SẮC LỆNH
VỀ QUY ĐỊNH VIỆC THIẾT QUÂN LUẬT CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 77 NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 1946
Theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp;
Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Khi nào tình thế nghiêm trọng mà có thể phát sinh ra cuộc ngoại xâm hay cuộc nổi loại to thì sẽ thiết quân luật.
Chỉ có Chủ tịch Chính phủ dân chủ cộng hoà mới có quyền ký sắc lệnh thiết quân luật và định những nơi sẽ thiết quân luật.
Khi thiết quân luật ở mỗi tỉnh nào thì bao nhiêu quyền hành chính trong tỉnh giao cả cho viên chỉ huy quân đội. Việc xử những sự phạm pháp về khinh tội hay trong tội sẽ giao toà án quân sự. Tuy vậy Toà án quân sự có thể tuỳ tiện để Toà án chuyên môn xử những việc thường.
Các nhà chức trách về quân đội có quyền khám nhà dân chúng bất cứ ngày đêm, trục xuất những người nguy hiểm cho trật tự chung, tịch thu khí giới và cấm hội họp.
Ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Nội vụ sẽ ra nghị định chung để định rõ chi tiết việc cộng tác giữa quân đội và Uỷ ban hành chính.
Khi nào tình thế ở một xã hay một thành phố, huyện lỵ, phủ lỵ, châu lỵ trở nên nguy hiểm cho trật tự chung và sự an toàn của dân chúng thì có thể ra lệnh giới nghiêm.
Muốn ra lệnh giới nghiêm thì chủ tịch Uỷ ban phủ, huyện, châu, thành phố, thị xã hoặc xã phải ra lệnh viết và dùng mọi cách để báo cáo cho công chúng biết ngay.
Lệnh giới nghiêm chỉ có mục đích bảo vệ trật tự ngoài đường để những sự phạm pháp như trộm cướp khỏi xảy ra. Quyền công dân luôn được hoàn toàn tôn trọng.
Lệnh thiết quân luật và lệnh giới nghiêm bao giờ cũng phải nói rõ sẽ thi hành trong bao nhiêu lâu. Tuy vậy lệnh giới nghiêm chỉ có hiệu lực trong 24 giờ là cùng.
Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp phụ trách thi hành Sắc lệnh này.
| Hồ Chí Minh (Đã ký)
|