Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 997/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC HẠ TẦNG KỸ THUẬT

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Cục Hạ tầng kỹ thuật là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp), bao gồm: cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp; quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ); kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật do Bộ là cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.

Cục Hạ tầng kỹ thuật có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Về cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp:

1.1. Xây dựng các định hướng, chiến lược, chương trình, chỉ tiêu quốc gia về cấp nước, thoát nước trong đô thị, khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

1.2. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về cấp nước, thoát nước; các quy định, quy trình về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước; các cơ chế chính sách phát triển cấp nước, thoát nước đô thị, khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

1.3. Tổ chức lập, thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước vùng liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt;

1.4. Thẩm định quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản đóng góp ý kiến đối với quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước vùng tỉnh, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước của các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I do các địa phương đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo quy định của pháp luật;

1.5. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ văn bản thẩm tra hoặc đóng góp ý kiến đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước do các Bộ, ngành, địa phương đề nghị Bộ Xây dựng thẩm tra hoặc đóng góp ý kiến theo quy định của pháp luật;

1.6. Thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về lĩnh vực cấp nước, thoát nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động, khai thác các nguồn lực để phát triển cấp nước, thoát nước; hướng dẫn và quản lý việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước và thoát nước đô thị, vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm theo phân cấp của Bộ trưởng;

1.7. Hướng dẫn việc áp dụng các mô hình công nghệ, mô hình quản lý hệ thống cấp nước, thoát nước phù hợp với đặc điểm và quy mô đô thị, khu công nghiệp; việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì hệ thống cấp nước, thoát nước trong đô thị và khu công nghiệp;

1.8. Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch, ban hành khung giá nước sạch, giá dịch vụ và giá sử dụng dịch vụ thoát nước; kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

2. Về quản lý chất thải rắn thông thường:

2.1. Xây dựng các chiến lược, chương trình, chỉ tiêu quốc gia về quản lý chất thải rắn thông thường để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

2.2. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn; các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư quản lý chất thải rắn; các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý chất thải rắn thông thường; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

2.3. Tổ chức lập, thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt;

2.4. Thẩm định quy hoạch quản lý chất thải rắn các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản đóng góp ý kiến đối với quy hoạch quản lý chất thải rắn của thành phố do Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo quy định của pháp luật;

2.5. Hướng dẫn, kiểm tra việc lập và quản lý quy hoạch xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn, phương pháp lập và quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm theo phân công của Bộ trưởng;

2.6. Phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc phục hồi, tái sử dụng diện tích, chuyển đổi mục đích sử dụng và quan trắc môi trường của các cơ sở xử lý chất thải rắn sau khi kết thúc hoạt động;

2.7. Phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định, công nhận công nghệ xử lý chất thải rắn mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu tại Việt Nam.

3. Về chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị:

3.1. Xây dựng chiến lược phát triển chiếu sáng đô thị và cây xanh đô thị để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

3.2. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về chiếu sáng và cây xanh đô thị; các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chiếu sáng đô thị; các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chiếu sáng và cây xanh đô thị; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

3.3. Thẩm định quy hoạch chiếu sáng đô thị các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản đóng góp ý kiến đối với quy hoạch chiếu sáng đô thị của thành phố do Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo quy định của pháp luật;

3.4. Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí chiếu sáng đô thị, chi phí duy trì cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị; hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chiếu sáng đô thị, quản lý cây xanh đô thị trên phạm vi toàn quốc.

4. Về quản lý nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ):

4.1. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật xây dựng nghĩa trang, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng nghĩa trang; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch và các hoạt động xây dựng, cải tạo, mở rộng, đóng cửa, di chuyển nghĩa trang;

4.2. Thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nghĩa trang các đô thị loại đặc biệt; nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản đóng góp ý kiến đối với quy hoạch nghĩa trang của thành phố do Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo quy định của pháp luật;

4.3. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nghĩa trang; hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí dịch vụ nghĩa trang.

5. Về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị:

5.1. Hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch giao thông đô thị và nội dung quy hoạch giao thông trong đồ án quy hoạch đô thị; kiểm tra việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

5.2. Thẩm định quy hoạch giao thông đô thị các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng văn bản đóng góp ý kiến đối với quy hoạch giao thông đô thị của thành phố do Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo quy định của pháp luật;

5.3. Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quy định việc phân cấp, phân loại đường đô thị; tiêu chuẩn quốc gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị;

5.4. Phối hợp với đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc quản lý sử dụng, khai thác, bảo trì đường đô thị;

5.5. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt.

6. Về quản lý xây dựng ngầm đô thị:

6.1. Xây dựng định hướng, chiến lược phát triển xây dựng ngầm đô thị phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

6.2. Hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị;

6.3. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình ngầm đô thị; các tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng công trình công cộng ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

6.4. Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy định về quản lý xây dựng, khai thác công trình ngầm và công tác hạ ngầm các đường dây, đường cáp trong đô thị; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

6.5. Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị để Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt.

7. Về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị:

7.1. Hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị có liên quan đến việc xác định công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;

7.2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung, các quy định về sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; hướng dẫn việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

7.3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền mẫu hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, mẫu hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;

7.4. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và Bộ Tài chính hướng dẫn nguyên tắc kiểm soát và phương pháp xác định giá thuê, khung giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

8. Về các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật:

8.1. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật;

8.2. Thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tổ chức vận động, khai thác, điều phối các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia theo phân công của Bộ trưởng;

8.3. Hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc điều phối, quản lý thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo phân công của Bộ trưởng. Tổ chức quản lý các dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật hoặc chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp liên vùng, cấp vùng do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư;

8.4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo phân công của Bộ trưởng;

8.5. Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ, các dự án sự nghiệp kinh tế, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng, quản lý phát triển phòng thí nghiệm chuyên ngành về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;

8.6. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình quản lý và phát triển lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi cả nước; tổ chức xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;

8.7. Tổ chức soạn thảo để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ công trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật hoạt động theo đúng quy định của pháp luật;

8.8. Tổ chức điều hành các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.

9. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

10. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

11. Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật được quyền:

11.1. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương cung cấp những số liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Cục;

11.2. Ký một số văn bản hành chính, văn bản h­ướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật;

11.3. Được Bộ trưởng ủy quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.

12. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Cục:

1. Các đơn vị trực thuộc:

1.1. Văn phòng;

1.2. Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật;

1.3. Phòng Quản lý cấp nước;

1.4. Phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải;

1.5. Phòng Quản lý chất thải rắn;

1.6. Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật;

1.7. Ban quản lý dự án Phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật và Ban Quản lý dự án Phát triển hạ tầng kỹ thuật là các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự ủy quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật và các quy định của pháp luật.

Các đơn vị trực thuộc Cục có cấp trưởng, một số cấp phó và các công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

2. Lãnh đạo Cục:

2.1. Cục Hạ tầng kỹ thuật có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng;

2.2. Cục trưởng và Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật;

2.3. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Cục; xây dựng quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục và báo cáo Bộ trưởng;

2.4. Cục trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định của Đảng và pháp luật, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

2.5. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các quy định trước đây trái với Quyết định này không còn hiệu lực thi hành.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
- Các Thứ trưởng Bộ Xây dựng;
- Đảng ủy Bộ Xây dựng;
- Công đoàn Xây dựng Việt Nam;
- Công đoàn Cơ quan Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, TCCB (3b)

BỘ TRƯỞNG




Trịnh Đình Dũng