Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 99/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 30 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP, ĐĂNG PHÁT VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
Căn cứ Nghị định số 51/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tại Tờ trình số 1378/TTr- SVHTT ngày 14/8/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc

 

QUY ĐỊNH

VỀ CUNG CẤP, ĐĂNG PHÁT VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 99/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng Điều chỉnh.

Quy định này quy định về chế độ cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin trên báo chí của các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo các quy định của pháp luật về báo chí.

Điều 2. Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cung cấp thông tin: Là việc các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

2. Đăng, phát thông tin: là việc các cơ quan báo chí đưa các ý kiến của các tổ chức, cá nhân thông qua các tác phẩm báo chí lên các loại hình báo chí như báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử nhằm mục đích phổ biến.

3. Xử lý thông tin: là việc các tổ chức, cá nhân trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản nhằm bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến đối với nội dung thông tin liên quan được báo chí đăng, phát.

Chương II.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Cung cấp thông tin cho báo chí.

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động và công tác chỉ đạo, Điều hành của UBND tỉnh, bằng hình thức sau:

a) Đăng tải kịp thời, chính xác trên trang tin điện tử tỉnh Nghệ An.

b) Mỗi tháng 1 lần cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên trang thông tin điện tử, hoặc thông tin qua giao ban báo chí hàng tháng.

c) 6 tháng 1 lần tổ chức họp báo.

Trang tin điện tử của UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật thông tin theo các quy định hiện hành để cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí trong tỉnh và các báo Trung ương thường trú tại Nghệ An.

d) Trong các trường hợp khác cần cung cấp thông tin, UBND tỉnh sẽ có thông báo riêng.

2. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò (sau đây gọi là các sở, ban, ngành, địa phương) tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý thông qua các hình thức sau:

a) Đăng tải thông tin trên trang tin điện tử của sở, ban, ngành, địa phương; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Trang tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.

b) Khi thấy cần thiết, các Sở, ban, ngành, địa phương có thể họp báo hoặc đăng ký cung cấp thông tin thông qua giao ban báo chí định kỳ hàng tháng. Sở Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc tổ chức họp báo và cung cấp thông tin trong giao ban báo chí theo đúng quy định hiện hành.

c) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác trong các trường hợp đột xuất, bất thường theo quy định tại Điều 4, Chương II, Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí:

a) Chánh Văn phòng UBND tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh có thể uỷ quyền cho Phó chủ tịch UBND tỉnh phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

b) Người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương trực tiếp hoặc phân công một người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2, Chương I, Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Quyền và trách nhiệm của Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5, Chương II, Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Điều 4. Đăng, phát thông tin.

Cơ quan báo chí có quyền đăng, phát các thông tin và phải chịu trách nhiệm về nội dung các thông tin đã đăng, phát theo quy định của Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Việc đăng, phát thông tin phải có nội dung phù hợp với định hướng thông tin; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và không vi phạm Điều 10 của Luật Báo chí.

Người đứng đầu cơ quan báo chí (Tổng Biên tập, Giám đốc) chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chủ quản và trước cơ quan quản lý nhà nước về báo chí những nội dung thông tin đăng, phát trên báo được phân công phụ trách.

Khi cơ quan báo chí hoạt động đúng Luật Báo chí thì không ai được ngăn cản việc đăng, phát thông tin trên báo chí.

Điều 5. Xử lý thông tin.

1.Trả lời thông tin trên báo chí:

Khi nhận được thông tin do báo chí đăng, phát hoặc khi có công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề được báo chí đăng, phát chậm nhất trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày báo chí đăng phát thì người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương phải khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc và trả lời bằng văn bản về kết quả, biện pháp giải quyết cho các cơ quan báo chí đã đưa tin, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Văn hoá - Thông tin.

2. Tiếp thu thông tin của báo chí:

a) Trong trường hợp báo chí thông tin đúng thì tổ chức, cá nhân được báo chí phản ánh phải tiếp thu nội dung thông tin, có biện pháp sửa chữa, khắc phục các vi phạm theo quy định hiện hành. Người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương được báo chí phản ánh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp thu, sửa chữa các vi phạm được báo chí phản ánh.

b) Khi tiếp nhận thông tin do báo chí đăng, phát, các Sở, ban, ngành, địa phương hoặc cá nhân có quyền không đồng tình với nội dung thông tin báo chí đã đăng phát và được trao đổi bằng văn bản với cơ quan báo chí. Văn bản trao đổi của các Sở, ban, ngành, địa phương hoặc cá nhân phải được cơ quan báo chí đăng phát theo quy định tại Điều 2 Chương II, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí.

c) Trường hợp không nhất trí với văn bản trao đổi của tổ chức, cá nhân thì cơ quan báo chí có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình. Sau 3 lần đăng, phát ý kiến trao đổi của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà chưa đạt được kết quả cuối cùng, Sở Văn hoá - Thông tin có quyền yêu cầu ngừng đăng, phát các thông tin. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí đã đăng phát thông tin, Sở Văn hoá- Thông tin hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

3. Cải chính trên báo chí:

Trong trường hợp báo chí thông tin sai sự thật, thông tin gây hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì cơ quan báo chí phải thực hiện việc cải chính theo Điều 4, Chương III, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí và bị xử lý vị phạm hành chính theo Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin và các quy định pháp luật liên quan.

4. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý thông tin trên báo chí:

a) Văn phòng UBND tỉnh có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh:

Đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện việc cung cấp thông tin, tiếp thu thông tin và kiểm tra, xử lý thông tin báo chí đăng, phát.

b) Sở Văn hoá - Thông tin tổ chức kiểm tra, xử lý việc cung cấp thông tin của các Sở, ban, ngành, địa phương; đăng, phát thông tin của các cơ quan báo chí; xử lý thông tin do báo chí đăng, phát của các Sở, ban, ngành, địa phương, bao gồm: đánh giá tình hình cung cấp, đăng phát, tiếp thu và xử lý thông tin; hàng quý, 6 tháng và hàng năm, tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và phục vụ họp báo do UBND tỉnh tổ chức; đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp, đăng phát, tiếp thu và xử lý thông tin do báo chí phản ánh; tổ chức thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quyền khác liên quan tới cung cấp, đăng phát và xử lý thông tin theo quy định của Luật Báo chí.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan báo chí.

1. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn, tên Sở, ban, ngành, địa phương của người phát ngôn.

2. Cơ quan báo chí sau khi đã đăng phát thông tin có trách nhiệm chính trong việc theo dõi các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp thu thông tin theo quy định của Luật Báo chí, các luật liên quan và bản quy định này.

3. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát ý kiến trao đổi của các tổ chức cá nhân, trừ trường hợp ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả. Trường hợp không đăng, phát thì trong thời hạn chậm nhất 30 ngày cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời cho tổ chức, cá nhân (tác giả) bằng văn bản hoặc đăng, phát trên báo chí bằng hình thức hộp thư, tin nhắn. Nội dung văn bản thông báo nêu rõ lý do cho Sở, ban, ngành, địa phương và cá nhân liên quan biết đồng thời phải gửi báo cáo bằng văn bản tới Sở Văn hoá - Thông tin.

4. Thông báo bằng văn bản cho Văn phòng UBND tỉnh và Sở Văn hoá - Thông tin kết quả tiếp thu thông tin trên báo chí của các Sở, ban, ngành, địa phương, đồng thời đề xuất các kiến nghị đảm bảo việc xử lí thông tin trên báo chí có hiệu quả.

Điều 7. Trách nhiệm và quyền hạn của các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc tiếp thu, xử lý thông tin trên báo chí.

1. Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin báo chí phản ánh và thực hiện việc trả lời theo Điều 4, Điều 5 của Quy định này.

2. Trường hợp không đồng ý với thông tin do báo chí đăng, phát, văn bản trả lời của tổ chức cá nhân phải nêu rõ thông tin nào sai sự thật, xúc phạm uy tín tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng phát trong tác phẩm báo chí. Ý kiến trao đổi của Sở, ban, ngành, địa phương hoặc cá nhân không được xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả tác phẩm báo chí và không vi phạm các quy định của pháp luật.

3. Cung cấp các tư liệu, tài liệu và các nội dung liên quan theo quy định của Nhà nước cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.

4. Có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, Sở Văn hoá - Thông tin hoặc khởi kiện ra toà trong trường hợp cơ quan báo chí đăng phát thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín; không đăng, phát nội dung thông tin cải chính, xin lỗi, kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ý kiến của các Sở, ban, ngành, địa phương hoặc cá nhân (mà không có văn bản thông báo lý do không đăng, phát cho tổ chức, cá nhân) hoặc thực hiện việc đăng, phát không đúng quy định của pháp luật.

Chương III.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 8. Khen thưởng.

Cơ quan báo chí, các sở, ban, ngành, địa phương và cá nhân có nhiều thành tích trong việc cung cấp, đăng, phát và tiếp thu xử lý các thông tin trên báo chí, góp phần ổn định tư tưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Xử lý vi phạm.

1. Cơ quan báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này và Luật Báo chí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Trong trường hợp báo chí thông tin đúng, người đứng đầu Sở, ban, ngành, địa phương hoặc cá nhân bị xử lý khi có một trong những hành vi sau:

a) Quá thời hạn yêu cầu trả lời thông tin báo chí đăng phát nhưng không trả lời.

b) Trả lời thiếu nghiêm túc, thái độ tiếp thu, sửa chữa không rõ ràng.

c) Có trả lời bằng văn bản nhưng thực tế không sửa chữa hoặc có sửa chữa nhưng mang tính đối phó.

Chương IV.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Điều 10. Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.