Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 998/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 15 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 159/TTr-STP ngày 25/02/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (sau đây được viết tắt là Đề án).

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án; tham mưu UBND tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện và chỉ đạo các đơn vị ngành dọc các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Kho bạc nhà nước Hưng Yên;
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hưng Yên;
- Đài PTTH Hưng Yên, Báo Hưng Yên;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNNCHào.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Đặng Ngọc Quỳnh

 

ĐỀ ÁN

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 15/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Nhằm cụ thể hóa và đưa ra các kế hoạch, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.

Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/02/2020) thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, chế định Thừa phát lại được chính thức triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

2. Cơ sở thực tiễn

a) Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây giáp thủ đô Hà Nội, Hà Nam, phía nam giáp tỉnh Thái Bình. Không chỉ có vị trí thuận lợi nằm kề sát thủ đô Hà Nội, Hưng Yên còn có các tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 5 (dài 23 km), quốc lộ 38, quốc lộ 39 (dài 43 km) nối quốc lộ 5 với quốc lộ 1 tại Hà Nam, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến đường sông: sông Hồng, sông Luộc chạy qua; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên có cơ hội đón nhận những cơ hội phát triển của vùng; nhất là trong tương lai gần, khi kết cấu hạ tầng như hệ thống đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng sông được đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp, lại có vị trí gần các trung tâm công nghiệp, Hưng Yên có cơ hội chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh nông nghiệp hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thực phẩm tươi sống và chế biến của các thành phố và khu công nghiệp.

Năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 9,64%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,93%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 11,73% đạt 31,039 tỷ đồng; Chỉ số CPI tăng 4,42%, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,55%. Toàn tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) với quy mô hơn 2,481 ha, trong đó có 4 KCN lớn, gồm các KCN: Phố Nối A, Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Minh Đức.

Năm 2019, kinh tế (GRDP) tiếp tục tăng trưởng (9.72%), tổng thu ngân sách ước đạt 16.043 tỷ đồng, đạt 124,7 % kế hoạch; tiếp nhận 116 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký tương đương 639 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 74,57 triệu đồng. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 145 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4/10 huyện, thị xã, thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 35 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1,399 ha để tạo mặt bằng thuận lợi cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Cùng với sự phát triển năng động về kinh tế, các quan hệ xã hội diễn ra cũng có xu hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp; các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động thường xuyên xảy ra và có chiều hướng tăng về số lượng, phức tạp, đa dạng hơn về nội dung. Từ tình hình trên, trong giai đoạn hiện nay, việc thành lập tổ chức Thừa phát lại là rất cần thiết, sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân đối với việc thi hành án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; tạo cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án với thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền và lợi ích các bên có liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự.

b) Về hoạt động tống đạt các loại văn bản của Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động ngày một tăng, với số lượng lớn, khoảng 2.500 vụ/năm (năm 2015 là 2.106 vụ, năm 2016 là 2.325 vụ, năm 2017 là 2.647 vụ, năm 2018 là 3.158 vụ, năm 2019 là 3.405 vụ).

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, thủ tục giải quyết một vụ án, Tòa án phải thực hiện tống đạt trung bình khoảng 10 loại giấy tờ, văn bản, như: Thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, thông báo hòa giải, quyết định khẩn cấp tạm thời, thông báo đo đạc, thẩm định, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định, bản án của Tòa... Hiện nay, nhu cầu tống đạt giấy tờ của cơ quan tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh là thường xuyên, liên tục, trung bình khoảng 21.000 văn bản/năm (năm 2015 là 17.826 văn bản, năm 2016 là 29,452 văn bản, năm 2017 là 20.934 văn bản, năm 2018 là 25.308 văn bản, riêng năm 2019 là 42,348 văn bản).

Trong lĩnh vực kiểm sát: trong 5 năm (2015-2019), ngành kiểm sát hai cấp đã thụ lý, giải quyết: 9.881 vụ án dân sự, 325 việc dân sự, 66 vụ án hành chính, 1328 việc dân sự trong vụ án hình sự và thụ lý giải quyết 159 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết với số lượng cần tống đạt là 2901 giấy tờ, văn bản.

Trong lĩnh vực Thi hành án dân sự: các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh thụ lý giải quyết trung bình khoảng 7.000 việc/năm (năm 2015 là 6.367 việc, năm 2016 là 6.495 việc, năm 2017 là 6.569 việc, năm 2018 là 7.002 việc, năm 2019 là 5.601 việc). Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc, Chấp hành viên phải tống đạt ít nhất 04 loại giấy tờ, như: Giấy mời, quyết định thi hành án (lập biên bản khi tống đạt), thông báo kê biên tài sản, định giá tài sản. Trường hợp thi hành cưỡng chế thường có 15 loại giấy tờ và cả các vụ việc xác minh điều kiện thi hành án. Tính trung bình một năm cơ quan Thi hành án trên địa bàn tỉnh tống đạt khoảng hơn 30.000 văn bản, giấy tờ các loại (năm 2015 là 31.835 văn bản, năm 2016 là 32.475 văn bản, năm 2017 là 32.845 văn bản, năm 2018 là 35.010 văn bản, năm 2019 là 28.005 văn bản).

Việc tống đạt giấy tờ, văn bản có liên quan đến việc xét xử và thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật, nhưng hiện nay cũng gặp phải không ít những khó khăn do công chức của cơ quan tòa án và cơ quan thi hành án dân sự khá mỏng lại thực hiện nhiều công việc khác. Vì vậy, nếu có Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, văn bản sẽ góp phần bảo đảm tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của thủ tục tố tụng, trong công tác xét xử của Tòa án và công tác thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự và góp phần giảm tải cho các cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự.

c) Về hoạt động của thi hành án dân sự

Thực tiễn, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, lượng án thụ lý và được đưa ra thi hành ngày càng tăng, án tồn nhiều, trong khi về con người, biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự đang được điều chỉnh theo xu hướng tinh giảm biên chế. Nguyên nhân là do quy trình xử lý thi hành án phải trải qua nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian mới giải quyết xong vụ việc; ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng phải thi hành án chưa cao, còn chây ỳ, né tránh, hoặc lợi dụng việc khiếu nại để trì hoãn việc thi hành án.

Cụ thể:

- Năm 2015: Tổng số việc thụ lý 6.367 việc, đã giải quyết xong 4.603 việc.

- Năm 2016: Tổng số việc thụ lý 6.495 việc, đã giải quyết xong 4.448 việc.

- Năm 2017: Tổng số việc thụ lý 6.569 việc, đã giải quyết xong 4.605 việc.

- Năm 2018: Tổng số việc thụ lý 7.002 việc, đã giải quyết xong 4.901 việc.

- Năm 2019: Tổng số việc thụ lý 5.601 việc, đã giải quyết xong 4.923 việc.

d) Về nhu cầu lập và sử dụng vi bằng tại cơ quan tố tụng

Theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì: “Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này”; đồng thời, tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.

Từ kết quả thực tiễn xây dựng và phát triển chế định Thừa phát lại thời gian qua có thể thấy việc lập vi bằng và coi vi bằng là nguồn chứng cứ đã có tác động lớn đến đời sống dân sự, giúp người dân có thêm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền dân sự của mình. Cùng với đó, việc lập vi bằng cũng đã góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa và giảm tải các vụ việc khiếu kiện không đáng có giữa các tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với cá nhân và ngược lại. Đó là hướng đi đúng đắn trong cải cách tư pháp theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

Vì thế, việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là việc cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn tại địa phương.

III. NỘI DUNG

1. Mục tiêu của Đề án

- Xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm phát huy tính hiệu quả của Thừa phát lại trong hoạt động tư pháp nói chung và Thi hành án dân sự nói riêng, thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa một số hoạt động hành chính, tư pháp.

- Hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự; tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự.

2. Địa bàn, số lượng Văn phòng Thừa phát lại

Căn cứ vào các tiêu chí về điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại; mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại ở các đơn vị cấp huyện nhung không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại một đơn vị hành chính thành phố, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại một đơn vị hành chính huyện.

3. Địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

a) Địa vị pháp lý của Văn phòng Thừa phát lại

- Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định về Thừa phát lại và pháp luật có liên quan.

- Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.

- Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

Con dấu của Văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy. Văn phòng Thừa phát lại được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.

Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, Văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này.

b) Điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trụ sở văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động.

- Có tổ chức bộ máy như sau:

+ Trưởng Văn phòng Thừa phát lại.

+ Các Thừa phát lại (nếu có).

+ Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại.

+ Nhân viên kế toán.

+ Nhân viên hành chính khác (nếu có).

c) Đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập. Nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; họ tên Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; danh sách Thừa phát lại hợp danh và danh sách Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (nếu có) của Văn phòng Thừa phát lại.

Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến bộ phận tiếp nhận của Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu; giấy tờ chứng minh đủ điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.

4. Về phạm vi, thủ tục thực hiện công việc được làm của Thừa phát lại

- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

- Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của Thừa phát lại

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành.

6. Chi phí trong hoạt động của Thừa phát lại

Khi thực hiện công việc theo yêu cầu, Thừa phát lại được thu chi phí theo quy định tại Điều 61, 62, 64, 65 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đối với những loại công việc mà hiện nay Nhà nước chưa quy định về chi phí thì Thừa phát lại và bên yêu cầu thực hiện công việc thỏa thuận việc thu phí.

7. Quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại Hưng Yên

UBND tỉnh Hưng Yên quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương. Giao Sở Tư pháp là cơ quan giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng này.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến Thừa phát lại

Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Thừa phát lại và Đề án của UBND tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các Văn phòng Thừa phát lại; tuyên truyền về phạm vi công việc được làm của Thừa phát lại; trách nhiệm pháp lý của Thừa phát lại; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng thừa phát lại

Trên cơ sở quyết định phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại được phê duyệt, UBND tỉnh ra Thông báo về về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở thông báo nêu trên của UBND tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp trình UBND tỉnh thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh Quyết định thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn theo các tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Công tác phối hợp thực hiện

a) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh

- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong hệ thống Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại sau khi được thành lập và đi vào hoạt động; thực hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; trực tiếp thực hiện và hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh hướng dẫn đương sự về quyền yêu cầu Thừa phát lại tổ chức thi hành các bản án, quyết định để đương sự biết và sử dụng dịch vụ thi hành án của Thừa phát lại.

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng dự toán kinh phí tống đạt của Tòa án tỉnh, cấp huyện gửi Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

b) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Thực hiện và chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng dự toán kinh phí tống đạt của Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

c) Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền về chế định Thừa phát lại; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ và thực hiện các yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp, hỗ trợ cho Thừa phát lại tổ chức bảo vệ cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Khoản 4, Điều 72 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

d) Đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh

- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại đối với Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố.

- Thực hiện và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Thừa phát lại trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp kết quả thực hiện các công việc về thi hành án dân sự của Thừa phát lại; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, quan tâm giới thiệu, tuyên truyền về nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong công tác thi hành án dân sự để đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết.

- Thực hiện và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng dự toán kinh phí tống đạt của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương gửi Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.

g) Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh

- Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp đăng tải thông tin tuyên truyền về Thừa phát lại trên địa trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên phối hợp với Sở Tư pháp mở chuyên trang, chuyên mục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại; theo dõi, đưa tin về hoạt động của Thừa phát lại.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp các thông tin, số liệu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (gồm cả thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất) phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký kinh doanh, đầu tư phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

- Sở Giao thông Vận tải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký phương tiện thủy nội địa, xe máy chuyên dụng có tham gia giao thông đường bộ phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Thừa phát lại tương tự như cung cấp thông tin cho Chấp hành viên và phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

e) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên hướng dẫn các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phối hợp, hỗ trợ thông tin cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của Điều 176 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

f) Đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự theo quy định của Điều 176 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các quy định pháp luật có liên quan.

h) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại theo Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện các nội dung trong Đề án được bố trí, dự toán hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh; được quản lý và sử dụng có hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo./.