Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------

Số: 99/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tại Tờ trình số 2940/TTr-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2007, văn bản số 251/UBND-TH ngày 24 tháng 01 năm 2008 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 898/BKH-TĐ&GSĐT ngày 12 tháng 02 năm 2008 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO

1. Bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

2. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trên cơ sở phát huy các lợi thế của Tỉnh và phát triển thị trường. Huy động tối đa nội lực, gắn với thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài, nhất là vốn đầu tư và khoa học công nghệ; khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế.

3. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản văn hóa, bảm đảm phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa.

4. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Kết hợp giữa phát triển đô thị và nông thôn, lấy đô thị làm trung tâm, động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm dần sự chênh lệch giữa các vùng trong Tỉnh.

5. Coi trọng chiến lược phát triển con người, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng núi cao và các đối tượng chính sách.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm kinh tế Vùng: là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ; giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng nội Vùng và là thành phố lễ hội về nguồn của dân tộc Việt Nam; đồng thời, là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của Vùng cũng như của cả nước.

Phấn đấu đến năm 2010, cơ bản ra khỏi tỉnh nghèo, đến năm 2020 đạt được các tiêu chí của tỉnh công nghiệp và là một trong những tỉnh phát triển thuộc nhóm hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2020 như sau:

1. Các chỉ tiêu về kinh tế

- Tăng tốc kinh tế để thu hẹp tiến tới bằng và vượt mức GDP bình quân đầu người so với cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn từ nay đến năm 2020 cao hơn 1,3 – 1,5 lần cả nước và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong chỉ đạo, điều hành cố gắng phấn đấu ở mức cao hơn;

- Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2010, cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng là 45-46%, dịch vụ 35-36%, nông, lâm nghiệp 19 – 20%; đến năm 2010, cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng là 50 – 51%, dịch vụ 40-41%, nông, lâm nghiệp 9 – 10%;

- Thu ngân sách đến năm 2010 chiếm tỷ trọng 11,5 – 12% GDP và đạt 17 – 18% GDP vào năm 2020; kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 300 – 320 triệu USD và đạt 500 – 520 triệu USD vào năm 2020;

- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ từ nay đến năm 2020 đạt 124 – 125 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2010 đạt 28 – 29 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2011 – 2015 đạt 35-36 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2020 đạt 60 – 61 nghìn tỷ đồng.

2. Các chỉ tiêu về xã hội

- Duy trì kết quả phổ cập trung học cơ sở; hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2015; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, văn hóa thể thao và giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân;

- Đến năm 2010, có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 7 bác sĩ và 22,3 giường bệnh/1 vạn dân; năm 2015 có 9 bác sĩ và 28 giường bệnh/1 vạn dân và đến năm 2020 có 11 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân;

- Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và ngăn ngừa các tệ nạn xã hội; xây dựng hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin cơ sở từ tỉnh tới cấp xã, phường, thôn, bản để khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa nhằm từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2010 và 70 – 75% vào năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10% vào năm 2010 và dưới 5% vào năm 2020.

3. Các chỉ tiêu về môi trường.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50% năm 2010 và trên 55% vào năm 2020;

- Từ nay đến năm 2010, có 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch hoặc trang thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đạt bình quân khoảng 20%/năm; trên 50% số huyện, thành phố, thị xã xử lý, chế biến được rác thải; 100% bệnh viện được xử lý chất thải nguy hại; tỷ lệ số hộ được dùng nước sạch đạt 85%;

- Đến năm 2020, tỷ lệ số hộ được dùng nước sạch đạt trên 90%; 100% số hộ nông dân sử dụng công trình vệ sinh hợp quy cách.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRỌNG ĐIỂM, PHÁT TRIỂN NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Các trọng điểm phát triển chủ yếu.

- Trọng điểm thứ nhất: đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch và nâng cao chất lượng cơ cấu trong công nghiệp bằng phát triển các ngành chủ lực như: phát triển các ngành có lợi thế về tài nguyên; phát triển nhanh công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ gắn với khu công nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng khu công nghiệp tập trung, hình thành các khu công nghiệp mới, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề;

- Trọng điểm thứ hai: phát triển dịch vụ và du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, các trung tâm du lịch, dịch vụ lớn;

- Trọng điểm thứ ba: phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển vùng kinh tế Việt Trì – Lâm Thao – Phù Ninh – thị xã Phú Thọ và các khu, cụm công nghiệp. Hoàn thành việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông (đường cao tốc Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, cầu Đức Bác, cầu Chí Chủ, cầu Ngọc Tháp, cầu Đồng Luận. v.v…);

- Trọng điểm thứ tư: nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ. Phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề của Tỉnh đạt trình độ quốc gia và quốc tế.

2. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực

a) Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp để thu hút các dự án vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và có vai trò đột phá trong phát triển kinh tế của Tỉnh;

- Thực hiện đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu có nhiều sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm tồn tại và phát triển trong cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Phát triển và khôi phục các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ.

b) Phát triển các ngành dịch vụ

- Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế như: vận tải, du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, thị trường bất động sản, tư vấn về chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn thuế, kế toán, kiểm toán, dịch vụ tư vấn pháp lý, công chứng, giám định, bán đấu giá tài sản, dịch vụ việc làm ..v.v…; các dịch vụ mới có hàm lượng trí tuệ cao và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đời sống nhân dân;

- Khai thác tiềm năng du lịch trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn để đa dạng hóa sản phẩm các loại hình du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh;

 - Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch và hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực và hiện đại hóa cảng ICD (Thụy Vân); phát triển trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch, trung tâm đấu giá, trung tâm triển lãm, hội chợ ở Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và một số huyện trọng điểm; phát triển nhanh mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn;

- Mở rộng các hoạt động hợp tác kinh doanh với các địa phương trong và ngoài nước. Tập trung phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của Tỉnh như: chè, giấy, vật liệu xây dựng, sản phẩm may, các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ.v.v..

c) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của Tỉnh. Phát triển nhanh các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, bảo đảm đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu tạo sự liên kết bền vững giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ;

- Thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm, nhất là chương trình phát triển cây chè, cây nguyên liệu giấy, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bò thịt, trồng cây gỗ lớn, cây ăn quả và bảo đảm an toàn lương thực;

- Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng tập trung phát triển các ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế nông thôn và tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hóa các nguồn vốn nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

d) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu

- Về giao thông: đầu tư đồng bộ các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy, đường giao thông nông thôn và hệ thống giao thông đô thị; các đường vào khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch và các tuyến đường đấu nối với đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh. Cải tạo, nạo vét, khơi thông các tuyến vận tải sông Lô, sông Hồng, sông Đà, nâng công suất của cảng Việt Trì, Bãi Bằng; xây dựng cảng tổng hợp tại thị xã Phú Thọ và một số cảng chuyên dùng phục vụ sản xuất kinh doanh; cải tạo, nâng cấp các hệ thống nhà ga và di chuyển tuyến đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố Việt Trì; xây dựng, nâng cấp một số nhà ga đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch như ga Việt Trì, ga Phú Thọ và ga Ấm Thượng;

- Đầu tư tăng năng lực tưới tiêu các công trình thủy lợi; kiên cố hóa kênh mương, các dự án thủy lợi vùng đồi; hệ thống hồ, đập, cống tự chảy, các bờ bao, hệ thống đê sông đáp ứng yêu cầu sản xuất và giảm nhẹ thiên tai;

- Về phát triển lưới điện: đầu tư mở rộng, nâng công suất các trạm 220 KV, 110 KV và hệ thống lưới truyền tải; bảo đảm 100% số hộ được dùng điện, cung ứng đủ nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất kinh doanh. Phát triển Phú Thọ thành trung tâm điện lực trong Quy hoạch Điện VI và đầu tư xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại Phú Thọ;

- Về thông tin liên lạc: đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin, viễn thông bảo đảm 100% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng và có các điểm bưu điện văn hóa xã; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các trường trong hệ thống giáo dục được kết nối Internet.

- Về hạ tầng đô thị: đầu tư mở rộng và phát triển hệ thống đường nội thị, các điểm vui chơi, quảng trường và các khu đô thị mới tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; đầu tư mở rộng các trung tâm, thị trấn, thị tứ các huyện, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và điểm dân cư của Tỉnh đến năm 2020;

- Về hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: tập trung thu hút vốn đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, chú trọng phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và dọc hành lang các tuyến đường quốc lộ, đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020 của Tỉnh;

- Về thương mại, dịch vụ: tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ để hình thành các tuyến du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Đền Hùng, Khu du lịch Ao Châu, nước khoáng nóng Thanh Thủy, vườn quốc gia Xuân Sơn, Đền Mẫu Âu Cơ. Xây dựng Trung tâm hội nghị, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển hệ thống siêu thị và xây dựng chợ đầu mối, chợ thương mại. Xây dựng một số khu vui chơi giải trí phục vụ cho người nước ngoài.

đ) Về các lĩnh vực xã hội

- Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề: tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Hùng Vương, đầu tư nâng cấp một số trường cao đẳng thành đại học và một số trường trung học chuyên nghiệp thành cao đẳng, nâng cấp, thành lập thêm một số cơ sở đào tạo, dạy nghề và tăng cường cơ sở vật chất các trường thuộc hệ thống giáo dục. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và hoàn thành mục tiêu phổ cập bậc trung học vào năm 2015. Phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng mở rộng, đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, dạy nghề theo hướng chuẩn hóa. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực;

- Về lĩnh vực y tế, dân số: xây dựng và hiện đại hóa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa đạt tiêu chuẩn cấp vùng, các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực; các trạm y tế xã, phường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình quốc gia về y tế. Phát triển y tế cộng đồng và các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao. Tăng cường công tác khám, chữa bệnh, chú trọng các tuyến huyện, tuyến xã; chủ động phòng, chống các dịch bệnh, cơ bản loại trừ các bệnh truyền nhiễm; thực hiện tốt công tác dân số gia đình và trẻ em; nâng cao chất lượng dân số, cải tạo giống nòi và nâng cao tuổi thọ, cải thiện môi trường sống ở đô thị và nông thôn một cách bền vững;

- Về văn hóa – thông tin, thể dục – thể thao: đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, xây dựng tỉnh Phú Thọ thành một trong những trung tâm văn hóa thông tin, thể thao hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc phát triển văn hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa. Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ. Đầu tư tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử thời kỳ Hùng Vương, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao đáp ứng yêu cầu trung tâm văn hóa, y tế, thể thao của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật.v.v….;

- Các lĩnh vực xã hội khác: thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị, nâng cao thời gian sử dụng lao động ở nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Thực hiện các chính sách xã hội; bảo đảm đáp ứng nhu cầu cơ bản và cải thiệt rõ rệt cho các tầng lớp dân cư về ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh và hưởng thụ văn hóa, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

e) Phát triển khoa học, công nghệ.

- Về phát triển khoa học và công nghệ: phát triển mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo, tạo động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn gắn với việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học; tăng cường tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào các ngành, lĩnh vực mà Tỉnh có lợi thế. Phát triển Phú Thọ thành trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp, lâm nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Nghiên cứu xây dựng và vận hành khu đô thị công nghệ (bao gồm các khu công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở đào tạo, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.v.v…);

Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ. Hoàn thiện mô hình quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000: 2001 tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp. Thực hiện tốt các quy định về đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

g) Về an ninh, quốc phòng

Tăng cường và củng cố tiềm lực quốc phòng gắn với chiến lược phòng thủ các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Gắn phát triển kinh tế với củng cố an ninh, quốc phòng, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất cho các khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ và các cơ sở đào tạo quân sự, quốc phòng trên địa bàn; bảo đảm tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu cao và chủ động đối phó với mọi tình huống.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sức mạnh của quần chúng trong việc kiềm chế, giảm tội phạm, giữ vững an ninh xã hội trên địa bàn. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tập trung lực lượng đấu tranh giải quyết tốt các tệ nạn xã hội. Xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ trật tự xã hội trên địa bàn; tăng cường cán bộ an ninh cơ sở; an ninh nhân dân.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN LÃNH THỔ

1. Định hướng phát triển không gian đô thị

Tập trung đầu tư phát triển toàn diện thành phố Việt Trì, trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch – dịch vụ, giáo dục – đào tạo và các thiết chế văn hóa- thể thao đồng bộ, hiện đại, từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa, giáo dục của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Phấn đấu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về cội nguồn dân tộc và đạt đô thị loại I vào năm 2015;

Đầu tư nâng cấp xây dựng hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị thị xã Phú Thọ, mở rộng quy mô và dân số, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2010;

Đối với các đô thị khác, mở rộng và nâng cấp một số thị trấn lên thị xã theo quy hoạch phát triển đô thị và điểm dân cư đến năm 2015.

2. Định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội theo vùng

a) Vùng tả ngạn sông Hồng (Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Việt Trì – Lâm Thao – Phù Ninh – thị xã Phú Thọ)

Phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp; sản xuất lương thực, thực phẩm, trồng cây công nghiệp dài ngày (chè), cây ăn quả (bưởi, hồng không hạt v.v…) đặc biệt là nông nghiệp ven đô; phát triển nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch lễ hội về cội nguồn và phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tiểu vùng kinh tế động lực Việt Trì – Lâm Thao – Phù Ninh – Thị xã Phú Thọ tiếp tục thể hiện vai trò chủ đạo thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và nhà ở chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí, để đóng góp lớn hơn vào tăng GDP của Tỉnh, có tác dụng lôi kéo và hỗ trợ các vùng khác phát triển.

b) Vùng hữu ngạn sông Hồng (Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy)

Phát huy lợi thế của vùng để tập trung khai tác tiềm năng, thế mạnh về đất và rừng để phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ có quy mô lớn và vùng trồng cây nguyên liệu, cây lấy gỗ; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế trang trại. Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khôi phục và phát triển các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp (mây, tre, trúc, gỗ .v.v..). Tập trung thu hút vốn đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, du lịch, để khai thác quỹ đất, điểm kết nối đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh với các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong hệ thống các tuyến, điểm du lịch của Tỉnh.

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp huy động vốn đầu tư

- Đối với nguồn vốn ngân sách: huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách địa phương và sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; có chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khác;

- Đối với các nguồn vốn bên ngoài; cùng với việc làm tốt công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tranh thủ các nguồn vốn ODA để tập trung cho các dự án giao thông, thủy lợi, y tế tuyến tỉnh, huyện; nước sinh hoạt; xử lý nước thải, vệ sinh môi trường; phát triển lưới điện nông thôn, hạ tầng đô thị;

- Đối với nguồn vốn huy động của dân và doanh nghiệp: có cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạng thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích nhân dân tham gia các dự án phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hóa – xã hội theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Tập trung phát triển quy mô và mạng lưới đào tạo, tăng cường năng lực đào tạo của các trường đại học đa ngành, trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo nghề. Đẩy mạnh kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học, liên thông giữa đào tạo và sử dụng lao động xuất khẩu, chú trọng việc liên kết đào tạo nghề đối với người lao động nông nghiệp và đồng bào vùng sâu, vùng xa;

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa và mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo động lực khuyến khích người lao động phát huy sức lực, trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao từ các địa phương khác đến làm việc tại Tỉnh.

3. Phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

Gắn phát triển khoa học, công nghệ với sản xuất, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào các ngành sản xuất và dịch vụ. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng đại trà những tiến bộ khoa học vào sản xuất;

Phát triển mạnh nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ; sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và có chính sách thu hút cán bộ khoa học, doanh nhân, nghệ nhân giỏi về công tác tại Tỉnh, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất;

Tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và có chính sách ưu đãi trong việc huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm giữ cân bằng sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, làm khâu đột phá cho thời kỳ từ nay đến năm 2020

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện của Tỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục, các khoản phí, lệ phí, rút ngắn thời hạn, tiết kiệm tiền của, công sức trong giải quyết công việc đối với tổ chức, công dân. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng mạng lưới các tổ chức dịch vụ pháp lý trên địa bàn để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận pháp luật, dùng pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình;

Tăng cường việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức gắn với việc sắp xếp, kiện toàn, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Đầu tư hoàn thiện hệ thống trụ sở làm việc của cơ quan hành chính các cấp gắn với đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin theo mô hình Chính phủ điện tử và tổ chức triển khai áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2001.

5. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác và mở rộng thị trường

Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực .v.v… với các tỉnh nằm trong hành lang kinh tế từ Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc), các tỉnh có địa giới hành chính giáp với Phú Thọ và các địa phương khác trong cả nước. Nghiên cứu xây dựng và đề xuất với Chính phủ cho thực hiện cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả hợp tác thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước;

Quan tâm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường một cách vững chắc, quan tâm hơn nữa việc quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa có lợi thế của Tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch

- Tổ chức công bố, phố biến Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 cho tất cả các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhân dân trong Tỉnh;

- Tổ chức giới thiệu, quảng bá các dự án ưu tiên trong các dịp mời gọi, xúc tiến đầu tư để các nhà đầu tư ngoài Tỉnh tìm đến và đầu tư.

2. Xây dựng chương trình hành động và xúc tiến đầu tư

- Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở các mục tiêu của Quy hoạch, xây dựng chương trình hành động, từng bước thực hiện đạt mục tiêu Quy hoạch. Trước mắt, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVI;

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng vào các dự án trọng điểm có sản phẩm chủ lực, mang tính quyết định đến sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu Quy hoạch;

- Xây dựng một số chương trình sản phẩm chủ lực của Tỉnh và tổ chức thực hiện một cách nghiên túc, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất – kinh doanh của nhân dân. Đồng thời có các chính sách thực sự khuyến khích, ưu đãi đối với việc phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chủ lực về thị trường, vốn, quỹ đất;

- Từng bước cụ thể hóa công tác quy hoạch và đưa vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện. Tùy theo sự thay đổi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch kịp thời cho phù hợp với quá trình phát triển.

- Các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch.

VII. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ (Phụ lục kèm theo)

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch sau khi đã được phê duyệt; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển hệ thống hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực .v.v… để đảm bảo sự phát triển tổng thể và đồng bộ.

2. Lập các kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, bố trí ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Giao các Bộ, ngành Trung ương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nêu trong Quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét, điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong Quy hoạch.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Số TT

Tên dự án, công trình

Địa điểm

I

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP

 

1

Dự án xây dựng Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học

Phù Ninh, Lâm Thao

2

Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng vật nuôi

Thành phố Việt Trì, Lâm Thao, TX. Phú Thọ, Phù Ninh, Đoan Hùng

3

Chương trình sản xuất lương thực

Các huyện

4

Chương trình phát triển cây chè

Các huyện

5

Chương trình phát triển cây ăn quả

Đoan Hùng, Phù Ninh

6

Chương trình chăn nuôi lợn thịt, bò thịt chất lượng cao

Các huyện

7

Chương trình phát triển thủy sản

Các huyện

8

Chương trình trồng rừng sản xuất (rừng nguyên liệu, cây lấy gỗ…)

Các huyện

9

Các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm

Các huyện

10

Dự án trồng hoa, cây cảnh và rau sạch cao cấp phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu

Thành phố Việt Trì, Lâm Thao, TX. Phú Thọ, Phù Ninh

11

Các dự án định canh, định cư; bố trí sắp xếp lại dân cư theo quy hoạch và xây dựng kinh tế mới, mô hình nông thôn mới.

Các huyện

II

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ CÔNG NGHIỆP

 

12

Dự án mở rộng nhà máy giấy Bãi Bằng (giai đoạn 2)

Phù Ninh

13

Dự án nhà máy xi măng Yến Mao, Đoan Hùng, Thanh Ba

Thanh Thủy, Đoan Hùng, Thanh Ba

14

Dự án sản xuất hóa chất, phân bón

KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà, Phù Ninh, Lâm Thao

15

Các dự án sản xuất bia, rượu, cồn

Thành phố Việt Trì, KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà, Tam Nông

16

Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang, thép

Thành phố Việt Trì, Phù Ninh, Thanh Sơn

17

Dự án chế biến cao lanh, Fenspat

Cụm Công nghiệp Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn

18

Dự án sản xuất giày da xuất khẩu

KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà

19

Dự án sản xuất cấu kiện phi tiêu chuẩn

KCN Thụy Vân, Cụm CN Bạch Hạc

20

Dự án sản xuất nhựa và cơ khí xe máy, cơ khí, dệt may

KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà

21

Dự án đầu tư vùng nguyên liệu; xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học

Các huyện

22

Dự án nhà máy sản xuất phụ tùng, lắp ráp linh kiện ô tô

KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà

23

Sản xuất và lắp ráp các loại máy canh tác nông nghiệp

KCN Trung Hà, Phú Hà

24

Dự án sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp điện tử dân dụng

KCN Trung Hà, Phù Ninh

25

Dự án sản xuất thuốc tân dược

KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà

26

Dự án trồng và chế biến cây nhiên liệu sinh học

Thanh Thủy, Tân Sơn, Thanh Sơn

27

Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến gia cầm…

Khu công nghiệp Thụy Vân, Trung Hà

28

Dự án chế biến nông lâm sản

Các khu, cụm công nghiệp

29

Dự án sản xuất thực phẩm sinh học cho chăn nuôi gia cầm, thủy sản

Khu công nghiệp Trung Hà, cụm công nghiệp Đồng Lạng

30

Dự án sản xuất gỗ nhân tạo cao cấp, gỗ xuất khẩu

Cụm CN Phù Ninh, Lâm Thao

31

Dự án sản xuất nhựa trang trí nội thất và ống nước

KCN Trung Hà, Phú Hà

32

Dự án sản xuất nhãn nổi ép khuôn laser

KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà

III

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ DỊCH VỤ, DU LỊCH

 

33

Dự án Khu du lịch Văn Lang, Bến Gót, sông Lô

Thành phố Việt Trì

34

Dự án nâng cấp hệ thống chợ đầu mối, trung tâm thương mại

Các huyện

35

Dự án xây dựng Khu du lịch – dịch vụ Nam Đền Hùng, Tháp Hùng Vương, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thành phố Việt Trì

36

Dự án xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, tài chính

Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ

37

Dự án xây dựng Khu du lịch Núi Trang

Phù Ninh

38

Dự án xây dựng Khu du lịch Ao Châu, Ao Giời – suối Tiên, Văn Hội

Hạ Hòa

39

Các dự án xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ

40

Dự án xây dựng khu du lịch nước khoáng nóng chữa bệnh và điều dưỡng

Thanh Thủy

41

Xây dựng Khu du lịch sinh thái Xuân Sơn, Minh Hòa, Văn Bán

Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê

42

Dự án đầu tư nâng cấp cảng ICD Thụy Vân

Thành phố Việt Trì

43

Dự án đầu tư xây dựng quần thể khu đô thị, du lịch, vui chơi giải trí cao cấp (Tổ hợp sân golf, khách sạn, đua xe công thức I, vui chơi giải trí, …)

Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa

44

Dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ, Thanh Thủy, Tam Nông

IV

CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG KỸ THUẬT

 

a

Giao thông

 

45

Đường Cao tốc Hà Nội – Lào Cai và cầu Đức Bác, cầu Chí Chủ

Trên địa bàn tỉnh

46

Xây dựng cầu Vĩnh Lại

Thành phố Việt Trì

47

Đường Hồ Chí Minh, cầu Đồng Luận và cầu Ngọc Tháp

Trên địa bàn tỉnh

48

Cầu Hạ Hòa và đường nối quốc lộ 32C – quốc lộ 70

Hạ Hòa

49

Xây dựng các tuyến đường đấu nối với tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và đường Hồ Chí Minh

Trên địa bàn tỉnh

50

Cải tạo nâng cấp quốc lộ 2 (Đền Hùng – Đoan Hùng)

Trên địa bàn tỉnh

51

Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 32A, 32B, 32C, quốc lộ 70 và nắn tuyến quốc lộ 32C (Việt Trì - cầu Phong Châu)

Trên địa bàn tỉnh

52

Dự án nạo vét 3 tuyến đường sông (đoạn Việt Trì- Đoan Hùng; đoạn Việt Trì – Yên Bái và đoạn Hồng Đà - Hòa Bình)

Trên địa bàn tỉnh

53

Dự án nâng cấp đường sắt Hà Nội – Lào Cai (trong đó có nắn tuyến đoạn qua thành phố Việt Trì ra khỏi trung tâm thành phố)

Trên địa bàn tỉnh

54

Dự án nâng cấp, mở rộng các cảng sông

Thành phố Việt Trì, Phù Ninh, TX. Phú Thọ, Tam Nông, Thanh Thủy

55

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ

Các huyện

56

Các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới các tuyến đường đô thị

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ

57

Dự án xây dựng đường giao thông vào các xã đặc biệt khó khăn

Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê

b

Thủy lợi

 

58

Dự án vùng chậm lũ Tam Thanh

Thanh Sơn, Thanh Thúy, Tam Nông

59

Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh (nâng cấp hồ, đập, kênh mương)

Các huyện

60

Các dự án tu bổ đê, kè, cống chống sạt lở bờ vở sông

Các huyện

61

Đầu tư nâng cấp đê kết hợp đường giao thông

Các huyện

62

Các dự án xây dựng hạ tầng vũng lũ quét và sạt lở đất

Hạ Hòa, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn

63

Các dự án thủy lợi kết hợp nuôi trồng thủy sản

Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Thủy; thị xã Phú Thọ

64

Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi gắn với phát triển thủy điện

Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập

65

Dự án kiên cố hóa kênh mương

Các huyện

66

Dự án thủy lợi vùng đồi

Các huyện miền núi

c

Hệ thống điện

 

67

Nhà máy nhiệt điện (1.200 MW) và Trung tâm điện lực

Thành phố Việt Trì, Phù Ninh

68

Dự án đầu tư mở rộng trạm 220 KV Vân Phú (Việt Trì) và xây mới trạm 110KV Thụy Vân, thị xã Phú Thọ, Phố Vàng, Sông Thao

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ, Thanh Sơn, Cẩm Khê

69

Dự án cải tạo, nâng cấp đường dây 6 KV, 10KV lên 22KV và 35 KV và các tuyến đường hạ thế

Các huyện

70

Dự án cải tạo lưới diện trung áp đô thị

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ

71

Dự án cải tạo hệ thống điện các huyện

Các huyện

d

Khu, cụm công nghiệp

 

72

Khu công nghiệp Thụy Vân (giai đoạn 2; 3)

Thành phố Việt Trì

73

Khu công nghiệp Trung Hà, Cổ Tiết,

Tam Nông

74

Khu liên hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ Thụy Vân

Thành phố Việt Trì

75

Dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Phù Ninh, Phú Hà, Thanh Thủy)

Tam Nông, Lâm Thao, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, TX Phú Thọ, Đoan Hùng, Phù Ninh

76

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề

Các huyện

V

CÔNG CỘNG – TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG

 

a

Hạ tầng đô thị, công cộng, môi trường

 

77

Dự án xây dựng khu đô thị mới

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ

78

Các dự án xây dựng hạ tầng đô thị

22 đô thị các huyện, thành phố, thị xã

79

Các dự án xây dựng hạ tầng các thị tứ

69 thị tứ các huyện, thành phố, thị xã

80

Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống công sở (tỉnh, huyện, xã)

Sở, Ban, ngành: UBND huyện, xã

81

Hệ thống bãi rác và nhà máy xử lý rác thải rắn

Các đô thị và các huyện

82

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị

Thành phố Việt Trì, TX. Phú Thọ

83

Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và thoát nước thải đô thị, nước thải công nghiệp, sinh hoạt đông nam thành phố Việt Trì

Thành phố Việt Trì

84

Dự án xây dựng hệ thống nước thải và xử lý nước thải cho các khu, cụm công nghiệp

TX. Phú Thọ, Phù Ninh, Lâm Thao, thành phố Việt Trì

b

Bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ và công nghệ thông tin

 

85

Xây dựng Chính phủ điện tử và trang thiết bị phần cứng

Các ngành, huyện, thành phố, thị xã

86

Dự án xây dựng Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Tỉnh

Thành phố Việt Trì

87

Dự án xây dựng, nâng cấp các trung tâm đo lường, thử nghiệm, kiểm định đạt chuẩn quốc gia

Thành phố Việt Trì

88

Dự án phát triển mạng viễn thông, vùng và viễn thông nông thôn

Các ngành, huyện, thành phố, thị xã

89

Dự án lắp đặt thiết bị mạng chuyển mạch, mạng truyền dẫn quang

Các ngành, huyện, thành phố, thị xã

90

Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Các ngành, huyện, thành phố, thị xã

VI

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ VĂN HÓA – XÃ HỘI

 

a

Giáo dục – đào tạo, dạy nghề

 

91

Trường Đại học Hùng Vương

Thành phố Việt Trì

92

Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng hóa chất thành Trường Đại học Hóa chất

Lâm Thao

93

Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng công nghiệp thực phẩm thành Trường đại học công nghiệp thực phẩm

Thành phố Việt Trì

94

Dự án nâng cấp trường Cao đẳng y tế thành Trường Đại học điều dưỡng Phú Thọ

Thị xã Phú Thọ

95

Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng nghề thành trường Đại học công nghiệp (chuyên ngành)

Thành phố Việt Trì

96

Dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật

Thành phố Việt Trì

97

Dự án đầu tư nâng cấp Trường Trung học kỹ thuật dược thành Trường Cao đẳng kỹ thuật dược

Thành phố Việt Trì

98

Dự án đầu tư nâng cấp Trường trung học nông nghiệp thành Trường Cao đẳng nông lâm nghiệp

Thị xã Phú Thọ

99

Dự án đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp nghề thành trường Cao đẳng, Đại học nghề

Thành phố Việt Trì

100

Các dự án đầu tư Trung tâm dạy nghề cấp huyện

Huyện, thành phố, thị xã

101

Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống trường học của tỉnh đạt chuẩn quốc gia

Huyện, thành phố, thị xã

102

Trường Đại học Quốc tế, các dự án XD các trường Cao đẳng, Đại học nghề (xã hội hóa)

Thành phố Việt Trì

103

Dự án các trường trung cấp, cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế gắn với xuất khẩu lao động

Tam Nông, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ

b

Y tế - xã hội

 

104

Dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh thành Bệnh viện đa khoa cấp vùng

Thành phố Việt Trì

105

Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho bệnh viện tuyến tỉnh và huyện

Các bệnh viện

106

Bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi và các bệnh viện chuyên khoa

Thành phố Việt Trì, Phù Ninh, Tam Nông, TX. Phú Thọ

107

Bệnh viện nhi tỉnh

Thành phố Việt Trì

108

Dự án đầu tư trang thiết bị y tế bệnh viện tỉnh, huyện

Huyện, thành phố, thị xã

109

Dự án đầu tư trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ cao vào công tác y tế

Thành phố Việt Trì

110

Dự án đầu tư nâng cấp một số bệnh viện tuyến huyện, tỉnh

Huyện, thành phố, thị xã

111

Dự án xây dựng Trung tâm điều dưỡng người có công

Thị xã Phú Thọ

c

Văn hóa – thông tin

 

112

Dự án Đền Hùng

Thành phố Việt Trì

113

Dự án xây dựng vườn sinh thái và lịch sử văn hóa rừng Quốc gia Đền Hùng

Thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh

114

Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ

Hạ Hòa

115

Dự án xây dựng quảng trường Trung tâm và quảng trường chính trị thành phố Việt trì

Thành phố Việt Trì

116

Dự án xây dựng Trung tâm hội nghị cấp vùng

Thành phố Việt Trì

117

Dự án xây dựng Bảo tàng Phú Thọ

Thành phố Việt Trì

118

Dự án xây dựng nhà văn hóa Trung tâm và quảng trường Festival

Thành phố Việt Trì

119

Dự án xây dựng nhà thiếu nhi Tỉnh

Thành phố Việt Trì

120

Dự án bảo tàng văn hóa ngoài trời gắn với các di tích khảo cổ học (di tích Làng Cả, Gò Mun, Sơn Vi, Xóm Rền, …)

Thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh

121

Dự án xây dựng làng văn hóa các thời đại Hùng Vương

Thành phố Việt Trì

122

Dự án xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam

Thành phố Việt Trì

123

Dự án xây dựng rạp chiếu bóng, nhà văn hóa đa năng, nhà truyền thông

Huyện, thành phố, thị xã

d

Thể dục – thể thao

 

124

Dự án xây dựng khu liên hợp thể thao của Tỉnh và thành phố Việt Trì

Thành phố Việt Trì

125

Dự án cải tạo, nâng cấp các thiết chế thể thao

Huyện, thành phố, thị xã

126

Dự án xây dựng trường năng khiếu TDTT

Thành phố Việt Trì

VII

AN NINH, QUỐC PHÒNG

 

127

Sở Chỉ huy cơ bản và công trình phòng thủ

Hạ Hòa

128

Dự án di chuyển Trại giam Phủ Đức

Phù Ninh

129

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã vùng ATK

Thanh Sơn, Yên Lập

130

Cơ sở giáo dục Thanh Hà (chuyển địa điểm về thị xã Phú Thọ)

TX. Phú Thọ

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích chiếm đất, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập, trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của từng thời kỳ./.