Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Ngày 24 và 25 tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; dự Chương trình Lễ Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V; kiểm tra tiến độ một số dự án giao thông trên địa bàn và các hoạt động khác. Cùng tham dự với Thủ tướng Chính phủ có các đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình kinh tế - xã hội và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hóa đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là 07 di sản được UNESCO ghi danh có 05 di sản của riêng Huế và 02 di sản chung với các địa phương khác; là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa, văn hóa cung đình với văn hóa dân gian. Người dân văn minh, lịch thiệp, tinh tế, hiếu khách, có truyền thống hiếu học lâu đời và khát khao làm giàu cho quê hương, đất nước. Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Năm 2022, Tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ. Nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; chuyển đổi số được đẩy mạnh. Quý I năm 2023, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 9,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng 3,5%; lượng khách du lịch tăng hơn 2,1 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 55 lần so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư. Một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành một số lĩnh vực. Đời sống vật chất của một bộ phận người dân còn khó khăn.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Bám sát các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26-TQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019.

2. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt hơn, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phát huy mạnh mẽ điều kiện tự nhiên địa chính trị, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

3. Làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của Tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý II năm 2023. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế. Chú trọng phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp phụ trợ; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh, phát huy phong trào Ngày Chủ nhật xanh - xây dựng, phát triển Huế xanh, sạch, đẹp và nghiên cứu xây dựng thí điểm Đề án phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó nhân rộng ra toàn quốc.

5. Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có; phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đến đầu tư; làm tốt quảng bá, tuyên truyền, nhất là các chương trình Festival Huế.

6. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Thừa Thiên Huế; “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng. Giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

7. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

8. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, cần khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án nhà ở trên địa bàn Tỉnh, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.

9. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

10. Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí: Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tâm, tận tụy, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về việc xây dựng Đề án “Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”: Tỉnh khẩn trương rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật để hoàn thiện Đề án “Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”; giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Về Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bám sát các chủ trương, cơ chế, chính sách mới ban hành của Đảng và Nhà nước để xây dựng và khẩn trương hoàn thiện Đề án mới sát thực tế, có tính khả thi cao, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan tham gia ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Về việc bổ sung nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 dự án tuyến đường bộ ven biển cầu Thuận An: Căn cứ ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc, đề nghị Tỉnh có văn bản báo cáo rõ tình hình thực hiện vốn của dự án; trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất hỗ trợ vốn cho Dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đối với dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn và các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định khi có điều kiện về nguồn vốn.

4. Về đầu tư hệ thống đường lăn, sân bay Quốc tế Phú Bài: Trường hợp cần thiết đầu tư đường lăn đồng bộ với nhà ga T2, bảo đảm khai thác hiệu quả cảng hàng không quốc tế Phú Bài, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu các phương án đầu tư hệ thống đường lăn, sân bay Quốc tế Phú Bài, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

5. Về đầu tư nâng cấp đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan (quy mô 4 làn xe): Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, quyết định việc đầu tư Dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

6. Về việc mở rộng phạm vi Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế” để di dời các hộ dân tại các khu vực thuộc quần thể di tích cố đô Huế nằm ngoài Kinh thành Huế và áp dụng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, đã thực hiện đối với dự án (giai đoạn 1) để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng (giai đoạn 2): Việc tiếp tục di dời các hộ dân còn lại tại khu vực di tích là cần thiết, để sớm quy hoạch, bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Cố đô Huế; giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở rộng phạm vi Đề án để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh Đề án; xây dựng Khung chính sách về bồi thường, tái định cư gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm tra, bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiệu quả, khả thi và đúng quy định; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

7. Về đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, xem xét ưu tiên đầu tư Dự án khi có điều kiện về nguồn vốn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

8. Về Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”: Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 quy định về điều kiện, quy trình thành lập, chuyển đổi hoặc phát triển đại học vùng thành đại học quốc gia, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Trên cơ sở đó sẽ xem xét kiến nghị này của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với Đề án xây dựng “Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung”: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương tại Thông báo kết luận số 269/TB-VPCP ngày 18 tháng 10 năm 2021; Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo Đại học Huế khẩn trương hoàn thiện Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý II năm 2023.

9. Về việc đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa các dự án nâng cấp hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế và dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa và phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

10. Về đầu tư xây dựng Bảo tàng cổ vật cung đình Huế: Việc gìn giữ bảo tồn các giá trị cổ vật cung đình Huế qua các thời đại là cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng và xác định vị trí phù hợp; việc trưng bày, giới thiệu cổ vật cung đình Huế cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phải khoa học, hiện đại; kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế; đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm ẩm thực Huế theo quy định.

11. Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan triển khai, thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với địa phương.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, TC, GTVT, NNPTNT,
TNMT, VH,TTDL, XD, NV, GDĐT, KHCN,
YT, CT; TCT Cảng HKVN (ACV);
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP,
Cổng TTĐTCP, các Vụ: KTTH, CN, KGVX,
TKBT, NC, TH;
- Lưu: VT, QHĐP (3)Th

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục