Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 02/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM

Ngày 23 tháng 12 năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và bàn công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam (gọi tắt là Đại hội toàn quốc) vào tháng 5 năm 2010.

Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và công tác chuẩn bị Đại hội toàn quốc, ý kiến của các thành viên dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

1. Về công tác chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp: giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tiếp tục chỉ đạo các địa phương chưa tổ chức Đại hội phải tiến hành tổ chức Đại hội theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Nghị quyết của Đại hội các cấp phải được nghiêm túc tiếp thu trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng cấp tương ứng.

2. Về chuẩn bị các báo cáo tại Đại hội toàn quốc: Ban Tổ chức Đại hội xây dựng Báo cáo chính trị của Đại hội; chuẩn bị các tài liệu liên quan, đồng thời hướng dẫn các địa phương lựa chọn, chuẩn bị các báo cáo điển hình tiên tiến sinh động, sát với thực tiễn cuộc sống của đồng bào để báo cáo tại Đại hội và in trong Kỷ yếu Đại hội. Lưu ý nội dung Báo cáo chính trị phải đánh giá sâu sắc kết quả của Đại hội các cấp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số; khẳng định chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là đúng đắn và đã đi vào cuộc sống, tạo sự đoàn kết, phấn khởi, lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số và quyết tâm mới của hệ thống chính trị.

3. Về công tác thi đua khen thưởng:

- Ủy ban Dân tộc, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý cho tập thể, cá nhân là đại biểu dự Đại hội toàn quốc theo Luật Thi đua – Khen thưởng.

- Ủy ban Dân tộc báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Bức trướng cho Đại hội toàn quốc. Dự thảo nội dung bức trướng phải cập nhật với dự thảo Cương lĩnh Đại hội XI.

4. Về công tác tuyên truyền: Tiểu ban Tuyên truyền, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục chỉ đạo các địa phương, báo, đài làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền về kết quả Đại hội các cấp, chuẩn bị Đại hội toàn quốc, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiến tới Đại hội toàn quốc.

5. Về Chương trình, kế hoạch Đại hội toàn quốc:

- Thời gian Đại hội chính thức trong 2 ngày; chương trình xây dựng hợp lý giữa các nội dung chính với chương trình văn hóa, văn nghệ, xem phim tài liệu để đạt kết quả cao.

- Địa điểm tổ chức Đại hội toàn quốc: Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

- Tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ) trước ngày Đại hội toàn quốc; thành phần Đoàn gọn nhẹ (gồm đại diện Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc và đại biểu đại diện cho 54 dân tộc). Trước khi khai mạc Đại hội toàn quốc tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Liệt sỹ (thành phần gọn nhẹ như Đoàn đi Lễ dâng hương tại Đề Hùng) và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (thành phần gồm toàn thể đại biểu chính thức dự Đại hội). Tổ chức tham quan Vịnh Hạ Long trước ngày diễn ra Đại hội chính thức cho các đại biểu có nhu cầu. Tổ chức Dạ hội chào mừng Đại hội toàn quốc vào đêm giữa 2 ngày diễn ra Đại hội tại tiền sảnh Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

- Tổ chức Triển lãm, Hội chợ giới thiệu bản sắc văn hóa và thành tựu của các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Triển lãm Vân Hồ và Hội chợ tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Tổ chức một số cuộc Hội thảo quốc gia về cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách đại đoàn kết dân tộc; thời gian vào tháng 3 – 4 năm 2010. Tổ chức Festival học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vào thời gian gần ngày tổ chức Đại hội toàn quốc.

- Xuất bản 01 ấn phẩm (ảnh và lời) tổng quan về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số Việt Nam, sự tiến bộ qua các thời kỳ.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng kế hoạch, kịch bản Truyền hình và Phát thanh trực tiếp về Đại hội toàn quốc; chủ trì tổ chức cuộc thi tìm hiểu về các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Làm phim tài liệu, thời lượng khoảng 30 phút, chiếu tại Đại hội toàn quốc. Làm phim phóng sự (20 tập) theo chủ đề về các dân tộc thiểu số Việt Nam phát trên các kênh truyền hình để tuyên truyền.

- Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện đại biểu tiêu biểu của 54 dân tộc (khoảng 60 người).

- Xây dựng chương trình gặp mặt giữa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện các đại biểu tiêu biểu xuất sắc dự Đại hội toàn quốc; xây dựng kịch bản cụ thể về trao các phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân tại Đại hội, chụp ảnh lưu niệm của các Đoàn đại biểu với các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

- Quà tặng cho các đại biểu chính thức dự Đại hội gồm: 01 Tượng Bác Hồ, các ấn phẩm của Đại hội và 1 triệu đồng; Ban Tổ chức Đại hội có thể vận động các doanh nghiệp tài trợ thêm kinh phí mua quà tặng cho các đại biểu ở cơ sở.

6. Tổng số đại biểu chính thức của Đại hội toàn quốc là 1.700 đại biểu, trong đó: đại biểu các địa phương là 1.250 đại biểu; đại biểu của các cơ quan Trung ương là 450 đại biểu.

Ủy ban Dân tộc rà soát lại thành phần Đoàn đại biểu của các địa phương đi dự Đại hội toàn quốc để kịp thời điều chỉnh, bổ sung đại biểu nhằm bảo đảm cơ cấu thành phần đại biểu dự Đại hội toàn quốc hợp lý về giới tính, độ tuổi, ngành nghề, trình độ.

7. Về đại biểu khách mời:

Khách mời dự khai mạc Đại hội gồm: các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương không phải là đại biểu chính thức của Đại hội; đại diện các Tổ chức quốc tế và Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội (Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Ngoại giao thống nhất khách mời cụ thể).

- Đại biểu khách mời: 01 đồng chí đại diện Lãnh đạo tỉnh (nếu không có đồng chí nào là Đại biểu chính thức dự Đại hội toàn quốc); mời Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh (nếu không phải là Đại biểu chính thức dự Đại hội toàn quốc); đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới là người dân tộc thiểu số ở các địa phương gần Thủ đô Hà Nội; đại diện các tri thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số.

8. Đồng ý tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” nhân dịp tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ lập danh sách, tổ chức Lễ trao tặng kỷ niệm chương trước Đại hội toàn quốc.

9. Ban Chỉ đạo sẽ họp (trước tết Canh Dần) để đánh giá kết quả tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc; duyệt Kế hoạch và kinh phí tổ chức Đại hội toàn quốc.

Phân công chuẩn bị:

- Ủy ban Dân tộc (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) chuẩn bị Báo cáo đánh giá kết quả tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp và kết quả công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc để họp Ban Chỉ đạo và báo cáo Ban Bí thư Trung ương và Thủ tưởng Chính phủ. Nội dung báo cáo cần phải bám sát nội dung, yêu cầu quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08 tháng 5 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 757/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ để báo cáo, đánh giá.

- Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội (kế hoạch chi tiết, cụ thể); lập dự toán kinh phí tổ chức Đại hội toàn quốc. Bộ Tài chính thẩm định dự toán kinh phí tổ chức Đại hội toàn quốc.

Ngay sau phiên họp Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp báo về Kế hoạch tổ chức Đại hội toàn quốc. Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện.

10. Trước khi tổ chức Đại hội toàn quốc khoảng 20 ngày sẽ họp Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Đại hội xem xét lần cuối công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội, cơ quan liên quan biết, thực hiện ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Dân tộc;
- Các Bộ: Tài Chính, Ngoại giao;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
Các vụ: TH, KTTH, KGVX, NC, QHQT,
TKBT, Cục Quản trị;
-Lưu: VP, Vụ ĐP (5)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng