Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135a/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Ngày 31 tháng 3 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe người dân và kinh tế - xã hội nước ta, việc sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra (Nghị quyết) là cần thiết và rất cấp bách.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để dự thảo Nghị quyết, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 03 năm 2020, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

a) Chính sách hỗ trợ người dân phải tuân thủ các nguyên tắc hỗ trợ sau: (i) Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; (ii) Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; (iii) Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; các tiêu chí đơn giản, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện và dễ quản lý, giám sát; (iv) Có phương án bố trí nguồn lực, phân bổ phù hợp giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

b) Đối tượng, mức hỗ trợ như sau:

- Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

- Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

- Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

- Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

- Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát các đối tượng được hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; trên cơ sở đó, xác định tổng mức hỗ trợ của các chính sách nêu tại Nghị quyết.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn với lãi suất 0% để cho người sử dụng lao động vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và tiếp tục xử lý chặt chẽ vấn đề này không để lại hậu quả.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ, dự thảo báo cáo của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 4 năm 2020.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đàm phán với các tổ chức quốc tế (IMF, ADB, WB) để tham gia các gói hỗ trợ của các tổ chức này, bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước, kịp thời đáp ứng các nhu cầu chi phát sinh.

4. Các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện các chính sách, giải pháp tổng thể của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ: KHĐT, TC, CT, LĐTBXH, NNPTNT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
các Vụ: TH, QHQT, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, KTTH (3)h.Dương

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân