Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 135/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HƯNG YÊN

Ngày 11 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch đại học Phố Hiến; thăm cơ sở sản xuất Công ty May cổ phần Hưng Yên và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2009, 4 tháng đầu năm 2010; mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2010 và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tập trung triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh: tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt 11,22%.

Năm 2009, trong bối cảnh khó khăn chung do chịu tác động xấu của suy giảm kinh tế và thiên tai, dịch bệnh nhưng Tỉnh đã có nhiều cố gắng, đạt tăng trưởng kinh tế 7,01%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững; công tác dạy nghề được quan tâm, chú trọng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể (từ 11% năm 2006 xuống còn 5% năm 2009); cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, Hưng Yên vẫn là một tỉnh mà lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, sản xuất còn manh mún; quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; công nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa có sản phẩm nổi trội, chưa có thương hiệu và sức cạnh tranh; hạ tầng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, khám chữa bệnh cho nhân dân, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển.

Tỉnh cần tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được trong các năm qua, khắc phục các tồn tại, hạn chế, phát huy lợi thế về địa lý, tiềm năng, thuận lợi để sớm đưa tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh thuận lợi mới của đất nước.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI   

Năm 2010 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) và là năm có ý nghĩa quan trọng để Hưng Yên cũng như cả nước hoàn thành kế hoạch mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch từ nay đến hết năm 2010 và các năm tiếp theo, Tỉnh cần lưu ý một số việc sau:

1. Với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, gần sân bay và cảng biển, với hạ tầng ngày càng phát triển, nhất là giao thông, có nguồn nhân lực đông và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao, Tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế trên để phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu trong 5 năm tới Hưng Yên phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời là trung tâm dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, quản lý chặt chẽ không để tự phát triển, tràn lan, thiếu kiểm soát;

2. Tập trung chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ chính trị chủ yếu: phấn đấu thực hiện thắng lợi các kế hoạch đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, gắn với tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp;

3. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, trong đó quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục và đào tạo không chỉ cho Hưng Yên mà cho cả vùng tiếp giáp, quy hoạch sử dụng đất trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo hạn chế sử dụng đất lúa vào mục đích khác và đáp ứng yêu cầu phát triển;

4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào đầu tư tại Tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực như công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao;

5. Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, nhất là dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng suất lao động; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH  

1. Về đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam để thống nhất quy hoạch, hướng tuyến kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, trên cơ sở đó lập dự án đầu tư và trình duyệt theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Hưng Yên về nguồn vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Về đề án đầu tư xây dựng Khu Đại học Phố Hiến: Tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng và ban hành quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất với tỉnh Hưng Yên đề xuất về nguồn vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Phố Hiến: Đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn tất thủ tục đầu tư và trình duyệt theo quy định.

4. Về hỗ trợ vốn đầu tư các dự án, công trình cấp bách: nâng cấp mở rộng mặt đê sông Hồng, đê sông Luộc; nạo vét, mở rộng sông Cửu An - Đồng Quê và sông Điện Biên; nâng cấp đường 200 và các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế và nhà ở sinh viên: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các công trình cấp bách, xác định cụ thể dự án, công trình thuộc Trung ương, địa phương, cơ cấu nguồn vốn và làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để xử lý theo hướng:

- Đối với các dự án, công trình đã có trong danh mục (vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách trung ương năm 2010, nguồn vốn ODA…): Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân; trường hợp vốn kế hoạch năm 2010 đã sử dụng hết, Bộ Tài chính xem xét ứng trước vốn kế hoạch năm 2011 để Tỉnh thực hiện.

- Đối với các dự án mới, chưa có trong danh mục, kế hoạch được duyệt: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và làm việc cụ thể với các Bộ, ngành liên quan, xác định nguồn vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện.

5. Về đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng và sân vận động; Tỉnh làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiến hành lập dự án và trình duyệt theo quy định.

6. Về việc nâng cấp đô thị Phố Nối lên thị xã: Tỉnh lập dự án, làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và trình duyệt theo quy định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, TKBT, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, ĐP (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM  




Phạm Văn Phượng