Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 151/SL NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1953

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Xét nhu cầu hiện thời,

Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,

RA SẮC LỆNH:

Điều 1

Sắc lệnh này quy định việc trừng trị những địa chủ chống pháp luật trong khi và ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất, nhằm mục đích giữ gìn tính mạng và tài sản của nhân dân, nghiêm cấm mọi hành động phá hoại của địa chủ không tuân pháp luật, giữ gìn trật tự cách mạng, củng cố khối đoàn kết kháng chiến của nhân dân.

Điều 2

Địa chủ nào chống lại chính sách ruộng đất: dùng thủ đoạn trái phép để cưỡng bức nộp tô hoặc trả nợ cũ, lấy lại ruộng đất, nhà cửa, đuổi người làm công..., làm cho nông dân bị thiệt hại thì sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tù từ 1 năm trở xuống và phải bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Điều 3

Để điều tra và giải quyết cho đúng những việc tranh chấp về ruộng đất trong khi phát động quần chúng nông dân, địa chủ không được phân tán tài sản, của cải, ruộng đất bằng những cách: cầm, bán, cho, chia gia tài hoặc các thủ đoạn lén lút khác.

Địa chủ nào làm trái thì sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm và phải bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Địa chủ nào phân tán ruộng đất để chạy vào vùng địch thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, những ruộng đất phân tán và một phần hay tất cả tài sản sẽ bị tịch thu.

Điều 4

Địa chủ nào có hành động phá hoại tài sản của mình như: giết hại hay làm bị thương các súc vật, phá hoại lương thực, đồ đạc, nông cụ, cây cối, hoa mầu, ruộng đất, công trình thuỷ lợi, v.v... để gây thiệt hại cho nông dân và làm hại cho sản xuất thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, phải bồi thường thiệt hại cho nông dân và bị tịch thu một phần hay tất cả tài sản.

Điều 5

Địa chủ nào phạm một trong những tội như:

1- Bịa đặt tin bậy để gây dư luận chống Chính phủ, chống pháp luật;

2- Dùng thủ đoạn gây xung đột trong nội bộ nông dân, làm tổn hại đến sự đoàn kết của nhân dân;

3- Dùng tiền của hoặc những thủ đoạn khác để mua chuộc, uy hiếp cán bộ và nhân dân, chui vào cơ quan chính quyền, nông hội với ý định phá hoại việc thi hành chính sách ruộng đất;

4- Dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, uy hiếp để cướp lại những lương thực, tài sản, ruộng đất của nông dân đã do đấu tranh mà giành được;

thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, phải bồi thường thiệt hại cho nông dân và bị tịch thu một phần hay tất cả tài sản.

Điều 6

Địa chủ nào phạm một trong những tội sau đây:

1- Câu kết với đế quốc, nguỵ quyền, gián điệp, thành lập hay cầm đầu những tổ chức, những đảng phái phản động để chống Chính phủ, phá hoại kháng chiến, làm hại nhân dân, giết hại nông dân, cán bộ và nhân viên;

2- Câu kết với đế quốc, nguỵ quyền, thành lập hay cầm đầu những tổ chức vũ trang để bạo động;

3- Đánh bị thương, đánh chết, ám sát nông dân, cán bộ và nhân viên;

4- Đốt phá nhà cửa, kho tàng, lương thực, hoa mầu, công trình thuỷ lợi;

5- Xúi dục hoặc cầm đầu một số người để gây phiến loạn;

thì sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến chung thân, hoặc bị xử tử hình, phải bồi thường thiệt hại cho nông dân, bị tịch thu một phần hay tất cả tài sản.

Những kẻ tòng phạm sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 10 năm.

Những kẻ bị cưỡng bức hay bị lừa gạt mà phạm tội thì tuỳ tội nặng nhẹ và thái độ hối lỗi của họ mà sẽ bị phạt tù từ 1 năm trở xuống.

Điều 7

Phạm những tội trên chưa phát giác ra mà kẻ phạm tội thực thà tự thú thì tuỳ tội nặng nhẹ, thái độ hối lỗi mà xử nhẹ hoặc tha bổng.

Điều 8

Kẻ nào đã được khoan hồng mà phạm tội trở lại thì sẽ xử phạt nặng hơn.

Điều 9

Đối với những kẻ đã phạm những tội kể trên, nhân dân có quyền và có nhiệm vụ tố cáo.

Trong trường hợp phạm pháp quả tang, ai cũng có quyền và có nhiệm vụ bắt và giao ngay cho cơ quan phụ trách (Uỷ ban kháng chiến hành chính, công an, toà án, ban ruộng đất, Nông hội).

Điều 10

Cơ quan lãnh đạo nông dân đấu tranh ở xã có quyền ra lệnh hạn chế và kiểm soát sự đi lại của những kẻ đang bị nông dân tố cáo. Nếu cần bắt giam thì Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện sẽ ra lệnh.

Điều 11

Nếu có hành động phạm pháp chưa ghi trong sắc lệnh này thì sẽ theo điều luật tương tự mà xét xử.

Điều 12

Những tài sản, ruộng đất bị tịch thu thì đem chia cho nông dân.

Điều 13

Một nghị định của Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định chi tiết thi hành.

Điều 14

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Thứ Bộ Công an chiểu sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)