VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2016 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH NINH THUÂN
Ngày 25 tháng 5 năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác khắc phục hạn hán, tình hình thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, thăm một số khu dân cư bị hạn nặng và làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận; cùng dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; về phía tỉnh Ninh Thuận có các đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ý kiến của các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng đã kết luận, chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2015, 2016, Ninh Thuận triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng rất cao của Đảng bộ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Ninh Thuận vẫn đạt được những kết quả rất quan trọng. Công tác phòng, chống, ứng phó với hạn hán được tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần hạn chế hậu quả do hạn hán, duy trì sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của các Bộ, ngành trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận; đồng thời chia sẻ những khó khăn của địa phương, đặc biệt là của người dân trong điều kiện hạn hán kéo dài.
II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI:
Theo dự báo, tình trạng hạn hán tiếp tục diễn ra, có thể kéo dài tới tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2016. Công tác phòng, chống hạn hán cần được tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt theo các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động của doanh nghiệp, của người dân nhằm ứng phó có hiệu quả với thiên tai.
1. Về nhiệm vụ trước mắt:
a) Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận:
- Tiếp tục chỉ đạo rà soát, hỗ trợ kịp thời nhân dân, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nước sinh hoạt, lương thực cho người dân, kiên quyết không để hộ dân nào thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn do sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hoặc không sản xuất được do hạn hán để người dân có cuộc sống ổn định; không để bùng phát dịch bệnh.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống hạn.
- Chủ động triển khai các phương án phòng, chống cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
- Chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Hè Thu 2016 phù hợp tình hình nguồn nước và diễn biến thời tiết; chủ động chuyển đổi sản xuất hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại nếu không bảo đảm nguồn nước.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá cụ thể nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước của các hồ chứa, trong đó cân đối, ưu tiên nhu cầu nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao, tiếp tục phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động phòng, chống, ứng phó hạn hán hiệu quả, ổn định đời sống nhân dân.
2. Nhiệm vụ lâu dài:
- Để bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất lâu dài, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền được giao chủ động rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước, quy hoạch sử dụng đất; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước, diễn biến của biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên cấp bách như các dự án như Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (đập dâng Tân Mỹ, hồ sông Cái), các dự án xây dựng hồ Bà Râu, hồ Sông Than tới hồ Tân Mỹ) và 4 dự án thủy lợi cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai, chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn để thực hiện.
- Tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn), gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp và đô thị để tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm lao động trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Có kế hoạch huy động các nguồn lực cho phát triển hệ thống hạ tầng đô thị.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng phối hợp, hỗ trợ địa phương về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn và đô thị.
- Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là các dự án công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư thủy điện tích năng Bắc Ái, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, có chính sách thu hút đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, góp phần tạo đột phá chuyển dịch lao động và cơ cấu kinh tế của địa phương.
- Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát tổng thể các quy hoạch, các dự án, đề xuất các dự án ưu tiên trong trung hạn và dài hạn để tập trung huy động nguồn lực, từng bước đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đưa các dự án cấp bách vào kế hoạch đầu tư trung hạn để huy động các nguồn vốn thực hiện theo các hình thức đầu tư phù hợp với từng dự án cụ thể.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về hỗ trợ gạo cứu đói đợt 2 năm 2016: Đồng ý tiếp tục hỗ trợ gạo cứu đói theo đề nghị của tỉnh. Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy định.
2. Về hỗ trợ giống cây trồng để tái sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ thiệt hại cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vắc xin phòng, chống dịch trên gia súc; hỗ trợ kinh phí thuê phương tiện chở nước sinh hoạt cho nhân dân, thức ăn cho gia súc đối với các hộ khó khăn: Giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính rà soát, xử lý theo thẩm quyền, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Về đầu tư dự án hồ Sông Cái và hệ thống thủy lợi Tân Mỹ: Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cấp quyết định đầu tư. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và ưu tiên bố trí các nguồn vốn để thực hiện.
4. Về bố trí vốn triển khai thực hiện 04 dự án thủy lợi, cấp nước quan trọng cấp bách (Đập hạ lưu Sông Dinh; hệ thống kênh cấp 2, 3 hồ Sông Biêu; Hệ thống kênh cấp 2, 3 hồ Lanh Ra; Hệ thống cấp nước Sơn Hải): Đây là các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai để hoàn thành đưa vào sử dụng phòng, chống hạn. Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tiếp tục cân đối, bố trí vốn để thực hiện các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 25 tháng 4 năm 2015 và văn bản số 1684/TTg-KTN ngày 22 tháng 9 năm 2015.
5. Về đầu xây dựng, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi khác: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp ưu tiên, đề xuất tổng hợp trong kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn lực để thực hiện.
6. Đối với Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ
a) Về điều chỉnh quy mô dự án, bố trí kinh phí hỗ trợ nhiễm mặn phát sinh. Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3128/VPCP-KTTH ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ.
b) Về bố trí vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại của dự án và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
c) Về bổ sung dự án di dân, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho 855 hộ dân vùng bị nhiễm mặn vào Dự án: Tỉnh thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 277/TB-VPCP ngày 13 tháng 8 năm 2015, tổ chức lập thành dự án riêng, thẩm định, phê duyệt dự án và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công.
d) Về các kiến nghị khác (cử chuyên gia tư vấn giải quyết tình hình thoát lũ, đánh giá tổng thể, đề xuất khắc phục tồn tại của dự án; thẩm định, phê duyệt lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, ...): Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ rà soát, xử lý theo thẩm quyền; đối với các vấn đề vượt thẩm quyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về một số kiến nghị thuộc lĩnh vực giao thông vận tải:
a) Về đầu tư bổ sung một số hạng mục của dự án nâng cấp Quốc lộ 1A (nút giao kết nối giữa Quốc lộ 1A và đường vào thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, đèn tín hiệu tại các vị trí giao cắt, bổ sung hệ thống chiếu sáng,...): Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý theo thẩm quyền; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Về đầu tư hoàn chỉnh 12,9 km còn lại của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 27 qua địa bàn Ninh Thuận: Đồng ý, giao Bộ Giao thông vận tải cân đối bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 của Bộ để thực hiện.
c) Về hỗ trợ chi phí xây dựng khu tái định cư phục vụ di dân, giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27: Bộ Giao thông vận tải đưa vào kế hoạch sử dụng nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 và xử lý theo thẩm quyền.
d) Về hỗ trợ kinh phí di dời hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ giải phóng mặt bằng của Dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Ninh Thuận: Giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 119/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 116/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2011-2015 và phương hướng công tác giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 110/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông báo 277/TB-VPCP năm 2015 về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Thông báo 150/TB-VPCP năm 2015 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về công tác chống hạn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Luật Đầu tư công 2014
- 1 Thông báo 119/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 116/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2011-2015 và phương hướng công tác giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 110/TB-VPCP năm 2016 về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" do Văn phòng Chính phủ ban hành