Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ CÔNG BỐ DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN, SƠ KẾT 03 THÁNG VẬN HÀNH CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA VÀ RA MẮT HỆ THỐNG THÔNG TIN BÁO CÁO CHÍNH PHỦ

Ngày 13 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo Hội nghị công bố dịch vụ công trực tuyến, sơ kết 03 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương và 63 địa phương. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Lãnh đạo các bộ, ngành và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng đại diện Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng thương mại, các sở, ban, ngành có liên quan.

Sau khi nghe Văn phòng Chính phủ báo cáo sơ kết 03 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và giới thiệu Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; chứng kiến trải nghiệm người dùng một số dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Cảnh sát giao thông, Quản lý lao động ngoài nước, Tư pháp đã tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong giai đoạn này; cũng như những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Tây Ninh, An Giang, Khánh Hòa, Yên Bái và nhiều địa phương khác thời gian qua đã có đóng góp thiết thực trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, thể hiện sự hưởng ứng tích cực trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp oách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, góp phần thực hiện "thắng lợi kép" mà Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu; số lượng dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra của Chính phủ; còn nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần được bổ sung, tích hợp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; nhiều dịch vụ công trực tuyến cần tiếp tục tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, doanh nghiệp liên quan tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công mức 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

2. Bộ Công an khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng tiến độ, chất lượng, nhất là các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ.

Với các dịch vụ công mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các bộ, cơ quan tập trung thực hiện như sau:

a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và cơ quan liên quan hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đối với nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để triển khai toàn quốc trước ngày 30 tháng 6 năm 2020.

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục kê khai và thu lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để triển khai toàn quốc trước ngày 30 tháng 6 năm 2020; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với kê khai thuế cá nhân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước ngày 15 tháng 4 năm 2020.

c) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc chia sẻ dữ liệu đăng kiểm có ký số để phục vụ cho việc hoàn thiện dịch công trực tuyến kê khai lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, cơ quan liên quan xây dựng dịch vụ công trực tuyến đối với nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông và Đổi giấy phép lái xe mức độ 4 để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước ngày 30 tháng 6 năm 2020.

4. Tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 3 năm 2020.

Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Quốc phòng; Ngoại giao; Công an; Nội vụ; Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 3 năm 2020.

5. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp, cung cấp dịch vụ nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 2020.

6. Bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia; phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.

7. Khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ để sớm hình thành Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính, nhất là việc tích hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2020.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để cập nhật đầy đủ, thể hiện thông tin, dữ liệu, đồ thị, hình ảnh minh họa trực quan sinh động và thể hiện được những vấn đề kinh tế - xã hội nóng, cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 2020.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng Hệ thống đánh giá, giám sát Chính phủ điện tử để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông suốt, hiệu quả, an toàn, an ninh thông tin, trình Chính phủ trước 31 tháng 12 năm 2020.

9. Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan Thường trực về xây dựng Chính phủ điện tử) và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan quản lý, vận hành tốt Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trong đó trước 15 tháng 4 năm 2020 thực hiện phân quyền quản trị hệ thống cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg (để b/c);
- Bộ, cơ quan ngang bộ;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các tập đoàn: EVN, VNPT;
- Các ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, MB, BIDV;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH; TTTH, TTĐT;
- Lưu: VT, KSTT (2).HH

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng