Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH
COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/TB-BCĐ

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ NGUYỄN ĐỨC CHUNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(tại phiên họp số 45)

15h00 ngày 31/7/2020, tại trụ sở UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã tổ chức họp Phiên thứ 45 do Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố chủ trì nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Dự họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố; tại điểm cầu địa phương có Giám đốc các bệnh viện của Thành phố; Lãnh đạo UBND quện, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố kết luận chỉ đạo như sau:

I. Thông tin về tình hình dịch bệnh

1. Trên Thế giới:

- Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến ngày 31/7/2020, thế giới đã ghi nhận tổng số 17.474.691 ca mắc COVID-19 và 676.759 người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mỗi ngày ghi nhận thêm hơn 250.000 trường hợp, trung bình khoảng 3,5 ngày có thêm khoảng 1 triệu người mắc COVID-19 và có 6.000 đến 7.000 trường hợp tử vong.

- Xuất hiện nhiều biến thể khác nhau của vi rút COVID-19, các biến thể này ngày càng phức tạp và độ lây nhiễm cao hơn.

- Các nước đang chạy đua với thời gian để sản xuất vắc xin, nhưng chưa quốc gia nào có vắc xin chính thống và có giá trị thương mại để có thể đưa ra thị trường. Theo nhận định của các chuyên gia thì nhanh nhất là cuối năm 2020 hoặc sang mùa xuân năm 2021 mới có vắc xin để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay đã áp dụng các phác đồ điều trị khác nhau và có hiệu quả tốt hơn so với giai đoạn đầu.

2. Tại Việt Nam:

- Ngày 31/7/2020 là ngày Bộ Y tế thông báo Việt Nam có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất kể từ trước đến nay, với 45 ca nhiễm. Đây là giai đoạn có tốc độ lây nhiễm rất cao (Hà Nội ở giai đoạn trước, sau 39 ngày có 74 ca nhiễm, trong khi đó giai đoạn này tại Đà Nẵng chỉ sau 6 ngày, từ 25 đến 31/7/2020 đã có 79 ca nhiễm). Thống kê cho thấy chủ yếu các ca nhiễm là ở Đà Nẵng và Quảng Nam, đa số xuất phát từ các bệnh viện và đã lan ra các hàng quán xung quanh bệnh viện.

Theo như đánh giá của Bộ Y tế, tại Đà Nẵng việc lây nhiễm đã có thể xuất hiện từ đầu tháng 7/2020. Trong số 79 ca nhiễm COVID-19 vừa được phát hiện có nhiều ca không xuất hiện triệu chứng, người đã nhiễm COVID-19 hoàn toàn bình thường và chỉ qua công tác xét nghiệm mới có thể phát hiện người nhiễm bệnh.

Dự báo, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, có thể trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 mới tại các tỉnh miền Trung.

3. Tại Hà Nội:

Giai đoạn trước có 121 trường hợp nhiễm bệnh và đã được công bố khỏi bệnh. Giai đoạn hiện nay, có 02 trường hợp mới ghi nhận ngoài cộng đồng (đều có tiền sử đi về từ Đà Nẵng).

Các đơn vị trong toàn Thành phố đã tổ chức tập trung rà soát số trường hợp F1, F2 đối với 2 bệnh nhân nêu trên, đến nay đã xét nghiệm được 113/115 trường hợp F1 kết quả bước đầu đều âm tính, còn 2 trường hợp sẽ được công bố ngay khi có kết quả xét nghiệm.

Đến nay, sau khi tiếp tục rà soát người trở về Thành phố từ Đà Nẵng và Quảng Nam, tổng số đã lên đến 53.768 người, đặt ra rất nhiều thách thức đối với các đơn vị y tế của Thành phố.

II. Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới

Ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng, các đơn vị trên địa bàn đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thành ủy và Công điện của Chủ tịch UBND Thành phố. Đã bám sát mục tiêu chỉ đạo đó là “phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm ngay”. Thành phố xác định trong giai đoạn này cần phải khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, chỉ có qua xét nghiệm mới có thể khẳng định được trường hợp có bị nhiễm COVID-19 hay không.

Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Thành phố giao:

1. UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn

- Khẩn trương tiếp tục rà soát triệt để người đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam về Hà Nội, đặc biệt là số người đi về bằng đường bộ và đường sắt đảm bảo chính xác, không bỏ sót.

- Chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phấn đấu đến hết ngày 01/8/2020 hoàn thành việc test nhanh cho những người trở về từ Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong trường hợp test nhanh phát hiện dương tính thực hiện ngay test PCR để khẳng định.

- Tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở trên địa bàn đều phải đến Bệnh viện để được tư vấn, khám, điều trị đảm bảo công tác phòng chống dịch.

- Tạm dừng các hoạt động lễ hội đông người tại nơi công cộng, quán bar, karaoke và quán hàng nước vỉa hè từ 0h ngày 01/8/2020.

- Các tòa nhà, khu chung cư phải bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn một cách nghiêm túc; người dân khi tham gia giao thông trên đường, trên các phương tiện công cộng phải đeo khẩu trang.

2. Giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố

- Chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Gia Lâm thông báo cho các cơ quan báo chí để thông tin cho người dân biết ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của 02 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng hiện nay chưa có kết quả tại địa bàn.

- Chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn thực hiện việc khám, chữa bệnh và điều trị theo đúng quy trình chống dịch Covid-19 đối với tất cả các trường hợp đến bệnh viện.

- Cung cấp đầy đủ các mẫu test theo yêu cầu của các quận: Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông để thực hiện việc xét nghiệm theo đúng tiến độ đã đề ra.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các bệnh viện của Thành phố, các Trung tâm y tế phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư tiêu hao, trang thiết bị đặc biệt que lấy mẫu, quần áo bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn... tại các phòng thi, điểm thi.

- Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đối với tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

4. Sở Công Thương

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án liên quan đến hàng hóa, đảm bảo không để tăng giá và thiếu hàng. Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành để kết nối cung cầu nông, lâm, thủy, hải sản của các tỉnh thành cho thị trường Hà Nội.

5. Công an thành phố Hà Nội

Chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh qua địa bàn bằng đường bộ.

5. Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cách ly tập trung trên địa bàn Thành phố, tránh lây nhiễm chéo trong thời gian cách ly.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo quản lý chặt chẽ việc giữ khoảng cách, duy trì vệ sinh tại khu cách ly.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền rộng rãi để mọi người dân chủ động, tự rà soát để xác định từ ngày 01/7/2020 nếu có đi đến các nơi mà Bộ Y tế đã thông báo trên Trang thông tin điện tử thì phải tự giác khai báo y tế, cách ly tại nhà và thông tin cho trạm y tế để lấy mẫu test nhanh.

Giao Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố kết quả thực hiện các nội dung kết luận trên./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch; (để báo cáo)
- Đồng chí Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- Ban Thường vụ Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- BCĐ phòng, chống dịch Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH Hà Nội;
- Cục Quản lý Thị trường Thành phố;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nội; Báo: Hà nội mới, Kinh tế&Đô thị;
- VPUB: CVP; PCVP Đ.H. Giang; Phòng: KGVX, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXDg.

TL. TRƯỞNG BAN




CHÁNH VĂN PHÒNG
Vũ Đăng Định