THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 991/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN DO NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TÀI TRỢ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 3763/BKHĐT-KTĐN ngày 15 tháng 6 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, giai đoạn 2” (vốn viện trợ bổ sung) do ADB tài trợ không hoàn lại với các nội dung chính sau:
1. Cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Y tế.
2. Mục tiêu tổng quát của Dự án: Giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm vùng nhiệt đới ít được quan tâm. Hỗ trợ công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong nước và phối hợp với các nước trong khu vực phòng chống dịch bệnh. Nâng cao sức khỏe cho người dân khu vực tiểu vùng sông Mê Công, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) 4, 5, 6.
3. Các kết quả chính của Dự án:
- Các chính sách, chiến lược và tài liệu phòng chống bệnh truyền nhiễm (trong đó có sốt rét) được cập nhật, sửa đổi; các văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến, áp dụng trong phạm vi cả nước.
- Công nghệ thông tin được ứng dụng trong công tác quản lý, giám sát, thống kê, báo cáo số liệu.
- Kết quả các nghiên cứu về sốt rét được phổ biến và làm cơ sở xây dựng các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật phù hợp trong công tác phòng chống bệnh sốt rét.
- Giảm số mắc/chết do sốt rét tại 02 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước.
- Cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện, xã được tập huấn đào tạo.
- Người dân các vùng nguy cơ được cung cấp kiến thức, từng bước thay đổi hành vi về phòng chống bệnh sốt rét.
- Chia sẻ kiến thức, thông tin và tăng cường hợp tác khu vực trong phòng chống bệnh sốt rét thông qua tổ chức và cử cán bộ tham gia các hội thảo khu vực.
4. Thời gian thực hiện: 2015 - 2016.
5. Tổng hạn mức vốn của Dự án: 2.731.800 USD bao gồm:
a) Vốn ODA viện trợ không hoàn lại: 2.481.800 USD.
b) Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 250.000 USD (bằng tiền mặt), trong đó vốn đối ứng của Trung ương (Bộ Y tế) là 200.000 USD, các địa phương là 50.000 USD.
6. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước:
- Đối với vốn ODA: Thực hiện phương thức cấp phát cho Bộ Y tế đối với hoạt động do Bộ trực tiếp thực hiện, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đối với các hoạt động do địa phương thực hiện.
- Vốn đối ứng của Dự án: Vốn đối ứng của Trung ương do Bộ Y tế bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước (chi quản lý hành chính) được giao hàng năm để thực hiện, vốn đối ứng của địa phương do ngân sách địa phương bố trí.
Điều 2. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh và phê duyệt văn kiện Dự án theo quy định hiện hành.
Điều 3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài chính, Tư pháp, Ngoại giao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Kế hoạch 408/KH-BYT năm 2014 tăng cường truyền thông phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm mùa hè do Bộ Y tế ban hành
- 2 Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
- 3 Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch
- 4 Luật Tổ chức Chính phủ 2001