ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/TB-BCĐ | Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2021 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ CHỬ XUÂN DŨNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(tại phiên họp số 96)
16h30 ngày 04/3/2021, tại trụ sở UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo Thành phố) đã tổ chức họp Phiên thứ 96 nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Dự họp tại điểm cầu Thành phố có đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo, các đồng chí Phó Trưởng Ban và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố. Tại điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn; giám đốc các bệnh viện của Thành phố.
Sau khi nghe Sở Y tế báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận chỉ đạo như sau:
I. Nhận định tình hình dịch bệnh và dự báo trong thời gian tới
1. Trên Thế giới
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 1 và các tuần đầu tháng 2 năm 2021, tình hình dịch trên Thế giới có dấu hiệu giảm so với thời gian trước, tuy nhiên tuần cuối tháng 2 và các ngày đầu tháng 3 số ca mắc đã tăng trở lại. Cộng dồn đến nay, Thế giới ghi nhận tổng số 115.725.991 ca mắc, 2.570.017 ca tử vong.
2. Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, số ca mắc đã giảm so với thời điểm trước. Hiện nay chủ yếu ghi nhận tại Hải Dương và hầu hết các ca mắc này là các trường hợp F1 đã được cách ly tại các khu cách ly tập trung. Cộng dồn đến nay nước ta ghi nhận 2.482 ca mắc, 35 ca tử vong.
3. Tại Hà Nội
- Từ 16/02/2021 - nay (17 ngày) không ghi nhận ca mắc mới.
- Cộng dồn giai đoạn 4 (từ ngày 27/01/2021 đến nay), ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng, chưa có trường hợp tử vong.
- Hiện nay toàn bộ 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội đã kết thúc phong tỏa.
4. Dự báo trong thời gian tới
Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ đối với Thành phố vẫn ở mức cao bởi các lý do:
- Dịch bệnh trên Thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các chuyên gia vẫn nhập cảnh vào Việt Nam, hoạt động nhập cảnh trái phép còn diễn ra tại một số địa phương.
- Tại Việt Nam, vẫn ghi nhận thêm ca mắc tại Hải Dương và kể từ 0h ngày 03/3/2021 tỉnh Hải Dương đã kết thúc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg nên người dân Hải Dương có thể đi đến các tỉnh thành khác và có thể có nguy cơ khi những người này có mang mầm bệnh mà không có triệu chứng.
- Trong thời gian tới khi nới lỏng các biện pháp so với giai đoạn trước, đặc biệt là các trường Đại học, cao đẳng mở cửa trở lại thì sinh viên các tỉnh sẽ trở lại Thành phố học tập nhiều hơn trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch.
Vì vậy trong thời gian tới Hà Nội có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới.
II. Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới
Hiện nay dịch bệnh trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm từ nguồn nhập cảnh và trong cộng đồng, vì vậy để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế xã hội, UBND Thành phố đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố, trong đó thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và phối hợp thực hiện, tránh tâm lý lơ là chủ quan, xác định công tác phòng chống dịch còn lâu dài. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đặc biệt là việc khai báo y tế và đeo khẩu trang.
Chỉ đạo kiểm soát các trường hợp từ 4 địa phương ở Hải Dương (thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và Cẩm Giàng) và các địa phương còn xuất hiện các ổ dịch khác trở về Hà Nội để kịp thời có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà đảm bảo đúng quy định.
Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR Code trên toàn bộ địa bàn hoàn thành chậm nhất ngày 05/3/2021. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện khai báo y tế tại trụ sở cơ quan, cơ sở kinh doanh - giao dịch, nhà hàng, các tổ chức khác liên quan các dịch vụ.
Duy trì công tác giao ban, hoạt động của Ban Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã định kỳ; thực hiện tốt việc kiểm soát công tác cách ly tập trung, không để lây chéo trong khu cách ly, lây nhiễm ra ngoài cộng đồng phát huy vai trò các Tổ COVID cộng đồng; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, phát hiện và xử phạt những cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định.
2. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố (Sở Nội vụ), Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội căn cứ tình hình dịch bệnh của Thành phố và các địa phương, căn cứ vào sự chuẩn bị của các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp Thành phố, cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để chủ động quyết định thời gian mở cửa trở lại, đón khách nhưng tuyệt đối không tổ chức các hoạt động lễ hội; với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh đầu năm của Nhân dân, cần có sự sắp xếp phù hợp về quy mô, khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung tổ chức các nghi lễ tôn giáo, thuyết giảng ... dưới hình thức Online trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình..., chia nhỏ quy mô cuộc lễ, vừa đảm bảo sự tôn nghiêm vừa thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch: Đo thân nhiệt; khử khuẩn; thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc; đứng giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người, bắt buộc khai báo y tế bằng mã QR Code.
Nếu đầy đủ các điều kiện về công tác phòng chống dịch tại cơ sở tôn giáo, các di tích, xem xét cho phép mở cửa các cơ sở tôn giáo, di tích trên địa bàn Thành phố từ ngày 08/3/2021 theo phân cấp quản lý nhà nước.
Sở Văn hóa Thể thao, Sở y tế, huyện Mỹ Đức thống nhất phương án hướng dẫn công tác tổ chức các hoạt động tại di tích Chùa Hương, huyện Mỹ Đức đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch của Thành phố và Trung ương.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm quy định; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm quy định pháp luật và Thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Tôn giáo Thành phố (Sở Nội vụ) chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc trách nhiệm quản lý.
3. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện, xử trí sớm các trường hợp mắc.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường việc phân luồng, khám sàng lọc, xét nghiệm để phát hiện kịp thời ca bệnh. Tổ chức xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa phòng có yếu tố nguy cơ.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai việc tiêm vắc xin theo Kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Y tế.
4. Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý chỉ đạo các đơn vị, cơ sở trực thuộc thực hiện các nội dung:
- Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở trực thuộc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố; chủ động xây dựng kịch bản chi tiết, triển khai các biện pháp tại nhà trường, cơ sở giáo dục khi học sinh, học viên, sinh viên đi học trở lại học tập: khử khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế bằng QR Code, cài đặt ứng dụng Bluezone, NCovi, nắm bắt chắc số lượng học sinh, sinh viên quay trở lại từ các vùng dịch để phục vụ giám sát dịch tễ tại cộng đồng. Tổ chức các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Nhà trường, cơ sở giáo dục phải có khu vực cách ly, xây dựng phương án sẵn sàng trong trường hợp xuất hiện ca nghi ngờ COVID-19 và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để kịp thời xử lý.
5. Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương, Thành đoàn Hà Nội về đề nghị nới lỏng một số hoạt động của Thành phố trong điều kiện bình thường mới, UBND Thành phố giao:
Sở Giao thông vận tải hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian triển khai từ 0h00 ngày 08/3/2021.
Sở Văn hóa và Thể thao, Thành đoàn Hà Nội quyết định việc tổ chức các giải đấu thể thao, các sự kiện chính trị theo hướng quy mô phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, thời gian triển khai từ ngày 08/3/2021.
Sở Công thương tiếp tục triển khai các sự kiện để thực hiện nhiệm vụ, biện pháp kích cầu nội địa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm của Thành phố và liên kết vùng, triển khai các chương trình đã được thành phố phê duyệt, thời gian bắt đầu từ 15/3/2021.
Các đơn vị chủ động tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định, biện pháp vê phòng chống dịch theo lĩnh vực, ngành được phân công, xử lý các trường hợp vi phạm.
6. Đề nghị các sở ngành, các địa phương tiếp tục xây dựng giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế vẫn đáp ứng phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ và Thành phố.
Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố kết quả thực hiện các nội dung kết luận nêu trên./.
Nơi nhận: | TL. TRƯỞNG BAN |