Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TÍCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 64 NGÀY 8 THÁNG 5 NĂM 1946 VỀ TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN LAO ĐỘNG TRONG TOÀN CÕI VIỆT NAM

CHỦ TÍCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu chi Sắc lệnh số 36 ngày 27 tháng 3 năm 1946 tổ chức Bộ Xã hội;

Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xã hội;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận.

RA SẮC LỆNH

Điều thứ nhất: Nha Lao động Trung ương, thành lập trong Bộ Xã hội do Sắc lệnh số 36 nói trên, có nhiệm vụ:

- Đảm bảo và bênh vực quyền lợi cho dân chúng cần lao;

- Dung hoà quyền lợi của chủ và nhân công để củng cố và khuếch trương nền kinh tế trong nước;

- Kiểm soát việc thi hành các luật lệ ban bố về lao động;

- Giúp cho dân chúng lao động các phương tiện để tự nâng cao trình độ về mọi phương diện: trí thức, vật chất, chuyên môn;

- Kiểm soát và phân phát nhân công các ngành thương mại, kỹ nghệ, nông nghiệp;

- Tổ chức sự liên lạc với lao động quốc tế;

- Giải quyết các vấn đề lao động.

Điều thứ hai: Nha Lao động Trung ương, đặt dưới quyền điều khiển của một viên Giám đốc, gồm có những phòng sự vụ do Bộ trưởng Bộ Xã hội chỉ định.

Điều thứ ba: Tại mỗi kỳ sẽ đặt một Nha Thanh tra lao động kỳ do một viên Thanh tra lao động điều khiển.

Những viên Thanh tra này sẽ do Nghị định Bộ trưởng Bộ Xã hội bổ nhậm sau khi đã thoả thuận cùng Uỷ ban Hành chính kỳ.

Các Thanh tra Lao động kỳ làm việc dưới quyền kiểm soát của Bộ Xã hội, Nha Lao động Trung ương và Uỷ ban Hành chính kỳ. Các viên này có thể có một hay hai viên Phó Thanh tra cùng các kiểm soát và uỷ viên lao động giúp việc.

Điều thứ tư: Nha Thanh tra Lao động kỳ có nhiệm vụ:

- Kiểm soát việc thi hành Luật lệ lao động và nhân công trong kỳ.

- Đề nghị những sự cải cách những luật lệ lao động;

- Giải quyết và dàn xếp những sự xích mích giữa chủ và công nhân;

- Lập những tờ trình về tình hình lao động trong kỳ;

- Điều khiển và kiểm soát các cơ quan lao động trong kỳ;

Điều thứ năm: Bộ trưởng Bộ Xã hội, theo lời đề nghị của các Uỷ ban hành chính kỳ, có thể đặt phòng Lao động tại những tỉnh xét ra quan hệ về phương diện lao động.

Những phòng này sẽ do một viên Thanh tra, hay kiểm soát hay uỷ viên lao động điều khiển. Những viên này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Xã hội bổ nhậm, và làm việc dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Nha Thanh tra Lao động kỳ và của Uỷ ban Hành chính tỉnh.

Một viên Thanh tra Lao động có thể kiêm chức ấy trong nhiều tỉnh hợp thành một khu do Bộ trưởng Bộ Xã hội chỉ định.

Tại các tỉnh chưa đặt phòng Lao động biệt lập hay không thuộc quyền một viên Thanh tra lao động nào thì Chủ tịch hay một nhân viên Uỷ ban Hành chính tỉnh sẽ kiêm chức Thanh tra hay Uỷ viên lao động.

Điều thứ sáu: Phòng lao động tỉnh có nhiệm vụ:

- Kiểm soát việc thi hành các luật lệ lao động;

- Kiểm soát nhân công trong tỉnh;

- Thi hành mệnh lệnh của những cấp trên;

- Đề nghị phương châm giải quyết các vấn đề lao động trong tỉnh;

- Dàn xếp những sự xích mích xẩy ra giữa chủ và công nhân.

Điều thứ bẩy: Giám đốc Nha Lao động Trung ương, các Thanh tra, kiểm soát, uỷ viên lao động, Chủ tịch hay nhân viên uỷ ban hành chính tỉnh kiêm thanh tra hay uỷ viên lao động, cùng các nhân viên lao động được uỷ quyền kiểm soát đều phải tuyên thệ không được tiết lộ những bí mật chế tạo và những phương pháp tổ chức chuyên nghiệp mà họ được biết trong khi thừa hành chức vụ.

Giám đốc sẽ tuyên thệ với ông Bộ trưởng bộ Xã hội còn các Thanh tra, Kiểm soát và uỷ viên lao động thì tuyên thệ với Chủ tịch uỷ ban hành chính kỳ.

Điều thứ tám: Những luật lệ trái với Sắc lệnh này đều bãi bỏ.

Điều thứ chín: Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Xã hội chịu uỷ nhiệm thi hành Sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)