Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

Ngày 12 tháng 5 năm 2016, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác thời gian tới. Cùng dự có các đồng chí: Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các đồng chí thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; tại đầu cầu các địa phương có lãnh đạo và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

Sau khi nghe các báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, ý kiến tham luận của các địa phương, thảo luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận, chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Tình hình thiên tai năm 2015 và những tháng đầu năm 2016:

Năm 2015, do diễn biến nhanh của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cường độ mạnh, kéo dài, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Nê pan, Myanmar, Nhật Bản,... Ở nước ta tình hình thời tiết, thiên tai cũng diễn biến rất bất thường, cực đoan, đặc biệt là hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng, rét đậm rét hại, mưa lớn kỷ lục, mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra; tình hình tai nạn, sự cố cháy nổ, cháy rừng, sự cố môi trường, sự cố hàng không, tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò,... xảy ra nhiều.

2. Về công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thiên tai, sự cố để chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời. Các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó, phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm từng thành viên của Ban chỉ đạo, chỉ huy; tổ chức các cuộc diễn tập, các khóa đào tạo, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ trong phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Cơ quan dự báo theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, kịp thời dự báo, cảnh báo phục vụ chỉ đạo ứng phó. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị phòng ngừa theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai, sự cố, tai nạn, tổ chức tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ kịp thời.

Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn đã góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Kết quả năm 2015, đã huy động trên 170.000 lượt người, gần 5.700 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố; tổ chức ứng phó, tìm kiếm cứu nạn 1.202 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền, trên 1.000 vụ cháy, 04 vụ sự cố hóa chất, 05 vụ tràn dầu. Thông báo, hướng dẫn cho trên 310.000 lượt phương tiện với trên 1.500.000 lượt người hoạt động trên biển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới; tổ chức sơ tán gần 5.600 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Năm 2015, thiên tai làm 154 người chết và mất tích, 127 người bị thương; 1.242 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; trên 400.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại,... Tổng thiệt hại trên 8.100 tỷ đồng.

3. Những hạn chế, yếu kém:

- Công tác dự báo đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng các hạn chế trong dự báo, cảnh báo thiên tai chậm được khắc phục. Việc dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như giông lốc, mưa lũ cục bộ còn khó khăn, công nghệ dự báo còn hạn chế. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn, báo tin động đất, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Cảnh báo giông sét chưa thực sự hiệu quả. Công tác truyền tin thiên tai đến người dân còn bất cập.

- Công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân từ đó chủ động, tự giác trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai, sự cố, tai nạn còn chưa hiệu quả ở nhiều nơi.

- Công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu vẫn tập trung xử lý tình huống, chưa căn cơ lâu dài, chưa xử lý toàn diện cho các loại hình thiên tai, còn thiếu tính liên vùng. Thiếu các phương án, giải pháp căn cơ, bài bản để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai cực đoan.

- Việc xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phòng, chống thiên tai, sự cố, ứng phó biến đổi khí hậu ở một số nơi, một số lĩnh vực chưa được coi trọng. Tình trạng xây dựng trái phép công trình, nhà cửa lấn chiếm lòng dẫn sông suối, kênh rạch, làm giảm khả năng thoát lũ, tăng rủi ro khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở còn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

- Việc bố trí, sắp xếp lại dân cư ở khu vực nguy cơ cao về thiên tai, di dời dân cư ở khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chưa được quan tâm thỏa đáng, chậm tiến độ; thiếu công trình phòng tránh bão, lũ cho người dân, nhất là người nghèo ở những vùng thường xảy ra thiên tai; việc sửa chữa, nâng cấp công trình hồ đập để an toàn trong mùa mưa lũ, kết hợp cấp nước trong mùa cạn còn chậm.

- Công tác phòng, chống sự cố, cháy nổ tại cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ, công trình xây dựng, nhà ở chưa được quan tâm đúng mức, thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân do cháy nổ còn nhiều.

- Việc điều chỉnh mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn lúng túng, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn chậm.

- Hợp tác quốc tế trong khai thác, sử dụng nguồn nước sông xuyên biên giới, phòng chống thiên tai hiệu quả chưa cao.

- Kinh phí đầu tư phòng ngừa, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, chưa huy động được nguồn lực từ xã hội. Tiến độ đầu tư các Chương trình, Đề án, dự án phòng, chống, ứng phó thiên tai như: nâng cấp đê biển, đê sông, hồ đập, ổn định dân cư vùng thiên tai, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, chống ngập úng các thành phố lớn, đầu tư trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn còn chậm so với yêu cầu tiến độ.

- Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về đê điều, phòng, chống lụt, bão chậm được khắc phục.

- Năng lực của cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai ở địa phương, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng trang thiết bị phục vụ chỉ đạo điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu. Ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn hạn chế.

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI:

Trong thời gian tới thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự cố, tai nạn trên nhiều lĩnh vực chưa được kiềm chế có hiệu quả. Do vậy, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, có các giải pháp hiệu quả bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương tới địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên. Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, từ đó xây dựng phương án, nhiệm vụ cụ thể những tháng còn lại của năm 2016; cập nhật phương án ứng phó thiên tai sát với thực tế ở Bộ, ngành, địa phương, xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai theo đúng quy định của Luật phòng, chống thiên tai.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương xây dựng, cập nhật phương án bảo đảm an toàn dân cư trong các tình huống thiên tai, đặc biệt là ứng phó một số thiên tai cực đoan như bão mạnh, siêu bão, lũ đặc biệt lớn. Trên cơ sở đó tổng hợp xây dựng phương án ứng phó chung phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt là bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, động đất, sóng thần. Tổ chức huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố theo kế hoạch; tiếp tục nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm, xung yếu. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn theo đề nghị của địa phương; phối hợp với các địa phương rà soát, xử lý các chi phí phục vụ lực lượng tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn theo đúng quy định.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh. Bố trí hệ thống quan trắc, kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, đặc biệt cơ sở sản xuất công nghiệp xả thải ra môi trường, tránh sự cố, thảm họa môi trường.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, truyền tải các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương để người dân biết và tham gia phòng, chống thiên tai; tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng khu vực, từng nhóm, đối tượng dân cư nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra phương án bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo ứng phó thiên tai thông suốt trong mọi tình huống.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của bộ phận thường trực phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp. Xây dựng phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở địa phương. Tổ chức kiểm tra, khắc phục sự cố và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; chỉ đạo kiểm tra phương án tiêu thoát nước, chống ngập tại các đô thị, khu dân cư ven sông, suối, ven biển, bảo đảm an toàn hầm lò, khu vực khai thác mỏ, tuyến đường giao thông, khu vực có nguy cơ sạt lở, mất an toàn. Tổ chức di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai bất thường như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; có phương án chủ động sơ tán khi có thiên tai đối với những hộ chưa có điều kiện di dời để đảm bảo an toàn tính mạng. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý công trình, nhà cửa xây dựng trái phép ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ. Bố trí kinh phí, huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức để người dân tự giác, chủ động trong phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó, chống chịu được với các tình huống thiên tai.

Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động bố trí kinh phí, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kinh phí đối với lực lượng được huy động tham gia khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo đúng quy định.

- Các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước phối hợp các địa phương chỉ đạo kiểm tra các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của mình, nhất là đối với các công trình dễ có nguy cơ sự cố khi xảy ra thiên tai, lũ, bão như hồ đập, các cột, tháp truyền hình, viễn thông, cột điện cao thế,...; kịp thời khắc phục sự cố, tu sửa, nâng cấp công trình chủ động phòng, chống thiên tai.

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục ưu tiên cân đối, bố trí vốn để thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, đảm bảo an toàn hồ chứa, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai, xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa. Triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn ven biển để chủ động ngăn chặn sạt lở, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; tăng thời lượng phát sóng, kịp thời đưa bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, chỉ đạo của Trung ương và địa phương đến người dân khi xảy ra các tình huống thiên tai.

- Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố, tai nạn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục phát động các phong trào ủng hộ, hỗ trợ các địa phương khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai.

Văn phòng Chính phủ thông báo để cơ quan liên quan biết, thực hiện./

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn;
- Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, V.III, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, KTN (3), Tuynh.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ
CHỦ NHIỆM




Nguyễn
Cao Lục