Hệ thống pháp luật

Thời gian nâng bậc lương thường xuyên của công chức, viên chức và người lao động

Ngày gửi: 09/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL38482

Câu hỏi:

Thời gian giữ ngạch, chức danh là điều kiện bắt buộc để xét nâng bậc lương đối với công chức và viên chức.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Thời gian nâng bậc lương thường xuyên

Điều kiện về thời gian để xét nâng bậc lương là thời gian giữ ngạch công chức của công chức và thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức của viên chức được quy định tại điểm 1 Điều 5 Quy chế nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2014/QĐ-BLĐTBXH ngày 13 tháng 1 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội), theo đó, khoảng thời gian xét nâng bậc lương đối với công chức, viên chức giữ ngạch, chức danh loại  A3, A2, A1, A0 là 3 năm (đủ 36 tháng) và đối với công chức, viên chức giữ ngạch, chức danh loại B, C, nhân viên thừa hành, phục vụ là 2 năm (đủ 24 tháng). Trong đó, theo quy định tại Điều 6 Quy chế này, các khoảng thời gian sau đây cũng được tính để xét nâng bậc lương:

Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Và theo quy định tại Điều 7 Quy chế này, các khoảng thời gian sau đây không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương:

Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

2. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên

Trong thời gian giữ bậc lương hiện tại, nếu công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định như sau:

– Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp:

          Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;

          Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.

– Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp:

          Viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo;

          Công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng.

– Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách.

Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài.

Trường hợp công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng thì thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30 tháng 3 năm 2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn