VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG LÊ MINH KHÁI TẠI CUỘC HỌP VỀ THUẾ SUẤT TỐI THIỂU TOÀN CẦU, TÁC ĐỘNG VÀ ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Ngày 31 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo, đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan phát biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến như sau:
1. Đánh giá cao Bộ Tài chính về kết quả nghiên cứu, thời gian hoàn thành báo cáo “chính sách Thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động đến Việt Nam”. Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính mới chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
2. Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Vì thế, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước “nguồn” cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.
3. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn, theo đó tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi sau: (i) Quá trình hình thành và nội hàm Thuế suất tối thiểu toàn cầu; (ii) Khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia; (iii) Làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua; (iv) phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: Ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; (v) giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.
4. Hồ sơ tài liệu bao gồm: Báo cáo của Bộ Tài chính về thuế suất tối thiểu toàn cầu; Tờ trình Chính phủ theo mẫu; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Bộ Tài chính báo cáo Tổ trưởng trước ngày 15 tháng 4 năm 2023, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Công văn 3148/TCT-CS năm 2018 về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tư vấn, hỗ trợ du học của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Dương Việt Nam do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 4185/TCT-CS năm 2018 về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động mua bán hàng hóa mà điểm giao nhận tại cảng Việt Nam do Tổng cục Thuế ban hành
- 3 Thông báo 376/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về nội dung dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 22/QĐ-TCTĐB năm 2023 Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD