BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1121/TB-BYT | Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI HỘI NGHỊ: “TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC Y TẾ CHO CÁC TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC” TỔ CHỨC TẠI TỈNH ĐIỆN BIÊN NGÀY 17/10/2014
Ngày 17 tháng 10 năm 2014, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị Tăng cường chất lượng công tác y tế cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Viện, Bệnh viện, Trường đại học Y, Dược và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và UBND một số tỉnh miền núi phía Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, trung tâm y tế huyện; Đại diện một số Bộ, Ban, Ngành Trung ương.
Hội nghị đã nghe các báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, báo cáo của một số Vụ, Cục chức năng; báo cáo tham luận của một số Sở Y tế và ý kiến tham luận của đại diện các đơn vị tham gia Hội nghị. Các bài báo cáo trình bày và các ý kiến tham luận đã tập trung vào một số thành tựu, khó khăn, vướng mắc đối với công tác y tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là y tế cơ sở. Các khó khăn chủ yếu là thực trạng kinh tế - xã hội, điều kiện địa lý, khí hậu khó khăn, khắc nghiệt, đời sống văn hóa của nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc còn khó khăn hơn rất nhiều so với các vùng khác và so với trung bình của cả nước. Các chỉ số về y tế, sức khỏe còn thấp khá xa so với trung bình của cả nước và so với các vùng có điều kiện kinh tế phát triển.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo trình bày về định hướng phát triển, ưu tiên đầu tư của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế thời gian tới cho khu vực miền núi phía Bắc để góp phần đạt được những mục tiêu của lĩnh vực y tế đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong từng thời kỳ.
Sau khi đã nghe báo cáo trình bày và phát biểu tham luận của Bộ Y tế, của các đại biểu Trung ương và địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tóm tắt một số kết luận:
1. Trong phạm vi thời gian rất ngắn để nghe báo cáo và phát biểu tham luận, Hội nghị mới chỉ đề cập đến những nội dung của công tác y tế cơ sở. Tập trung vào những vấn đề ưu tiên, quan trọng trong thời điểm hiện tại cũng như sau này.
2. Các chỉ tiêu y tế và sức khỏe, đặc biệt là các chỉ tiêu MDGs sẽ cần phải được đặc biệt quan tâm ở khu vực miền núi phía Bắc để góp phần hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nước.
3. Các tỉnh tập trung xây dựng các Đề án và một số việc trọng tâm sau:
a. Đề án thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ MDGs theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-CP: ưu tiên triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng chống Suy dinh dưỡng, Tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ và Quốc hội ưu tiên các nguồn lực để thực hiện, trước hết là sử dụng nguồn kinh phí ứng trước từ vốn do EU viện trợ giai đoạn 2015-2017.
b. Đề án tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.
c. Đề án phát triển y tế xã: xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trạm và cung cấp trang thiết bị cho trạm y tế xã. Đối với những trạm y tế xã có đủ năng lực về số lượng và cơ cấu cán bộ thì có thể hỗ trợ đầu tư thêm các trang thiết bị khám, chữa bệnh hoàn chỉnh: máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệp sinh hóa,...
d. Tiếp tục đầu tư cho y tế tuyến huyện, tập trung ưu tiên cho khối y tế dự phòng tuyến huyện.
e. Xây dựng và thực hiện đề án luân phiên cán bộ về công tác tại y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu vùng xa để hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn và đào tạo trực tiếp ngay tại chỗ cho cán bộ y tế tuyến dưới.
f. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình đào tạo cho hợp lý. Đào tạo liên thông, đào tạo cử tuyển chỉ là tình huống giải quyết các khó khăn trước mắt về công tác cán bộ.
g. Triển khai tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động về y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Các hoạt động này phải luôn được gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã.
h. Mỗi tỉnh lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp cho khoảng 05 trạm y tế xã hoàn chỉnh để đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã dự kiến sẽ ký ban hành sớm ngay sau khi đã được Vụ Tổ chức cán bộ cho ý kiến thẩm định lần cuối (Tiêu chí mới). Ngân sách thực hiện dự kiến sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ của EU giai đoạn 2015-2017.
i. Các tỉnh xây dựng đề án phát triển tổng thể nguồn nhân lực y tế, nhất là nhân lực cho y tế cơ sở. Đánh giá về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ cấu cán bộ: đa khoa, chuyên khoa, YHCT, RHM,... bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh,... và chia theo nhu cầu của từng tuyến. Đồng thời ước lượng, tính toán số cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu, lập bảng ma trận để từ đó đưa ra số liệu thực về nhu cầu cán bộ của từng địa phương.
j. Các tỉnh tự đề xuất quy mô, hình thức, nhu cầu và tiến độ đào tạo cán bộ sao cho thích hợp với điều kiện riêng của từng tỉnh: số lượng, cơ cấu, loại hình đào tạo, nhu cầu về số lượng, chất lượng, nhu cầu của các tuyến,...
k. Các tỉnh cần quan tâm, lưu ý đến chính sách thu hút cán bộ: lương, trợ cấp, nơi ở,... Thời hạn thực hiện chính sách thu hút đã vừa đủ 5 năm, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch tích cực đề xuất với Chính phủ và Bộ Tài chính tiếp tục hỗ trợ chính sách này.
l. Về các nguồn lực đầu tư: Huy động từ Trái phiếu Chính phủ, bổ sung các nguồn ODA và huy động cộng đồng, doanh nghiệp hỗ trợ. Trước hết là hỗ trợ xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và cung cấp trang thiết bị.
m.Tập trung nghiên cứu các hình thức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho hợp lý, phù hợp với từng điều kiện và hoàn cảnh để thực hiện tốt các chỉ tiêu MDGs, sử dụng các công trình vệ sinh môi trường, phòng chống HIV/AIDS, dân số, kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính.
n. Về bộ máy tổ chức: tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các mô hình tổ chức y tế địa phương: giảm đầu mối để tăng thêm nguồn lực cán bộ. Tiếp tục nghiên cứu những khó khăn và tính ưu việt của mô hình 2 trong 1 của y tế tuyến huyện.
o. Nghiên cứu để thành lập các mô hình CDC, FDA tuyến tỉnh sao cho hợp lý. Ủy ban nhân dân các tỉnh tự quyết định trên cơ sở tư vấn của ngành y tế và nội vụ của các tỉnh. Số cán bộ dôi dư sẽ được sắp xếp cho hợp lý, hiệu quả, tránh xáo trộn nhiều.
p. Mô hình y tế được sắp xếp, chỉ đạo theo ngành dọc từ tuyến tỉnh đến tuyến xã để thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành và huy động nguồn lực trong mọi điều kiện.
q. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu áp dụng phương pháp tính đúng, tính đủ. Nghiên cứu thí điểm để triển khai thực hiện tính đầy đủ giá dịch vụ y tế ở các tuyến.
r. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho y tế, đặc biệt là cho tuyến y tế cơ sở.
s. Tiếp tục triển khai áp dụng đề án giảm tải bệnh viện. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành sơ kết 1 năm thực hiện để rút kinh nghiệm triển khai trong thời gian tiếp theo.
Trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả của hội nghị này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị tại khu vực Tây Nguyên và Hội nghị toàn quốc về Tăng cường Y tế cơ sở trong tình hình mới dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12 năm 2014.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ xin thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến để các đơn vị biết, triển khai thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2034/BYT-K2ĐT năm 2014 tăng cường chất lượng công tác đào tạo liên tục cán bộ y tế do Bộ Y tế ban hành
- 2 Nghị quyết 05/NQ-CP năm 2014 về đẩy mạnh thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế do Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 1378/BHXH-CSYT về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành