- 1 Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4 Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/TB-VPCP | Hà Nội ngày 08 tháng 4 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ QUY HOẠCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Ngày 27 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng) theo Tờ trình số 1891/TTr-BKHĐT ngày 15 tháng 3 năm 2024 và Báo cáo số 2204/BC-BKHĐT ngày 25 tháng 3 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt, báo cáo của Văn phòng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
1. Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng và cả nước. Vùng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.
Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
2. Để sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tiếp thu, chắt lọc tối đa các ý kiến của Thường trực Chính phủ và các đại biểu tại cuộc họp, cách thể hiện cần mạch lạc hơn, cần có đột phá về thể chế, trong đó lưu ý một số nội dung sau:
a) Rà soát nội dung Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng cần bám sát, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022[1], số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022[2], số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị[3]; các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến vùng và các địa phương trong vùng về đô thị, năng lượng, công nghiệp, văn hóa và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội[4] về Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
b) Làm sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng trong tổng thể quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng; xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian vừa qua để có giải pháp phù hợp, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể mang tính đột phá để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại quy hoạch vùng.
c) Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và có tính lâu dài, ổn định, sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên nước; phải phát huy tối đa được tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh cho vùng để trở thành vùng động lực phát triển đi đầu trong cả nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, có vai trò định hướng dẫn dắt văn hóa, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.
d) Một số nội dung cụ thể cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng:
- Vùng đồng bằng sông Hồng đang được đề xuất tổ chức không gian phát triển vùng theo 2 tiểu vùng, 1 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng và 5 hành lang kinh tế; đề nghị phân tích, làm rõ sự cần thiết, tính hợp lý việc quy hoạch tỉnh Bắc Ninh là 1 cực tăng trưởng.
- Rà soát quy hoạch với phương án kịch bản tăng trưởng cao, có cơ chế chính sách đột phá và đủ mạnh để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
- Nghiên cứu, bố trí nội dung quy hoạch rõ ràng, mạch lạc hơn theo tổ chức các không gian (giao thông, văn hóa, các dòng sông, phát triển, khoa học và đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, công trình ngầm…), trong đó lưu ý một số không gian:
+ Không gian phát triển giao thông: nghiên cứu, mở rộng phát triển, tổ chức giao thông cho phù hợp, có tính đột phá nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông trong khu vực và liên kết vùng, rà soát, bổ sung: đẩy mạnh quy hoạch đường sắt và tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà Nội; phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Hồng); Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc; rà soát các tuyến đường kết nối hành lang công nghiệp, bảo đảm kết nối giao thông, giảm thiểu chi phí logistic để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; Nghiên cứu vị trí hợp lý sân bay thứ 2 - Sân bay quốc tế trung chuyển lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, dự phòng cho sân bay Quốc tế Nội Bài tại khu vực phù hợp của Vùng đồng bằng sông Hồng, tiết kiệm đất đai; rà soát không gian phát triển giao thông phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành lĩnh vực giao thông.
+ Không gian văn hóa: phân tích, nêu bật các đặc trưng lớn, điểm nhấn văn hóa của vùng (lịch sử, văn hóa lúa nước, nhà Trần…) gắn kết với việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển kinh tế du lịch; xây dựng giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư tạo ra các không gian, công trình văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
+ Không gian các dòng sông: khôi phục và làm “sống” các dòng sông, gắn kết văn hóa lưu vực các dòng sông trong khu vực; tăng cường phát triển giao thông thủy nội địa trong vùng và liên kết vùng, phát huy các lợi thế của du lịch dọc theo các tuyến đường thủy.
+ Không gian phát triển đô thị: nghiên cứu, rà soát bố trí phát triển không gian đô thị hợp lý, quy hoạch đô thị hướng tới không gian xanh, thông minh, hiện đại, gắn kết với giao thông công cộng; Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, định hướng quy hoạch di dời ra khỏi nội đô các cơ sở sản xuất, một số đơn vị sự nghiệp, các cơ sở nghiên cứu lớn,… để giảm tải áp lực hạ tầng.
- Rà soát phương án phân chia tiểu vùng để phải phát huy được lợi thế, bảo đảm mục tiêu gắn kết, tương hỗ trong tiểu vùng và liên kết hiệu quả trong toàn vùng, bảo đảm mục tiêu phát triển chung của vùng.
- Rà soát phương án xác định các cực tăng trưởng của vùng với mục tiêu là trọng tâm đóng góp GPD cho vùng và cả nước, có dư địa phát triển trong thời gian tới. Các cụm tăng trưởng: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định phải có quy hoạch khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo.
- Rà soát nội dung quy hoạch về nguồn lực với tư duy mang tính đột phá để tạo ra nguồn lực, trong đó chú trọng tận dụng, phát huy và khai thác các nguồn lực: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản truyền thống (gắn kết với kinh tế du lịch), con người và hợp tác công tư.
- Sau khi Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt, thực hiện công bố theo quy hoạch theo quy định, làm tốt công tác truyền thông đến các cơ quan, nhà đầu tư, người dân biết để thực hiện hiệu quả quy hoạch.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch liên quan, phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
__________________________
1 Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
2 Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ chính trị về Quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
3 Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
4 Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 1 Công văn 8604/VPCP-KTN năm 2014 rút Đề án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 332/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 5789/VPCP-NN năm 2019 về báo cáo tình hình lập Đề án “Quy hoạch sử dụng đất vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” do Văn phòng Chính phủ ban hành