UBND TỈNH NINH THUẬN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1077/TB-VPUB | Ninh Thuận, ngày 19 tháng 07 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 13/NQ-CP NGÀY 10/5/2012 CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 17/7/2012, tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 13 của Chính phủ).
Tham dự Hội nghị có: đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đỗ Hữu Nghị; lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ Ninh Thuận và lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan thông tấn báo chí đóng trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị đã nghe các Sở, ban ngành liên quan báo cáo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ; ý kiến của các doanh nghiệp nêu các vướng mắc, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ý kiến của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đỗ Hữu Nghị; trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã kết luận và chỉ đạo như sau:
I. Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chậm phục hồi, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trong nước tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt đầu tư công, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm, nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng còn thấp so với mục tiêu. Trước tình hình đó, để tháo gỡ khó khăn, giải nguy cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường. Ngày 10/5/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường mà trọng tâm là giải pháp giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp; giãn, hoãn, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất cho doanh nghiệp. Trước khó khăn chung như vậy, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt các ngành, các cấp đã chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã nỗ lực, chủ động tìm kiếm các giải pháp vược các khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh góp phần giữ ổn định và có tăng trưởng nền kinh tế tỉnh ta, trong 6 tháng đầu năm 2012 tốc độ tăng trưởng 10,4%; về thu hút đầu tư các thành phần kinh tế có phát triển; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Với thành quả đóng góp đó, UBND tỉnh hoang nghênh và biểu dương sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.
II. Nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với tỉnh, để thực thắng lợi mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với tinh thần đoàn kết cao, chung tay, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra cho năm 2012, trong đó lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Đối với cộng đồng doanh nghiệp:
a) Chủ động và khẩn trương quan hệ với đơn vị cho vay để được hướng dẫn và xác lập thủ tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cũ theo mức lãi suất cho vay hiện hành; đồng thời củng cố năng lực, làm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp để tiếp cận các nguồn vay mới thuận lợi. Đồng thời chủ động liên hệ với cơ quan thuế để xác lập thủ tục miễn, giảm, gia hạn thuế theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và Thông tư số 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012 của Bộ Tài chính.
b) Phải tận dụng và khai thác tốt tất cả các chính sách hỗ trợ của nhà nước; các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua khó khăn thử thách, các doanh nghiệp cần nhanh chóng rà soát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp mình và chủ động tìm kiếm các giải pháp phù hợp với doanh nghiệp mình để vượt qua khó khăn, lưu ý về phương thức quản lý, chiến lược sản xuất kinh doanh.
c) Tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, có chương trình bán hàng phù hợp, tranh thủ giải quyết hàng tồn kho. Chủ động tái cơ cấu lại doanh nghiệp để có phương án hoặc định hướng đi đảm bảo phù hợp cho doanh nghiệp mình. Nghiên cứu cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh; mặt khác cần xem xét có phương án giãn đầu tư một số dự án chưa cấp thiết để tập trung vốn đầu tư sản xuất những sản phẩm là thế mạnh của doanh nghiệp và có thị trường.
d) Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hơn lúc nào lúc đề nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận phát huy hết vai trò của mình, là cầu nối giữa nhà nước với doanh nghiệp và đồng hành sẻ chia khó khăn, hỗ trợ các Doanh nghiệp Hội viên để vượt qua khó khăn và phát triển.
2. Yêu cầu đối với các Sở, ban ngành, địa phương:
a) Các Sở, ban ngành, địa phương cần nhận thức nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ; coi việc triển khai Nghị quyết 13 của Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan mình. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt đến các cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ.
b) Các Sở, ban ngành, địa phương, đặc biệt là hệ thống Ngân hàng, cơ quan thuế bằng các phương tiện, các công cụ, phương pháp hiện có khẩn trương cung cấp thông tin chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh được biết để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Chính phủ. Định kỳ hàng tháng, tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh về các khó khăn của doanh nghiệp để có hướng tháo gỡ kịp thời.
c) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà trọng tâm là tăng cường huy động vốn phục vụ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp về tín dụng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó quan tâm chỉ đạo điều chỉnh kịp thời giảm lãi suất cho vay cũ xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành và xem xét cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh. Tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nâng cao chất lượng tín dụng. Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp cụ thể thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
d) Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Ninh Thuận tăng cường xem xét cho vay ưu đãi các dự án thuộc đối tượng và bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp có điều kiện để tiếp sức cho các doanh nghiệp sớm khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
đ) Cục Thuế khẩn trương đẩy mạnh việc triển khai thông tư, quy trình thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng theo quy định sớm được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế theo quy định tại Nghị quyết 13 của Chính phủ. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn; đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tranh thủ được các nguồn vốn, các chương trình, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công; tham mưu điều hành vốn đầu tư linh hoạt. Chủ động có những giải pháp tiếp cận với các nhà tài trợ, nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường thu hút các nguồn vốn ODA, FDI nhằm tập trung đầu tư kịp thời, có hiệu quả kết cấu hạ tầng thiết yếu và các dự án đầu tư mà tỉnh có lợi thế. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO), nhất là thực hiện có hiệu quả quy trình 01 cửa liên thông tại EDO; xây dựng uy tín, thương hiệu EDO là một điểm sáng của tỉnh trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Tạo lập EDO trở thành một chỗ dựa vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận triển khai đầu tư dự án hoặc sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tham mưu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh canh cấp tỉnh.
g) Sở Công Thương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, xuất khẩu, nhất là giải quyết hàng hóa tồn kho; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác quản lý thị trường.
h) Sở Tài chính tập trung đẩy mạnh triển khai hoạt động Tổ liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư khẩn trương xác lập hồ sơ quyết toán các công trình xây dựng hoàn thành nhằm đẩy nhanh việc thanh toán vốn xây dựng cơ bản. Có kế hoạch triển khai hiệu quả hoạt động Quỹ đầu tư phát triển. Triển khai tốt việc quản lý giá hàng hóa. Nghiên cứu tham mưu đề xuất các giải pháp tổ chức hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đảm bảo hiệu quả hơn. Chỉ đạo Tổ tư vấn và quyết toán công trình xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước khẩn trương đi vào hoạt động.
i) Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương:
- Phối hợp với Sở Tài chính rà soát, tham mưu ban hành đơn giá thuê đất mới theo quy định đối với một số dự án mới có liên quan.
- Tập trung giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh và các Sở, ban ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, tránh gây hậu quả xấu và bức xúc trong dư luận, nhất là ở các địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường.
k) Chi cục Hải quan Ninh Thuận giải quyết nhanh và đúng quy định về thủ tục hành chính liên quan đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
l) Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan, khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức 3 Hội nghị chuyên đề về: công tác giải phóng mặt bằng; Đầu tư và Xây dựng; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tháng 7/2012, qua đó góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hơn lúc nào nào hết, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp luôn sẵn lòng sát cánh, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp để giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, sớm khôi phục phát triển sản xuất, nâng cao kinh doanh trong thời gian đến.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo ý kiến của Chính phủ Ủy ban nhân dân tỉnh đến Quý cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | CHÁNH VĂN PHÒNG |
- 1 Kế hoạch 85/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 2 Thông tư 83/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn khoản thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 13/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2012 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường do Chính phủ ban hành