VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 125/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 2012
Ngày 22 tháng 3 năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dự Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2011 và phương hướng thực hiện năm 2012. Tham dự Hội nghị có thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127 Trung ương), Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số Bộ, ngành liên quan và một số hiệp hội ngành hàng. Sau khi nghe Ban Chỉ đạo 127 Trung ương báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:
1. Về tình hình và kết quả năm 2011
Công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2011 đã được Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và địa phương, các bộ, ngành, lực lượng chức năng tích cực thực hiện; tổ chức bộ máy các Ban Chỉ đạo 127 địa phương tiếp tục được kiện toàn; trang thiết bị được tăng cường một bước; đã đề ra được một số giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đối với khoáng sản, rượu, thuốc lá, xăng dầu, sắt thép v.v… Kết quả phát hiện, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác của các lực lượng chức năng vẫn còn thiếu, lạc hậu; năng lực cán bộ, chiến sỹ các lực lượng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu.
2. Về nhiệm vụ năm 2012
Năm 2012, dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ phải đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu cao của tất cả các cơ quan, lực lượng chức năng. Căn cứ phương hướng nhiệm vụ về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2012 mà Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đề ra; yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và các địa phương, các bộ, ngành liên quan và các lực lượng chức năng tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
a) Ban Chỉ đạo 127 Trung ương
- Chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tập trung triển khai toàn diện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách.
- Tổng hợp, dự báo tình hình, hoàn thiện hệ thống thông tin về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để kịp thời cập nhật, phổ biến, chia sẻ thông tin đến các lực lượng chức năng cả trung ương và địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan và Ban Chỉ đạo 127 các địa phương xác định những mặt hàng, tuyến, địa bàn trọng điểm buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để có kế hoạch và giải pháp tập trung đấu tranh, ngăn chặn; hoàn thành việc xây dựng cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các lực lượng chức năng trên các tuyến trọng điểm (đường sắt, đường bộ từ biên giới vào nội địa) để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ).
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Ban Chỉ đạo 127 các địa phương, các ngành có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu kém chất lượng.
- Tổng hợp nhu cầu về trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của các lực lượng chức năng trung ương, địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính để có phương án giải quyết phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới với các nước láng giềng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật và vận dụng, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng xấu đến uy tín của hàng Việt Nam.
c) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan:
- Khẩn trương xây dựng Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ;
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực để phục vụ công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;
- Đánh giá hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa, làm rõ những hạn chế, bất cập để đề xuất biện pháp chấn chỉnh hoạt động này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2012.
d) Ban Chỉ đạo 127 địa phương, lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả gian lận thương mại của trung ương và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện cụ thể tại địa bàn mình phụ trách, khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch xác định nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện ngay; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong các lực lượng chức năng; xây dựng kế hoạch thường xuyên đào tạo, đào tạo lại cán bộ, chiến sỹ để kịp thời cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng tốt yêu cầu công tác; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, ngăn chặn và loại trừ tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra ngay việc lập cảng, bến bãi mua gom, tập kết, tiêu thụ than trái phép để có biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất lậu than, khoáng sản trên tuyến đường biển.
Ban Chỉ đạo 127 Trung ương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là tại các tuyến và địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện những vấn đề, điểm nóng để có biện pháp xử lý; vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, các cơ quan liên quan, địa phương biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |