BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/TB-BNN-ĐMDN | Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN VỀ KẾT QUẢ THẨM ĐỊNH KẾ HOẠCH SẢN XUẤT, KINH DOANH 5 NĂM (2011-2015) VÀ NĂM 2012 CỦA TỔNG CÔNG TY CHÈ VIỆT NAM
Ngày 27/12/2011, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần - Chủ tịch Hội đồng thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, các Tổng công ty 91, 90 và các công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ (Hội đồng thẩm định), chủ trì Hội đồng thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và năm 2012 của Tổng công ty Chè Việt Nam (Tổng công ty). Tham gia thẩm định có Lãnh đạo Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp và đại diện: Vụ Tài chính, Công Đoàn ngành, Tổng công ty Chè Việt Nam.
Sau khi nghe Tổng công ty báo cáo tóm tắt Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tổng công ty và Báo cáo thẩm định của Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp; các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến tham gia của cơ quan có liên quan thuộc Bộ, Tổng công ty Chè Việt Nam, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần kết luận như sau:
1. Thống nhất thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tổng công ty trình Bộ với các nội dung chủ yếu sau:
- Kế hoạch lập phù hợp với định hướng phát triển của ngành.
- Về cơ bản biểu mẫu tổng hợp kế hoạch phù hợp với quy định của Bộ.
- Về cơ bản các giải pháp triển khai thực hiện có căn cứ khoa học, khả thi trên cơ sở đánh giá bài học kinh nghiệm giai đoạn trước tương ứng.
2. Yêu cầu Tổng công ty tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
a) Về định hướng chiến lược:
Hội đồng thành viên bàn bạc, thống nhất khái quát hóa mục tiêu chiến lược phát triển ngành nghề kinh doanh chính và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó chú trọng việc đưa ra định hướng liên quan đến các vấn đề cốt lõi trong sản xuất, kinh doanh chè của Tổng công ty. Theo đó, tập trung đầu tư thâm canh phát triển vùng nguyên liệu tại chi nhánh Tổng công ty; đầu tư máy móc thiết bị chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng; đầu tư thiết bị tiên tiến để chế biến chè nội tiêu (chế biến sâu), đầu tư xây dựng thương hiệu chè nội tiêu đảm bảo giá trị gia tăng cao để chiếm lĩnh, mở rộng thị phần tiêu thụ; đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ và nâng cao uy tín chè Việt Nam trên thị trường thế giới nhất là khu vực châu Âu, khu vực Trung Đông, Trung Á; thực hiện liên kết sản xuất chè để thu mua xuất khẩu thông qua chế độ hợp đồng kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng…
Về đầu tư phát triển phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư có hiệu quả xây dựng các thương hiệu sản phẩm cụ thể (sản phẩm chè) trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên dự án mũi nhọn của Tổng công ty để tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, sớm hoàn thành dự án đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng; khai thác tối đa công suất máy móc thiết bị các nhà máy chế biến để đạt hiệu quả cao nhất; có lộ trình cụ thể từng dự án đầu tư đưa vào khai thác sử dụng. Xác định rõ Tổng công ty tập trung đầu tư có hiệu quả vào ngành sản xuất kinh doanh chính. Tổng công ty không được đầu tư ra ngoài ngành, nếu không có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của Bộ.
b) Về kết cấu biểu mẫu, chỉ tiêu:
Bổ sung biểu mẫu tổng hợp kế hoạch của tổ hợp mẹ - con và tách bạch rõ chỉ tiêu của tổ hợp mẹ - con và chỉ tiêu của mẹ; Tính logic một số chỉ tiêu (chỉ tiêu vốn chủ sở hữu của tổ hợp, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ, trong đó vốn nhà nước…), thuyết minh tăng, giảm các chỉ tiêu kế hoạch (nhất là chỉ tiêu tăng, giảm đột biến); thuyết minh cân đối các nguồn vốn đầu tư dài hạn của Công ty mẹ để thực hiện các dự án đầu tư phát triển; danh mục các dự án đầu tư 2011-2015 và năm 2012;
c) Về giải pháp cụ thể triển khai thực hiện:
- Tăng cường công ty quản lý, giám sát (tài sản, đất đai, tài chính… và người đại diện phần vốn của Tổng công ty ở doanh nghiệp khác) theo quy định pháp luật.
- Các giải pháp để cân đối các nguồn vốn dài hạn phục vụ đầu tư phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2011-2015, triển khai đầu tư năm 2012 và nguồn vốn đầu tư.
- Các giải pháp về tiếp tục sắp xếp, đổi mới để đảm bảo mục tiêu cổ phần hóa Tổng công ty vào năm 2013; thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty, trước hết triển khai thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu các đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ Tổng công ty. Có lộ trình thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp không hiệu quả.
- Giải pháp kiên quyết về xử lý nợ phải thu của Tổng công ty, xử lý nợ ODA, về hợp đồng thuê đất tại các đơn vị phụ thuộc Chè Mộc Châu, Sông Cầu…;
3. Về tổ chức thực hiện
- Giao Hội đồng thành viên, Ban điều hành Tổng công ty tiếp thu, chỉnh sửa theo các nội dung nêu trên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2011-2015) và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Tổng công ty (tổ hợp mẹ - con), Công ty mẹ Tổng công ty Chè Việt Nam. Để có đủ căn cứ trình Lãnh đạo Bộ yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty phải khái quát hóa được toàn bộ nội dung của kế hoạch, riêng số liệu các chỉ tiêu chủ yếu phải có số liệu của Tổ hợp mẹ - con, trong đó có số liệu của Công ty mẹ.
- Ban Đổi mới và Quản lý DNNN theo chức năng, nhiệm vụ Bộ giao (Quyết định số 2949/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 01/12/2011), chủ động hướng dẫn, đôn đốc Tổng công ty khẩn trương hoàn thành việc tiếp thu chỉnh sửa theo nội dung trên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 440/QĐ-BNN-ĐMDN năm 2013 bổ sung Quyết định 2040/QĐ-BNN-ĐMDN phê duyệt Phương án Tái cơ cấu Tổng công ty Chè Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Quyết định 2949/QĐ-BNN-ĐMDN năm 2011 quy định về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trực thuộc Bộ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành