Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ CHUẨN BỊ NỘI DUNG HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN CỦA CHÍNH PHỦ VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VỀ THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH; THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG; HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI; BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19

Ngày 08 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về chuẩn bị nội dung Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Sau khi nghe các Bộ, cơ quan báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19 thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, các ngành với nhân dân nhằm ổn định đời sống nhân dân, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trên tinh thần mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, doanh nghiệp đều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các thành phần yếu thế của xã hội có cuộc sống tối thiểu cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19 (Nghị quyết), với các cơ chế, chính sách tốt nhất trong điều kiện và nguồn lực cho phép, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và tạo đà cho các năm tiếp theo, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, doanh nghiệp theo tinh thần quyết liệt, quyết tâm và trách nhiệm cao.

Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan tập trung hoàn thiện báo cáo; chuẩn bị bài trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện, trên tinh thần tiếp thu ý kiến các đại biểu tại cuộc họp; trong đó đánh giá khái quát và cô đọng về tình hình của dịch bệnh trong nước và quốc tế; nhấn mạnh hầu hết các quốc gia đều đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái; khái quát tình hình kinh tế - xã hội trong nước trong bối cảnh suy thoái toàn cầu; tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực suy giảm; nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô, doanh thu giảm, thua lỗ, phá sản. Vì vậy, cần có Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Báo cáo của các Bộ, cơ quan tại Hội nghị phải thổi luồng gió mới, quyết tâm mới để khởi động một thời kỳ khắc phục, vươn lên mạnh mẽ, vượt qua khó khăn, tác động của dịch bệnh, trong đó lưu ý các nội dung sau:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chuẩn bị báo cáo về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ứng phó dịch Covid-19 và dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để Hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến và sớm ban hành sau Hội nghị, trong đó nêu rõ các giải pháp nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

b) Đối với giải ngân vốn đầu tư công: (i) Nêu rõ yêu cầu, nhận thức trong toàn quốc; các cấp, các ngành phải giải ngân hết vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng số vốn gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD, không để dồn lại cuối năm như những năm trước đây; (ii) Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo tinh thần Bộ ngành nào, cơ quan nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải trực tiếp kiểm điểm trách nhiệm; nếu đến tháng 9 năm 2020 dự án nào không giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang cơ quan, đơn vị khác.

c) Khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn của du lịch và đầu tư với môi trường đầu tư thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, xem xét việc kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách tài khóa năm 2020 khi thấy cần thiết.

2. Bộ Tài chính:

a) Nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước, nhất là thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó nêu rõ các nhóm giải pháp và số liệu cụ thể như giảm giá điện, giá nước, giá viễn thông, giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế, phí...

b) Tính toán cụ thể và có phương án về xử lý nguồn trong bối cảnh giảm thu ngân sách nhà nước do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành suy giảm.

c) Đảm bảo kinh phí cho phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo nguồn cho an sinh xã hội; trong đó nhấn mạnh biện pháp tiết kiệm triệt để chi tiêu ngân sách nhà nước, chi thường xuyên (hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...)

d) Tính toán thêm các nguồn bổ sung như vay từ các gói hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo nguồn cho cân đối ngân sách nhà nước và bổ sung nguồn cho phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Tiếp tục thực hiện hiệu quả; đồng thời nghiên cứu mở rộng gói hỗ trợ tín dụng hơn 300 nghìn tỷ theo tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp, công khai, công bằng, minh bạch; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm lãi suất cả các khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

b) Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ: lãi suất, tín dụng, tỷ giá, cung ứng tiền... để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng.

4. Bộ Công Thương:

a) Quán triệt tinh thần tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, đẩy mạnh triển khai và khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại, sẵn sàng cung cấp nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng cao, giá cả phù hợp, đảm bảo đủ số lượng trong điều kiện dịch bệnh; đẩy mạnh thương mại điện tử, chú trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước, bảo đảm các khâu phân phối, lưu thông.

b) Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm, nhất là các dự án điện, năng lượng, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và đời sống; kêu gọi, thu hút phát triển các dự án mới.

c) Cơ cấu lại các ngành sản xuất, thị trường với phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, bền vững hơn, đặc biệt áp dụng mạnh mẽ công nghệ số hiệu quả, an toàn. Thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quán triệt tinh thần nông nghiệp, nông thôn là nền tảng để ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, trong đó xác định rõ sản lượng gạo vụ hè thu sắp tới, không để thiếu gạo, đồng thời đề ra các giải pháp mới như thúc đẩy chăn nuôi, thủy sản, cung ứng nông sản và các vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay; tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn, tăng cường quản lý giá thịt lợn, giảm khâu trung gian như chợ đầu mối, lò mổ...; xuất khẩu gạo có kiểm soát, gỡ thẻ vàng thủy sản, mô hình phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới...

6. Bộ Giao thông vận tải báo cáo những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách, trong đó có các dự án chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan nếu không hoàn thành nhiệm vụ; làm chậm, thiếu trách nhiệm.

7. Bộ Công an báo cáo các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, tập trung các giải pháp phòng chống các hành vi trộm cắp, cướp giật, mất an ninh trật tự, tội phạm hình sự phát sinh... đặc biệt là các hành vi chống phá của thế lực thù địch lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay; đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng.

8. Bộ Lao động - Thương binh Xã hội báo cáo ngắn gọn về việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ đã được báo cáo cấp có thẩm quyền; trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, công khai, minh bạch gắn với kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; có thông báo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính xác, kịp thời cho các địa phương.

9. Tổ chức thực hiện:

a) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thường xuyên đánh giá, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, các Bộ liên quan trực tiếp, đặc biệt là về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

b) Quan tâm đến tình hình sản xuất, kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung, phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân; có các giải pháp thúc đẩy đầu tư xã hội, đầu tư khu vực tư nhân theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; tận dụng cơ hội thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

c) Các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chủ động các giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN;
- Tổ Tư vấn kinh tế của TTgCP;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý Thủ tướng, các Vụ: TH, ĐMDN, NC, QHQT, KGVX, PL, CN, NN, TKBT, KSTT, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH(3),

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng