Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

SỐ 40 CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ NGÀY 29 THÀNG 03 NĂM 1946 VỀ VIỆC BẢO VỆ TỰ DO CÁ NHÂN

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945 giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ, cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc,

Theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,

RA SẮC LỆNH:

TIẾT I VIỆC BẮT NGƯỜI VÀ GIAM CỨU

Điều thứ 1: Chỉ trừ khi nào có sự phạm pháp quả tang về khinh tội hay trọng tội còn bao giờ bắt người cũng cần phải có lệnh của thẩm phán viên.

Lệnh đó phải viết ra giấy và bao giờ cũng phải do nhân viên của các cơ quan chính thức đem thi hành.

Ở nơi nào chưa đặt thẩm phán viên thì chỉ có những cơ quan do luật pháp đã ấn định để thay cho thẩm phán viên, thì mới có quyền ra lệnh bắt người.

Điều thứ 2: Khi nào sự phạm pháp đương xẩy ra hoặc vừa xẩy ra trước mắt, hoặc khi nào kẻ phạm pháp còn đương bị công chứng theo đuổi hay còn đương cầm giữ tang vật, thì gọi là phạm pháp quả tang.

Trong trường hợp đặc biệt ấy thì bắt người không cần phải có lệnh trước của thẩm phán viên.

Tư nhân bắt được kẻ phạm pháp quả tang phải lập tức dẫn đến trình nhà chức trách ở gần đấy nhất.

Những nhân viên có trách nhiệm về việc tuần phòng có thể dẫn người bị bắt đến thẳng thẩm phán viên mà không cần phải hỏi cung trước. Bất kỳ vào trường hợp nào trong hạn 24 giờ kể từ lúc bắt, người bị bắt cũng phải được đem ra trước mặt thẩm phán viên để lấy cung.

Điều thứ 3: Việc giam cứu, trước khi xử, bao giờ cũng do các cơ quan tư pháp quyết định.

Từ nay việc giam cứu không được quá thời hạn sau đây:

1- Nếu người bị bắt bị truy tố về tiểu hình thì hạn giam cứu không được quá một tháng kể từ ngày bắt;

2- Nếu người bị bắt bị truy tố về đại hình thì hạn giam cứu không được quá ba tháng kể từ ngày bắt.

Điều thứ 4: Tuy nhiên, nếu xét ra cần phải giam cứu lâu hơn một tháng hay ba tháng như đã nói trong Điều 3, thì có quan tư pháp có thể quyết nghị gia hạn thêm hai lần nữa, mỗi lần thêm một tháng hay ba tháng tuỳ theo việc tiểu hình hay đại hình.

Việc gia hạn giam cứu chỉ được phép quyết định sớm nhất là tám hôm trước khi hết hạn giam và quyết nghị định gia hạn phải nói rõ lý do và thông đạt cho người bị giam muộn nhất là 24 giờ trước khi hết hạn giam. Trong hạn 24 giờ kể từ lúc nhận được thông đạt, người bị giam cứu có quyền kháng nghị lên toà thượng thẩm.

Toà Thượng thẩm sẽ xét việc kháng nghị ấy trong phòng hội đồng trong một phiên họp gần nhất; nghị quyết sẽ tuyên bố ở phiên công khai.

Điều thứ 5: Sự giam cứu sau khi toà trừng trị đã tuyên án không bao giờ được quá một hạn là ba tháng kể từ ngày tuyên án.

Quá hạn đó nếu chưa kịp xét lại án văn của toà trừng trị mà xét ra cần phải gia hạn giam cứu thì toà thượng thẩm phải tuyên bố một quyết nghị riêng. Nhưng dầu sao thì hạn giam cứu kể từ ngày bắt cũng không bao giờ được quá hạn tù do toà trừng trị đã tuyên phạt. Nếu bị cáo bị kết án về đại hình thì điều này không tái hàn.

Điều thứ 6: Trong khi bị giam cứu, người bị truy tố lúc nào cũng có quyền đệ đơn xin tạm tha, theo hình thức do pháp luật hiện hành ấn định.

TIẾT II NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỀ PHÒNG ĐẶC BIỆT

Điều thứ 7: Trong tình thế đặc biệt hiện thời và cho đến khi có lệnh khác, Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ đặc cách được phép ra lệnh bắt những người xét ra lời nói hay việc làm có thể làm hại cho sự đấu tranh giành độc lập, cho chế độ dân chủ, cho sự an toàn của công chúng và sự đoàn kết của quốc gia, để đem trừng trị trong những trại giam đặc biệt.

Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ cũng có thể ra lệnh cấm những người kể trên không được ở luôn hoặc lui tới một hay nhiều nơi sẽ ấn định.

Điều thứ 8: Trước khi ký những lệnh kể trong Điều 7, Chủ tịch Uỷ ban hành chính phải thoả hiệp với một hội đồng đặt ở thủ đô một kỳ và gồm có các vị sau này:

1- 2 đại biểu hành chính (do nghị định Nội vụ cử ra)

2- 1 thẩm phán viên (do nghị định Nội vụ cử ra).

Điều thứ 9: Khi nào cấp bách đặc biệt, Chủ tịch Uỷ ban hành chính các tỉnh được phép tạm bắt giữ người xét ra lời nói hay việc làm nguy hại cho việc trị an những phải báo tin lập tức ngay trong ngày tạm bắt giữ ấy cho Uỷ ban hành chính kỳ.

Trong hạn 15 hôm là cùng, hồ sơ phải đệ về Uỷ ban hành chính kỳ và trong hạn 30 ngày hội đồng nói trong điều 8 phải xét hồ sơ và phát biểu ý kiến với Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ để hoặc tha hoặc ký nghị định chính thức giam giữ. Lệnh tha hoặc giam giữ phải làm chậm nhất là sau hội đồng đã phát biểu ý kiến.

Điều thứ 10: Nghị định giam trong trường hợp nói ở Điều thứ 7 phải thông đạt cho người đương sự chậm nhất là 15 ngày sau ngày bắt.

Nghị định giam trong trường hợp nói ở Điều thứ 9 phải thông đạt cho người đương sự chậm nhất là 10 ngày sau ngày ký.

Các nghị định ấy khi làm rồi đều phải gửi ngay một bản về Bộ Nội vụ.

Trong hạn 15 ngày sau ngày nhận thông đạt, người đương sự có thể dùng mọi cách để kháng nghị nghị định đó lên một Hội đồng phúc thẩm đặt tại Bộ Nội vụ và gồm có:

1- 1 đại biểu Chính phủ (do Bộ Nội vụ đề nghị và sắc lệnh cử ra)

2- 1 thanh tra hành chính (do Bộ Nội vụ đề nghị và sắc lệnh cử ra)

3- 1 thẩm phán (do Bộ Nội vụ đề nghị và sắc lệnh cử ra).

Điều thứ 11: Hội đồng phúc thẩm sẽ báo ngay cho người đương sự biết ngày hội đồng sẽ xét đơn kháng nghị. Người đó có quyền gửi bài trần tình hoặc nhờ vợ hay chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu, anh em ruột, chú bác, cô dì, anh em thúc bá hay luật sự đại diện bào chữa cho mình.

Điều thứ 12: Hội đồng phúc thẩm có quyền y nghị định của Uỷ ban hành chính kỳ, bác bỏ nghị định ấy, hay hạ lệnh cho các Uỷ ban hành chính đưa thêm bằng chứng hay cho điều tra thêm.

Nếu Hội đồng phúc thẩm bác bỏ nghị định thì người bị giam hay bị cấm chỉ lưu trú phải được tự do ngay.

Điều thứ 13: Bản kê những người bị đem đi an trí và những người bị cấm chỉ lưu trú theo lối cai trị ở các kỳ, hàng tháng phải gửi lên hội đồng phúc thẩm. Trong bản kê đó sẽ nói rõ ràng ngày bắt, hạn cấm chỉ lưu trú và nơi giam cầm những người bị giam.

Mỗi tam cá nguyệt, Hội đồng phúc thẩm sẽ xét lại những bản kê do một kỳ.

Điều thứ 14: Lúc nào hội đồng phúc thẩm và các Uỷ ban hành chính kỳ cũng có quyền huỷ bỏ những nghị định bắt giam hay cấm chỉ lưu trú xét ra không còn cần thiết cho việc trị an nữa.

TIẾT III CÁC NƠI GIAM CẦM

Điều thứ 15: Những người bị giam cứu hay đã bị kết án tù rồi và những người bị các cơ quan hành chính bắt giam đề phòng, bao giờ cũng phải giam ở những đề lao các tỉnh hay những trại giam do Bộ Nội vụ đã ấn định sẵn.

Việc giam cầm trong các ty liêm phóng, hay các sở cảnh sát không được quá 24 giờ.

Những người bị giam theo phương pháp đề phòng đặc biệt sẽ được hưởng một chế độ khoan hồng hơn, các thường phẩm, và có thể được nhận thực phẩm, sách báo và được tiếp người nhà đến thăm.

Điều thứ 16: Ngoài những nhà đề lao tỉnh thì không kể, còn bao nhiêu những nơi giam cầm khác đều phải kê khai rõ ràng tại phòng bí thứ hội đồng phúc thẩm.

Hội đồng ấy có thể uỷ cho một nhân viên đến thăm những đề lao hay những nơi giam cầm khác bất kỳ vào lúc nào.

Điều thứ 17: Cấm ngặt không được dùng bất kỳ ở đâu những lối tra tấn để lấy cung.

TIẾT IV HÌNH PHẠT VÀ TRÁCH NHIỆM CÁC CƠ QUAN ĐỊA PHƯƠNG

Điều thứ 18: Những người sau đây sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm và phạt tiền từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng.

1- Những người không có lệnh của thẩm phán viên hay của cơ quan hành chính tỉnh trở lên mà tự ý bắt người ngoài trường hợp phạm pháp quả tang;

2- Những người bắt người trong trường hợp phạm pháp quả tang mà không dẫn ngay đến trình nhà chức trách hay không dẫn ra trình thẩm phán viên trong 24 giờ.

3- Những người phụ trách các đề lao, các trại giam giữ người sau hạn giam cứu mà không có lệnh gia hạn; giữ người sau khi đã nhận được lệnh huỷ bỏ nghị định bắt giam đề phòng về cai trị; hoặc là đã giữ người quá hạn hai mươi ngày mà không có nghị định của cơ quan hành chính kỳ theo như khoản 10 trên đây;

4- Những nhân viên hành chính tỉnh bắt người theo khoản 9 mà không báo tin cho cơ quan hành chính kỳ biết ngay hay để quá hạn 15 hôm mà không gửi hồ sơ về Uỷ ban hành chính kỳ.

5- Những tư nhân không tuân theo nghị định cấm chỉ lưu trữ về cai trị.

Điều thứ 19: Những nhân viên sau này sẽ bị phạt từ 5 đến 10 năm tội đồ và 3.000 đồng đến 100.000 đồng tiền phạt:

1- Những nhân viên trong cơ quan hành chính hàng tỉnh lạm dụng quyền nói trong điều 9 để theo đuổi tư hiềm hay tư lợi;

2- Những viên chức, nhân viên các cơ quan cai trị, tuần phòng hay binh bị có ý giam cầm người ở những nơi không do Chính phủ chỉ định từ trước;

3- Những người dùng lối tra tấn để lấy cung. Nếu lối tra tấn làm chết người hay làm cho người thành tật thì kẻ phạm pháp còn có thể bị truy tố về những tội đó nữa.

Điều thứ 20: Các cơ quan cai trị có nghĩa vụ bảo vệ tự do cá nhân của mỗi người trên địa hạt cai trị của mình.

Những nhân viên hành chính và những người có trách nhiệm về việc tuần phòng thấy bắt người trái phép, biết những nơi giam cầm không hợp lệ hay biết những sự tra tấn mà cố ý không dùng hết cách để ngăn gnừa hay báo cho cơ quan cai trị ở trên biết thì sẽ bị truy tố như là tòng phạm về những tội đó.

Điều thứ 21: Trong những trường hợp kể trong khoản 18 đến 20 tòng phạm cũng bị phạt như chính phạm.

Điều thứ 22: Nếu có những lý do đáng khoan hồng, thì những người can vào Điều 18 có thể chỉ bị phạt dưới hai năm tù và những người can vào Điều 19 chỉ bị phạt dưới năm năm tù. Trong hai trường hợp này, toà án có thể cho bị cáo được hưởng án treo.

Điều thứ 23: Sắc lệnh này được thi hành ngay như Điều 14 Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945.

Điều thứ 24: Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp phụ trách thi hành Sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)