Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 19 NGÀY 16 THÁNG 2 NĂM 1947

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ

Chiểu Sắc lệnh số 34 ngày 25-3-46 tổ chức Bộ Quốc phòng,

Chiểu Sắc lệnh số 71 ngày 23-5-46 ấn định Quy tắc Quân đội quốc gia Việt Nam);

Chiểu Sắc lệnh số 163 ngày 23-8-46 tổ chức Toà án binh lâm thời;

Chiểu Sắc lệnh số 4-SL ngày 28-12-46 về việc ân giảm;

Chiểu Thông lệnh số 11-NV/ct ngày 26-12-46 về tổ chức và thẩm quyền các Toà án binh tại mặt trận,

Xét tình thế hiện thời,

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1

Trừ các Toà án Binh tại mặt trận tổ chức theo Thông lệnh liên bộ số 11-NV/CT ngày 26-12-46, các Toà án binh trên toàn cõi Việt Nam tổ chức như sau.

Điều thứ 2

Ở mỗi khu sẽ đặt một Toà án Binh; Nhưng nếu xét cần Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể ký nghị định lập thêm trong khu một hay nhiều Toà án Binh ở những nơi quân đội đóng.

Điều thứ 3

Mỗi Toà án Binh gồm có:

- 1 Chánh án và 2 hội thẩm ngồi xử,

- 1 Uỷ viên Chính phủ đứng buộc tội,

- 1 lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Chánh án là Khu trưởng hoặc một quân nhân từ cấp Trung đoàn trưởng trở lên do Khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Hội thẩm thứ nhất là một phẩm phán đệ nhị cấp ngạch Tư pháp do Giám đốc Tư pháp Khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Hội thẩm thứ hai là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy do Khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Uỷ viên Chính phủ là chính trị viên Khu hoặc một quân nhân thuộc cấp chính trị viện Trung đoàn trở lên do Chính trị viên Khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Lục sự là một quân nhân do Khu trưởng chỉ định.

Đối với mỗi chức vụ kể trên, sẽ cử một nhân viên chính thức và một nhân viên sự khuyết thay nhân viên chính thức khi mắc bận.

Điều thứ 4

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể uỷ cho Uỷ ban kháng chiến Khu quyền lập Toà án binh ở hậu phương, hoặc quyền chuẩn y việc cử các nhân viên hoặc cả hai quyền ấy.

Điều thứ 5

Toà án binh Khu có thẩm quyền xét xử những quân nhân phạm vào:

a) Một hay nhiều tội định ở hình luật chung, theo những hình phạt định ở trong ấy,

b) Một hay nhiều tội có tính cách nhà binh, định ở Điều thứ 7 Sắc lệnh số 165 ngày 23-8-46 theo những hình phạt định ở Điều ấy.

Điều thứ 6

Uỷ viên Chính phủ ở Toà án Binh Khu giữ quyền công tố trong địa phận khu mình và nếu cần, kiêm công việc dự thẩm.

Cách làm việc của các Toà án binh cũng theo những nguyên tắc định trong Sắc lệnh số 163 ngày 23-8-46 tổ chức toà án binh lâm thời, từ Điều thứ 8 trở đi.

Điều thứ 7

Nếu trong một vụ phạm pháp có cả quân nhân cả trường dân, việc ấy sẽ do Toà án Binh hoặc Toà án quân sự xét xử tuỳ theo trường hợp và tính cách việc phạm pháp.

Điều thứ 8

Nếu có sự tranh quyền giữa một Toà án binh và một Toà án quân sự, việc ấy sẽ giải quyết bởi một hội đồng phân định thẩm quyền. Hội đồng ấy gồm có:

- Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến khu Chủ tịch

- Chánh án toà án binh Khu Hội viên

Điều thứ 9

Trong trường hợp Khu trưởng kiêm hai chức vụ Chánh toà án binh Khu và Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Khu thì Uỷ ban Kháng chiến sẽ đề cử một trong những hai uỷ viên kia trong Uỷ ban Kháng chiến. Khu làm Chủ tịch Hội đồng phân định thẩm quyền. Sự đề cử này phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Điều thứ 10

Các bản án của Toà án Binh Khu sẽ thi hành ngay, trừ những án tử hình. Nếu truyền án tử hình, Chánh án bắt buộc phải báo cho phạm nhân biết rằng y có quyền xin ân giảm.

Thủ tục về việc ân xá và ân giảm theo Sắc lệnh số 4-SL ngày 28-12-46.

Điều thứ 11

Về phương tiện quản trị, Toà án binh khu thuộc quyền Uỷ ban Kháng chiến Khu;

Về phương diện chuyên môn, các Toà án binh đều thuộc quyền Quân Pháp cục Bộ Quốc phòng.

Điều thứ 12

Các điều khoản trái với Sắc lệnh này đều bãi bỏ.

Điều thứ 13

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)