Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 146/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM BÌNH MINH TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ HAI TỔ CÔNG TÁC THÚC ĐẨY HỢP TÁC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Ngày 21 tháng 5 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (Tổ công tác) chủ trì Phiên họp lần thứ hai Tổ công tác. Cùng dự có các thành viên là Thứ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Công an, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình và đề xuất phương hướng hoạt động của Tổ công tác, ý kiến của các thành viên Tổ công tác, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh kết luận như sau:

Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành trong Tổ công tác đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của Tổ công tác đề ra tại Phiên họp lần thứ nhất. Các Bộ, ngành đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm nắm bắt thời cơ, cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới với các Tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu... Về công tác xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương cập nhật, tổng hợp, xây dựng danh sách tập đoàn, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng, đầu tư mới, đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam, gửi các cơ quan liên quan, chủ động tìm hiểu, hợp tác đầu tư. về truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch.

Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài có chất lượng hơn nữa trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Giao các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục triển khai có hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Phiên họp lần thứ nhất Tổ công tác, trong đó lưu ý 03 nhóm nhiệm vụ chính: (i) tham mưu, đề xuất chính sách; (ii) xúc tiến đầu tư; (iii) truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

2. Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và ý kiến các Bộ, ngành tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2021; (ii) hoàn thiện các đề án và báo cáo nêu tại công văn số 1350/VPCP-QHQT ngày 03 tháng 3 năm 2021 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2021; (iii) tổng hợp, cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để xử lý, trình cấp có thẩm quyền xử lý; (iv) khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về các Khu công nghiệp có sẵn hạ tầng; (v) kiện toàn danh sách Tổ công tác.

3. Về một số nội dung, đề xuất kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài:

- Bộ Tài chính: (i) xem xét, có giải pháp thỏa đáng xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về thuế nhà thầu đế đảm bảo sức cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; (ii) kiến nghị giải pháp đối với thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; (iii) đẩy mạnh giải quyết dứt điểm các phản ánh, khiếu nại về việc áp dụng chính sách thuế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bảo đảm nhất quán, đúng quy định; (iv) nghiên cứu sớm sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Bộ Tài chính phù hợp với thực tế.

- Bộ Công Thương: (i) khẩn trương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng cấp giấy phép khảo sát dự án điện gió ngoài khơi; (ii) xem xét khả năng đưa các dự án năng lượng phù hợp vào chương trình làm việc của các hiệp định thương mại tự do với các nước; (iii) xem xét, nghiên cứu bổ sung nguồn năng lượng mới (hydrogen) vào quy hoạch năng lượng.

- Bộ Ngoại giao: chỉ đạo các cơ quan ngoại giao tiếp tục nắm bắt xu hướng điều chỉnh chính sách đầu tư của các nước, xu thế tái định vị sản xuất và tái cơ cấu đầu tư của các Tập đoàn lớn để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất các giải pháp tiếp cận và thúc đẩy xúc tiến đầu tư.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: (i) hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương đối với vấn đề cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (ii) đẩy nhanh việc đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn về lao động có trình độ quản lý, kỹ thuật, đã qua đào tạo phù hợp với xu thế công nghiệp 4.0.

- Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý các cơ quan truyền thông không đưa tin về kế hoạch của các Tập đoàn dự kiến đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi chưa được phép, tránh ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các Tập đoàn.

- Bộ Khoa học và Công nghệ: (i) rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đế hỗ trợ việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; (ii) khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện việc rà soát, tổng hợp tình hình quỹ đất sản xuất tại các địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.

- Bộ Xây dựng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục xây dựng đối với những công trình thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp để phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó đặc biệt lưu ý các địa phương có nhiều dự án đang triển khai của các doanh nghiệp gia công, cung ứng của các Tập đoàn lớn, Tập đoàn đa quốc gia...

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: (i) bố trí mặt bằng đáp ứng yêu cầu về xây dựng khu nhà ở cho người lao động; (ii) cần trao đổi trước, tạo sự đồng thuận với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tránh các quyết định đột ngột, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, các PTTg (để b/c);
- Các Bộ: KHĐT, NG, CA, CT, TC, TTTT, LĐTBXH, NNPTNT, TNMT, KHCN, VHTTDL, GTVT;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Xuân Thành;
các Vụ: PL, NC, KTTH, CN, TKBT, KSTT, KGVX, NN, TH;
- Lưu: VT, QHQT (3).M.A.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân THành