Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 115-TB/TW

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐỀ ÁN “PHÁT HIỆN, XÁC ĐỊNH, QUYẾT ĐỊNH KIỂM TRA TỔ CHỨC ĐẢNG CẤP DƯỚI, ĐẢNG VIÊN KHI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM”

Tại phiên họp ngày 04-12-2012, sau khi nghe Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Đề án “Phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm”, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận:

I- Trong thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban kiểm tra các cấp theo Điều 32, Điều lệ Đảng đã từng bước đi vào nền nếp. Hằng năm, số lượng, chất lượng và kết quả các cuộc kiểm tra đều tăng. Nhiều nơi đã phát hiện tương đối đầy đủ, kịp thời, lựa chọn, xác định chính xác nội dung dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để quyết định kiểm tra; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và những địa bàn dư luận có nhiều bức xúc, nổi cộm.

Qua kiểm tra, đã kết luận và xử lý kỷ luật tương đối kịp thời, nghiêm minh, góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng; giữ nghiêm kỷ luật đảng và phòng ngừa vi phạm, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Qua thực hiện các cuộc kiểm tra, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ kiểm tra các cấp từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, việc phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm còn có những hạn chế, khuyết điểm. Công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra chưa chủ động, thiếu toàn diện, chưa tương xứng với thực tế tình hình dấu hiệu vi phạm đã xảy ra. Việc phát hiện dấu hiệu vi phạm thông qua công tác giám sát, kiểm tra chấp hành, sinh hoạt đảng, qua quản lý, giáo dục đảng viên còn ít; thường dựa vào kết quả thanh tra, kiểm tra của các ngành khác làm căn cứ để xác định dấu hiệu vi phạm, dẫn đến bỏ sót nội dung, đối tượng kiểm tra và làm hạn chế kết quả kiểm tra. Không ít nơi, công tác sàng lọc thông tin để xác định dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên chưa kỹ, chưa chắc chắn; chưa quyết định kiểm tra những lĩnh vực phức tạp, nghiêm trọng, dẫn đến chất lượng, hiệu quả kiểm tra chưa cao. Nhiều nơi còn lúng túng trong việc xác định đối tượng kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng ở cơ sở hoặc tổ chức đảng cấp dưới; chưa tập trung kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; chưa quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm từ khi còn manh nha, chỉ khi sai phạm đã rõ, gây dư luận xấu mới tiến hành kiểm tra. Kết quả quyết định kiểm tra chưa phản ánh đúng thực tế về tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, làm hạn chế tính phòng ngừa, tính chiến đấu, tính giáo dục và hiệu quả kiểm tra.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, khuyết điểm trên là do: Vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng tinh vi, phức tạp về tính chất, mức độ và quy mô nên khó phát hiện. Một số quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa phù hợp, thiếu đồng bộ, còn chồng chéo, sơ hở. Quy định, hướng dẫn của Trung ương về dấu hiệu vi phạm, căn cứ, cơ sở để nhận biết, phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Một số cấp ủy, Ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra, đảng viên, kể cả người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa nêu cao trách nhiệm và quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, còn có biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc sợ ảnh hưởng đến thành tích, uy tín nên né tránh việc kiểm tra. Nhiều chi bộ chưa chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha. Cơ chế phối hợp công tác giữa Ủy ban kiểm tra các cấp với một số ban, ngành liên quan chưa chặt chẽ. Nhiều cấp ủy ở cấp huyện và cơ sở chưa xây dựng quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để tổ chức thực hiện thống nhất. Đội ngũ cán bộ kiểm tra cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, còn hạn chế về trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, thiếu chủ động trong nắm tình hình, đề xuất việc kiểm tra.

II- Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phát hiện, xác định, quyết định và tổ chức thực hiện kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành đồng bộ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Thường xuyên nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các quy định của Đảng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; từ đó, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện.

2- Kiện toàn Ủy ban kiểm tra các cấp, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban kiểm tra ngang tầm và củng cố đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thử thách, đấu tranh kiên quyết trước bất kỳ sự can thiệp không đúng đắn từ tập thể, cá nhân cấp trên, doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban kiểm tra cấp trên với Ủy ban kiểm tra cấp dưới và đảng viên trong thực hiện việc phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm, quyết định kiểm tra và tổ chức kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

3- Ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu, giúp cấp Ủy ban hành và chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra với các tổ chức có liên quan để thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra các vụ phức tạp, nghiêm trọng để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, nâng cao tính giáo dục và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.

4- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả, kinh nghiệm, kỹ năng trong việc phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và Tạp chí Kiểm tra để cán bộ, đảng viên hiểu rõ và có trách nhiệm phát hiện, phản ảnh kịp thời dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; để Ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra các cấp tham khảo, vận dụng.

5- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, gắn với cải tiến lề lối, phong cách làm việc; nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo để phục vụ việc phát hiện, xác định và quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

6- Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các quy chế, quy định:

- Quy chế kiểm tra trong Đảng; Quy chế sửa đổi, bổ sung về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành.

- Quy định về trách nhiệm của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra trong công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; Quy định về chế độ, chính sách khuyến khích người dũng cảm, tích cực đấu tranh với sai phạm và bảo vệ cán bộ kiểm tra, trình Ban Bí thư xem xét, ban hành.

7- Đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ, trong đó có việc bố trí cán bộ kiểm tra chuyên trách cho Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn ở nơi có từ 300 đảng viên trở lên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Thông báo kết luận số 68-TB/TW, ngày 30-12-2011 của Bộ Chính trị.

8- Giao Ban Tổ chức Trung ương:

- Tham mưu báo cáo Bộ Chính trị xem xét, ban hành Quy định sửa đổi, bổ sung Quy định về phân cấp quản lý cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 67-QĐ/TW, ngày 04-7-2007 của Bộ Chính trị khóa X, trong đó có xem xét, cân nhắc việc Ban Bí thư quản lý ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cấp ủy viên tỉnh ủy, thành ủy.

- Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương sớm báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định về chế độ phụ cấp đối với những cán bộ kiểm tra các cấp đang hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp ngành nghề nhưng tổng mức các phụ cấp này chưa bằng 30% thì được hưởng đủ 30% như phụ cấp đối với cán bộ các ban đảng.

9- Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ban Bí thư, giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành “Quy định về phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm”. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kết luận và Quy định trên, báo cáo Ban Bí thư.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh