BỘ NGOẠI GIAO |
|
Số: 13/2006/LPQT | Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2006 |
Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pê-ru về hợp tác trong khuôn khổ APEC có hiệu lực từ ngày 24 tháng 02 năm 2006./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
THỎA THUẬN
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PÊ-RU VỀ HỢP TÁC TRONG KHUÔN KHỔ APEC
Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pê-ru, dưới đây gọi tắt là “hai Bên”,
Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai nước thông qua việc thiết lập các cơ chế hợp tác chung trong các lĩnh vực khác nhau của mối quan hệ song phương;
Xét thấy hai nước đã trở thành thành viên đầy đủ của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện tại đăng cai Năm APEC 2006 và nước Cộng hòa Pê-ru sẽ đăng cai năm APEC 2008;
Ghi nhận tầm quan trọng của việc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pê-ru cùng hợp tác nhằm phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước để góp phần thực hiện các mục tiêu của APEC;
Tin tưởng vào tầm quan trọng của việc thiết lập các cơ chế hợp tác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1:
Mục đích của thỏa thuận này là nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ APEC thông qua việc thực hiện các chương trình và dự án trong các lĩnh vực cùng quan tâm, phù hợp với các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được thiết lập tại mỗi nước, pháp luật quốc tế và luật pháp của mỗi nước.
Điều 2:
Hai Bên ủng hộ sự tham gia của các thể chế công và tư, các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong việc thực hiện các chương trình và dự án APEC.
Điều 3:
1. Hai Bên thường xuyên trao đổi thông tin liên quan việc chuẩn bị và đệ trình các dự án lên các Ủy ban APEC và Nhóm làm việc và thỏa thuận ủng hộ việc thông qua các dự án đó.
2. Hai Bên sẽ ủng hộ việc trình các dự án về những lĩnh vực ưu tiên sau:
a. Doanh nghiệp vừa và nhỏ,
b. Tài trợ vi mô và thành lập doanh nghiệp,
c. Phát triển nguồn nhân lực và thực hiện mục tiêu Bogor,
d. Vòng đàm phán DOHA và thương lượng thương mại đa phương,
e. Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định thương mại tự do khu vực,
f. Giao lưu văn hóa và du lịch,
g. Giáo dục và khoảng cách công nghệ số,
h. An ninh con người.
Điều 4:
Hai Bên thỏa thuận thiết lập chương trình trao đổi các chuyến thăm của các quan chức Chính phủ nhằm hỗ trợ công tác hậu cần và nội dung cho Ban Thư ký thường trực APEC Việt Nam 2006 và APEC Pê-ru 2008.
Điều 5:
Hai Bên chỉ đạo các quan chức cao cấp của mình giúp đỡ nhau trong quá trình tìm kiếm thông tin và hỗ trợ việc soạn thảo và đàm phán các văn kiện chính thức của APEC trong Năm APEC Việt Nam 2006 và Năm APEC Pê-ru 2008.
Điều 6:
Một khi có thể và thích hợp, hai Bên có thể giúp đỡ nhau theo các cách thức dưới đây:
1. Tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền ở phạm vi quốc gia và khu vực về Tầm nhìn, các chương trình và hoạt động của Năm APEC Việt Nam 2006 và Năm APEC Pê-ru 2008.
2. Xác định các lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác chung với nước thứ ba nhằm hậu thuẫn APEC dành ưu tiên cho Việt Nam và Pê-ru.
Điều 7:
Hai Bên cử các quan chức cao cấp của mình làm đầu mối liên lạc nhằm đảm bảo cho thỏa thuận này được thực hiện vì lợi ích chung.
Hai Bên nhất trí cùng xem xét lại thỏa thuận này theo đề nghị bằng văn bản của một trong hai bên.
Điều 8:
Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị cho tới khi một trong hai Bên thông báo cho phía bên kia bằng văn bản trước ít nhất 60 ngày quyết định chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận.
Làm tại Hà Nội ngày 24 tháng 02 năm 2006 thành 2 bản; mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Cả hai văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |