Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH PHỦ SỐ 230-SL NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1955

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo nghị quyết của Quốc hội trong khoá họp thứ 4 về chính sách lập khu vực tự trị của các dân tộc ở những vùng có điều kiện,

Chiểu sắc lệnh số 229-SL ngày 29 tháng 4 năm 1955 về chính sách dân tộc,

Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ,

RA SẮC LỆNH

Điều 1: Nay ban hành bản quy định việc thành lập khu Tự trị Thái - Mèo.

Điều 2: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ chiểu theo sắc lệnh này mà thi hành bản quy định nói trên.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

QUY ĐỊNH

VIỆC THÀNH LẬP KHU TỰ TRỊ THÁI - MÈO
(Do sắc lệnh số 230-SL ngày 29-4-1955 của Chủ tịchnước Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành)

Chương 1 :

TÊN KHU TỰ TRỊ, ĐỊA GIỚI, ĐỊA VỊ HÀNH CHÍNH.

Điều 1: Để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt, nay lập trong phạm vi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khu vực tự trị của các dân tộc ở Tây bắc, gọi là Khu tự trị Thái - Mèo.

Điều 2: Khu tự trị Thái - Mèo phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Tây và phía Nam giáp Lào, phía Đông-Nam giáp vùng Mường Hoà Bình, phía Đông có dãy núi Phan-si-pan ngăn cách với các dân tộc tập trung ở lưu vực sông Hồng; Khu tự trị bao gồm 16 châu: Mường-tè, Mường-lay, Sình-hồ, Điện-biên, Quỳnh-nhai, Sông Mã, Tuần-giáo, Thuận-châu, Mường-la, Mai-sơn, Yên-châu, Mộc-châu, Phù-yên (tức là toàn bộ hai tỉnh Sơn La, Lai Châu), Phong-thổ (Lao-cai), Than-Uyên, Văn-chấn (Yên Bái). Địa giới định trên đây sau này có thể điều chỉnh lại ít nhiều tuỳ theo nguyện vọng và lợi ích của các dân tộc.

Điều 3: Khu tự trị Thái - Mèo là một bộ phận Của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính quyền khu tự trị là một cấp chính quyền địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương. Chính quyền và nhân dân khu tự trị phải tuân theo đường lối, chính sách chung của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mà quản lý những việc trong khu tự trị.

Chương 2:

TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN KHU TỰ TRỊ

Điều 4: Hệ thống tổ chức chính quyền Khu tự trị Thái Mèo có 3 cấp: Khu, Châu và Xã (bỏ cấp tỉnh). Xã là đơn vị hành chính thấp nhất.

Điều 5: Chính quyền Khu tự trị tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung.

Điều 6: Bộ máy chính quyền Khu tự trị gồm: Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Tuỳ theo sự cần thiết sẽ tổ chức các ngành chuyên môn giúp việc. Thành phần Hội đồng nhân dân phải có đủ đại biểu các dân tộc; cần chiếu cố đến các dân tộc ít người khi bầu cử Uỷ ban hành chính.

Điều 7: Trong khu tự trị Thái Mèo, nơi nào có một dân tộc thiểu số khác ở tập trung sẽ thành lập vùng tự trị của dân tộc đó. Chính quyền vùng tự trị này sẽ trực tiếp với cấp khu hay là cấp châu, tuỳ theo vùng đó to hay nhỏ.

Điều 8: Trong Khu tự trị, những nơi có người Kinh ở tập trung, thì không lập vùng tự trị, mà tổ chức chính quyền theo chế độ chung trong toàn quốc. Nếu là thị trấn và xã thì chính quyền ấy do cấp châu chỉ đạo. Nếu là bản thì thuộc chính quyền xã.

Chương 3:

THỰC HIỆN QUYỀN LỢI TỰ TRỊ VỀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ

Điều 9: Các dân tộc trong khu tự trị Thái Mèo được hưởng mọi quyền tự do dân chủ, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ như các dân tộc khác trong toàn quốc.

Khi có Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhân dân các dân tộc trong Khu tự trị có quyền bầu cử và ứng cử.

Người các dân tộc trong Khu tự trị tuỳ theo tài đức của mình và sự tín nhiệm của nhân dân, có thể tham gia các cơ quan của khu tự trị, và các cơ quan của Chính phủ Trung ương.

Điều 10: Chính quyền Khu tự trị có quyền mở trường huấn luyện, cử người đi học, v.v... để đào tạo cán bộ chính trị, quân sự và chuyên môn cần thiết cho mọi mặt công tác trong khu tự trị.

Điều 11: Dựa trên luật pháp chung của nước nhà, và căn cứ vào tình hình đặc biệt ở địa phương, chính quyền khu tự trị được quyền quy định những luật lệ riêng. Những luật lệ riêng nay sau khi được Chính phủ Trung ương thông qua mới thi hành.

Điều 12: Dưới chế độ quân sự thống nhất của nước nhà, chính quyền Khu tự trị được tổ chức bộ đội địa phương, dân quân du kích và công an Khu tự trị, để bảo vệ an toàn của Khu tự trị và giữ gìn trật tự trong Khu. Bộ đội địa phương, dân quân du kích và công an Khu tự trị chủ yếu phải lấy người các dân tộc của Khu tự trị mà tổ chức nên. Bộ đội địa phương và dân quân du kích Khu tự trị là những bộ phận trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc quyền chỉ đạo tối cao của Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh. Công an Khu tự trị là một bộ phận trong tổ chức công an toàn quốc thuộc quyền chỉ đạo của Bộ Công an.

VỀ VĂN HOÁ XÃ HỘI

Điều 13: Mỗi dân tộc trong khu tự trị có quyền tự do tín ngưỡng và có quyền giữ gìn hoặc cải thiện phong tục, tập quán của mình. Những cải thiện về phong tục, tập quán ở một dân tộc nào, đều phải căn cứ vào ý nguyện của đại đa số nhân dân dân tộc đó và ý kiến của những người có uy tín trong nhân dân. Tuyệt đối không được mệnh lệnh cưỡng ép.

Điều 14: Chữ Thái và chữ quốc ngữ đều dùng trong công việc hành chính, tuyên truyền, giáo dục (trường hợp nào chữ Thái tiện thì dùng chữ Thái; trường hợp nào dùng chữ quốc ngữ tiện thì dùng chữ quốc ngữ). Đối với các dân tộc không có chữ riêng, sẽ nghiên cứu cách phiên âm tiếng nói của các dân tộc đó.

Các dân tộc đều có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong mọi việc.

Điều 15: Chính quyền Khu tự trị có quyền lập trường học, mở nhà thương, và tổ chức những cơ quan văn hoá, xã hội, v.v... của các dân tộc trong khu tự trị.

VỀ KINH TẾ TÀI CHÍNH:

Điều 16: Dưới chế độ tài chính thống nhất của nước nhà, chính quyền khu tự trị được quyền quản lý nền tài chính trong khu tự trị, tức là tự quản lý thu, chi trong khu tự trị. Khu tự trị sẽ trích một phần trong số thu của mình để đóng góp vào ngân sách toàn quốc; lúc cần thiết Chính phủ Trung ương sẽ trích một phần trong ngân sách toàn quốc để trợ cấp cho Khu tự trị. Ngân sách hàng năm của Khu tự trị do Chính phủ Trung ương duyệt y.

Điều 17: Dưới chế độ kinh tế và theo kế hoạch xây dựng kinh tế chung của nước nhà, khu tự trị sẽ có kế hoạch kinh tế riêng để phát triển nền kinh tế của khu, hợp với hoàn cảnh và điều kiện riêng của Khu tự trị.

Chương 4:

NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNGĐỐI VỚI KHU TỰ TRỊ

Điều 18: Các ngành ở Trung ương phải tôn trọng quyền lợi tự trị của Khu tự trị Thái Mèo và giúp đỡ thực hiện những quyền lợi tự trị đó.

Điều 19: Các ngành ở Trung ương phải chú ý đến những đặc điểm và tình hình cụ thể của Khu tự trị để đề ra chủ trương công tác vừa phù hợp với đường lối chính sách chung của Chính phủ, vừa thích hợp với đặc điểm và tình hình riêng của Khu tự trị.

Điều 20: Các ngành ở Trung ương phải giúp đỡ chính quyền Khu tự trị phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; giúp đỡ trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương.

Điều 21: Chính phủ Trung ương phải giáo dục và giúp đỡ nhân dân các dân tộc xây dựng quan điểm bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ lẵn nhau giữa các dân tộc, tẩy trừ tư tưởng dân tộc lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi.