họp của Thường trực và toàn thể Hội đồng;
d. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thay đổi các Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng, hoặc bổ sung các ủy viên Hội đồng khi số lượng ủy viên Hội đồng giảm quá 1/3 so với tổng số thành viên của Hội đồng;
đ. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng giao.
2. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng
a. Giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác chung của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về công việc được phân công phụ trách;
b. Chỉ đạo chuẩn bị nội dung các vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng;
c. Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành và giải quyết công việc thuộc phạm vi quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng khi được ủy quyền.
3. Phó Chủ tịch Hội đồng
a. Giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác chung của Hội đồng và chịu trách nhiệm về phần công việc được Chủ tịch Hội đồng phân công;
b. Trong trường hợp cần thiết, Phó chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng chỉ định thay mặt điều hành và giải quyết công việc của Hội đồng.
4. Thư ký Hội đồng
a. Giúp Chủ tịch Hội đồng xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động chung của Hội đồng được quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quy chế này, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về lĩnh vực được Chủ tịch Hội đồng giao;
b. Giúp Chủ tịch Hội đồng và các Phó Chủ tịch Hội đồng trong các hoạt động của Hội đồng;
c. Giúp Chủ tịch Hội đồng và các Phó Chủ tịch Hội đồng tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu, khảo sát, phân tích, tổng hợp, đánh giá về khoa học công nghệ của Tổng cục Hải quan.
5. Các Ủy viên Hội đồng
a. Có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng; Đóng góp ý kiến trực tiếp tại phiên họp Hội đồng hoặc trả lời các văn bản lấy ý kiến do Hội đồng yêu cầu;
b. Có trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về nội dung, kết quả các nhiệm vụ được Hội đồng phân công; Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể khi được Chủ tịch Hội đồng giao;
c. Được Thường trực Hội đồng cung cấp những thông tin cần thiết về các vấn đề của Hải quan và được tìm hiểu những tài liệu, số liệu có liên quan tới nội dung các hoạt động của Hội đồng;
d. Có trách nhiệm giữ gìn mọi tài liệu và số liệu mật theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 6. Thường trực Hội đồng Tổng cục Hải quan
Thường trực Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng và Thư ký Hội đồng.
Thường trực Hội đồng điều hành hoạt động chung của Hội đồng; Giải quyết những vấn đề phát sinh ngoài chương trình, kế hoạch và nội dung công tác của Hội đồng hoặc theo yêu cầu của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Thường trực Hội đồng phối hợp với các các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Hải quan trong tư vấn KH&CN và các nhiệm vụ KH&CN.
Viện Nghiên cứu Hải quan là đơn vị giúp việc trực tiếp cho Hội đồng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ hành chính khoa học của Hội đồng; Tổ chức các phiên họp của Hội đồng và Thường trực Hội đồng; Lưu trữ hồ sơ; Thực hiện các công việc thường xuyên và đột xuất do Hội đồng và Thường trực Hội đồng giao.
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG VÀ KINH PHÍ CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 7. Phương thức làm việc của Hội đồng
1. Hội đồng họp định kỳ 01 năm/lần. Khi cần thiết, Hội đồng có thể họp bất thường.
2. Các kỳ họp của Hội đồng cần có ít nhất 2/3 tổng số thành viên chính thức của Hội đồng tham dự. Các cuộc họp bất thường không nhất thiết phải có đủ số lượng trên;
Chủ tịch Hội đồng có thể tổ chức họp mở rộng với sự tham gia của các đại biểu trong và ngoài cơ quan Hải quan;
Hội đồng làm việc theo phương thức: nêu vấn đề, thảo luận và kết quả chỉ được công nhận khi có ít nhất 2/3 thành viên tham dự biểu quyết hoặc bỏ phiếu tán thành. Việc biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do toàn thể Hội đồng quyết định. Các ý kiến phát biểu và kiến nghị của Hội đồng phải được ghi chép đầy đủ trong biên bản hội nghị để trình Tổng cục trưởng xem xét, đồng thời được lưu trữ tại Viện NCHQ;
Đối với những yêu cầu, kiến nghị của từng thành viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng có thể lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản;
Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài ngành tham gia phiên họp của Hội đồng, số lượng đại biểu khách mời không vượt quá 1/3 số lượng ủy viên Hội đồng KH&CN Tổng cục Hải quan; ý kiến của các đại biểu khách mời được Hội đồng tham khảo khi báo cáo Tổng cục Hải quan; Các đại biểu khách mời không tham gia biểu quyết công việc của Hội đồng.
3. Tài liệu về những vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng phải chuyển đến các thành viên Hội đồng nghiên cứu trước khi họp từ 5 đến 7 ngày. Tài liệu của các phiên họp bất thường phải được chuyển đến các thành viên Hội đồng trước khi họp.
4. Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được sử dụng thời gian hành chính để tổ chức các phiên họp và các hoạt động của Hội đồng.
Điều 8. Kinh phí hoạt động của Hội đồng
Kinh phí cho hoạt động của Hội đồng được lấy từ kinh phí hoạt động khoa học công nghệ của TCHQ và thực hiện theo chế độ tài chính quy định.
Viện NCHQ (Thường trực HĐKH-TCHQ) có trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí nói trên theo chế độ tài chính hiện hành.
Điều 9. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc gì đề nghị các thành viên Hội đồng phản ánh về Thường trực Hội đồng để Thường trực Hội đồng đề nghị Tổng cục trưởng xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thường trực Hội đồng Khoa học TCHQ đề xuất báo cáo Tổng cục trưởng TCHQ xem xét, quyết định./.
- 1 Quyết định 1791/QĐ-BKHCN năm 2016 thành lập Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
- 2 Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2016 về thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 5 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 65/2015/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Luật Hải quan 2014
- 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoa học và Công nghệ
- 6 Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 7 Quyết định 2387/QĐ-TCHQ năm 2011 thành lập Hội đồng khoa học của Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2011 - 2013 do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 1 Quyết định 2387/QĐ-TCHQ năm 2011 thành lập Hội đồng khoa học của Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2011 - 2013 do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2016 về thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 5 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1791/QĐ-BKHCN năm 2016 thành lập Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ Khoa học và Công nghệ